1. Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong chẩn đoán bất thường phôi thai, bệnh di truyền, bệnh ung thư
Các bất thường trên gene gây các bệnh nguy hiểm trong lúc mang thai. Bệnh di truyền và bệnh ung thư đã được chẩn đoán chính xác nhờ các kỹ thuật sinh học phân tử. Một số kỹ thuật gồm khuếch đại gene, giải trình tự gene, phân tích sự đa hình, phân tích nhiễm sắc thể, … Các bệnh thường gặp gồm: bệnh Thalassemia, hội chứng Down, bệnh Hemophilia, đột biến ở các gene AZF gây hiếm muộn ở nam do mất khả năng sản sinh tinh trùng, đột biến ở gene egfr và krasdẫn đến sự kháng thuốc ở bệnh nhân ung thư dạ dày – tá tràng. Việc chẩn đoán này đã giúp hạn chế các trẻ sơ sinh bất thường, sàng lọc bệnh nhân ung thư kháng thuốc, tư vấn sinh con và hôn nhân, dự báo trước khả năng bị bệnh ở trẻ em trong gia đình của những người không may mang đột biến gene.
2. Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử trong giám định Pháp y
Các kỹ thuật sinh học phân tử đã được các nhà khoa học ứng dụng tốt vào giám định pháp y về xâm hại tình dục, dấu vết sinh học, xác định quan hệ huyết thống (bao gồm xác định hài cốt liệt sĩ).
3. Thụ tinh nhân tạo
Sự hiếm muộn do nhiều nguyên nhân ở cả nam lẫn nữ. Nhờ sự can thiệp của công nghệ sinh học trong sinh sản gồm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, vi tiêm tinh trùng vào trứng, … các nhà khoa học và bác sĩ đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình. Nhiều đứa trẻ Việt Nam đã được ra đời nhờ thụ tinh nhân tạo.
4. Sản xuất thuốc đặc trị nhiễm vi rút
Interferon được biết đến như một nhân tố tự nhiên của cơ thể được các tế bào sản xuất ra để chống lại vi rút (ví dụ vi rút viêm gan C). Nhờ công nghệ protein tái tổ hợp, Interferon của người được sản xuất và đang từng bước được ứng dụng trên người. Ngoài ra, một số nhân tố kích thích tăng sinh tế bào tiền thân tạo máu (GM-CSF, M-CSF) cũng đã được thử nghiệm sản xuất nhờ công nghệ tái tổ hợp để ứng dụng giúp tăng sinh tế bào bạch cầu hạt sau điều trị ung thư máu.
5. Ứng dụng tế bào gốc
Tế bào gốc là những tế bào có khả năng phân chia và biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau của cơ thể. Xét về giai đoạn phát triển của cơ thể, tế bào gốc gồm tế bào gốc phôi (các tế bào ban đầu khi phôi thai được hình thành) và tế bào gốc trưởng thành (các tế bào ở giai đoạn sau sinh). Các nguồn thu nhận tế bào gốc trưởng thành gồm tủy xương, máu ngoại vi, máu cuống rốn, và mỡ. Trong đó, mỡ là nguồn cho nhiều tế bào gốc nhất nên rất được chú ý hiện nay.
Tế bào gốc đang được ứng dụng để chữa các bệnh về máu. Hàng trăm ca ghép tế bào gốc máu ngoại vị đã được thực hiện trong cả nước. Bên cạnh đó, tế bào gốc từ mỡ và các sản phẩm từ tế bào gốc đang từng bước được ứng dụng lĩnh vực thẫm mỹ chăm sóc sắc đẹp và đã mang lại hiệu quả điều trị tích cực và được khách hàng đánh giá cao.
Mặc dù khoa học thế giới đã ứng dụng ồ ạt tế bào gốc vào nhiều lĩnh vực, chúng ta cần tiếp nhận có chọn lọc để tránh những tiêu cực do sự „thần thánh hóa“ vai trò của tế bào gốc của nhiều người.
6. Sản xuất cây dược liệu và thực phẩm chức năng
Việt Nam là nước giàu về tài nguyên dược liệu. Nhiều cây thuốc quý đã được sử dụng chữa bệnh từ rất lâu đời. Nhờ sự kết hợp với công nghệ sinh học trong thực vật, di truyền chọn giống, công nghệ cao trong canh tác, nhiều cây dược liệu đã được nhân và trồng đại trà. Rất nhiều loại thực phẩm chức năng có tính điều trị và phòng bệnh ra đời mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần chăm sóc sức khỏe người dân. Đây là lĩnh vực kinh tế lớn rất được xã hội quan tâm phát triển trong tương lai.
_Tham khảo:
+ Công nghệ tế bào thực vật động vật: Mèo phát sáng, vắc xin " chuối",...
+ Công nghệ sinh học xử lí môi trường: Lợn môi trường, Cây trồng giảm ô nhiễm,...
+ Công nghệ enzym / protein: tạo ra enzym công nghiệp và protein trị liệu...
+ Công nghệ chuyển phôi: tạo ra dòng sản phẩm mới là gà chuyển gen...