Nếu có ai, hay có bài văn nào đó hỏi tôi: mùa hè năm nào là đáng nhớ nhất đối với bạn, thì tôi quả quyết, mùa hè năm nay, năm 2016, là mùa hè đáng nhớ nhất; không chỉ đối với tôi mà còn cả gia đình tôi.
Mùa hè nóng bức bắt đầu bằng một sự vụ quan trọng: mẹ tôi đi đại phẫu mổ mở u xơ tử cung. Mẹ đã biết từ năm ngoái, nhưng do còn lo sợ cảnh mổ máu me nên mẹ từ chối phẫu thuật. Chính vì sự do dự ấy mà cục u đã phát triển bằng một thai nhi… bảy tháng. Bố và tôi động viên mẹ nên đi mổ ngay để tránh hậu quả sau này. Sau hôm bế giảng, tôi cùng gia đình xuống bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Mẹ tôi hồi hộp lắm. Chắc cảm giác của mẹ cũng giống như sắp đi thi, giống như tôi, nhưng có vẻ trầm trọng hơn. Nghĩ lại cũng phải, bởi mẹ đã mổ đẻ ba đứa rồi. Và cái “đứa” này là lần thứ tư. Có lần tôi nhìn thấy mẹ khóc. Vì sao mẹ khóc? Tôi thầm nghĩ. Mẹ quá lo lắng cho sự an nguy của mình? Chắc không phải. Tôi lại có một chiều suy nghĩ khác; phải chăng mẹ đang suy nghĩ cho tương lai các con mình? Chắc là thế. Mẹ khóc đỏ sưng cả mắt lên. Tôi thương mẹ lắm, nhưng chỉ biết nói mỗi câu cụt lủn : “Thôi, không sao đâu mẹ ạ, kiểu gì mẹ cũng vượt cạn thành công mà…” Nói thế có lẽ mẹ cũng vững lòng hơn đôi chút. Mẹ chỉ nhìn tôi, rồi nhìn bố tôi. Mà bố tôi cũng đâu có khỏe mạnh gì cho cam. Trong lúc nguy cấp thế này, cái chân đau do thống phong của bố cứ liên tục tái phát, dẫu từ thuốc tây này, đến thuốc nam nọ, vẫn chưa thuyên giảm. Nhưng may quá được ông trời phù hộ, chân bố không bị sưng đau quá mức vào thời gian hậu phẫu chăm sóc mẹ ở bệnh viện. Và những khoảnh khắc ở bệnh viện Phụ Sản là khoảng thời gian tôi không bao giờ quên.
Đúng ngày 28 tháng 5, mẹ tôi và gia đình đi bệnh viện. Đầu tiên, mẹ phải thay đồ bệnh viện và lấy chăn nội trú. Vừa vào phòng với các bệnh nhân khác trong phòng chờ, mẹ đã kết thân được ngay với các cô khác. Mẹ tôi là vậy, rất hòa đồng và dễ kết bạn. Nhưng tôi trông mẹ tôi trong cái bộ đồ hoa của bệnh viện mà thấy vừa buồn cười, vừa thương mẹ. Buồn cười vì mẹ mặc bộ này nhìn cứ ngộ ngộ, thương mẹ vì mẹ sắp lên bàn mổ như bao người khác đã khoác trên mình cái áo mác bệnh viện. Dẫu thế, mẹ vẫn cười thật tươi và lạc quan: “Hai bố con đợi mẹ làm xong đâu vào đấy thì vào thăm mẹ nhé!”. Mẹ tôi cười đẹp lắm, nụ cười làm xua tan cái mệt mỏi, căng thẳng của bất kì ai khi bắt gặp được nụ cười ấy. Lần đầu tiên tôi vào bệnh viện dành cho bệnh nhân nữ, tôi có cảm giác không quen, hơi ngai ngái trong người. Đi qua mình là “hằng hà sa số” những bệnh nhân nữ, cao tuổi có, trung niên có, thanh niên có, mà còn có cả thiếu niên bằng tuổi tôi… cũng có. Chung phòng bệnh mẹ tôi sau này là một bạn nữ mới mười bốn tuổi mà phải đi cắt u xơ tử cung, trẻ vậy mà… Mặc dù ở đây có nhiều bồn cây xanh chắc nhằm giải tỏa sự ngột ngạt của bệnh viện, nhưng không được hiệu quả. Tôi toàn thấy bệnh nhân lấy cái bồn cây đó để làm chỗ…nôn. Tuy đã trải nghiệm cái cảnh này nhiều trong phim kinh dị, ra ngoài đời thật vẫn thấy ghê ghê. Đến khoảng 8-9h, y tá và điều dưỡng viên yêu cầu người nhà bệnh nhân xuống tầng một chờ. Hai bố con tôi đành xuống, đợi đến giờ thăm bệnh nhân thì vào thăm mẹ, mua đồ ăn cho mẹ luôn thể.
