Con của những ngày lên ba chập chững những bước đầu đời. Con coi Mẹ là một bầu trời rộng lớn, là vị tiến sĩ tài ba. Thắc mắc gì, dù lớn, dù nhỏ, mẹ của con đều lần lượt giúp con tháo gỡ. Lớn lên chút nữa, nhà mình khấm khá hơn, bố mẹ mua máy tính cho con học hành. Từ đó, dường như con quên mất thói quen hỏi” “Mẹ ơi, tại sao…?” mà con tưởng nó đã ngấm vào máu thịt con và trở thành phần không thể thiếu. Con bây giờ chỉ việc mở máy tính lên, gõ vài từ khóa là mọi điều đều được giải thích. Nhưng mẹ ạ, hôm nay con đã ngồi thật lâu, tìm kiếm thật lâu mà chẳng thể nào có được câu trả lời thỏa đáng: “Mẹ ơi, tại sao con người có đôi vai, là hai bên vai mẹ ạ, chứ chẳng phải một cái miệng, một bộ não hay một trái tim?”
Con người, cứ mặc định những điều gần gũi, quen thuộc là hiển nhiên và mặc định là đúng mà chẳng mảy may thắc mắc. Con cũng vậy, cho tới khi hình ảnh đôi vai cứ nhảy múa trong đầu con. Mẹ sinh con ra là con nhóc hay nghĩ ngợi, con nghĩ chuyện quá khứ, nghĩ việc hiện tại, nghĩ cả sự tương lại. Nhưng con chẳng hề nghĩ tại sao bố mẹ thương con. Con nghĩ đó là điều con đáng được nhận, nhận vô điều kiện nên không chút đắn đo, suy nghĩ mà coi đó là hiển nhiên. Cũng như con chẳng hề nghĩ, tại sao bố con, mẹ con, con và mọi người đều có “đôi vai”? Là vì con người có thể đi bằng hai chân, di chuyển khắp mỏi nẻo đường, nên cần đôi vai để là bộ khung thật vững chắc, cần bằng trọng lượng cơ thể phải không mẹ? Hay “đôi vai” cũng như đôi bàn tay, đôi quang gánh đi vào thơ ca, âm nhạc, gánh gồng cả cuộc đời, cuộc sống mưu sinh? Không, hơn cả vậy, đôi vai là điểm tựa cho con người trong những phút giây yếu đuối, mệt mỏi bởi giông tố cuộc đời. Đôi vai, miền đất bình yên cho tâm hồn được thỏa sức tự do tắm mát trong tĩnh lặng, ngủ vùi trong tươi vui và lau đi giọt nước mắt.
Vai mẹ con không gầy, mẹ con là người phụ nữ có đôi vai rộng. Nhưng ai bảo vai gầy là vất vả, và bờ vai rộng lớn là được sống yên bình? Vai mẹ con gánh mạ trưa hè nóng, gánh những reo vui khi mùa về, và gánh những giấc mơ con bên câu hát ru: “À ơi… Cái cò mày ngủ cho ngoan…”. Nhìn mẹ ru em con, con hình dung ra con ngày bé được nâng niu dường nào. Chắc con cũng áp má vào vai mẹ, ngủ vùi yên bình như em con bây giờ mẹ nhỉ? Thế là ngay từ bé, khi con còn chưa nhận thức đúng sai, phải trái thì đôi vai đã là bến bờ bình yên rồi…
Vai bố con xương xương, bố con gầy lắm. Bố nhỏ bé, hai má hóp lại. Nhưng dù gầy, dù nhỏ nhưng đôi vai bố đã biến tuổi thơ con với ước mơ được bay như con chim trên bầu trời. Bố con làm giả ngựa để con ngồi trên vai. Bố cõng con chạy quanh sân, và ru con vỡ òa trong giọng con trong vắt. Sân nhà mình ngày ý rộng hơn bây giờ nhiều, chiều chiều bố tắm cho con, cho con tập bơi trong cái chậu nhôm to đùng. Đôi vai bố con che cho con giả vờ ngủ để trốn mẹ không đi lớp mẫu giáo. Cũng từ hồi còn nhỏ, đôi vai đã khiến con được chắp cánh những ước mơ, nướng giòn lên con cười mỗi ngày, trong tổ ấm nhà mình bố nhỉ…
Vai em con mềm mềm, mỗi chiều đi học về con thường cắn yêu vài miếng. Em con là tương lai của con, của bố mẹ, của cả nhà mình. Đôi vai em con sau này, sẽ là chỗ dựa cho bố mẹ những tháng ngày cuối đời, cũng sẽ là động lực để con phấn đấu…
Và thế là, chẳng cần bất cứ công cuộc tìm kiếm nào, những kí ức từ chính tuổi thơ con giúp con được hiểu vì sao con người có đôi vai. Cuộc sống là những trạng thái cân bằng, mà đôi khi bị lệch vì bất cứ lí do gì, thì người ta có xu hướng tìm cho mình một điểm tựa. Điểm tựa ấy sẽ là chốn xua đi mệt mỏi, u buồn, giúp ta lấy lại niềm vui trong cuộc sống. Giây phút con người yếu lòng nhất chính là lúc họ cần một đôi bờ vai sẻ chia, một đôi vai thấu hiểu. Đôi vai ấy chẳng cần biết nói đâu, chỉ cần lặng yên thấm đi giọt nước mắt là đủ. Im lặng đôi khi tốt hơn nhiều lần sự an ủi với những câu sáo rỗng.
