A. Tìm hiểu đề:
Kiểu văn bản/ Thể loại: Thuyết minh. Đối tượng thuyết minh: Con trâu. Phạm vi kiến thức: Con trâu ở làng quê Việt Nam. Yêu cầu chung: Vận dụng linh hoạt các phương pháp thuyết minh, một số biện pháp nghệ thuật và yếu tố miêu tả.B. Lập dàn ý:
I – Mở bài:
– Giới thiệu chung về hình ảnh con trâu trên đồng ruộng, làng quê Việt Nam.
II – Thân bài:
1. Nguồn gốc, đặc điểm của loài trâu:
– Trâu Việt Nam có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy.
– Là động vật thuộc lớp thú, lông trâu có màu xám, xám đen; thân hình vạm vỡ,thấp, ngắn; bụng to; mông dốc; đuôi dài thường xuyên phe phẩy; bầu vú nhỏ; sừng hình lưỡi liềm…
– Trâu mỗi năm chỉ đẻ từ một đến hai lứa, mỗi lứa một con…
2. Lợi ích của con trâu:
a. Trong đời sống vật chất:
– Trâu nuôi chủ yếu để kéo cày, bừa, giúp người nông dân làm ra hạt lúa, hạt gạo.
– Là tài sản quý giá của nhà nông.
– Cung cấp thịt; cung cấp da, sừng để làm đồ mĩ nghệ…
b. Trong đời sống tinh thần:
– Trâu là người bạn thân thiết với tuổi thơ của trẻ em ở nông thôn một buổi đi học, một buổi đi chăn trâu: thổi sáo, đọc sách, thả diều, đánh trận giả khi chăn trâu…
*Bổ sung hai câu thơ của nhà thơ Giang Nam viết về tuổi thơ chăn trâu:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
– Con trâu với lễ hội ở Việt Nam:
+ Hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng.
+ Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên.
+ Là biểu tượng của Sea Game 22 Đông Nam Á được tổ chức tại Việt Nam.
+…
III – Kết bài:
– Khẳng định lại vai trò của con trâu trong đời sống người nông dân ở làng quê Việt Nam.
– Nêu suy nghĩ, tình cảm của bản thân.
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”
Câu ca dao đã trở thành một lời ru quen thuộc, đi vào tiềm thức mỗi chúng ta từ ngày tấm bé. Hình ảnh gắn bó giữa người và trâu cũng từ đó mà mặc định không biến đổi. Đối với truyền thống nền văn minh lúa nước của nước ta, hình ảnh con trâu sớm đã trở thành biểu tượng của người nông dân Việt Nam.
Trâu có hai loại: trâu đực và trâu cái và là động vật nhai lại. Một đặc điểm khá dễ nhận ra của trâu, đó là nó không có hàm răng trên. Tấm thân của trâu rất chắc chắn, thân hình vạm vỡ nhưng thấp. Bụng to. Da của nó màu đen, rất dai nhưng được phủ bởi một lớp lông mềm bên ngoài nên có cảm giác rất mượt mà. Mũi trâu lớn, miệng trâu rộng, sừng có hình lưỡi liềm. Cân nặng trung bình của trâu cái là từ 350-400 kg thì trâu đực nặng từ 400-450kg. Bước đi của trâu chậm chạp nhưng chắc chắn. Cái đuôi luôn phe phẩy mọi lúc như để đánh động những chú ruồi không mời mà tới. Vì thưởng làm việc liên tục trên ruộng nên trau có thói quen ợ lên nhai lại. Khi chúng có thời gian ăn cỏ, chúng thưởng nhai qua loa để tích trữ càng nhiều thức ăn càng tốt cho những khi phải làm việc liên miên. Đó là lí do trâu có thể làm cả ngày mà không cần dừng lại nghỉ.
