Bài 12. Nhật Bản giữa thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Huyenhuyen

#giupvoi

em nghĩ gì về ông Tiên Hoàng Minh Trị. Nước ta cần học hỏi gì về cuộc cách mạng Duy Tân Minh Trị

 

Nguyễn Trần Thành Đạt
31 tháng 10 2016 lúc 22:44

Minh Trị Thiên Hoàng
&
Yếu tố thành công trong cuộc canh tân Nhật

Lưu An Vũ ngọc Ruẩn

Không một ai có thể phủ nhận được sự phát triển thần kỳ của Nhật bản về mọi lãnh vực với thời gian khoảng 30 năm, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Sự thay đổi này đã biến một nước Nhật nghèo đói, loạn lạc kéo dài hàng nhiều thế kỷ thành một Nhật bản phú cường làm rúng động thế giới. Nhật bản đã làm cho các quốc gia thực dân Âu Mỹ phải lo sợ và cảm phục. Với các quốc gia nhược tiểu, đói nghèo và khổ sở với xiềng xích nô lệ của ngoại bang đã có niềm tin vào tương lai nếu biết thay đổi. Đặc biệt với các quốc gia Á châu, Nhật bản là một tấm gương sáng để học hỏi, noi theo.

Minh Trị Thiên Hoàng - 明治天皇 Meiji-tennō
Nguồn Wikipedia

Sự phát triển thần thánh đó được đem đến từ những chính sách canh tân tuyệt vời của Minh Trị Thiên Hoàng, vị vua thứ 122 của Nhật bản. Nhìn vào lịch sử của những quốc gia Á châu trong thời đại đó, nhiều quốc gia khác, cũng có những vị vua đầy lòng yêu nước, với những chính sách điều hành quốc gia rất khôn ngoan, nhưng tại sao họ cũng không đạt được những thành quả thần kỳ như Nhật bản. Chẳng hạn như Thái Lan, quốc gia rất khôn ngoan trong ngoại giao, quốc gia duy nhất trong Á châu không bị ngoại bang chiếm đóng từ khi lập quốc. Nhưng Thái lan cũng không có được sự phát triển thần kỳ như Nhật bản bởi vì họ không có được những yếu tố đặc biệt như Nhật bản. Sau đây là những yếu tố quan trọng đem đến sự thành công từ những chương trình canh tân của Minh trị Thiên Hoàng.

1.- Phẩm chất con người của Minh Trị Thiên Hoàng:

Qua sách báo cũng như tài liệu viết về vị thiên hoàng tài ba, nỗi lạc được người dân Nhật bản coi như thần thánh này. Thuở ấu thơ của ông không có gì là đặc sắt hay vượt trội so với người khác. Ông cũng như nhiều hoàng tử hay thiên hoàng khác trước ông, chỉ rong chơi nơi hậu cung với đoàn thị nữ trong một triều đình bù nhìn kéo dài hơn 600 năm dưới sự kiềm chế của các thời đại Mạc Phủ ( tương tự như phủ chúa Trịnh với nhà Lê trong lịch sử VN ). Nhưng ông đã may mắn nhờ thời thế đưa đẩy, được những thành phần yêu nước giúp cho ông thoát ra khỏi sự áp bức của Mạc phủ ( Tokugawa ), nắm lấy quyền hành thực sự của một vị Thiên hoàng, chủ vị quốc gia. Từ vị trí đó ông đã có dịp phát triển tài năng của mình, mang đến cho Nhật bản những bước tiến nhẩy vọt trong tất cả lãnh vực.

-Một ý chí kiên cường : lúc còn bé, ông là đứa trẻ nhút nhát, thể lực yếu đuối, sức học rất tầm thường. Chính sau này khi nhìn lại cá nhân mình ông đã ân hận vì tính lười học, không chăm chỉ của mình. Ông đã té xỉu và trốn vào lòng cung nữ khi nghe tiếng súng đánh nhau giữa các phiên bang trước hoàng cung … Nhưng khi lên ngôi ( lúc ông 14 tuổi ) với sự giúp đỡ và dậy bảo của triều thần ông đã thay đổi hoàn toàn. Từ một đứa trẻ nhút nhát, thiếu tự tin và lười học… Ông đã là người thanh niên khỏe mạnh, yêu võ nghệ. Ham trau dồi kiến thức về tất cả lãnh vực, từ văn hoá, chính trị, lịch sử, khoa học và cả ngoại ngữ nữa.

Năm 1878 Khi ông 25 tuổi, thực sự chấp chính, sau hơn 10 năm học hỏi từ các thầy học do hoàng gia đề cử cũng như do chính ông kiên trì tìm tòi học hỏi. Ông đã có một niềm tự tin rất cứng chắc vào kiến thức và tài năng của mình trong việc lãnh đạo đất nước. Ông biết phân biệt kẻ gian, người ngay để phục chức hay trả ơn cho những công thần đã vì xã tắc và hoàng gia mà bị hãm hại. Khi có lộn xộn xảy ra giữ các thành viên của ban cố vấn trong vấn đề phát triển đất nước, ông tự đứng ra điều hành, giải quyết và ổn định tình hình.