Ca mổ bắt đầu từ lúc 10h30. Lúc ấy, tất cả người nhà bệnh nhân đều ngồi chờ ở sảnh chờ và khu siêu thị thu nhỏ ở bệnh viện. Dù đông, nhưng không quá chật chội như ở bệnh viện Phụ Sản Trung Ương. Ngồi chờ mẹ mà tôi và bố như đang ngồi trên lửa. Không quá nóng mà tôi cứ đổ mồ hôi hột. Ngay cả những người luôn giữ bình tĩnh như bố tôi cũng có cảm giác giống tôi. Hai bố con gọi một li nước mía, một li trà sữa uống giải khát chờ mẹ. Tôi nghe nói, người nhà phải đợi sáu tiếng sau khi thành công ca mổ mới được vào thăm bệnh nhân. Thế là tôi có dư dả thời gian, mà loanh quanh trong cái bệnh viện – vốn chẳng khác gì cái nhà tù này, quả thực rất chán. Đề phòng trường hợp này, tôi đã chuẩn bị 5 cuốn sách, 3 quyển tiểu thuyết, 2 cuốn truyện tranh chưa đọc. Ngồi chờ mẹ trong ngày thôi mà tôi đã ngốn xong 2 quyển truyện tranh. Vào buổi chiều, tôi chuyển sang đọc cuốn tiểu thuyết kinh dị Another của Nhật Bản, nhưng tay vẫn cầm cuốnBúp sen xanh. Hai cuốn sách nội dung không hề liên quan tới nhau, thậm chí trái ngược nhau này chắc hẳn đã gây sự chú ý của mọi người giữa phòng chờ bệnh nhân ở tầng 5. Đọc truyện kinh dị giữa bệnh viện là một trải nghiệm tuyệt vời và đáng để thử!
Nhờ những cuốn sách “dị biệt” ấy mà tôi cũng kết bạn được với khá nhiều người, mọi lứa tuổi. Chiều hôm ấy, tôi kết bạn được với một chị tên là Phương. Đầu tiên, chị nhìn thấy tôi liền hỏi giúp: “BẠN ơi, BẠN có thể giữ đồ hộ mình một chút có được không, mình xuống mua chai nước”. Nghe hai chữ BẠN mà tôi sốc. Tôi già đến thế rồi sao? Tôi miễn cưỡng trả lời “Dạ vâng”, chị ấy cười cảm ơn thật dễ mến rồi chạy xuống tầng 1. Vừa canh giữ đồ đạc cho chị ấy, vừa đọc sách, nhìn thật dị, nhưng vẫn thấy vui vì đã giúp đỡ người khác. Khi quay trở lại, hai chị em làm quen với nhau. Chị Phương giờ đang học đại học Quốc Gia Hà Nội, khoa ngoại ngữ thì phải. Nhà chị ở Đông Anh. Mặt chị tròn nhỏ nhắn trông rất là trẻ con, thanh thoát với mái tóc ngắn ngang vai đen mượt. Tôi nhớ chị ấy nhiều nhất, vì chị rất hay cười. Chị đưa tôi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái ảnh đại diện của chị. Mặt chị nhìn như một con nhóc lên 10 tuổi. Tôi hỏi lại, “Chị chụp bức này từ khi nào?”, chị trả lời : “Tuần trước em à!” Chị ấy sinh năm 1994, và lúc đầu gặp nhau, Phương cũng tưởng tôi sinh năm 1994. Sinh năm 1994 mà nhìn trẻ (con) thế! Sau đó, hai chị em nói chuyện, tâm sự với nhau đủ điều trên trời dưới đất. Phương cũng có khá nhiều điểm chung với tôi. Chị ấy cũng thích đọc sách (nhưng mà là truyện ngôn tình), và thích xem phim kinh dị. Tôi chỉ bất đồng khi Phương nói rằng chị ủng hộ sách lậu. Tôi lập tức phản bác với một bài phát biểu vì sao không nên ủng hộ sách lậu. Phương phán một câu: “Em nói chuyện như ông già!” Ôi thần linh ơi. Mình đã già (đến thế) rồi sao? , tôi lại tự hỏi bản thân. Tám chuyện một hồi, tôi mới hỏi lí do chị đến đây. Phương bảo:
- Chị đưa mẹ đến đây đi mổ u xơ tử cung.