Với một ngoại hình như vậy, trâu là loài động vật rất khỏe và chịu khó. Xuất phát từ nền văn minh lúa nước, mảnh ruộng cày đã gắn chặt với đời sống bao nhiêu năm lao động của người dân Việt Nam. Công việc đồng áng vất vả kia tuy nặng nhọc, một nắng hai sương, vất vả vô cùng nhưng những người nông dân luôn có “người bạn cần mẫn” của mình là chú trâu luôn bên cạnh giúp đỡ, chăm chỉ cùng làm lụng. Dù ngày nắng hay ngày mưa, dù có gian lao vất vả, chỉ cần người cần đến, trâu sẵn sàng không quản ngại gian lao để cùng con người cầy cấy thửa ruộng, đem lại sự no ấm, yên tâm cho cả gia đình. Nên nông dân ta vẫn luôn có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Còn trâu thì có cần gì ngoài được con người cho ít ngọn cỏ ngoài đồng cùng một nơi để trú ngụ qua đêm. Đó là những ngày bận rộn với công việc đồng áng, còn những ngày nông nhàn, trâu lại làm bạn với tiếng sáo, với cánh diều mộng mơ của trẻ mục đồng trên những bãi cỏ rộng ngập nắng và gió. Những chú bé vắt vẻo trên lưng trâu đùa nghịch mà tạo nên những kỉ niệm tuổi thơ với cuộc sống làng quê khó quên đến tận những năm tháng về sau.
Là một loài động vật có sức lao động và trâu cũng là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Thịt trâu có hàm lượng đạm khá cao, hàm lượng chất béo thấp. Sữa trâu có tính năng cao trong việc cung cấp chất đạm, chất béo. Da trâu làm mặt trống, làm giày. Sừng trâu làm đồ mĩ nghệ như lược, tù và,.. Trâu còn gắn liền với những lễ hội đình đám như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Những chú trâu đã được chăm sóc, luyện tập rất chu đáo từ lâu để chuẩn bị cho ngày hội hôm ấy. Con nào con nấy cũng vạm vỡ, sừng cong như hình vòng cung, nhọn hoắt, da bóng loáng, mắt trắng, tròng đỏ trông hung dũng oai phong chỉ chờ vào sân đấu. Trong tiếng trống giục giã, trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người hai con trâu lao vào nhau mà húc, mà chọi. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ rõ hình ảnh “trâu vàng” trong SEA GAMES 22, trâu không chỉ là giống vật nuôi quen thuộc của người nông dân Việt Nam mà đã trở thành hình ảnh thú vị đối với bạn bè quốc tế. Con trâu đã trở thành biểu tượng cho sự trung thực, cho sức mạnh và tinh thần thượng võ. Từ hình ảnh chú trâu vàng, các sản phẩm trâu tập võ, trâu chạy maratong, trâu đội nón... rất ngộ nghĩnh, độc đáo đã ra đời. Trong đời sống văn hóa tinh thần, trâu còn là con vật thiêng dùng để tế lễ thần linh trong ngày lề hội cơm mới, lễ hội xuống đồng. Tất cả đều chứng tỏ từ xa xưa đến nay, trâu vẫn gắn liền với đời sống của dân tộc trong mọi mặt kể từ cuộc sống đời thường đến lao động, văn hóa, phong tục, đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc dân tộc.
Mang những giá trị to lớn về mọi mặt của đời sống nhân dân, con trâu đã trở thành một “nhân vật” không thể thiếu và xứng đáng để con người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và quý trọng chúng.
Cho dù trong cuộc sống hiện đại ngày nay, rất nhiều loại máy móc xuất hiện thay thế vai trò của trâu trong lao động, sản xuất nhưng hình ảnh và ý nghĩa của con trâu luôn là một phần nếp sống tinh thần không thể thiếu của mỗi người nông dân đất Việt.
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà kể công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”
Từ xa xưa, trâu đã là người bạn thân thiết, gắn bó với người nông dân. Ông cha ta thường nói: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, đủ hiểu trâu có vị trí như thế nào trong cuộc sống của con người.
Trâu Việt Nam là trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy, phân bố rộng rãi khắp Việt Nam. Từ hàng ngàn năm trước, trâu đã gắn bó với con người cùng với sự ra đời của nền văn minh lúa nước. Người Việt cổ không những biết săn trâu mà còn thuần hóa trâu, lợi dụng sức khỏe của trâu để phụ giúp trong việc đồng áng.
