Trong một bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một người phụ nữ. Theo lẽ lịch sự, ông đã nói với người này: “Cô thật là xinh đẹp!”.
Người phụ nữ đó lại không hề cảm kích, mà còn cao ngạo nói: “Rất tiếc là tôi không có cách nào để nói lời khen tương tự như thế với ông!”.
Mark Twain rất bình thản, nói: “Không sao cả, cô có thể giống như tôi vậy, nói một lời nói dối là được rồi”.
Người phụ nữ nghe xong, xấu hổ quá, phải cúi gầm mặt xuống mà không nói được lời nào.
Bài học:
Tảng đá mà bạn ném ra, người bị nó làm cho vấp té sẽ luôn luôn là chính bản thân bạn;
Bạn nói lời cay nghiệt, sau cùng cũng sẽ tự mình rước lấy nhục nhã mà thôi.
Cậu bé nọ học việc trong một tiệm sửa xe đạp. Một ngày, có người khách đem đến một chiếc xe đạp hư. Cậu không những sửa lại cho thật tốt, mà còn lau chùi cho chiếc xe cho sạch đẹp.
Những người học việc khác cười nhạo cậu bé dại dột, đã chẳng được thêm chút tiền công nào lại còn tốn sức.
Hai ngày sau, người khách trở lại, thấy chiếc xe đạp vừa tốt vừa đẹp như mới mua, liền đưa cậu bé về hãng của ông ta để làm việc với mức lương cao.
Bài học làm người rút ra:
Có những hành động không vụ lợi mang cái tâm trong sáng, đôi khi sẽ đem lại những điều may mắn trong cuộc sống.
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.
Bài học:
Cuộc đời của chúng ta xem như rất yên bình nhưng thật ra khắp nơi đều đầy rẫy nguy cơ, cần phải giữ cho mình quan niệm sống ổn định, từ đó mà biết cân nhắc đến an nguy.
Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu được không?
– Được chứ, gì vậy? – Người cha đáp.
– Bố, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?
– Đó không phải là chuyện của con, tại sao con lại hỏi bố như vậy?
– Con chỉ muốn biết một giờ bố kiếm được bao nhiêu tiền thôi mà, nói cho con nghe đi, bố – Cậu bé nài nỉ.
– Nếu con cần phải biết thì bố nói đây, bố làm được 80.000 đồng một giờ.
– Vậy hả bố – Cậu bé cúi mặt đáp – ...Con có thể mượn bố 30.000 đồng được không?
Người cha nổi giận: “Nếu con vay tiền bố chỉ để mua đồ chơi vớ vẩn hay mấy thứ vô bổ gì đó thì hãy đi ngay về phòng, lên giường nằm và suy nghĩ xem tại sao con lại có thể ích kỷ như vậy. Bố phải làm việc vất vả suốt cả ngày rồi, bố không có thời gian cho những trò trẻ con như thế này đâu”.
Cậu bé lặng lẽ đi về phòng, đóng cửa lại. Người đàn ông ngồi xuống và càng tức giận hơn khi nghĩ đến những điều con trai mình vừa hỏi: “Tại sao nó lại dám hỏi mình những câu hỏi như vậy chỉ để xin tiền thôi nhỉ?”.
Khoảng một giờ sau, khi đã bình tĩnh lại, anh nghĩ có lẽ mình hơi nghiêm khắc với con. Có thể nó thật sự thiếu 30.000 đồng để mua thứ gì đó và thực ra nó đâu có thường hay xin tiền mình. Anh tiến về phía phòng con trai và mở cửa.
– Con đã ngủ chưa, con trai? – Anh hỏi.
– Chưa bố ạ, con vẫn còn thức.
– Bố nghĩ có lẽ lúc nãy bố quá nghiêm khắc với con. Hôm nay là một ngày dài và bố đã trút sự bực mình lên con. Đây, 30.000 đồng mà con đã hỏi – Người cha nói.
Thằng bé ngồi bật dậy, mỉm cười và reo lên: “Ôi, cảm ơn bố!”. Rồi nó luồn tay xuống dưới gối lôi ra mấy tờ giấy polymer. Nhìn thấy tiền của thằng bé, người đàn ông lại bắt đầu nổi giận. Thằng bé chậm rãi đếm từng tờ bạc một rồi ngước nhìn bố nó.
– Tại sao con đã có tiền rồi mà còn xin bố nữa ? – Người cha nói trong giận dữ.
– Bởi vì con không đủ..., nhưng bây giờ thì đủ rồi ạ… Bố ơi, bây giờ con có 80.000 đồng, con có thể mua một giờ của bố không? Ngày mai bố hãy về nhà sớm, con xin bố, con muốn được ăn tối cùng với bố – cậu bé nói.
Người cha như chết lặng người. Anh vòng tay ôm lấy cậu con trai bé nhỏ và cầu xin sự tha thứ.
Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).
Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.
Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.
Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (saint)”.