Ngày Tết đối với người dân Việt mang một ý nghĩa thiêng liêng, làm mới lại mọi việc. Quanh năm suốt tháng, mọi người đều phải lo làm ăn để kiếm sống, cho nên dù cách xa đến mấy, họ cũng cố gắng trở về để cùng đón Tết với gia đình. Tất cả các thành viên trong gia đình đều cùng nhau chuẩn bị cho ngày Tết. Các mẹ, các chị thì lo việc bếp núc, cỗ bàn, còn những người đàn ông, con trai thì lo quét dọn nhà cửa, vườn tược, bàn thờ gia tiên cho trang nghiêm, sạch đẹp.
Ngày thường, rất hiếm khi tất cả các thành viên trong gia đình có mặt đông đủ. Chỉ có ngày Tết mọi người trong gia đình mới có cơ hội để quây quần bên nhau, cùng ăn cơm với nhau và cùng nhau hàn huyên tâm sự, sẻ chia với nhau. Do vậy, ngày Tết là ngày của sự đoàn tụ, là ngày để mọi người trở về với gia đình của mình. Từ rất xa xưa, người Việt chúng ta đã biết thờ cúng ông bà, tổ tiên của mình. Dù có nghèo khó đến mấy, mọi gia đình đều cố gắng sắm sửa một vài mâm cổ để cúng ông bà, tổ tiên, mời ông bà tổ tiên cùng về đón Tết với con cháu. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của những người con đất Việt, nhắc nhở mọi người nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, làm cho lòng hiếu thảo trong mỗi người con được tiếp thêm sức mạnh, được nuôi lớn không ngừng.
Cùng với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, những nét văn hoá truyền thống của Việt Nam cũng đang dần bị ảnh hưởng và mai một bởi yếu tố ngoại lai. Ngày nay nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên, có thể đáp ứng ngay không cần phải đợi đến ngày Tết, chính vì vậy, ngày Tết không cần thiết phải có đủ: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Hơn nữa những ngày lễ trên thế giới đang dần đi vào cuộc sống của mỗi người dân, đặc biệt là giới trẻ. Giới trẻ bây giờ dường như ngày càng thích thú hơn với các ngày Tết Dương Lịch, lễ Giáng Sinh, Lễ Tình yêu hơn là những ngày Tết truyền thống.
Trong đời sống hiện đại, việc sắm Tết cũng bị ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Ngày nay, nhiều gia đình chọn cách mua đồ sẵn ở chợ thay vì mua thực phẩm về tự chế biến. Việc chuẩn bị Tết của gia đình cũng không còn như xưa, đặc biệt là ở các thành phố, việc sắm Tết trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều, cái gì cũng làm sẵn, cũng bán sẵn, cũng có sẵn để mua. Chỉ cần ngày 28, 29 Tết, các gia đình đi một vòng quanh chợ hay siêu thị là có thể sắm được đủ thứ cần thiết... Mâm cỗ ngày Tết giờ cũng phong phú hơn và đa dạng hơn. Bên cạnh những món ăn truyền thống của người Việt như: giò, chả, nem, bánh chưng, thịt đông, gà...còn có những món ăn được du nhập từ Phương Tây như: salát, bò bít tết, súp, mỳ Ý...
Quan niệm về Tết trong thời kỳ hiện đại cũng có nhiều biến đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến tinh thần nhiều hơn. Đối với nhiều người hiện nay, Tết không hẳn là dịp trở về quê, hay ăn Tết tại gia mà là dịp để thực hiện những chuyến đi ngắn: đi du lịch, đi nghỉ trong nước và ngoài nước, khám phá những vùng đất mới, đi lễ cầu may, đi thăm bè bạn nơi xa...
Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này. Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai, bởi vậy, mỗi người dân dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài cần bảo tồn và phát huy những nét truyền thống văn hóa của Tết Việt. Đồng thời cũng cần phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hoạt động mê tín dị đoan; nạn cờ bạc, rượu chè; các lễ hội phản cảm, tốn kém; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội.
Giữ gìn vẻ đẹp Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai của mỗi con người./.