Trâu là động vật thuộc lớp thú có vú. Thân hình của trâu trông vô cùng vạm vỡ. Lông trâu là lông mao, thường có màu đen. Da trâu rất dày và bóng loáng. Hai cái tai như hai cái lá đa, lúc nào cũng ve vẩy để đuổi ruồi, ngoài ra, tai trâu cũng rất thính, giúp trâu nghe ngóng được những tiếng động xung quanh. Mũi trâu ươn ướt, người ta thường luồn sợi dây vào mũi trâu để kéo đi cho dễ. Mắt trâu to tròn như hai hòn bi ve. Trâu cũng giống như bò, thuộc nhóm động vật nhai lại và chỉ có một hàm răng. Việc trâu chỉ có một hàm răng được người xưa lí giải qua câu chuyện “Trí khôn của ta đây”: vì trâu mải cười con hổ bị người nông dân lừa buộc vào gốc cây nên ngã lăn xuống đất, răng đập vào đã, gãy mất một hàm. Đuôi trâu ngắn, có một túm lông ở cuối. Hai cái sừng trên đầu uốn cong hình lưỡi liềm, giúp trâu tự vệ chống lại sự tấn công của kẻ thù. Trâu mỗi năm chỉ đẻ từ 1-2 lứa, mỗi lứa một con. Trâu con mới sinh ra gọi là nghé.
Trâu có vị trí quan trọng trong cuộc sống của con người. Ngày trước chưa có máy cày, trâu thường phải làm việc nặng nhọc: “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Trâu thức dậy từ sáng sớm tinh mơ khi chú gà trống báo thức, cùng người nông dân ra đồng làm việc. Trâu chăm chỉ, cần mẫn cày hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác, bất kể là sáng hay tối, nóng nực hay giá rét. Nhờ có trâu, người nông dân mới có thể thu được một mùa màng bội thu. Đến ngày gặt, trâu lại chở lúa từ ruộng về nhà. Tuy công việc vất cả là vậy nhưng thức ăn của trâu rất giản dị, chỉ là cỏ hoặc rơm. Trâu thường được nuôi để lấy sức kéo, ở miền núi, ngoài công việc đồng ruộng, trâu còn chở hàng hoặc kéo xe, giúp con người vượt qua những con đường trắc trở, những ngọn núi xa xôi. Vì thế, trâu chở thành một gia sản quan trọng của người nông dân. Chẳng phải ca dao đã từng nói: “ Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà/ Trong ba việc ấy, thật khó lắm thay”. Thịt trâu cũng là một loại thức ăn giàu dinh dưỡng vì có hàm lượng đạm khá cao, chất béo thấp. Sừng trâu dùng làm đồ mĩ nghệ, da trâu làm mặt trống, giày. Không chỉ trong đời sống vật chất, trâu còn gắn bó trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Trâu trở thành hình ảnh tượng trưng cho người nông dân hiền lành, chăm chỉ, chịu khó. Ở nước ta hàng năm thường tổ chức lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn. Những chú trâu tham dự cuộc thi thường là những chú trâu to nhất, khỏe nhất, được chủ chăm sóc hết sức kĩ càng. Mỗi chú trâu phải chiến đấu với biết bao với đối thủ khác để đem lại vinh quang cho bản thân cũng như vinh dự cho chủ trâu. Ngoài chọi trâu ở Đồ Sơn, chúng ta còn có lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên. Tuổi thơ của mỗi người cũng đâu thể thiếu hình ảnh con trâu dưới lũy tre làng - những chú trâu góp phần làm nên nét bình yên của làng quê. Nhà thơ Giang Nam từng viết trong bài thơ “Quê hương”:
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”
Nhớ làm sao những buổi chăn trâu trên cánh đồng, cánh diều no gió vút cao trên trời xanh. Nhớ những ngày hè nóng nực, người và trâu cùng hòa mình trong dòng nước mát. Nhớ tiếng thổi sáo của cậu bé mục đồng khi dắt trâu về nhà lúc chiều tối. Trâu không chỉ đi vào ca dao, văn thơ mà còn là biểu tượng của SEA GAMES 22 được tổ chức tại Việt Nam, là hình ảnh tượng trưng cho con người Việt Nam chất phác, hiền lành, đôn hậu.