Ông nhìn rất rõ tài năng, đức độ của tất cả những quan lại, nhân sĩ chung quanh ông và cất nhắc cũng như xử dụng họ rất chính xác.

- Một vị vua bao dung: Với đức tính bao dung vị Thiên hoàng này đã được kính phục, trung thành và cả lòng hy sinh của quan tướng cũng như thần dân Nhật bản. Chẳng hạn trong cuộc nổi loạn Saga 1874 tại phiên bang Satsuma 薩摩藩 ( thuộc tỉnh Kagoshima ) do sự bất đồng giữa Samurai Saigo Takamori - 西郷 隆盛 và các tướng lãnh khác về vấn đề Triều Tiên. Cuộc nổi loạn chấm dứt khi Saigo Takamori thất bại và tự sát, bị coi là kẻ phản nghịch. Nhưng 12 năm sau ông biết Takamori là kẻ trung thành với ông, là vị samurai đáng kính, yêu nước. Ông đã cho chuộc lại danh dự cho Saigo Takamori, được thờ phương như một vị anh hùng, được đúc tượng đặt ở công viên Ueno, trung tâm của Tokyo. Con của Saigo Takamori được ông phong tước hầu.

Tượng Saigo Takamori ở công viên Ueno, Tokyo.(TTV)

Năm 1903 vị tướng quân Tokugawa Keiki của Mạc Phủ Tokugawa, dòng họ đã tiếm quyền nhiều đời thiên hoàng của tổ tiên ông, nhưng khi khi ông dành lại được quyền lực, Tokugawa Keiki đã yết kiến, xin đầu hàng và sẵn sàng phục vụ cho tổ quốc đã được ông tha thứ và phong cho tước công.

Cũng vậy biết bao nhiêu các vị danh tướng khác, như Togo Heihachiro - 東郷 平八郎 ( tổng tư lệnh Hải quân ); Oyama Iwao - 大山 巌 ( Tổng tư lệnh Lục Quân ) ; Nogi Maresuke - 乃木 希典 ( Đại tướng lục quân ) chỉ vì lòng bao dung, tin tưởng của ông mà họ đã mang đến cho ông những chiến thắng lẫy lừng trong các cuộc chiến tranh với Triều Tiên, với Mãn Thanh và với Nga sô.

- Một vị vua biết dùng người : Có lẽ đây là một đức tính tuyệt hảo, khó tìm thấy ở một vị hoàng đế quyền lực như ông, ngay từ thời mới lên ngôi ( 14 tuổi ) cho đến hết cuộc đời ông ( 60 tuổi). Lúc còn trẻ ông sẵn sàng đón nhận những sự chỉ dẫn dậy bảo về tư cách, về văn hoá, đạo đức, lòng thương dân, yêu nước từ các vị quan của triều đình đến các vị tướng quân trong triều. Khi trực tiếp điều hành quốc gia, ông có những nhận xét hết sức chính xác về tài năng, đức độ của những người dưới quyền và đem cho họ tất cả lòng tin tưởng của ông.

Môt thí dụ điển hình, khi còn là cậu bé, ông đã nhìn thấy tài năng, đức độ của người bạn học của mình là Nogi Maresuke và hứa sẽ xử dụng tài năng đó khi có dịp. Sau này khi ông nắm quyền ông đã làm đúng như lời hứa. Nhưng không may Maresuke đã có lỗi lầm trong chiến tranh, bị nhiều người dèm pha, yêu cầu ông loại bỏ. Nhưng ông vẫn tin tưởng người bạn mà ông biết rất rõ. Cuối cùng người bạn đó đã là một vị anh hùng trong chiến tranh Nga Nhật (1905). Khi ông chết vì bệnh ung thư, Nogi Maresuke đã mổ bụng tự sát để thể hiện sự danh dự của tinh thần samurai, đem cái chết oai hùng để chuộc lại lỗi lầm mà mình đã phạm phải và cũng để trả ân tình vì lòng tin tưởng và bao dung của vị thiên hoàng, người bạn tấm bé của mình.

- Một vị vua chăm chỉ và lý tưởng : Ông thay đổi lối sống, từ hình ảnh một vị vua uỷ mị, yếu đuối nhát sợ thành vị vua năng nổ, chịu học hỏi biết lo lắng cho dân và phát triển đất nước với khẩu hiệu :” Phú quốc, Cường binh “. Ông làm gương tiết kiệm và dâng hiến tài sản của hoàng gia cho việc xây dựng cơ sở đóng tàu chiến, cơ sở sản xuất võ khí cũng như khai thác hầm mỏ … Chính vì vậy chỉ sau hơn 30 năm số lượng tàu chiến cũng như độ tân tiến của hải quân Nhật bản đã bỏ xa và dễ dàng chiến thắng Nga sô trong cuộc chiến tranh 1904.

