Truyền kỳ mạn lục (nghĩa là Sao chép tản mạn những truyện lạ) là một tập truyện của nhà văn Nguyễn Dữ, được in trong khoảng năm 1768.
Dù có nghĩa là Sao chép tản mạn những truyện lạ nhưng Truyền kỳ mạn lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam vân lục... mà là một sáng tác văn học. Lấy bối cảnh chủ yếu là một phần hiện thực thế kỷ XVI, các truyện hầu hết ở thời Lý, Trần, Hồ, Lê sơ và đều có yếu tố hoang đường, nhưng đằng sau những yếu tố hoang đường đó chính là hiện thực xã hội phong kiến đương thời với đầy rẫy những tệ trạng mà tác giả muốn vạch trần, phê phán. Truyền kỳ mạn lục phản ánh số phận bi thảm của những con người nhỏ bé trong xã hội, những bi kịch tình yêu mà bất hạnh thường rơi vào người phụ nữ (như người thiếu phụ Nam Xương), thể hiện tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào về nhân tài, văn hoá nước Việt (như chuyện chức phán sự đền Tản Viên), đề cao đạo đức nhân hậu, thuỷ chung, đồng thời khẳng định quan niệm sống "lánh đục về trong" của tầng lớp trí thức ẩn dật đương thời.
Truyền kỳ mạn lục là đỉnh cao đánh dấu bước trưởng thành của thể loại truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, từng được Vũ Khâm Lân (thế kỷ 17) khen tặng là "thiên cổ kỳ bút". Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài và được đánh giá cao trong số các tác phẩm truyền kỳ ở các nước đồng văn.