Đôi vai, không chỉ là điểm tựa của mỗi cá nhân, mà nhìn rộng ra là điểm tựa của cả một dân tộc. Đáng chính là đôi vai của nhân dân ta, trong thời chiến cũng như thời bình, tạo cho nhân dân một chỗ dựa vững chắc, an tâm. Ngoài đảo xa kia, khi mà chủ quyền có nguy cơ bị xâm phạm, con nhìn thấy các anh bộ đội ngày đêm ôm súng trên vai, vững tay súng chắc niềm tin bảo vệ nước nhà. Và biên giới xa xôi heo hút, con thấy anh bộ đội biên phòng, với đôi vai khỏe khoắn dãi nắng dầm sương, anh bảo vệ bình yên cho quê hương. Những đôi vai ấy dù hữu hình hay vô hình, vừa là khung xương vững chắc cũng là điểm tựa đáng tin cậy cho nhân dân mình bố mẹ nhỉ?
Con rồi sẽ lớn, và đôi vai con cũng là điểm tựa cho người khác. Con cũng sẽ tìm được nhiều điểm tựa khác, nâng đỡ con trên từng bước đường đời. Con sẽ nhớ lời bố mẹ rằng tự lập là tốt. Con sẽ chỉ mượn tạm bờ vai để nghỉ ngơi, để cân bằng cuộc sống của con thôi, chứ tuyệt nhiên không dựa vào mãi mà theo đó thành thói quen phụ thuộc. Những con người sống cứ mãi phụ thuộc như vậy sẽ yếu ớt và mãi chẳng thể tự mình đứng lên bằng sức lực của mình. Cuộc sống như vậy thì đâu còn ý nghĩa. Con bắt gặp nhiều lắm, những thanh niên dựa dẫm thế lực gia đình, dựa dẫm cha mẹ mà không tự thân vận động, ỉ lại sự trợ giúp mà lười biếng cố gắng. Và tất nhiên “lửa thử vàng gian nan thử sức”, cái cây trải qua giông tố trên miền đất khô cằn sẽ có sức sống mãnh liệt phi thường. con sẽ là một đôi vai đáng tin cậy cho ai đó mệt mỏi có thể an tâm mà dựa vào. Con cũng sẽ không tùy tiện, cứ mệt mỏi là tìm kiếm ngay một chỗ để dựa vào đó. Giữa nhịp sống hối hả con sắp đối mặt, con sẽ luôn nhớ gia đình luôn là điểm tựa, là sợi dây và là đôi vai vô hình nhưng chất chứa yêu thương để con ngả vào, cảm nhạn hơi ấm tình thương máu mủ quen thuộc đã nuôi con trưởng thành.
Mỗi vấn đề bao trùm nhiều khía cạnh, và mọi cách hiểu chỉ mang tính chất tương đối. Cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn khi con biết đặt mình vào vị trí của người khác. Khi ấy, đôi vai con dù không to lớn, nhưng đều có thể là chỗ đáng tin cậy cho những người cần thiết, và cũng là đòn bẩy cho ước mơ của con, của người khác được bay cao, bay xa. Và con người, dù chẳng hoàn hảo, nhưng thật tốt khi sống theo cách hoàn hảo nhất