Ông coi nhẹ việc đến hậu cung hưởng lạc, giảm hơn 2/3 số lượng cung nữ để làm gương và tránh tổn phí. Ông bắt hoàng hậu cũng như cung nữ phải tham gia việc học để mở mang kiến thức về văn học, nghệ thuật cũng như khoa học văn minh Âu Mỹ.

Trong cuộc hội họp với quần thần về bản hiến pháp đầu tiên của Nhật bản, ông đã không bỏ ngang cuộc họp quan trọng này dù biết tin người con gái của ông mất vì bệnh tật. Với khoảng 43 năm cầm quyền của ông, ông luôn luôn là vị vua gương mẫu trong mọi lãnh vực cho quần thần và dân chúng. Hình ảnh một vị thiên hoàng tài năng, đức độ, yêu nước đã được dân chúng cũng như quan lại, binh sĩ lấy làm gương và coi ông như một vị thần để thờ kính và trung thành.

- Vị Thiên hoàng luôn luôn bên cạnh binh sĩ: Ông luôn luôn nhắc nhở binh sĩ 5 điều căn bản của một người samurai chân chính đó là : Tận trung ; Lễ nghĩa ; Có lòng Tín nghĩa ; Trọng võ dũng (can đảm) và Tiết kiệm, giản dị. Trong đó Tận Trung được coi là quan trọng nhất. Những điều này không những được phổ biến trong quân đội mà còn được giảng dậy ở tất cả các cấp giáo dục từ mẫu giáo đến đại học.

Trong trận chiến tranh Nhật –Thanh (1894) ông đã dời bản doanh đến Hiroshima, một tỉnh Tây Nam Nhật, gần với chiến tuyến để động viên tinh thần chiến đấu của binh sĩ, Chính ông đã phổ một bản nhạc mừng chiến thắng của binh sĩ và cũng chính ông chỉ huy cuộc đàm phán đem đến kết quả khốn khổ cho nhà Thanh, Trung quốc với một bản hoà ước đầy đau thương và thiệt thòi vì phải bồi thường chiến tranh cho Nhật.

Cũng vậy trong cuộc chiến tranh Nga Nhật (1904) ông cũng dời bản doanh đến Hiroshima, ngay cạnh chiến tuyến để hô hào tinh thần chiến đấu của binh sĩ. Cuối cùng quân Nhật đã đè bẹp quân Nga hoàng với một chiến thắng làm cho thế giới ngỡ ngàng. Với chiến thắng này các quốc gia thực dân Tây phương phải giật mình vì lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một quốc gia Á châu nhỏ bé đánh bại nhục nhã một quốc gia hùng mạnh da trắng phương Tây. Từ chiến thắng vang dội đó Triều tiên là thuộc địa của Nhật và sau đó được sát nhập vào lãnh thổ Nhật.

Dĩ nhiên trong lịch sử Nhật bản còn ghi chép rất nhiều điều khác nữa liên quan đến phẩm chất của vị thiên hoàng kiệt suất của Nhật bản này. Vị Thiên hoàng đã làm thay đổi nước Nhật bản trong ngỡ ngàng của thế giới và của chính dân chúng Nhật bản. Tuy nhiên người ta cũng không thể phủ nhận được môt điều rất quan trọng, sự thành công ngoạn mục của những cải cách đó còn cần đến những yếu tố khác nữa, ngoài phẩm chất vô song của Minh Trị Thiên Hoàng.

2.-Tinh thần Samurai trong con người xã hội Nhật bản:

Một điều rất rõ ràng là Minh Trị Thiên Hoàng khi lên ngôi, lúc dành lại được vương quyền từ Mạc phủ Tokugawa, ông đã sở hữu một tinh thần rất mãnh liệt của giới quan lại, sĩ phu hết lòng yêu nước đã cùng đứng lên giúp đỡ ông. Giới sĩ phu đó là một dạng biến đổi từ thành phần quý tộc mà trước đó người ta gọi là Samurai. Để hiểu rõ tinh thần này, chúng ta nên biết một cách sơ sài về sự thành hình của Samurai trong xã hội Nhật bản.

Suốt chiều dài của lịch sử Nhật bản luôn luôn được dựa trên tinh thần trọng võ nghiệp. Đặc biệt từ cuối thế kỷ thứ 8 và đầu thế kỷ thứ 9 triều đình Nhật bản đã trong dụng những người võ dũng, xử dụng họ vào việc bảo vệ uy quyền của hoàng gia. Mặc dù dưới mắt giới quý tộc và hoàng gia, giới võ sĩ này chỉ là những kẻ vũ phu, thất học. Nhưng với thời gian và sự cần thiết cho những dịch vụ bảo vệ tài sản hay an ninh cho các quý tộc, quan lại … Thành phần vũ dũng đó càng lúc càng hữu dụng và được đưa vào hệ thống huấn luyện có bài bản về cả võ học và tư cách.

Đến thế kỷ 11 thành phần vũ dũng đó đã được xã hội kính trọng vì họ đúng nghĩa là người có văn võ song toàn ( bunburyodo) và họ còn được triều đình ban hành riêng biệt cho họ một luật lệ riêng gọi là luật Võ sĩ đạo ( Bushido), được xã hội kính trọng và gọi là Samurai.

