Nhà tôi ở cạnh nhà cô bé Hồng. Từ hồi cha nó mất, mẹ nó bỏ đi làm ăn xa, nó về đây sống với bà cô. Nhà sát vách nhau, sống với nhau bao nhiêu năm nay nên tôi thừa hiểu cô ta không phải loại người tốt đẹp gì. Cô ta đối xử với Hồng - chính người cháu ruột của mình vô cùng khắc nghiệt. Đỉnh điểm là một lần tôi nghe thấy cuộc trò chuyện giữa cô cháu họ.
Bà ta gợi ý cho Hồng vào Thanh Hóa thăm mẹ: thoạt nghe hoặc không hiểu đầu đuôi câu chuyện thì thấy câu nói này bình thường nhưng tôi hiểu câu chuyện của họ nên thấy rất khó chịu vì là người thân ruột thịt của bé, chứng kiến những đau khổ, thiệt thòi của bé mà nỡ lòng nói những lời đó. Bà cô châm biếm rằng mẹ Hồng ở trong Thanh Hóa đang làm ăn phát tài, lại có thêm em bé với đứa cháu nhỏ của mình: là người xấu xa, cay độc. Bà ta còn giả vờ thương xót rồi bảo chạy tiền tàu xe cho Hồng vào đó để mẹ may quần áo nhưng thực tế chỉ xoáy sâu vào nỗi đau buồn của em vì thiếu vắng sự quan tâm của người mẹ và khiến em ghét bỏ, ruồng rẫy mẹ mình. Tiếp theo đó cô ta kể chuyện mẹ bé ở Thanh Hóa đi bán bóng đèn đầy khổ sở, một tay bế con cho con bú bên rổ bóng đèn, ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, gầy gò, thấy người quen hỏi han thì xấu hổ quay người đi. Để tăng thêm độ tin cậy cho câu chuyện bà ta bịa ra, bà ta xúi Hồng đi hỏi người họ hàng xa về sự thật câu chuyện đó. Kết thúc câu chuyện bà ta khơi gợi lại nỗi đau mất cha của Hồng bằng câu hỏi không biết mẹ bé có về dịp giỗ đầu của cha hay không, quả là một người cô có tâm địa độc ác, xấu xa. Trước hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm của cả cha lẫn mẹ của chính người cháu ruột của mình mà bà ta không những không thương xót mà lại gieo rắc vào đầu chúng những ý nghĩ xấu xa, tiêu cực về người mẹ để chúng căm ghét mẹ mình và tự làm tổn thương chính bản thân chúng.
Tôi chăm chú theo dõi Hồng. Ngay khi bà cô cất tiếng hỏi để bắt đầu cuộc đối thoại mặt bé đã biến sắc, chùng xuống buồn rầu nhưng vẫn cúi đầu không đáp. Bé cất tiếng đáp sau khi lấy lại bình tĩnh rằng không muốn vào thăm mẹ với hi vọng bà cô kết thúc cuộc trò chuyện. Khi bà cô tiếp tục những lời nói cay độc, khóe mắt em bắt đầu cay cay và những giọt nước mắt cứ thế rơi xuống - giọt nước mắt của một đứa trẻ tội nghiệp, thiếu thốn tình yêu thương và bị tổn thương bởi chính người thân ruột thịt của mình. Tuy bé không nói gì thêm, chỉ im lặng nghe bà cô kể lể nhưng qua ánh mắt, hành động của bé tôi hiểu ra rằng trong lòng em đang chịu tổn thương sâu sắc và cũng đầy sự căm hờn.
Cuộc trò chuyện kết thúc trong sự hả hê của bà cô khi kể xong câu chuyện về mẹ Hồng và sự im lặng, chịu đựng của em. Tuy chỉ là hàng xóm và vô tình chứng kiến cuộc đối thoại này nhưng tôi cảm thấy thương cảm với em hơn bao giờ hết, đau xót khi một đứa trẻ phải chịu đựng nhiều tổn thương từ chính người thân của mình. Tuy không còn xa lạ gì với tính cách xấu xa của bà cô nhưng tôi không nghĩ bà ta lại cay độc và hành xử với cháu mình như vậy. Lòng người khó đoán, nhưng đừng nên cay nghiệt với ai kẻo “gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Câu chuyện về bà cô và bé Hồng gần như không hồi kết, nhưng với tư cách là một người hàng xóm và một con người yêu trẻ con, khi đứng trước chuyện bất bình, tôi đã thẳng thắn góp ý với bà ta.