Mảnh đất Sơn Tây được du khách đi du lịch Hà Nội biết đến bởi nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như: hồ Đồng Mô, thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, đền Và, chùa Mía… Trong đó, Thành cổ Sơn Tây nằm ngay tại trung tâm thị xã Sơn Tây và được coi là lá phổi xanh của Thị xã Sơn Tây.
Thành cổ Sơn Tây hình tứ giác có chu vi 326 trượng (khoảng 1. 306,8m). Tường thành được xây bằng gạch đá ong chạy theo đường gãy khúc, nhưng tổng thể có hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 400m, tường thành cao 1 trượng 1 thước (khoảng 4,4m). Mỗi đoạn tường thành đều có một góc lồi để từ vị trí nào cũng có thể phòng thủ, đánh trả địch. Trên tường thành có các lỗ châu mai. Bao quanh phía ngoài thành là hào nước sâu 1 trượng (4m), rộng tới rộng 7 trượng (26,8m) và dài khoảng 448 trượng (khoảng 1. 792m), được nối ra sông Tích Giang tại góc thành phía Tây Nam (bởi cống Ba Quân), bốn mặt thành có các cổng vòm bằng gạch. Song song với việc xây thành, nhiều công trình kiến trúc quan trọng, có giá trị nghệ thuật cũng đồng thời được xây dựng như: Vọng cung, Kỳ đài, cổng Vọng Cung (Đoan Môn)… Đó là những công trình thể hiện nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống, thể hiện sự sáng tạo của các nghệ nhân xưa.Thành có bốn cửa đều được xây bằng gạch cổ, quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông, có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu. Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và Hậu, theo hướng Bắc Đông Bắc - Nam Tây Nam. Cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung, Cửa Hậu hướng ra phố Lê Lợi, Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ và Cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo.
Mỗi cổng ở phía trên đều có lầu canh (Vọng lâu) và chỉ có một lối ra vào; phía ngoài có đắp Dương mã thành (còn gọi là mang cá) hình chóp nón chắn phía ngoài của thành.
Năm 1469, trấn sở Sơn Tây đóng ở làng La Phẩm tổng Thanh Lãng huyện Tiên Phong phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội), thời đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên.Đến thời Lê Cảnh Hưng, trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc Đường Lâm)Năm 1822, vua Minh Mạng cho xây thành theo kiến trúc Vauban, nằm giữa thị xã Sơn Tây, trên phần đất của hai làng cổ là Thuần Nghệ và Mai Trai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 42 km Thành cổ này, trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 19, là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn (với những nhân vật lãnh đạo như: Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc,...) giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp. Thành thất thủ vào tay quân Pháp ngày 16 tháng 12 năm 1883.Ngày 16 tháng 5 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định xếp hạng di tích thành Sơn Tây và giao trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Viện Bảo tàng lịch sử trung ương Pháp) quản lý.Ngày 26 tháng 5 năm 1946, sau khi thăm Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt và nói chuyện với đồng bào ở thành cổ Sơn Tây.Tháng 12 năm 1946, một cuộc họp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra ở đây.
Ngày 15 tháng 10 năm 1994 Thành Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994. Ngày nay, tòa thành này vẫn còn tồn tại ở trung tâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội và trở thành một di tích lịch sử và kiến trúc quân sự.
hay lắm . Bn thiệt là best ( cấp so sánh cao nhất của good )