Tư cách, tài năng cũng như thế lực của các chiến binh Samurai này càng lúc càng thăng hoa và họ dần dần thay thế các lãnh chúa, các thế lực quý tộc cổ xưa, những người đã có thời là chủ nhân của họ. Đó là thời kỳ của những Mạc phủ Kamakura ( cuối thế kỷ 12 ) và tiếp nối qua nhiều thời đại Mạc phủ khác nhau, kéo dài khoảng 700 năm (đến cuối thế kỷ 19). Các vị tướng quân lãnh đạo Mạc phủ hay lãnh đạo các các phiên bang phần lớn xuất thân từ một dòng dõi Samurai.

Samurai đã trở thành biểu tượng cho một giới võ sĩ đáng kính nể trong xã hội. Họ được luyện kiếm cung từ bé, được theo học văn hoá nghệ thuật ( trà đạo, thi ca và cả hội hoạ …). Họ được tôi luyện trong tư tưởng trầm lặng, an nhiên của Phật giáo. Họ phải có đủ 3 yếu tố : Trung thành, Can đảm và Danh dự để giữ gìn 3 yếu tố này họ phải có thêm lòng tín nghĩa và tự trọng. Họ sẵn sang lấy cái chết bằng cách tự mổ bụng để chuộc lỗi lầm.

Tinh thần Samurai đó đã ăn sâu vào tâm thức của xã hội, con người Nhật bản. Nó hiện diện trong mọi lãnh vực và mọi thành phần của xã hội như một tài nguyên vô giá mà Minh Trị Thiên Hoàng cùng với ban tham mưu, cố vấn cũng như các vị thầy học của ông đã khôn ngoan tìm ra sách lược để khai thác tài nguyên đó. Đưa nó vào vai trò của một trong những yếu tố đem đến thành công của sự cải cách nước Nhật thành một cường quốc vậy.

3.- Nền giáo dục Nhật bản:

Trong khoảng 10 năm cuối cùng (1854-1864) của Mạc phủ Tokugawa bị Mỹ và các quốc gia thực dân Âu Châu như Anh, Pháp, Hoà Lan bắn phá và bắt ép phải ký những hiệp ước bất bình đẳng đã dấy lên phong trào yêu nước. Các Sĩ phu cùng các thân vương trong triều đình ở Kyoto liên minh với các lãnh chúa, các Samurai từ của các phiên bang nổi lên lật đổ quyền lực của Mạc phủ, trả lại vương quyền cho Thiên Hoàng. Với ý hướng đó lực lượng chống đối Mạc Phủ đã phát động phong trào suy tôn Thiên Hoàng trong mọi tầng lớp quần chúng, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục. Ngay cả với Minh Trị Thiên hoàng khi lên ngôi mới 14 tuổi, một hoàng tử rất bình thường, nhút nhát... cũng được triều đình cử ra những vị thầy giáo tài năng, đức độ, yêu nước để dậy dỗ, đưa ông vào nền giáo dục rất khắt khe để đào tạo ra một vị Thiên Hoàng có đầy đủ kiến thức về tất cả lãnh vực kể cả đạo đức, lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị. Đặc biệt những kiến thức liên quan đến sự phát triển của nền văn minh và lịch sử Tây phương. Minh Trị Thiên Hoàng lại là người hiếu học, ham hiểu biết nên nền giáo dục đó đã tạo cho ông có tinh thần ái quốc và ôm rất nhiều tham vọng làm bá chủ thế giới. Ông đã có những cải cách được dân chúng và quan quân ủng hộ.

Trong dân chúng nền giáo dục còn được phát triển dữ dội hơn nữa. Hình ảnh Thiên Hoàng được coi như vị thần được suy tôn ở khắp mọi nơi, trường học, hội trường, cơ quan hành chánh, quân đội … Tất cả ý chí, tinh thần, vật chất của quốc gia, của dân chúng đều dành cho sự phục vụ và hy sinh cho Thiên Hoàng.

Chính vì nền giáo dục tuyệt đối, suy tôn Thiên Hoàng đó đã là một yếu tố rất mạnh mẽ, kết hợp được toàn dân, toàn quân thực hiện những chương trình cải cách của ông một cách dễ dàng. Đã thế ông lại là một vị minh quân nên kết quả càng tăng lên gấp bội. Chỉ với khoảng 30 năm đã biến đổi một nước Nhật bản phong kiến, nghèo đói, loạn lạc thành một nước Nhật hùng mạnh trên thế giới.

