Một trong những thử thách khó khăn nhất của loài người kể từ khi xuất hiện chính là thiên nhiên. Và kể từ lúc ấy, con người luôn khao khát làm chủ được vạn vật. Tới ngày nay, từ đỉnh núi Everest cao nhất thế giới đến khe nứt Maria sâu thẳm dưới lòng Thái Bình Dương, từ sa mạc Shahara với biên độ nhiệt lên tới hơn 60oC trong ngày đến Bắc Cực không bao giờ biết tới mùa hè..., tất cả đều đã có dấu chân con người. Làm chủ thiên nhiên thật khó, nhưng không phải là không thể. Tuy nhiên, có những khó khăn gây ra bởi chính con người thì thật sự không dễ dàng. Ý thức được điều đó, M.Go-rơ-ki đã nói "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương".
Bắc Cực không phải là một lục địa, vị trí bao trọn từ 60o đến 90o vĩ Bắc mang lại cho nó cái giá lạnh ngăn cản và thách thức bất cứ ai muốn đặt chân đến nơi đây. Nhiệt độ trung bình năm luôn dưới 0oC, băng tuyết dày vĩnh cửu đông cứng và những trận bão tuyết trên 200km/h luôn sẵn sàng ập tới nơi đây bất cứ lúc nào. Nhưng đó vẫn chưa phải điều tồi tệ nhất. Nhắc tới Bắc Cực, người ta run lên bởi cái lạnh của nó, một cái lạnh được gợi tới như những nhát dao vô hình. Mạnh mẽ và ầm ĩ, cái lạnh cắt da cắt thịt cứ xâm chiếm làm nhiều người phải gục ngã, khiếp sợ...
Nhưng đó đã là nơi lạnh lẽo nhất chưa? Chưa! Thật may mắn vì kỉ băng hà đã qua và trước khi nó quay lại trong vài tỉ năm nữa, chúng ta không tội gì phải đến Bắc Cực nếm thử cái lạnh cùng cực kia. Hãy cứ ở trong nhà cùng lò sưởi và một ly cà phê ấm nóng nếu mùa đông có gõ cửa. Tuy nhiên điều đó cũng không giúp bạn tránh khỏi một cái lạnh còn hơn cả Bắc Cực, nhất là khi cái lạnh đó xuất phát từ con tim.
Như tác giả V.Huy-gô trong tác phẩm kinh điển "Những người khốn khổ" đã từng viết "Trên đời này chỉ có một việc duy nhất, đó là yêu thương nhau, thế thôi". Đó là việc duy nhất! Thế nhưng có rất nhiều người bất hạnh lại phải sống mà thiếu vắng tình thương yêu ấy. Nếu như những cơn gió cắt vào da thịt người ta ở Bắc Cực, thì ở nơi thiếu vắng tình thương, nỗi cô đơn tha hồ vùng vẫy, gặm nhấm trái tim người ta. Và nỗi đau đó, thực sự là vượt quá sức chịu đựng của bất kì ai. Và nếu ta không kịp thời quan tâm tới họ, thật khó để cứu họ thoát khỏi nơi lạnh lẽo đó. Nỗi buồn cô đơn lạnh lẽo vì thiếu tình thương sẽ còn dai dẳng đeo bám họ. Quả thực không có cái lạnh nào có thể so sánh với cái lạnh ở nơi không có tình yêu thương.
Cô bé bán diêm với hình ảnh đáng thương, đi chân đất, mặc quần áo mỏng manh đi trong đêm Nô-en băng giá chính là minh chứng rõ nhất cho nỗi đau thiếu yêu thương. Những tưởng việc phải đi bán diêm trong đêm lạnh đã là quá sức đối với bất cứ ai, nhưng với em thì không. Em không sợ phải đi trong đêm lạnh ấy, mà em sợ về nhà. Kể từ khi mẹ và bà qua đời, em đã mất đi hơi ấm của tình yêu thương. Người bố vô tâm đã làm đóng băng trái tim bé nhỏ ấy. Nỗi đau thiếu yêu thương như những rễ cây nhỏ li ti, xuyên ngang và làm rạn nứt tâm hồn em. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau này? Đêm Nô-en đã trở thành ác mộng. Que diêm cuối cùng được quẹt lên, không phải để sưởi ấm đôi bàn tay đã đóng băng, mà là để sưởi ấm trái tim sắp tắt. Con người ta quả thực không thể sống mà thiếu tình yêu thương!