Để chú trâu được khỏe mạnh, người nông dân cần chú ý làm chuồng cho trâu, ấm vào mùa đông, mát về mùa hè, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm vắc-xin phòng ngừa các loại bệnh cho trâu.
Ngày nay, cuộc sống đổi mới, nhiều máy móc hiện đại thay thế cho sức kéo của trâu. Tuy vậy, trâu vẫn là một báu vật quý giá với người nông dân. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh chú trâu trên cánh đồng bao la bát ngát, chúng ta sẽ bất giác nghĩ tới quê hương đầy thanh bình, yêu dấu.
Mở bài:
– Giới thiệu chung về hình ảnh con trâu trên đồng ruộng, làng quê Việt Nam.
Thân bài:
– Nguồn gốc, đặc điểm của loài trâu
– Lợi ích của con trâu:
+ Trong đời sống vật chất
+ Trong đời sống tinh thần
+ Trâu là người bạn thân thiết
+ Con trâu với lễ hội ở Việt Nam
Kết bài:
– Khẳng định lại vai trò của con trâu trong đời sống người nông dân ở làng quê Việt Nam.
– Nêu suy nghĩ, tình cảm của bản thân.
Bài làm:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.”
Vâng, chúng tôi chính là những anh trâu, chị trâu bước ra từ những câu ca dao trên. Không biết từ bao giờ mà người nông dân đã quí và gọi loài trâu chúng tôi một cách tha thiết, trìu mến đến như thế. Hình ảnh của những chú trâu như tôi đây đã trở nên quen thuộc với xóm làng, quê hương người Việt từ bao đời nay.
Chúng tôi là động vật thuộc họ nhà Bò, là lớp thú có vú và là một loài gia súc có ích. Chúng tôi được người nông dân nâng niu, chăm sóc bởi chính đặc điểm “trời cho” của loài trâu chúng tôi. Đó là một thân hình lực lưỡng, bốn chân chắc chắn như bốn cái cột nhà nhỏ, vai u những bắp thịt bởi trời sinh ra chúng tôi là để kéo cày đó các bạn. Ngoài kéo cày, chúng tôi có thể kéo xe, kéo gỗ giúp con người…Thân hình chúng tôi vạm vỡ, nặng chừng 350 – 700 ki lô gam. Bao toàn cơ thể chúng tôi là một bộ lông màu xám hoặc xám đen, cũng có khi màu trắng, dù có mọc dày đến mấy thì chiếc áo choàng lông của chúng tôi cũng vẫn bị mai một đi bởi thời gian và sự cọ xát rất phong trần vì công việc trên đồng ruộng. Thấp thoáng trong bộ áo đẹp đẽ của chúng tôi là một làn da căng bóng mỡ. Phía sau thân hình tôi là cái duôi ngoe nguẩy theo nhịp bước chân, thỉnh thoảng chúng tôi lại dùng cái đuôi này quất mạnh vào lưng để xua ruồi, đuổi muỗi. Người nông dân có thể nhận biết sự lành, dữ ở loài trâu chúng tôi một phần nhờ vào đặc điểm của đôi sừng trên đầu chúng tôi. Đôi sừng cũng góp phần làm đẹp cho họ hàng nhà trâu chúng tôi đấy, mỗi chúng tôi đều có một đôi sừng dài, uốn cong như hình lưỡi liềm trên đỉnh đầu, giúp chúng tôi làm dáng và chống lại kẻ thù. Chúng tôi có đôi mắt to, long lanh như những viên bi chai, có khi hiền từ nhưng cũng có khi hung dữ, cần sự thuần phục của con người. Đến 3 tuổi, chúng tôi có thể đẻ lứa đầu, một đời trâu cái chúng tôi có thể cho 5 đến 6 nghé con. Nghé sơ sinh nặng 22 đến 25 ki lô gam.
Bước chân đến mỗi cánh đồng hay thôn xóm, làng bản Việt Nam, bạn sẽ thấy chúng tôi hiện ra thật thân thuộc như một dấu ấn báo hiệu xứ sở quê hương. Vào những ngày nông nhàn tháng 3 hay tháng 8, giữa biển lúa xanh rờn, trên cánh đồng quê, bạn sẽ thấy từng đàn trâu chúng tôi tung tăng gặm cỏ, thỉnh thoảng còn ngóng đầu ngơ ngác lắng nghe tiếng sao du dương của các chú bé chăn trâu.