4.- Bản Hiến Pháp đầu tiên của Nhật bản:

Thời điểm Minh Trị Thiên hoàng lên ngôi, hầu hết các quốc gia Á châu đều dưới chế độ quân chủ chuyên chế. Dưới chế độ này quyền hạn của các vị vua được coi là là tuyệt đối, bất khả xâm phạm. Cái tuyệt đối đó không có một bản văn nào xác định sự đúng sai cũng như mức độ quyền hành của vị vua. Điều này có nghĩa là quyền hành được tuỳ tiện theo cảm xúc và lòng nhân từ hay ác độc của vị vua! Gặp vị vua nhân từ bác ái thì dân chúng được dễ thở. Trái lại gặp một hôn quân, ác độc thì dân tình điêu linh. Hành pháp, Lập pháp cũng như Tư pháp đều được tập trung vào tay vị vua hay trong tay của người nào mà vua tin dùng.

Khoảng 15 năm đầu tiên lên ngôi, Minh Trị Thiên hoàng đã đem xã hội cũng như thần dân Nhật bản vào những chương trình cải cách toàn diện của ông. Dân trí Nhật bản dần dần gia tăng và cũng tiêm nhiễm những văn minh của quốc gia Tây phương, đó cũng là điều rất tự nhiên. Chính vì vậy người dân Nhật, nhất là những thành phần được xuất ngoại du học từ các nền văn minh Tây phương. Khi về nước họ phát động phong trào đòi hỏi triều đình phải có một bản hiến pháp để làm căn bản trong sư điều hành đất nước. Sau nhiều năm hứa hẹn, năm 1882 Thiên hoàng đã phải thành lập một phái đoàn đến các quốc gia Tây phương để tham khảo pháp luật, thể chế trong các bản hiến pháp của các quốc gia này.

Sau gần 7 năm trời với biết bao nhiêu công sức của phái đoàn cũng như sự giúp đỡ của các chuyên gia luật pháp trong cũng như ngoài quốc gia. Phái đoàn quyết định đưa ra bản hiến pháp đầu tiên của Nhật bản được dựa trên bản hiến pháp của Đức Quốc. Thiên Hoàng cùng triều đình đã lập ra một ban bí mật để soạn thảo hiến pháp. Cuối cùng chính Thiên hoàng cùng ban thẩm định hiến Pháp đã có những cuộc họp kín đêm ngày trong suốt nhiều tháng trời, bản hiến pháp chính thức được thành hình và đưa ra công chúng làm nền tảng cho việc điều hành đất nước Nhật.

Qua những điều lệ trong bản hiến pháp này thì quyền hành của Thiên Hoàng ở vị trí điều hành quốc gia trong mọi lãnh vực từ hành pháp, luật pháp, tư pháp cũng như trong việc tuyên chiến khi có chiến tranh hay thay đổi sắc lệnh..v..v.. Tất cả đầu trong quyền hạn của Thiên hoàng. Thiên hoàng được coi là người có quyền lực vô biên đối với thần dân Nhật bản. Thiên hoàng được tôn vinh trong tư thế thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không ai có quyền lực cản trở hay phản đối Thiên hoàng. Tóm lại bản hiến pháp đã chính thức thành hình xác định vị trí, quyền hành siêu việt của vị Thiên hoàng trước quốc dân và triều đình.Tuy nhiên nếu so sánh với thể chế quân chủ chuyên chế tại các quốc gia đương thời thì bản hiến pháp này đã có một bước tiến rất lớn và đã là tác động rất mạnh mang đến thành công của sự canh tân Nhật bản của vị Thiên Hoàng anh minh này. Đó là :

-Nó đã xác định bằng văn bản quyền hạn, vị trí của Thiên hoàng, làm mất đi cái vẻ mù mờ, tùy hứng của vị vua dưới chế độ quân chủ chuyên chế. Nói cách khác vị Thiên hoàng Minh Trị đã có một công thức để thực thi quyền hạn của ông. Ông phải dựa vào những điều ghi trong hiến pháp để thực thi đại quyền của mình.

-Ông phải dựa vào hiến pháp để ban bố sắc lệnh hay đưa ra các luật lệ mới sau khi đã được các quốc vụ đại thần xét duyệt và ký tên. Nghĩa là vẫn phải có nguyên tắc thẩm xét trước khi được thi hành.

Với bản hiến pháp 1889 này đã hạn chế và còn là một kim chỉ nam hướng dẫn Thiên hoàng trong việc điều hành quốc dân và đất nước. Nói một cách dễ hiểu, bản hiến pháp đầu tiên của Nhật bản đã thay đổi chế độ Quân chủ chuyên chế thành chế độ quân chủ lập hiến mà nhiều quốc gia Tây phương đang thực hành.

Nhờ có bản hiến pháp văn minh và thức thời này mà Minh Trị Thiên hoàng đã có thêm quyền lực và tự tin trong các cuộc canh tân. Cũng nhờ bản hiến pháp này ông có uy quyền để tận dụng mọi nỗ lực của đất nước và dân chúng trong việc thực hành các chương trình to lớn. Chẳng hạn như đổ dồn tài chánh vào lập nhà máy đóng tàu, chế tạo vũ khí ..v..v..

