Theo truyền thuyết, đời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi phá xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. Nhân dịp đầu xuân, vua họp các hoàng tử lại, bảo rằng: "Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho".
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng. Riêng người con trai thứ 18 của Hùng Vương là Lang Liêu (tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có người mẹ chỉ vẽ cho) rất lo lắng không biết làm sao, bỗng nằm mơ thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình trời và đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình cha mẹ sinh thành." Lang Liêu vô cùng mừng rỡ và làm theo lời Thần dặn. Ông chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng trưng cho đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là bánh chưng. Ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng trưng cho trời, gọi là bánh dầỵ. Lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon và có ý nghĩa, bèn truyền ngôi vua lại cho Lang Liêu. Kể từ đó, mỗi dịp đến Tết cổ truyền, thì dân chúng đều làm bánh chưng và bánh dầy để dâng cúng tổ tiên, trời đất.
Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều người thuyết minh về chiếc bánh chưng với nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm, bánh chưng vẫn không hề thay đổi. Nguyên liệu làm nên bánh chưng phải là gạo nếp, một thứ gạo dẻo thơm được chắt lọc từ tinh hoa của trời đất. Bánh chưng còn tượng trưng cho một nền văn hóa lúa nước, một đất nước có bề dày truyền thống làm nông nghiệp. Nhân bánh gồm có: thịt lợn, nhưng phải có đủ cả bì, mỡ, nạc; đỗ xanh phải đãi thật sạch vỏ và đồ chín rồi sau đó giã nhuyễn và nắm thành nắm để dễ gói. Lá dùng để gói bánh chưng phải là lá dong, một thứ lá có mùi thơm rất tự nhiên. Lạt dùng để buộc phải được chẻ những cây tre có độ dẻo tốt.
Độc đáo hơn nữa, khi bánh phải “chưng” (ngày nay, người ta thường gọi là luộc) trong một thời gian khá dài khoảng 12 tiếng và chỉ được để lửa râm râm, bánh mới ngon. Khi bánh đã được luộc chín thì sự hòa trộn của gạo, thịt, đỗ và cả lá bánh tạo nên một thứ hương vị thật thanh tao, thơm mát, đó chính là hương vị của sự hiếu thảo…
Trong những ngày Tết cổ truyền, không có gia đình Việt Nam nào lại thiếu vắng những chiếc bánh chưng xanh trên bàn thờ, trên mâm cúng ông bà, tổ tiên. Ngày nay, cuộc sống ngày càng bận rộn nên mọi nhà có thể tự làm hoặc được mua. Nhưng cho dù mua hay tự làm thì bánh chưng vẫn là một nét đẹp lâu đời không gì thay thế được trong văn hoá tâm linh của người Việt. Trong tâm khảm của những người Việt xa quê, bánh chưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa và sức sống mãnh liệt của nó. Ngay tiểu bang California ở Mỹ là nơi có nhiều người Việt sinh sống. Vào đầu năm ngoái, Việt kiều ở đây rất vui khi được Ban Y tế California nhận định: “Bánh chưng là một loại văn hoá ẩm thực ngàn xưa của người Việt Nam”, nên Ban này đã thông qua dự luật AB-2214 về việc cho phép bán bánh chưng.
Hay ở Đức, nếu ai đã từng gặp bất kỳ bà mẹ Việt Nam nào hiện đang sinh sống ở đây, đều được họ chia sẻ sự trống vắng và nỗi nhớ quê hương quay quắt mỗi dịp xuân về. Vì ngày Tết Việt Nam thường rơi vào những ngày con cháu họ bận đi làm, không thể đoàn tụ đông vui, nên hễ có dịp sum họp gia đình như lễ tạ ơn, lễ giáng sinh… thì các bà mẹ xa quê xem đó là ngày Tết của mình. Vào những dịp như vậy thì các bà đều làm bánh tét, bánh chưng để nhớ về quê cha, đất tổ.
Thuyết minh về chiếc bánh chưng đã nhiều nhưng không ai có thể phủ nhận, đó là một món ăn độc đáo và có một không hai của dân tộc. Bánh chưng là một trong những bằng chứng cụ thể chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều tiềm năng khiến đất nước ta trở thành một cường quốc về văn hóa ẩm thực.