Cô giáo hỏi:
- Hôm nay ai chưa làm đủ bài tập nào?
Tôi lúng túng, ngập ngừng, cái tay giấu trong túi áo khoác cứ chực giơ lên, nhưng mà… Mình là tổ trưởng, suốt ngày nhắc nhở các bạn trong tổ, giờ lại mắc lỗi làm thiếu bài tập thì ê mặt lắm… Trống ngực bắt đầu đập thình thịch khi cô giáo nhìn đúng vào chỗ tôi. Hay là cô biết tôi chưa làm bài? Cô biết tôi đang nói dối? Ui! Cô đã nhìn sang phía tổ 3 rồi. May quá…
Mà cũng tại cái thằng Sún cơ! Hôm qua sao nó quấy khóc lắm thế không biết? Rồi, bỗng nhiên cô Hương - bác sĩ cùng khoa với mẹ lại lăn ra cảm cúm gì đó, cô ấy gọi điện nhờ mẹ trực đêm hộ… Thế là tôi phải trông em, không còn lúc nào làm bài tập.
- Tốt lắm - Cô khen cả lớp - Hôm nay không có ai bị trừ điểm nền nếp, vì các con đã chuẩn bị bài đầy đủ. Nào, lấy sách vở ra, chúng ta học bài mới!
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là thoát!
Trong giờ, cô cho làm toán đố, và gọi tôi lên bảng. Tôi giải rất vất vả mà vẫn sai. Cô hỏi:
- Bài này giống hệt bài tập ở nhà số 3 hôm qua con vừa làm mà, con không nhận ra à?
Mặt trời bỗng mọc lên ở cả hai tai, hai má tôi.
- Thôi, con về chỗ, cuối giờ mang vở bài tập toán ở nhà lên đây cô xem con giải bài số 3 thế nào mà giờ lại lúng túng thế.
Ôi! Mặt đất sụt lở dưới chân tôi. Có mấy bước để về chỗ ngồi mà tưởng như tôi đã phải lê lết qua cả một sa mạc dằng dặc khủng khiếp. Cổ tôi khô khát, tay chân bải hoải. Suốt tiết học còn lại, tôi không sao tập trung được. Tôi cố nghĩ ra cách thanh minh, nghĩ xem phải nói sao cho lâm ly thống thiết để cô thông cảm, không phê bình trước lớp và không ghi sổ liên lạc… Cách nào đây?
Cuối giờ, tôi đưa vở lên, tay run run, không mở nổi miệng. Nước mắt cứ chực ứa ra. Hình như cô đang bận thu dọn sách vở trên bàn nên không để ý thấy thái độ ấy của tôi. Cô bảo:
- Vừa rồi cô đã giảng lại dạng bài đó, con hiểu rồi chứ?
- Vâng! - Tôi đáp lí nhí.
- Ừ! Thế thì con cầm vở về để còn có cái làm bài ở nhà nhé. Nếu có bài nào không hiểu, mai con hỏi lại, cô sẽ giảng và chữa bài cho…
Lại một lần nữa, tôi thoát chết.
Tối hôm đó, tôi đã thức rất khuya để làm hết những bài thiếu, và cả bài mới.
Chẳng ai biết về cái lần nói dối ấy của tôi. Cũng chẳng ai biết cảm giác run sợ, xấu hổ, và bẽ bàng hôm đó của tôi nó khủng khiếp đến như thế nào. Cô giáo và các bạn luôn khen ngợi tôi về nền nếp học tập nhưng tôi không làm sao quên nổi kỷ niệm đáng xấu hổ ấy. Tôi không đủ dũng cảm để thú nhận với cô, với các bạn trong tổ, tôi liên tưởng mình giống như anh thợ cắt tóc trong câu chuyện "Nhà vua có đôi tai lừa". Tôi muốn một lần được nói ra, được nhận lỗi, để rồi nhẹ lòng mà quên đi. Và không bao giờ dại dột nói dối thế nữa…
Tôi kể ra đây, cũng giống như anh thợ cắt tóc đã chạy vào rừng, đào một cái hố và hét thật to xuống đó: "Nhà vua có đôi tai lừa!"… Tôi muốn mình không bao giờ dại dột mắc lỗi tương tự.