- A, mẹ em cũng đi mổ u xơ tử cung này!
- Thế mẹ em mổ gì?
- Mẹ em mổ phanh (mổ mở) ạ.
- Thế thì nặng đấy. Mẹ chị mổ nội soi.
- May quá, thế thì cô có thể xuất viện sớm.
- Ừ…
- Thế chị có mấy anh chị em?
- Chị là con một.
- Bố chị đâu rồi?
- Bố chị mất rồi em.
Lại thêm một bất ngờ nữa, nhưng là một bất ngờ buồn. Hóa ra Phương là con một, bố qua đời không lâu. Hai mẹ con tần tảo nuôi sống nhau. Đôi vai của người mẹ phải gánh vác cả việc nhà, lẫn công việc riêng để kiếm tiền nuôi con gái rượu ăn học. Bỗng tôi cảm thấy nhớ mẹ, trong lòng man mác buồn. Hai chị em yên lặng một chút. Tôi quay sang nhìn chị. Phương vẫn cố tỏ ra cứng rắn, bình tĩnh, nhưng tôi biết chị cũng đang nóng lòng chờ mẹ đi ra khỏi phòng mổ, và trên hết là lo lắng, thương mẹ. Lúc ấy, mẹ tôi đã được đưa vào phòng hậu phẫu, có điều hòa mát mẻ. Trời này không có điều hòa làm sao chịu được, kể cả người bình thường chứ huống hồ gì bệnh nhân. Lần này, Phương bắt chuyện trước. Phương kể chuyện về mẹ và gia đình:
- Quân à, gia đình nho nhỏ của chị trông thế thôi nhưng cũng vui lắm. Nhất là mẹ chị. Mẹ chị gần tứ tuần rồi nhưng mà còn “teen” lắm. Nhiều khi chị hát rống lên, mẹ toàn bảo chị hát như “Lệ Rơi” í…
Nhắc đến hiện tượng mạng Lệ Rơi là tôi phì cười. Hai chị em lại nhìn nhau cười. Bỗng bố tôi từ phòng hậu phẫu trở ra. Tôi cất tiếng hỏi:
- Bố ơi mẹ thế nào rồi?
- Vẫn còn đau lắm….
Tôi để ý hai vết móng tay trên tay bố. Tôi gặng hỏi:
- Mẹ có ổn không ạ?
