Ở Việt Nam, trước năm 1999, chưa nơi nào rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Từ năm 1999 đến nay, theo kết quả của Tổng Điều tra dân số năm 1999 và điều tra biến động dân số hàng năm cho thấy tỉ số giới tính khi sinh ở nước ta có xu hướng tăng lên. Từ 107 bé trai/100 bé gái khi sinh vào năm 1999 lên 110/100 vào năm 2006, 111,5/100 vào năm 2007, 112/100 vào năm 2008, 110,5/100 vào năm 2009 và 111/100 vào năm 2010.
Việt Nam là một trong ít quốc gia trên thế giới xảy ra tình trạng MCBGTKS. Tỉ số giới tính khi sinh năm 2007 của Việt Nam tương đương với Trung Quốc khi nước này bước vào MCBGTKS năm 1990 (111,5). Các chuyên gia quốc tế cho rằng tỉ số giới tính khi sinh tăng ở những nước có nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (ưa thích con trai hơn con gái) nhưng chưa có nước nào lại có tốc độ gia tăng nhanh như ở Việt Nam.
Theo ông Bruce CampBell- Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra trong cuộc họp báo về chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam (26/12/2010): “Mặc dù tỉ số giới tính khi sinh của các quốc gia khác cao hơn Việt Nam như Ấn Độ là 112, Trung Quốc là 120 và Azerbaijan là 117 nhưng sự mất cân bằng tỉ số này tại Việt Nam lại gia tăng nhanh chóng trong vòng 5 năm trở lại đây, thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới”.
Với tỉ số giới tính khi sinh như hiện nay, trong vòng 20 năm nữa, cơ cấu dân số Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi thừa nam giới và nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Nói cách khác, MCBGTKS có tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc gia. Do đó, việc giảm sự MCBGTKS đang trở nên cấp thiết. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này ở nước ta hiện nay, cần thiết phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra MCBGTKS.
Theo các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu về MCBGTKS và thực tế ở nước ta, nguyên nhân dẫn tới MCBGTKS có thể được chia thành 03 nhóm nguyên nhân: nhóm nguyên nhân cơ bản, nhóm nguyên nhân trực tiếp và nhóm nguyên nhân phụ trợ. Việc phân nhóm các nguyên nhân như trên dựa vào tính chất và mức độ tác động của chúng đến MCBGTKS. Sự phân chia này mang tính độc lập tương đối. Bởi lẽ, một nguyên nhân có thể được xếp vào nhiều nhóm mà vẫn hợp lý.