Không chỉ là nhà văn nổi tiếng sáng tác truyện cho trẻ em, An-đéc-xen còn là được biết đến là nhà kể chuyện cổ tích nổi tiếng. Những tác phẩm của ông có sức sống lâu bền, được bạn đọc trên khắp năm châu biết đến và một trong số những tác phẩm như thế đó chính là truyện Cô bé bán diêm. Đọc Cô bé bán diêm, người đọc sẽ được cảm nhận một cách chân thực và sâu sắc thông điệp và tấm lòng nhân ái của nhà văn An-đéc-xen.
Trước hết, tấm lòng nhân ái của nhà văn An-đéc-xen trong Cô bé bán diêm được thể hiện ở niềm thương cảm với những con người nghèo khổ đặc biệt là trẻ em bất hạnh. Chắc hẳn, những ai đã từng một lần nghe kể hay một lần đọc truyện Cô bé bán diêm sẽ không thể nào quên nổi những dòng văn nhà văn kể về hoàn cảnh của cô bé bán diêm. Giữa cái rực sáng của ánh đèn và mùi thơm của ngỗng quay ở khắp thành phố trong đêm giao thừa, cô bé bán diêm mồ côi mẹ ấy vẫn một mình trên đường dưới cái giá rét của trời đông "đầu trần, chân đất, bụng đói, đang dò dẫm trong bóng tối". Khi nhà nhà đã bắt đầu chuẩn bị cho đêm giao thừa, cô bé tội nghiệp ấy vẫn không dám trở về nhà vì cả ngày em không bán được bao diêm nào rồi em sẽ bị bố đánh. Bằng bút pháp đối lập, tương phản giữa hoàn cảnh đáng thương, tội nghiệp của cô bé với không gian rực rỡ ánh đèn, sự ấm áp trong mỗi ngôi nhà tác giả đã thể hiện niềm cảm thương sâu sắc của mình trước hoàn cảnh của cô bé, đồng thời, qua đó cũng gợi lên trong người đọc niềm cảm thương với những số phận nghèo khổ, đặc biệt là trẻ em.
Thêm vào đó, tấm lòng nhân ái của An-đéc-xen còn được thể hiện ở sự cảm thông và tình yêu thương sâu nặng đối với em bé đáng thương, bất hạnh. Giữa cái giá rét, trong màn đêm với làn tuyết mỗi lúc một dày đặc lên, "em ngồi nép trong một góc tường" - nơi có nhiều người qua lại với niềm hi vọng mong manh có ai đó sẽ nhìn thấy và giúp em. Nhưng không, người qua đường vẫn cứ thế vội vã đi qua, tuyết vẫn cứ rơi mỗi lúc một dày thêm và rồi em bé đánh liều và quyết định đánh một que diêm để sưởi ấm cho mình. Và để rồi, sau những lần quẹt diêm ấy, giữa hai bờ của hiện thực và mộng ảo, nhà văn đã để cho em bé có những giấc mơ thật đẹp nhưng cũng thật xót xa. Quẹt que diêm thứ nhất, em bé tưởng tượng mình đang ngồi trước một cái lò sưởi với "một hơi nóng dịu dàng" nhưng rồi ánh sáng của que diêm vụt tắt, để lại trong em nỗi sợ hãi sẽ bị bố đánh vì cả ngày không bán được que diêm nào. Rồi trong cơn rét ấy, cái đói cũng bủa vây lấy em, em lại tiếp tục đốt que diêm thứ hai, lần này, em nhìn thấy một con ngỗng quay với mâm cỗ thịnh soạn nhưng rồi que diêm ấy cũng vụt tắt, "thực tế đã thay cho mộng mị: chẳng có bàn ăn thịnh soạn nào cả, chỉ có phố xá vắng teo, lạnh buốt, tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu và mấy người khách qua đường quần áo ấm êm vội vã đi đến những nơi hẹn hò, hoàn toàn lãnh đạm với cảnh nghèo khổ của em bé bán diêm". Dường như, ánh sáng của que diêm đã đem đến cho cô bé một thế giới mới - một thế giới ấm áp mà cô hằng