- Ôi giời. Mổ đau quá không chịu nổi đây mà. Cứ kêu đau suốt…
Mẹ đau quá không chịu được nên níu vào tay bố những vết hằn móng tay đau điếng. Bố nheo mắt nặng nhọc, từng giọt mồ hôi lăn trên má, chảy ròng ròng từ cái đầu cua của bố. Tiện đây tôi lại đề cập một vấn đề nóng ở bệnh viện: cách chữa bệnh của nhân viên bệnh viện. Cho họ nhiều tiền thì họ đồng ý cho ở phòng lạnh, chữa trị giảm đau. Không có tiền thì ngược lại. Mà cá nhân tôi thấy nhân viên ở bệnh viện khá là cục cằn, chắc bởi họ có quá nhiều gánh nặng trên vai: nào thì bệnh nhân, gia đình, chi tiêu, và cả bạn thân nữa. Sau này mẹ tôi phải ở nội trú bệnh viện suốt một tuần, mấy ngày cuối còn bị đuổi ra phòng lạnh, mà tôi không vừa lòng ở chỗ, ca của mẹ tôi là khó khăn nhất. Thế là với cái bụng đau, mẹ phải chuyển tới một phòng trọ có điều hòa tạm trú qua ngày. Tôi còn có ấn tượng, mà cũng không phải là một ấn tượng đẹp lắm, với một bác y tá ở bệnh viện, người mà đã giúp đỡ gia đình tôi (nhưng phải đưa tiền chứ đâu phải lấy không). Bác trông có vẻ ở tuổi trung niên, nhưng khuôn mặt hằn sâu nhiều dấu vết thời gian. Bác ấy khá cục cằn và, phải nói là gì nhỉ, hách dịch và trịnh thượng. Giọng bác ta trầm, sang sảng, có vẻ rất có uy lực. Hôm ấy, vào buổi trưa, tôi vào thăm mẹ, tiện thể trông mẹ luôn. Giường bệnh bên cạnh mẹ để trống, tôi thấy vậy nên ngồi ở trên đó. Cửa phòng mở ra, bác y tá bước vào, trừng trừng nhìn rồi hỏi tôi:
- A, cậu giỏi nhỉ? Cậu có muốn tôi đưa mẹ cậu ra khỏi phòng lạnh không?
Nói thế cứ như là bác ấy là chủ nhân của bệnh viện này vậy. Nghe những lời như thế tôi cảm thấy hơi khó chịu, không lọt được tai. Tôi toan nói lại, nhưng nhìn mẹ nằm liệt như thế, tôi lại thôi.
Cảm thấy lo lắng hơn bao giờ hết, tôi toan vào phòng hậu phẫu. Nhưng trước cửa đã có các y tá, hạ lệnh “người nhà không được vào phòng thăm bệnh nhân cho khi đến giờ”. 6h tối. Bụng tôi đã bắt đầu cảm thấy đói. Bố tôi đã bắt đầu những tiếng ngáp dài mỏi mệt. Thế là hai bố con đi ăn. Ăn xong, bố tôi còn thuê phòng trọ cho hai bố con ngủ đêm nay. Đó là một phòng trọ nhỏ, nhưng lại thoáng mát và sạch sẽ. Bố tôi thuê cho một phòng ở tầng hai, có trang bị điều hòa bật suốt ngày và một nhà vệ sinh chung khá rộng. Lúc đầu tôi bước vào nhà trọ, tôi có linh cảm đêm nay sẽ không ngủ được ngon (vì lạ nơi), thế mà tôi nướng đến hơn bảy giờ hôm sau mới dậy. Thế là tôi tự rút ra định luật: chỉ cần có điều hòa là ngủ đâu cũng ngủ ngon. Tôi cũng để ý rằng, những người thuê trọ ở Hà Nội rất có kỉ luật, nhất là vào ban đêm. Đến đúng giờ là họ tắt đèn đi ngủ, nói chuyện cũng rất khẽ, mà nếu có ai thức thì cũng giảm độ sáng đèn phòng riêng của mình. Một người vì mọi người mà.