5.- Môt triều đình tài năng, ái quốc:

Một vị vua tài giỏi có các chương trình hay, chính xác mà triều đình không qui tụ được những người tài năng, đức độ thì cũng chẳng mang đến những kế quả tốt như mong muốn được. Minh Trị Thiên hoàng đã sinh ra, lớn lên trong tao loạn, ngay tuổi ấu thơ, ông đã ngất xỉu khi nhìn thấy cảnh chém giết tranh dành quyền lực giữa các phiên vương và Mạc Phủ ngay trước hoàng thành. Ông cũng như các đại thần yêu nước phải nhục nhã với những hiệp ước bất bình đảng mà Mạc Phủ phải ký với các quốc gia Tây Phương … Tất cả những cái đó đã hun đúc lòng ái quốc của các quan lại, sĩ phu và Samurai đương thời. Họ kết hợp lại trong tư thế muốn lật đổ thế lực Mạc Phủ để mang uy quyền thực sự cho Hoàng gia.

Đúng lúc đó thì Minh Trị Thiên hoàng lên ngôi khi ông còn là cậu bé 14 tuổi, một hoàng tử yếu đuối về thể lực và kiến thức. Trong hoàn cảnh đó, triều đình đã lập ra những ban ngành chuyên môn đóng vai phụ tá cho ông trong việc quản trị đất nước. Có cả ban giáo huấn, gọi là Thái Chính Quan để chỉ bảo ông về đạo đức, về khoa học, lịch sử, kiến thức khoa học và nền văn minh Tây phương….Tất cả nhằm một mục đích giúp đỡ ông thành một vị minh quân. Với khoảng 10 năm đầu tiên ( 1868-1878 ) học hỏi đó ông đã hoàn toàn đổi khác. Từ một cậu bé nhác nhúa, thiếu tự tin, suốt ngày quanh quẩn với thị nữ, ông đã thành một vị vua vững mạnh về tất cả lãnh vực. Khi ông thực sự cầm quyền ( 25 tuổi ) sức khoẻ của ông thăng tiến trong võ nghệ, kiến thức rộng rãi, hậu cung không còn là nơi ông thích đến. Việc quốc gia đại sự luôn luôn được ông lo lắng và làm gương cho quan lại cũng như cho dân chúng.

Tất cả những thăng hoa trong cuộc đời ông dĩ nhiên có yếu tố của cá nhân ông nhưng không thể phủ nhận được một điều tất yếu là ông phải có một ban tham mưu tài năng, đức độ cũng như trung thành chung quanh ông. Một vị vua kiệt suất, một triều đình toàn là những người lương đống, yêu nước, thương dân thì việc thành công trong các chương trình cải cách của ông cũng không có gì khó hiểu. Sau đây là một vài quan chức nổi danh đã đóng góp tích cực vào sự thành công của chương trình canh tân Nhật bản :

-Motoda Eifu tinh thông Nho giáo là thầy học đầu tiên của Minh Trị Thiên Hoàng khi ông lên ngôi lúc 14 tuổi. Vị này đã dậy ông tinh tuý của Nho giáo, thi ca và Đạo đức của môt minh quân, lấy sự vinh hiển của quốc gia và hạnh phúc của thần dân làm trách nhiệm.

-Yoshi Tomo (?) giúp đỡ Thiên hoàng trong việc xoá sổ các lãnh chúa thay vào đó bổ nhiệm quan thị hay tỉnh trưởng. Ông cũng giúp đỡ Thiên Hoàng xa rời hậu cung, giảm hơn 2/3 số thị nữ trong cung và dành thời gian cho việc nước. Ông cũng là người thỉnh mời các Samurai nổi danh, có tư cách vào cung dậy cho Minh Trị Thiên Hoàng võ thuật, kiếm thuật, cưỡi ngựa…

-Nishimura Shigeki được triệu vào triều dạy cho ông về chính trị, luật pháp cũng như cách trị dân của Pháp. Nhờ vị thầy học này ông biết rất kỹ và yêu thích Napoléon Bonaparte.

-Hukuhane Mishizu dậy ông về văn hoá và hệ thống tổ chức của xã hội Tây Phương.

-Kato Hiroyuki hướng dẫn cho ông hiểu rất kỹ lưỡng về bản hiến pháp của Đức, khuyên ông lấy bản hiến pháp này làm căn bản cho bản hiến pháp đầu tiên của Nhật.

-Okubo Toshimichi là bộ trưởng tài chánh năm 1871, người đã giúp ông làm giàu cho hoàng gia bằng cách thu gom các lãnh địa của các lãnh chúa cũng như của Mạc Phủ, dùng những món tài sản to lớn này cho việc phát triển quân đội, xây dựng nhà máy...v..v.. Cũng nhờ vị này ông nắm giữ một lượng vĩ đại cổ phiếu của các công ty Nhật bản, hướng các hoạt động của công ty vào mục đích làm dân giàu nước mạnh.