Ngày nay, vì nhiều lí do khác nhau mà có quá nhiều người phải sống ở nơi thiếu vắng tình yêu thương, họ cần nhận được sự giúp đỡ của xã hội cả về vật chất và tinh thần. Và mỗi chúng ta, hãy quan tâm và yêu thương những người xung quanh nhiều hơn. Vì ai cũng có sẵn yêu thương và ai cũng cần điều đó. Biết đâu, ai đó hàng ngày vẫn tươi cười mà hàng ngày lại đang phải chịu đựng nỗi đau đơn độc? Chỉ có yêu thương mới cứu vớt được những trái tim cô đơn!
M.Go-rơ-ki đã thật tài tình khi thức tỉnh những người dân Nga về tầm quan trọng của tình yêu thương dưới thời bạo hành của Nga hoàng. Đó mãi mãi là câu nói bất hủ của mọi thời đại cho mọi dân tộc trên thế giới. Tôi cần, bạn cần, tất cả mọi người đều cần tình yêu thương, bởi đơn giản một điều "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương".
Trong lòng mẹ
1. Nhân vật bé Hồng
a. Cảnh ngộ đáng thương và nỗi buồn của bé Hồng
- Bố mới mất, mẹ tha hương cầu thực
- Sống giữa sự ghẻ lạnh, cay nghiệt của người cô, một người luôn tìm cách gieo vào đầu Hồng những suy nghĩ không tốt để Hồng từ bỏ, ruồng rẫy người mẹ của mình
- Sống trong nỗi cô đơn và niềm khát khao tình mẹ
b. Tình thương yêu mãnh liệt đối với mẹ
- Lúc nào cũng nghĩ đến mẹ và thông cảm với mẹ: khi cô hỏi ngọt nhạt ⇒ cúi đầu không đáp; từ chối cô, luôn nghĩ đến mẹ.
- Không dao động, không suy giảm tình cảm kính yêu dành cho mẹ.
- Vô cùng đau đớn, phẫn uất khi nghe lời dèm pha, nhục mạ mẹ: khi cô mỉa mai mẹ ⇒ nghe như sát muối vào lòng, đau đớn, tủi nhục, xúc động vì thương mẹ
- Ghét những hủ tục phong kiến: khi nghe cô kể về mẹ ⇒ dồn dập oán hờn, kìm nén nỗi xót xa, căm ghét cổ tục phong kiến.
c. Cảm giác của bé Hồng khi được ở trong lòng mẹ
- Chạy đuổi theo xe với cử chỉ vội vã, lập cập; bối rối gọi “Mợ ơi!”.
- Chân ríu lại, lên xe ngồi cạnh mẹ, nhận được sự âu yếm vỗ về của người mẹ thì òa lên khóc nức nở ⇒ niềm dỗi hờn mà hạnh phúc, tức tưởi mà mãn nguyện
- Gặp mẹ, với Hồng “khác nào ảo ảnh dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc”
⇒ Niềm xúc động mạnh mẽ của Hồng khi đột ngột gặp lại mẹ
- Cảm nhận mẹ vẫn tươi như ngày nào, cảm giác ấm ấp mơn man khắp da thịt, niềm ngây ngất sung sướng khi ở trong lòng mẹ và ước ao mình nhỏ lại
⇒ Cảm nhận của bé Hồng về tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng khi gặp mẹ
2. Nhân vật người cô
- Đối xử với BH không thật lòng:
+ Bên ngoài tỏ ra dịu dàng, thân mật: “cười”, nói giọng ngọt ngào, xưng hô “mày tao”
+ Lời nói mỉa mai mẹ BH, làm tổn thương tình cảm mẹ con nhằm gieo rắc hoài nghi để BH khinh miệt, ruồng rẫy mẹ
- Là người cay nghiệt thâm độc, luôn gây ra nỗi đau cho người khác.