Quay trở về thời điểm mẹ tôi vừa phẫu thuật xong, sau khi tìm xong phòng trọ, tôi và bố mới được vào thăm mẹ. Mẹ mặc bộ áo bệnh viện in hoa xuề xòa dài như bất tận của bệnh viện, nằm không cử động trên giường bệnh. Mắt mẹ nhắm nghiền. Nghe thấy tiếng tôi bước lại gần, mẹ mới từ từ mở mắt. Mắt mẹ hằn sâu nỗi nhọc nhằn mệt mỏi. Mẹ còn được trang bị một ống thông tiểu với một túi nước tiểu cùng một túi máu dưới gầm giường và chai truyền nước ở đầu giường. Lần đầu tiên tôi thấy mẹ ốm nặng đến thế. Vết mổ rât sâu, có thể tới hơn mười xăng ti mét. Mổ như thế mất nhiều máu lắm. Nhưng mẹ vẫn cố cười, để cho tôi an tâm. Một lúc sau, bố từ siêu thị tầng dưới mua cháo về cho mẹ ăn. Bố quả là người đàn ông của năm. Bố vừa phải trông mẹ, vừa phải trông tôi, mà tôi nghĩ tôi cũng đã đủ lớn nhưng bố vẫn quyết giữ gìn tôi cẩn thận. Bố bón từng thìa cháo trắng nhẹ nhàng cho mẹ ăn. Hơi cháo nóng phá tan cái hơi lạnh phả ra liên tục từ điều hòa. Mẹ cũng cố ăn để lại sức. Hộp cháo trắng với thịt nạc băm xay không có gì đáng kể, nhưng đã góp phần hồi sức cho mẹ. Mấy cô ngồi cùng phòng mẹ cứ nhìn gia đình tôi, cười. Tôi nắm chặt tay mẹ, thì thầm: “Mẹ ơi, mọi thứ giờ đã qua rồi. Mẹ chỉ cần hồi sức lại nữa thôi là xong.” Mẹ nhìn tôi với ánh mắt tin tưởng, trả lời dứt khoát:
- Chắc chắn là thế rồi.
Bây giờ tôi và bố thay ca nhau: buổi đêm tôi ngủ ở trọ, bố đi trông mẹ. Sáng thì bố về phòng trọ ngủ, tôi đến trông mẹ.
Nói thế thôi chứ bố vẫn đảm đương mọi việc. Buổi đêm bố thức để trông mẹ. Nhờ trời phù hộ mà không có bất cứ biến cố nào xảy ra từ lúc đó cho đến lúc mẹ tôi ra viện. Đến cái “ca” sáng của tôi thì tất cả người nhà bị đuổi ra ngoài, ngồi ở phòng chờ. Tôi cũng ngoan ngoãn ngồi ở phòng chờ, không dám đi đâu ngộ nhỡ mẹ cần gì thì làm sao đáp ứng được.
Sáng hôm sau là ngày thứ hai ở trong nhà tù, à chết bệnh viện. Ngồi ở phòng chờ tôi cứ suy nghĩ mông lung. Tôi so sánh bệnh viện chẳng khác gì nhà tù. Phòng bệnh là song sắt, người nhà bệnh nhân là thân nhân, bệnh nhân là tù nhân, và y tá, điều dưỡng viên… là quản ngục. Nhớ đến cuốnAnother trong tay, tôi lại giở đến trang mà mình đã đánh dấu, đọc tiếp. Và hôm ấy tôi đã quen một dân nghiền nghệ thuật hiện đại Nhật Bản đích thực ngay giữa lòng bệnh viện Phụ Sản. Tên anh là Dũng. Thấy trên tay tôi là cuốn truyện Nhật, anh đến làm quen. Anh cũng đến đây để mổ u cho vợ. Anh kể nhiều chuyện rất hay về tuổi thơ dữ dội của mình. Anh Dũng kể, ngày xưa anh rất thích đọc truyện tranh và chơi trò chơi điện tử, nên mắt anh mới cận thế này, và anh quả quyết sau này nhất định không cho con mình đọc truyện tranh quá nhiều khi còn bé. Ngày xưa có người khuyên tôi không nên đọc truyện tranh khi còn nhỏ, bây giờ được nghe lại, tôi cũng cảm thấy tò mò. Anh Dũng nói, đọc truyện tranh thì phần lời nhỏ, phần tranh lại to, nên mắt không ngừng điều tiết, từ đó mắt sẽ sinh cận. Tôi ngã ngửa trước sự thật này. Thực sự bây giờ tôi mới hiểu lí do đọc truyện tranh thì bị cận.