-Trong lãnh vực quốc phòng Thiên hoàng được cộng tác trung thành bởi rất nhiều nhà quân sự tài năng. Chẳng hạn như Yamagata Aritomo bộ trưởng bộ tham mưu đã giúp ông phát triển lục quân và hải quân một cách mau lẹ cả về quân số cũng như về phẩm chất tàu chiến và khí cụ. Trong các trận chiến tranh với Triều Tiên, với nhà Thanh Trung Quốc, cũng như với Nga sô Thiên hoàng đã có những danh tướng đem đến những chiến thắng làm ngỡ ngàng thế giới cũng như đem về cho Nhật bản những món tiền bồi hoàn chiến phí vĩ đại và bờ cõi nước Nhật được mở rộng nhiều lần. Những vị tướng được nói đến trong sử sách là Kuroda Kiyotaka ( Chiến tranh Triều Tiên ) ; Togo Heihachiro ( Tư lệnh hải quân trong cuộc chiến Nga Nhật ngoài biển). Oyama Iwao( Tư lệnh Lục quân chiến thắng trên bộ, vùng viễn đông của Nga sô ) và biết bao nhiêu những người tài năng khác bao quanh ông với một tinh thần phục vụ đất nước và trung thành với Thiên Hoàng.

Tóm lại về tất cả lãnh vực Minh Trị Thiên Hoàng đã nhìn thấy rất rõ và xử dụng những quần thần rất tài năng, trung thành và tận tình với đất nước cũng như hiểu rõ tham vọng muốn biến đổi nước Nhật thành một cường quốc và bước đến vị thế bá chủ thế giới của ông. Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm cho nước Nhật trở nên cường thịnh mau chóng vậy.

6.-Phẩm chất của dân Nhật bản:

Có lẽ một yếu tố khác không kém phần quan trọng đã đóng góp vào thành quả vĩ đại của những chương trình canh tân nước Nhật của Minh Trị Thiên hoàng, đó là phẩm chất của người dân Nhật bản.Thật vậy đã hơn một thế kỷ nay kể từ khi Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi, đất nước Nhật đã được thế giới cảm phục. Không phải chỉ vì Nhật bản là quốc gia cường thịnh về quân sự hay kinh tế mà thế giới còn cảm phục những đức tính của người Nhật nữa. Qua sách báo cũng như lịch sử của Nhật bản, người ta dễ dàng tìm được những chứng cớ cho biết những đức tính này đã hiện hữu từ xa xưa trong con người Nhật bản chứ không phải đến thời Minh Trị mới có. Minh Trị Thiên Hoàng chỉ là vị vua đức độ, khôn ngoan đã tạo ra được những kích thích cho những đức tính đó phát lộ và hữu ích cho những cuộc canh tân của ông mà thôi.

Những đức tính mà cả thế giới đều phải công nhận và luôn luôn đề cập đến khi nói đến người Nhật. Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy những đức tính này thể hiện rất rõ ràng ở hầu hết công dân Nhật bản ở trong nước cũng như trên thế giới nơi mà họ đến làm việc hay định cư, du lịch. Tính kết đoàn, có thứ tự trên dưới, trọng luật pháp, tự trọng, trách nhiệm với công việc, chăm chỉ và tài bắt chước kèm theo tính sáng tạo để làm tốt, làm đẹp hơn (khác với tài bắt chước thụ động nhằm mục đích sản xuất hàng giả của nhiều dân tộc khác).

Chỉ với khoảng 20 năm canh tân, gửi sinh viên và quan lại đi học kỹ thuật của Tây phương mà Nhật đã có một nền công nghệ vượt trội các quốc gia thực dân phương Tây. Có đội chiến thuyền, khí tài tân tiến, cường mạnh đem đến cho họ những chiến thắng lẫy lừng trong các trân chiến tranh trên biển cũng như trên đất liền. Ngày nay đặc tính tốt của dân Nhật bản vẫn duy trì trong khuôn thước giáo dục của xã hội, trường học và gia đình.

7. Kết luận:

Những yếu tố kể trên không thể diễn tả đầy đủ tất cả nguyên nhân đã đem đến thành công vĩ đại của những chính sách canh tân Nhật bản của Minh Trị Thiên Hoàng được. Nhưng một điều chắc chắn mà không ai có thể phủ nhận được đó là, với chính sách canh tân này đã biến đổi nước Nhật nghèo đói, loạn ly triền miên vì các sứ quân tranh dành lãnh địa …đã thành một quốc gia hùng cường thuộc hạng nhất thế giới vào thời Minh Trị và cũng làm căn bản cho một nước Nhật thịnh vượng cho đến ngày nay. Sự biến đổi thần kỳ đó phải là một sự kết hợp hài hoà, tuyệt vời giữa vị vua thông minh, tài đức cùng với một triều đình hoàn hảo gồm những quần thần, tướng quân gương mẫu, có lòng ái quốc và hết lòng phục vụ quốc gia, dân tộc. Bên cạnh lãnh vực cầm quyền lãnh đạo đó người ta cũng không phủ nhận được một yếu tố rất rõ ràng và quan trọng cho sự thành công đó là phẩm chất của quốc dân Nhật bản.