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.”
Chúng tôi gắn bó thân thiết với người nông dân tần tảo sớm khuya như thế đấy. Dù là giữa buổi trưa hè mồ hôi thánh thót hay trong cái rét buốt xương thì chúng tôi vẫn cần cù nhẫn nại, mải miết làm việc cùng người nông dân để làm ra hạt lúa, hạt gạo. Không chỉ giúp người nông dân kéo cày, chúng tôi còn có thể kéo xe, kéo gỗ. Khả năng kéo xe của chúng tôi rất tốt. Ở đường đất tốt, chúng tôi có thể kéo với tải trọng 700 – 800 kilôgam và trên đường nhựa với bánh xe hơi có thể kéo trên một tấn. Ở đường đồi núi, khi cần kéo gỗ về xuôi ai có thể thay thế được chúng tôi? Chính vì thế người nông dân vẫn coi chúng tôi là “đầu cơ nghiệp” của họ.
Đến mỗi làng quê Việt, bạn cũng có thể được thưởng thức món thịt trâu xào sả ớt hay nấu với lá lốt, lá trưng. Thịt trâu chúng tôi có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Đặc sản đấy! Chúng tôi cũng có thể cung cấp sữa cho con người. Mỗi con trâu chúng tôi có thể cho 400 – 500 lít sữa trong một chu kì vắt Da trâu chúng tôi tuy không tham gia vào việc làm ra những sản phẩm độc đáo như giày dép, túi xách như một số loài da khác vì đặc điểm da chúng tôi cứng nhưng có thể làm mặt trống, những chiếc trống gắn bó thân thiết với học sinh, với nhà trường và các lễ hội.
Ừ, mà nói đến lễ hội các bạn có biết đến câu ca dao:
“Dù ai đi đâu về đâu
Nhớ ngày lễ hội chọi trâu mà về.”
Là câu ca nói đến lễ hội “Chọi trâu Đồ Sơn” đấy các bạn ạ. Trong những khoảng khắc đó, chúng tôi tự hào trở thành niềm vui và vật thiêng của con người dâng lên tổ tiên.
Như vậy, chúng tôi không chỉ gắn bó với người nông dân trên đồng ruộng mà còn gắn bó với họ trong đời sống tinh thần của họ. Đã từ lâu, chúng tôi bước vào ca dao, dân ca gần gũi, thân thiết với người nông dân như các bạn đã thấy đó. Chúng tôi còn bước vào tranh dân gian Đông Hồ cùng với hình ảnh của những chú bé để tóc ba chỏm thổi sáo trên lưng. Tuổi thơ nông thôn Việt Nam từ bao đời nay đã thân thuộc với chúng tôi như những người bạn.
“Thưở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”
Cứ như thế chúng tôi đi vào thơ ca, nhạc họa và đặc biệt các bạn có biết không, chúng tôi đã trở thành linh vật của Seagame 22 tổ chức tại Việt Nam. Hình ảnh những chú Trâu vàng chúng tôi đã được cả thế giới biết đến với biết bao tự hào đấy các bạn ạ.
Biết bao thế kỉ đã trôi qua, có lẽ từ khi nền văn minh lúa nước của người Việt khởi nguồn thì loài trâu chúng tôi cũng đã trở thành báu vật của người nông dân và trên nền bức tranh thiên nhiên của làng quê Việt, bên những cánh đồng xanh tốt, thẳng cánh cò bay, dưới lũy tre làng luôn có hình ảnh quen thuộc của chúng tôi hiện diện.
Ngày nay, khoa học kĩ thuật đã phát triển vượt bậc, máy cày, máy kéo trở nên quen thụôc trên mỗi cánh đồng, làng quê và chắc các bạn sẽ ít gặp lại hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng rằng tình cảm của những người nông dân đối với chúng tôi cũng không vì thế mà thay đổi và chúng tôi vẫn luôn có ích cho họ.