Trưa. Gia đình chị Linh đến. Linh là chị gái ruột của tôi, cùng với anh Hưng – chồng, đến thăm mẹ. Hai vợ chồng sốt sắng hỏi thăm tình hình sức khỏe mẹ và bố. Chị Linh hơn tôi 9 tuổi, là chị hai trong gia đình, có ngoại hình khả ái và tươi tắn. Chị “tình nguyện” vào chăm nom mẹ đêm nay để hai bố con về Xuân Hòa lại sức. Hai ngày đi khỏi Xuân Hòa mà cứ như hai tháng. Không khí của Xuân Hòa mát mẻ trong lành hơn hẳn cái không khí ngột ngạt trong bệnh viện Phụ Sản kia. Về nhà mà tôi với bố cũng không ngừng lo cho mẹ, không biết chị Linh có chăm sóc mẹ nổi không? Ngày xưa, tôi nghe mẹ kể, lúc mẹ vừa đẻ tôi, chị Linh còn bé, được bố giao cho trông mẹ. Đi đứng loạng choạng thế nào mà vung tay trúng bụng mẹ. Nhớ đến chuyện đó, tôi vừa buồn cười, vừa lo cho mẹ hơn. Đúng là con khỉ nghịch ngợm! (Chị tôi sinh tháng khỉ)
.
.
Ôn lại những kỉ niệm đã qua, tôi nhận ra rằng, nơi nào có dấu chân tôi là nơi đó “loạn”, đơn cử chính là cái bệnh viện Phụ Sản mẹ chữa bệnh. Hình như mọi người thấy cái việc con trai phụ giúp mẹ ở bệnh viện là hiếm thì phải, hai mẹ con tôi đi đến đâu là có người nhìn đến đó. Tôi nói chuyện với mẹ trong phòng, đùa với mẹ, đùa với tất cả mọi người ai cũng cười, nhưng không ai dám cười to vì đau bụng (vừa phẫu thuật xong). Các bác y tá cũng khen tôi và chúc mừng mẹ có đứa con trai như tôi. Lúc ấy tôi có cảm giác tự hào, và tôi tin mẹ cũng nở mũi giống tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi chăm sóc mẹ tận tay, làm những việc như lau người cho mẹ, đưa mẹ đi vệ sinh, vắt nước cam, mua đồ đạc, pha sữa cho mẹ. Cuối cùng tôi cũng được làm những việc mà tôi mong muốn được làm từ lâu. Lúc ở nhà, hôm nào tôi bày tỏ mong muốn làm việc a, việc b, thì bố mẹ luôn miệng bảo: “Con cứ chú tâm học đi. Mấy việc này để bố mẹ làm cho.” Ngày tết thiếu nhi năm con Dê kết thúc bằng câu nói của bác điều dưỡng viên với mẹ tôi:
- Cô có thằng con trai như thế này là đáng quý lắm đấy.
Tôi cũng nhớ đến những người bạn tù, à chết, những người cùng phòng bệnh với mẹ. Mỗi người có một cá tính khác nhau. Có người hướng ngoại, thích làm quen với người mới như tôi và mẹ, có người lại "cháo đa", có người lại hướng nội, cả ngày chỉ cắm mặt vào điện thoại. Thế mới biết, xã hội có rất nhiều loại người khác nhau, như mẹ tôi đã kể. Bệnh viện chỉ là một xã hội thu nhỏ, mà đã phân hóa như vậy rồi.