Để kết luận cho bài viết, tôi xin kể ra đây một câu truyện trong một buổi gặp mặt giữa gia đình chúng tôi và môt số bạn bè Nhật tại Thụy Sĩ. Vài người trong nhóm là bác sĩ, là giáo sư, họ đang công tác trong chương trình trao đổi khoa học giữa Thụy sĩ và Nhật bản. Vài người khác là thầy cô giáo hay nhân viên của trường trung học Nhật bản hay công ty thương mại Nhật bản ở Thụy sĩ và dĩ nhiên cũng có vài người là kiều dân Nhật định cư tại Thụy.

Trong cuộc nói chuyện, hầu hết họ lo lắng khi đề cập đến hoàn cảnh khó khăn của đất nước họ. Nhật bản quá nghèo tài nguyên thiên nhiên, đang gặp những rắc rối thù hận với vài quốc gia lận cận, nhất là với Trung Quốc đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến nền kinh tế của Nhật bản. Thấy tôi có tí chút hiểu biết về lịch sử, văn hoá Nhật bản họ hỏi tôi nghĩ sao về tương lai của Nhật bản. Tôi đã trả lời họ như sau :

Nếu hỏi tôi về tương lai nước Nhật ra sao trong khoảng ngàn năm sau này, kiến thức của tôi không đủ để dự đoán được. Nhưng nếu nhìn về tương lai Nhật bản với vài, ba trăm năm nữa, tôi tin tưởng nước Nhật vẫn là một quốc gia trong nhóm các quốc gia thịnh vượng và giàu có trên thế giới. Khi nói đến tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia, chúng ta không nên quá gò bó quá vào lãnh vực vật chất mà sai lầm ! Theo tôi tài nguyên thiên nhiên, ngoài ý nghĩa cổ điển đó còn phải bao gồm những cái không chân dung, chẳng hạn như phẩm chất người dân, tài đức của giới lãnh đạo và cả mức độ dân trí của người dân của quốc gia đó nữa mới thực tế và chính xác hơn. Với quan niệm đó, theo tôi Nhật bản không phải là quốc gia nghèo về tài nguyên mà còn là quốc gia giàu có nữa là khác. Như vậy thì chẳng có lý do nào mà Nhật bản lại không có một tương lai bền vững trong vị trí của nhóm quốc gia cường thịnh cả.”

Nghe tôi nói như vậy, tất cả mọi người vỗ tay, họ bắt tay tôi với những nụ cười thân thiện, cám ơn. Một trong số họ nói với tôi: “ ông là một người ngoại quốc yêu nước Nhật hơn người Nhật ! “

Tôi mỉm cười, trả lời họ như sau :

Tổ quốc của tôi là VN, nơi đó tổ tiên tôi đã từng đổ bao nhiêu xương máu để giữ gìn cho đến ngày hôm nay. Cá nhân tôi đã sinh ra, lớn lên, đã làm việc ở đó nhiều năm. Dù sướng hay khổ, VN vẫn là nơi tôi có nhiều gắn bó nhất trong tâm tưởng! Không có một lý do nào dù rất nhỏ bé để tôi phải phản bội lại tổ quốc tôi. Tôi cũng không bao giờ quên đất nước dân tộc tôi cho đến khi nhắm mắt.

Nhật bản là quê hương của vợ tôi, là nơi tôi đã tu học và làm việc trong 6 năm trời. Với thời gian đó, ngoài lãnh vực học hỏi về chuyên môn tôi cũng đã thu nhận được rất nhiều điều bổ ích từ con người và xã hội Nhật bản. Cũng chằng có lý do nào tôi phản bội và không nhìn về nơi mà tôi có khá nhiều ưu ái đó với ánh nhìn thiện ý cả.

Còn Thụy Sĩ, tôi đã may mắn định cư tại cái quốc gia đẹp đẽ, thanh bình và mộng mơ này. Chính nơi đây tôi đã có một cuộc sống tuyệt vời, sung túc cho chính cá nhân và cả cho vợ con tôi dưới tư cách là những công dân Thụy Sĩ. Dĩ nhiên chúng tôi cũng không bao giờ có ý tưởng phản bội hay làm những gì không xứng đáng cho một người công dân tốt trong xứ sở thanh bình và đẹp đẽ này.

Tình cảm tốt đẹp của tôi với 3 quốc gia VN, Nhật bản và Thụy sĩ không có gì để nghi ngờ nữa. Tôi nguyện cầu 3 quốc gia đó mãi mãi là những nơi an bình và thịnh vượng trên thế giới và luôn luôn là những người bạn tốt của nhau trong liên hệ quốc tế !”

 

 

Học hết những đức tính của Thiên Hoàng Minh Trị bạn sẽ thành công!


Các câu hỏi tương tự
Như Tình
Xem chi tiết
eiko
Xem chi tiết
NAM NGUYỄN
Xem chi tiết
Thuan Quang
Xem chi tiết
Trang Phan
Xem chi tiết
Nguyễn Bảo
Xem chi tiết
giaan
Xem chi tiết
Duong Thao Nghi
Xem chi tiết
traam anhh
Xem chi tiết