Văn bản ngữ văn 8

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Đào Bảo Linh

Đề bài: Phân tíchnhân vật chị dậu trong tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố để làm rõ nhận xét sau của nhà văn Nguyễn Tuân "trên cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa hiện lên 1 cái chân dung lạc quan quan của chị Dậu?

Giúp mình với?khocroi

Huyền Anh Kute
1 tháng 10 2017 lúc 20:33

P tham khảo nha!!!

Ngô Tất Tố là nhà văn xuất sắc trong dòng văn học hiện thực 1930-1945. Viết về nạn sưu thuế dã man đã bần cùng hóa nhân dân ta, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân, tiểu thuyết “Tắt đèn" của Ngô Tất Tố là một thành công đặc sắc. Nhân vật chị Dậu đã được khắc họa thành một nhân vật điển hình về người phụ nữ nông dân trong xã hội cũ.

Bình luận về tác phẩm “Tắt đèn”, nhà văn Nguyễn Tuân có nhận xét vé nhân vật chị Dậu như sau:

Trên cái tối giời, tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”.

Nhận xét của Nguyền Tuân rất sắc sảo. Ông chỉ ra giá trị hiện thực của “Tắt đèn” một tác phẩm đã phản ánh sự đen tối lầm than của nông thôn Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, đồng thời khẳng định thành công của Ngô Tất Tố khắc hoạ nhân vật chị Dậu “một chân dung lạc quan ” hiện lên giữa “cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa " ấy. Chị Dậu có bao phẩm chất tốt đẹp: nghèo khổ mà phẩm giá trong sạch, thương chồng thương con, đảm đang tháo vát, dũng cảm chống lại bọn cường hào.. Bản chất của nhân vật chị Dậu rất khóe, cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra..”.

1. “Cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưam' được nói đến trong Tắt đèn” là làng Đông Xá giữa mùa sưu thuế. Tiếng trống ngũ liên, tiếng tù và, tiếng mõ đốc sưu nổi lên suốt đêm ngày nghe rất rùng rợn, cổng làng bị bọn cường hào đóng chặt để tróc sưu. Bọn cai lệ, bọn tay chân lí trưởng với roi song, tay thước, dây thừng, nghênh ngang đi lại ngoài đường thét bắt trói kẻ thiếu sưu. Lí trưởng làng Đông Xá ra lệnh cho lũ tay chân: "Tha hồ đánh! Tha hồ trói! Thằng nào bướng bỉnh đánh chết vô tội vạ! Anh Dậu vì tội thiếu sưu mà bị bọn cường hào “bắt trói như trói chó để giết thịt!’’. Em trai anh Dậu chết từ năm ngoái nhưng anh Dậu vẫn phải nộp thay vì “Chết cũng không trốn được sưu Nhà nước!”. Có biết bao gia đình nông dân nghèo khổ bị điêu đứng, bị bắt đánh trói dã man! Chị Dậu phải bán khoai, bán ổ chó, bán đứa con gái đầu lòng lên 7 tuổi cho Nghị Quế. Chị phải đi ở vú... để kiếm đủ số tiền trang trải hai suất sưu cho chổng và đứa em chồng đã chết! Có thể nói “Tắt đèn là bức tranh chân thực về xã hội nông thôn đen tối trước cách mạng, đồng thời là bản án đanh thép đối với cái xã hội ấy. Đọc “Tắt đèn”, ta rùng mình cảm thấy“cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa ” như Tố Hữu đã viết:

“Nửa đêm thuế thúc trống dồn,

Sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy... ”

(30 năm đời ta có Đảng)

