Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Đó là số phận chung - số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung, trong đó không thể không kể đến nàng Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của NGuyễn Dữ. Tác phẩm đã làm hiện hữu một bi kịch đau đớn của người con gái tài hoa bạc mệnh.
Vũ Nương không được giới thiệu chi tiết cụ thể về ngoại hình, vẻ đẹp nhưng qua câu văn mở đầu tác phẩm đã phần nào làm hiện lên hình ảnh của người phụ nữ đẹp: "Vũ Thị Thiết... vốn con nhà kẻ khó, được Trương Sinh mến vì dung hạnh nên đêm trăm lạng vàng cưới về". Bi kịch của Vũ Nương bắt đầu ngay khi mở đầu tác phẩm: nàng vốn con nhà nghèo, lấy Trương Sinh hoàn toàn xuất phát từ cuộc hôn nhân không tình yêu nhưng nàng không vì thế mà phá bỏ lề thói. Nàng vẫn hết sức giữ gìn khuôn phép, biết tính chồng hay ghen nên nàng luôn khéo léo lo mọi việc chu tất, không từng để vợ chồng phải dẫn đến thất hòa. Nhưng chiến tranh nổ ra, đây cũng là tác động khách quan đưa đến bi kịch tiếp theo của nàng.
Cuộc sống gia đình êm ấm nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Vũ Nương phải chia xa Trương Sinh vì nạn phu lính. Từ đó, nàng phải một mình chăm sóc con và phụng dưỡng mẹ già. Người mẹ vì quá thương nhớ con mà lâm bệnh rồi không lâu sau thì qua đời. Vũ Nương không chỉ chăm sóc bà chu đáo lúc ốm đau mà còn lo ma chay chu tất. Với bé Đản, nàng là một người mẹ hiền đảm đang. Vì thương con, muốn cho con được sống trong sự đủ đầy tình thương của cả cha và mẹ mà Vũ Nương thường trỏ cái bóng của mình trên vách và bảo đó là cha Đản. Nhưng bi kịch của nàng cũng vì thế mà nảy sinh.
Mãn hạn lính, Trương Sinh trở về nhưng nhà cửa tiêu điều, mẹ đã mất. Đứa con thì vì xa cách lâu ngày mà không nhận cha. Bé Đản nói: "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Nhưng ông lại biết nói, không như người cha trước đây, đêm nào ông ấy cũng đến. Mẹ Đản đi cũng đi. Mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng không bao giờ bế Đản cả." Lời nó ngây thơ vô tội ấy của bé Đản đã khiến Trương Sinh nổi máu ghen, hồ đồ, tìm cách mắng chửi và đuổi nàng đi. Dù cho Vũ Nương có gặng hỏi và hết lời giải thích nhưng Trương Sinh đều không nghe. Như thế, bi kịch của Vũ Nương nói riêng và người phụ nữ nói chung trong xã hội phong kiến không chỉ là phải sống theo những khuôn phép lề thói mà còn phải chịu những bất công ngang trái, không được tự ý quyết định cuộc đời của chính mình.
Vũ Nương không còn cách nào khác là chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch. Nàng trẫm mình dưới bến Hoàng Giang nhưng không chết mà được Linh Phi cứu và trở thành cung nữ sống dưới thủy cung, ngày ngày sống chốn tiên càng, làng mây cung nước. Không lâu sau, nàng gặp lại người làng là Phan Lang được Linh Phi trả ơn khi được nằm mộng và cứu rùa xanh - con vua thủy tề. Vì thế mà Vũ Nương có nhờ Phan Lang đưa cho Trương Sinh một chiếc trâm vàng để chàng nếu có hối thì lập tràng giải oan. Trương Sinh tuy mới đầu không tin nhưng sau đó khi thấy tín vật thì lập đàn tràng và gặp lại Vũ Nương. Nàng hiện về trong cờ hoa võng lọng nhưng chỉ đứng giữa bến mà nói vọng vào: "Cảm tạ tình chàng,... thiếp chẳng thể trở về chốn nhân gian được nữa". Như thế, cái kết vừa là kết thúc có hậu lại vừa tạo nên bi kịch cho câu chuyện. Vũ Nương bị oan khuất thì tất được giải oan nhưng chế độ phong kiến còn đó, những hủ tục bất công lạc hậu còn đó, những người hồ đồ độc đoán như Trương Sinh còn đó thì Vũ Nương dù có hiện về cũng chẳng thể được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.
Chỉ qua nhân vật Vũ Nương thôi ta cũng phần nào thấy được số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bên cạnh đó còn nhiều những mảnh đời khác, như số phận nàng Kiều chịu kiếp 15 năm đoạn trường lưu lạc sóng gió, như thân phận chịu làm lẽ "kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng" như Hồ Xuân Hương, như thân phận tài hoa bạc mệnh của nàng Tiểu Thanh trong "Độc Tiểu Thanh kí" hay những nàng kĩ nữ đánh đàn lúc đêm khuya,.... Đó đều là những người phụ nữ đẹp, tài hoa nhưng bạc mệnh, chịu kiếp sống long đong chìm nổi, thậm chí là cái chết. Qua số phận những nhân vật phụ nữ tài hoa bạc mệnh này, các tác giả đều hướng tới bày tỏ niềm cảm thương, trân trọng với họ và cũng thể hiện thái độ tố cáo, lên án xã hội bất công, chiến tranh phi nghĩa đã gây nên những bi kịch cho con người.