Các biểu tượng của các tôn giáo lớn trên thế giới (từ trái qua phải)
Hàng 1: Kitô giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo
Hàng 2: Hồi giáo, Phật giáo, Thần đạo
Hàng 3: Sikh giáo, Baha'i giáo, Jaina giáo
Tự do tôn giáo là quyền được thực hiện các hành vi tôn giáo, theo đuổi một tín ngưỡng của một cá nhân một cách tự do. Nó được nhiều người cho là một trong những quyền tự do căn bản của con người. Quyền tự do tôn giáo tại Việt Nam được ghi nhận trong hiến pháp, ở điều 70 như sau:
Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.Theo quy định của nhà nước Việt Nam, hoạt động tôn giáo cần tuân theo hiến pháp và pháp luật. Ngày 15 tháng 11 năm 2004, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành sau khi được quốc hội thông qua. Theo pháp lệnh này, các giáo hội chủ động quyết định về nhân sự lãnh đạo giáo hội từ cấp trung ương đến cơ sở; việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm và thuyên chuyển chức sắc được các tổ chức Giáo hội thực hiện theo quy định tại hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và thông báo, đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điều 22). Cũng theo đó, tổ chức tôn giáo nào có hiến chương, điều lệ thể hiện tôn chỉ, mục đích, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và không trái với quy định của pháp luật, có tổ chức nhân sự thích ứng thì được phép hoạt động (điều 16).
Mặc dù nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được ghi vào Hiến pháp, nhưng những hạn chế của nhà cầm quyền với các tôn giáo vẫn còn gay gắt.