2. Giữa cái xã hội đen tối, hãi hùng ấy đã “Hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu”. Ngô Tất Tố không chỉ thấu hiểu đời sống nông thôn mà còn có tình cảm gắn bó với những người dân cày lam lũ, nghèo khổ. Ông đã dành cho nhân vật chị Dậu sự đồng cảm, xót thương và quý trọng. Ông đã viết nên những lời tốt đẹp nhất về cái chân dung lạc quan của chị Dậu. Chị Dậu cần cù chịu khó làm ăn "đầu tắt mặt tối” thế mà "cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”. Tai họa dồn dập: hai cái tang mẹ chồng và em chồng, rồi anh Dậu bị ốm nặng kéo dài mấy tháng trời, gia đình chị trở thành “cùng đinh”. Thiếu sưu, chồng bị bắt, bị đánh trói dã man. Một nách ba đứa con thơ, trong nhà không còn một hột gạo, chị Dậu tất tả ngược xuôi tìm mọi cách để cứu chồng. Chị đã phải bán gánh khoai, bán ổ chó, đứt ruột bán cái Tí lên 7 tuổi cho mụ Nghị, mới trả đủ một suất sưu cho chồng! Chị còn phải đi ở vú để trang trải “món nợ Nhà nước” cho đứa em chồng đã chết. Trước mọi tai họa, chị đã vững vàng chống đỡ.

Trong cảnh “Tức nước vỡ bờ”, cái chân dung lạc quan của chị Dậu” đã tỏa sáng. Chị nấu cháo, lấỵ quạt quạt cho cháo chóng nguội, ân cần mời chồng, an ủi chồng đang ốm “rề rề” ăn cháo. Trước sự chửi mắng và thái độ hách dịch côn đồ của tên cai lệ, chị đã nhún mình van xin tha cho chồng”... Nhưng khi bị tên cai lệ “ bịch vào ngực”, tát đánh bốp vào mặt”, anh Dậu sắp bị trói, chị Dậu đã “nghiến hai hàm răng” thách thức: "Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Với quyết tâm bảo vệ chồng, với sức mạnh và lòng dũng cảm, chị Dậu đã đánh ngã nhào hai tên côn đồ độc ác, những kẻ "hút nhiều xái cũ”. Chị căm giận phủ định mọi thế lực tàn ác của chính quyền thực dân. Chị nói với chồng sau khi đã trừng trị lũ đầu trâu mặt ngựa: “Thà ngồi tù. Để cho chúng làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được... ”.Cái chân dung chị Dậu ‘lạc quan ” lắm chứ! Đẹp lắm chứ!

Đói cho sạch, rách cho thơm. Đọc “Tắt đèn ”, ta khâm phục trước phẩm cách trong sạch của chị Dậu. Chị Dậu đã “vứt toẹt nắm bạc” vào mặt tên Tri phủ Tư Ân khi hắn giở trò chó má! Chị cũng đã đẩy cụ cố Thượng ra, khi lão già ôm lấy chị... Bạo lực, tù đày, chị không sợ. Tiền bạc không mua chuộc được người đàn bà nhà quê này! Trong đêm tối như mực, ta thấy “hiện lên một cái chân dung lạc quan của chi Dậu ”.

Có người cho rằng chị Dậu manh động! Lại có ý kiến cho rằng cái kết của Tắt đèn nhuốm màu bi quan? Nhà văn Nguyễn Tuân đã phát hiện ra "Bản chất của chị Dậu rất khoẻ, cứ thấy lăn xà vào bóng tối mà phá ra ". Đó là một ý rất hay, rất đặc sắc.

Ngày nay, nông thôn Việt Nam đã có nhiều đổi mới. Xóm làng đã "ngói hoá”. Ánh điện đã toả sáng nhiều xóm thôn. Những cái Tí đã được cắp sách đến trường. Đọc “Tắt đèn “là một dịp để mọi người “ôn cũ biết mới”. Ta càng thấy cái tâm và cái tài của Ngô Tất Tố khi ông miêu tả bức chân dung lạc quan của chị Dậu.

Chúc pạn hok tốt!!!