ao ước nhưng đến cuối cùng, ánh sáng ngắn ngủi, chốc lát đã vụt biến mất, để lại em bé với màn đêm với những bức tường thờ ơ, lạnh lẽo trong đêm tối giá rét. Chỉ còn lại một mình trong đêm tối, em bé lại quẹt que diêm thứ ba nhưng lần này em không còn mơ thấy lò sưởi, không còn thấy ngỗng quay hay bàn ăn thịnh soạn mà thay vào đó là "một cây thông Nô-en", "cây này lớn và được trang trí lộng lẫy hơn cây năm ngoái em nhìn thấy" với "hàng ngàn ngọn nến sáng rực, lấp lánh trên cành lá xanh tươi"... Có lẽ giờ đây, em bé tội nghiệp ấy ước mong được đón Nô-en, được đón một đêm giao thừa ấm áp. Nhưng ánh sáng của que diêm thứ ba cũng vội vụt tắt đi. Lúc ánh sáng của que diêm ấy vụt tắt đi đó cũng là những ngọn nến trên cây thông kia "bay lên, bay lên mãi rồi biến thành những ngôi sao trên trời". Rồi em bé ấy nghĩ đến cái chết như một lẽ tự nhiên bởi em nhớ người bà yêu quý của em đã từng nói "Khi có một vì sao đổi ngôi là có một linh hồn bay lên trời với Thượng đế". Rồi em quẹt thêm một que diêm nữa vào tường, lần này em đã được gặp người bà hiền hậu, yêu quý của em và em xin phép bà cho em được theo cùng "cháu van bà, bà xin Thượng đế chí nhân, cho cháu về với bà. Chắc người không từ chối đâu". Nhưng rồi đến cuối cùng, ánh sáng của que diêm ấy cũng đã vụt tắt. Cuối cùng, em bé tội nghiệp đã đốt hết những que diêm còn lại để níu chân bà ở lại nhưng điều đó là không thể, hai bà cháu đã nắm tay nhau về với Thượng đế. Như vậy, bằng những yếu tố tưởng tượng, kì ảo, tác giả An-đéc-xen đã để cô bé bán diêm thực hiện được những mong ước của mình - những thứ mà trong cuộc sống đời thường cô bé tội nghiệp, đáng thương ấy chưa bao giờ có được. Điều ấy xét đến cùng là biểu hiện của sự cảm thông và tình yêu thương sâu sắc mà tác giả An-đéc-xen dành cho cô bé bán diêm tội nghiệp.
Và cuối cùng, nỗi xót xa trước cái chết của cô bé là minh chứng cuối cùng cho tấm lòng nhân ái của nhà văn An-đéc-xen. Truyện kết thúc với hình ảnh "một em bé gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười" và ở bên cạnh em bé ấy "một bao diêm đã đốt hết nhẵn" thì những người đang vội vã bước đi kia không thể nào biết được "những cái kỳ diệu mà em bé đã trông thấy, nhất là cảnh huy hoàng lúc hai bà cháu bay lên để đón những niềm vui đầu năm". Em bé đã chết không chỉ bởi cái lạnh lẽo, giá rét của tiết trời mà còn bởi sự vô tâm, thờ ơ của chính những con người trong xã hội ấy. Kết thúc tác phẩm bằng hình ảnh cái chết của cô bé và sự vô tâm của những người qua đường, tác giả đã thể hiện nỗi đau xót xa trước những số phận nghèo khó, đặc biệt là trẻ em và gián tiếp lên án sự vô tâm, thờ ơ, dửng dưng của những con người trong xã hội.
Tóm lại, trong truyện Cô bé bán diêm, nhà văn An-đéc-xen đã thể hiện sâu sắc tấm lòng nhân ái của mình với những số phận, cảnh đời nghèo khó, đặc biệt là trẻ em. Đồng thời, qua đó nhà văn muốn gửi tới người đọc mọi thế hệ bức thông điệp, bài học giàu ý nghĩa về tình yêu thương giữa con người với con người.