Cô bé bán diêm
Luận điểm 1: Phần đầu tác phẩm khắc họa hình ảnh cô bé bán diêm trong đêm giao thừa.
- Mở đầu tác phẩm là hoàn cảnh của cô bé bán diêm: nhà nghèo, mồ côi mẹ, chân đất, bụng đói. Dưới trời rét mướt của đêm giao thừa, cô vẫn phải lang thang đi bán diêm kiếm tiền.
- Tác giả xây dựng nên 2 hoàn cảnh đối lập nhau
+ Một bên là khung cảnh đêm giao thừa: nhà nhà snasg rực ánh đèn, sực nức mùi thơm của thức ăn.
+ Một bên là hình ảnh cô bé “ngồi nép trong góc tường”, “mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn”, “đôi bàn tay cứng đờ ra” . Đến cả ngôi nhà tồi tàn của cô hiện tại cũng không thể chắn nổi từng đợt gió rét cắt da cắt thịt
⇒ Sự đối lập ấy đã nhấn mạnh hoàn cảnh đáng thương, khổ sở của cô bé khi vừa phải chịu cái rét, vừa phải chịu cái đói, đau buốt chân tay. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy được phần nào sự vô cảm, thờ ơ của xã hội khi không có ai đưa tay ra giúp đỡ em khỏi đêm rét buốt đó.
Luận điểm 2: Hiện thực và mộng tưởng trong ánh mắt trẻ thơ của cô bé
- Giữa cái giá rét, cô bé quyết định quẹt diêm để sưởi ấm cho chính mình. Mỗi lần quẹt diêm là một ước mơ giản dị, chân thành và đầy ngây thơ của cô bé:
+ Lần quẹt thứ 1: cô mơ thấy một lò sưởi to ⇒ ước được sưởi ấm, thoát khỏi cái giá rét
+ Lần quẹt thứ 2: cô mơ thấy một bàn ăn thịnh soạn với những món ăn hoành tráng ⇒ ước được ăn no, thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
+ Lần quẹt thứ 3: cô nhìn thấy cây thông Nô-en thật to và đầy màu sắc ⇒ ước được đón lễ giáng sinh như bao người khác
+ Lần quẹt thứ 4: bà hiện ra ⇒ ước được đoàn tụ với người bà thân yêu của mình.
- Mỗi lần quẹt diêm là một khung cảnh trong mơ hiện ra trước mặt cô bé, nhưng những giấc mộng đó chỉ kéo dài trong vài giây và sau khi diêm tắt, mọi thứ lại trở về với tối tăm, rét mướt, đói khổ. Sự đan xen giữa mộng tưởng và hiện thực như một nhát dao cứa vào lòng người đọc khi cảm nhận được nỗi bất hạnh, sự cô đơn, lạc long của cô gái bé nhỏ giữa xã hội.
- Ở lần quẹt diêm thứ 4, cô đã nhất quyết níu tay người bà và cầu xin bà cho cô đi cùng. Đây được coi là chi tiết cảm động nhất. Nó không chỉ thể hiện tình yêu, lòng quý trọng, nhớ thương của cô với người bà quá cố, mà còn là sự níu kéo lại những phút giây hạnh phúc mỏng manh duy nhất của cuộc đời, cũng là ước muốn được giải thoát khỏi khổ đau trong tâm hồn non nớt ấy.
Luận điểm 3: Cái chết của cô bé bán diêm trong đêm giá lạnh
- Cuối cùng, Chúa cũng xót thương cho số phận bất hạnh của cô bé và đưa cô về với người bà của mình nơi Thiên đường. Hình ảnh cô bé chết với đôi má hồng và đôi môi đag mỉm cười như xoáy sâu vào lòng người đọc một nỗi bàng hoàng, xúc động và một câu hỏi về sự vô tâm, vô cảm của xã hội xung quanh.
Luận điểm 4: Thành công nghệ thuật:
- Nghệ thuật kể hấp dẫn người đọc với các tình tiết hợp lí, logic, sự đan xen giữa hiện thực với mộng tưởng làm tăng thêm hiệu quả nghệ thuật và thành công cho truyện.
- Nghệ thuật khắc họa tâm trạng nahan vật và diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.