Ấn tượng nhất là cô người Lạng Sơn đến đây chữa bệnh. Cô có dáng mảnh mai, tóc ngang vai hửng màu nắng, khuôn mặt tươi tắn luôn nở nụ cười. Cô là người mà tôi lẫn mẹ đều yêu quý và có thiện cảm. Cô người Lạng Sơn ấy rất hay giúp đỡ người khác, mà đặc biệt là mẹ. Có hôm, cô cho mẹ tôi củ khoai nhuận tràng, có hôm cô đến hỏi thăm trò chuyện cùng mẹ, có hôm cô tặng mẹ con tôi quả cam, quả thanh mai. Những món quà dù đơn giản, nhưng cũng rất ý nghĩa đối với tôi. Hơn cả, cô là người có thiện chí. Cô được chuyển phòng khác sau khi đã bình phục hơn, và tiện thể mời mẹ tôi sang chung phòng khi nghe tin mẹ tôi sắp bị đuổi khỏi phòng hậu phẫu kia. Cô cũng rất là xì tin luôn. Tôi hay chào cô theo kiểu giơ hai ngón tay hình chữ V rồi vẫy vẫy, cô cũng bắt chước theo. Nhìn cô làm vậy, tôi không khỏi bật cười, và cũng vui nữa, lúc mà có người lại làm theo những điều mình làm (tuy rằng điều đó khá ngớ ngẩn và trẻ con). Cháu xin hẹn gặp lại cô vào lần sau!
Có những người như cô Lạng Sơn, mà cũng có những người không tốt. Ở chung phòng bệnh của mẹ tôi còn có một nữ doanh nhân. Dù nằm viện, cô ấy vẫn rất chăm chỉ - không ngừng làm việc, giao tiếp với khách hàng ngoại quốc của công ti mình. Cô ấy nói tiếng Trung rất giỏi. Nhưng giao tiếp với khách hàng giữa nơi công cộng và cần giữ trật tự như bệnh viện là không nên, vì thế, vô hình chung đã gây ác cảm với nhiều người, ngay cả bác mẹ chồng của chị gái đến thăm mẹ tôi cũng phải phàn nàn: "Cô kia là ai mà mất trật tự ghê thế!". Mẹ tôi cũng không có cảm tình lắm với người này, và cho rằng cô này "cháo đa". Mẹ kể một hôm, khi mẹ vào nhà vệ sinh, mẹ gặp cô này và hỏi chuyện để xem đã có ai vào phòng bệnh mà mẹ tôi đã chuyển ra chưa. "Phòng bệnh chật kín rồi chị ạ!" cô đáp, rồi sau đó mẹ tôi đi qua, lại chẳng thấy ai vừa vào cả. Từ đó, mẹ tôi ghét bà cô ấy hoàn toàn.
Ngày 5 tháng 6, mẹ tôi ra viện. Mẹ tôi lại được trở về với vòng tay quen thuộc của đất mẹ Xuân Hòa. Giải thoát khỏi chốn bệnh viện ngột ngạt, mẹ thở phào nhẹ nhõm. Tất cả đã kết thúc. Điều mẹ phải làm cuối cùng là hạn chế hoạt động trong vòng một tháng tới, và kiêng nhiều thứ, như thịt đỏ, tôm cua, trứng, thịt gia cầm,... Nhưng với nghị lực kiên cường của người phụ nữ ngoài tứ tuần đã vượt cạn bốn lần của mẹ, tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự hồi phục nhanh chóng của mẹ. Ra viện rồi, mẹ cũng "bồi hồi" nhớ lại những kỉ niệm chốn bệnh viện, và cũng tường thuật lại cho tôi tâm trạng của mẹ khi lên bàn mổ. Mẹ bảo lúc đó mẹ chỉ nghĩ đến các con thôi, nhưng mẹ nghĩ về tôi nhiều nhất; bởi tôi là đứa nhỏ tuổi nhất trong số 3 chị em. Chị cả - chị Ngân - là người đã lo hết mọi viện phí cho mẹ. Chị Ngân sinh năm 1989, đã lấy chồng là anh Vũ Anh và có một mụn con trai đầu lòng. Chị rất thông minh, ngày xưa chị học giỏi lắm. Đến bây giờ, chị vẫn vậy, vẫn tiếp tục truyền đạt kinh nghiệm học tập cho tôi mà không quên bậc cha mẹ sinh thành cho mình. Mẹ còn kể, trước lúc lên bàn mổ, chị còn nhắn tin: Mẹ ơi cố lên, chúng con yêu mẹ!. Lúc nói, mẹ xúc động nhìn tôi mà cười trong giọt lệ ấm nồng của sự hạnh phúc. Còn chị hai, chị Linh, thì mẹ kể là chăm sóc mẹ mát tay lắm, không vụng như ngày xưa. Chị làm gì cho mẹ cũng chuẩn, cũng làm vừa lòng mẹ. Số mình là con trai vốn vụng về nên không thể đảm được như các chị, nhưng mẹ vẫn khen là tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều trong khoảng thời gian này. Khỏi phải nói tôi mừng như thế nào.