BÀI HỌC NHỚ ĐỜI
Hồi nhỏ, có lần bố tôi đánh tôi một trận rất đau. Cảm giác đau tôi quên đã lâu nhưng lí do bị đòn tôi vẫn nhớ như in.
Sáng ấy tôi ra khỏi nhà làm như đến trường nhưng lại rẽ sang một lối khác và nghỉ học cả ngày hôm đó. Cùng với bọn trẻ trong làng, tôi đánh bài. Bố cho tôi một ít tiền để mua sách. Có số tiền đó, tôi quên hết mọi thứ trên đời. Chẳng mấy chốc, tiền hết nhẵn, tôi bắt đầu nghĩ cách gỡ lại. Tôi vay tiền của bọn trẻ cùng chơi nhưng chẳng đứa nào cho vay. Tôi bèn nghĩ ra một lối thoát. Tôi đi khắp mọi nhà trong làng nói rằng ngày mai sẽ có đoàn xiếc đến diễn, và tôi được giao nhiệm vụ thu tiền trước. Có người từ chối, có người đưa tiền cho tôi chắc chỉ vì nể bố tôi.
Đi suốt lượt các nhà xong, tôi đếm tiền và thấy mình có thể chơi tiếp. Nhưng những đồng tiền bất hạnh này tôi không giữ được lâu. Khi thua, tôi còn phải bò bằng đầu gối. Qua một ngày quần tôi rách bươm, đầu gối trầy da.
Ở nhà, bố tôi đã biết chuyện. Tối ấy, tôi đứng trước “tòa án” đáng sợ của bố. Bố nhìn tôi từ đầu đến chân. Hai đầu gối trầy da của tôi ló ra ngoài chiếc quần rách bươm trông như cái gối lông chim lòi ra khi áo gối bị thủng.
Cái gì thế kia? – Bố tôi hỏi bằng giọng hình như bình thản.
Đây là đầu gối ạ. – Tôi cố lấy tay che chỗ quần rách.
Đúng là đầu gối rồi, nhưng vì sao lại làm rách quần?
Tôi nhìn xuống quần mình và làm như đến giờ mới nhận thấy nó bị rách. Trong giọng nói của bố tôi đã bắt đầu có chút đe dọa. Bố hỏi:
Nào, con đã làm rách quần như thế nào?
Ở trường, con bị vướng vào đinh?
Ở đâu?
Ở trường ạ.
Bao giờ?
Hôm nay ạ.
Bố quất cho tôi một roi thật đau:
Bây giờ thì nói đi, mày đã làm rách quần như thế nào?
Tôi im lặng. Ông quất một roi nữa quắn đít.
Nói đi xem nào?
Tôi òa khóc.
Câm ngay. – Bố tôi ra lệnh.
Tôi ngừng khóc. Bố tôi vung roi lên.
Nếu bây giờ mày không kể thật, tao sẽ quất cho mày mười roi nữa.
Nỗi sợ hãi roi còn nhiều hơn nỗi sợ sự thật, và tôi đành kể hết những việc làm bậy bạ của mình suốt từ sáng.
“Phiên tòa” kết thúc. Ba ngày liền, tôi như đứa mất hồn. Điều làm tôi khổ sở nhất là bố không nói chuyện với tôi.
Hết ngày thứ ba, bố gọi tôi đến, hỏi:
- Con có biết vì sao bố đánh con không?
- Con biết: vì con đánh bài ăn tiền.
- Không phải vì thế.
- Vì con làm rách quần.
- Cũng không phải. Ai hồi bé lại không làm rách quần, rách áo.
- Vì con không đến trường.
- Đó là một lỗi lầm của con. Vì lỗi đó cần phải mắng con, như mắng con làm rách quần, chơi bài ăn tiền. Nhưng nhiều lắm cũng chỉ đến mức bố véo tai con thôi. Bố đánh con là vì con dám lừa dối mọi người trong làng, dám lừa dối bố. Nói dối là một cây cỏ dại trong con người. Nếu con không kịp thời nhổ nó đi, nó sẽ mọc dày đến mức không còn chỗ cho hạt giống tốt lành. Trên đời này không có gì tệ hại hơn sự dối trá. Con hiểu chưa?
- Con hiểu rồi ạ.
- Thế thì đi chơi đi.
Tôi đi ra khỏi buồng bố tôi, tự thề rằng không bao giờ nói dối nữa.