Khoảng thời gian một tháng này, bố tôi thực hiện hết mọi việc – từ nấu ăn, chăm sóc con cái đến dọn dẹp nhà cửa, mặc cho cái chân đau luôn hành hạ bố cứ mười ngày một lần. Tôi thấy đâu đâu cũng nhắc đến và đề cao người mẹ, nhưng có mấy ai viết về ông bố. Phật đã có câu: “Gánh nặng cuộc đời, không ai khổ bằng cha.”Quả vậy, qua hình ảnh người bố của tôi, tôi đã thấm nhuần những gian truân bố gặp phải trong suốt đường đời. Lâu rồi tôi mới có dịp nói về bố như thế này. Bố Ba tôi đẹp trai phong độ lắm. Ông bố này thì lầm lì ít nói, nhưng khi vui vẻ thì rất vui và hài hước. Bố tôi rất đa tài nữa nhé. Bố tôi không chỉ có tài lãnh đạo gia đình, mà còn có khả năng bếp núc tài ba. Những món ăn của bố đều khiến tôi và mẹ tôi mê mẩn; từ những món đơn giản nhất như trứng rán hay chả lá lốt rán, đến những món phức tạp như canh cua, canh ngao, sườn sào chua ngọt, cá thu,… Bố tôi thuộc cung Xử Nữ, bởi vậy nên bố có tính cầu toàn, cẩn thận. Bố luôn làm việc đúng giờ, theo kỉ luật như nhà lính, ai cũng phải tuân theo bố răm rắp… Tôi rất hâm mộ bố tôi, nhưng tôi ấn tượng nhất với cái đầu cắt cua và bàn tay chai sạn của bố. Cái đầu cua thông minh ấy là dấu hiệu cho tôi thấy đây chính là ông bố thương yêu của mình. Cái đầu cua ấy không chỉ thông minh, mà còn hài hước,uyên thâm, ẩn chứa bên trong nhiều bài học đường đời quí giá bố đã trải qua. Bàn tay chai sạn gân guốc của bố đảm đương mọi việc. Có khi những ngón tay ấy nhẹ nhàng, khéo léo như đang chơi bản sonate về món ăn, có khi những ngón tay ấy lại cuộn chặt vào nhau rừng rực lửa quyết tâm. Bàn tay ấy đã dẫn đường chỉ lối cho tôi suốt năm tháng bé thơ, và là kim chỉ nam dẫn lối cho tôi trong tương lai và mãi mãi về sau. Nhiều khi tôi thiết nghĩ, không có bố tôi sẽ sống ra sao. Bố tôi đã hi sinh rất nhiều, vậy mà tôi vẫn chưa có một lần trả ơn bố. Lời cuối, con xin gửi tới bố năm chữ giản đơn, Con Yêu Bố Rất Nhiều…
Không những thế,tôi đã thử, và thành công nhiều việc trong hè này, như việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, trông và quán xuyến cửa hàng. Chưa có hè nào như hè năm nay, tôi thực hiện nhiều việc đến thế và có nhiều niềm tin cho tương lai như vậy. Tôi tin chắc, qua phút cực khổ đến ngày bồng lai, gia đình tôi sau những sóng gió ngày hè năm con KHỈ này, tất cả thành viên trong tổ ấm nhỏ nhắn sẽ luôn an toàn, sức sống tràn trề và công việc tiến triển thuận lợi. Tôi yêu mùa hè năm nay quá!
BẠN LẤY BÀI NÀY THAM KHẢO NHA