Ánh Right
1 tháng 10 2017 lúc 20:31

Ngô Tất Tố là nhà văn xuất sắc trong dòng văn học hiện thực phê phán,cũng là nhà văn xuất sắc của người dân quê Việt Nam. Ông viết về họ với sự thấu hiểu tận cùng những nỗi khổ đau,mất mát của cõi người trong xã hội phong kiến. Đồng thời ông cũng viết về họ với tất cả niềm yêu thương,trân trọng và gửi gắm hi vọng vào bản chất tốt đẹp không bị những khốn khổ của cuộc đời làm khuất lấp. Nhắc đến ông là ta nhớ đến tiểu thuyết "Tắt đèn",nói đến "tắt đèn" là ta nghĩ đến thân phận chị Dậu. Đó là một người phụ nữ nông dân nghèo khổ,cần cù lao động,giàu tình thương chồng thương con,dũng cảm chống lại bọn cường hào. Nhà văn Ngô Tất Tố đã xây dựng nhân vật chị Dậu tiêu biểu cho cảnh ngộ khốn khổ và phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Chị Dậu là một người phụ nữ nghèo khó,đau khổ. Một gia đình hai vợ chồng và ba đứa con thơ. Cày thuê cuốc mướn "đầu tắt mặt tối" quanh năm mà vẫn "cơm không đủ ăn,áo không đủ mặc". Mấy gian nhà gianh như một túp lều,trống không. Sau hai cái tang mẹ chồng và đứa em chồng,gia đình chị Dậu đã trở thành "hạng cùng đinh". Tai họa dồn dập. Giữa ngày mùa mà trong nhà không có một hạt gạo,mấy đứa con thơ chỉ biết ăn khoai,nhá rễ khoai. Hai suất sưu của chồng và đứa em chồng đã chết,cái "món nợ nhà nước" ấy là tai họa khủng khiếp nhất giáng xuống đầu gia đình chị Dậu. Vì cái tội thiếu sưu,mà anh Dậu đã bị lý trưởng làng Đông Xá "bắt trói như trói chó để giết thịt". Chị Dậu là một tội đồ đáng thương. Xin nới lỏng dây trói cho chồng,chị liền bị tên cai lệ "đánh đấm túi bụi". Xin khất sưu cho chồng thì bị tên cai lệ "tát đánh bốp" vào mặt và "bịch mấy bịch" vào ngực. Lúc thì bị bọn cường hào bắt trói giải huyện. Lúc thì bị vợ chồng Nghị Quế bắt bí,mua rẻ đứa con và ổ chó. Xin cái triện đóng vào tờ văn tự bán con mà chị Dậu phải cấy không công cho "cụ lí" một mẫu ruộng. Đau khổ nhất là chị Dậu phải "đứt ruột" bán đứa con gái đầu lòng lên bảy với giá một đồng bạc để nộp sưu cho chồng. Nhục nhã nhất là chị bị tri phủ Tư Ân và cụ cố Thượng xâm phạm đến phẩm giá,nhân phẩm. Có điều kì lạ là người đàn bà nhà quê này,tuy phải đổ nhiều nước mắt,nhiều tiếng thở dài…nhưng đã đứng vững trước bao thử thách,tai họa. Ngô Tất Tố bằng tấm lòng nhân đạo đã dành cho nhân vật chị Dậu bao tình thương xót và cảm thông chứa chan.

người vợ,một người mẹ đảm đang,đôn hậu. Mấy lần chị nhẫn nhục cất tiếng van xin cụ lí,tên cai lệ nới dây trói cho chồng,xin khất sưu cho chồng vì muốn cho chồng bớt đau. Mấy lần chị Dậu,mồ hôi và nước mắt thánh thót xin vợ chồng Nghị Quế "gión tay làm phúc" mua đứa con và ổ chó. Tất cả vì lòng thương chồng và thương con bao la. Hình ảnh chị Dậu bế con thơ,quạt cháo cho nguội,an ủi chồng: "Thầy em hãy cố ngồi dậy húp ít cháo cho đỡ xót ruột" là một cảnh tượng cảm động của người vợ hiền thảo trong cái gia đình Việt Nam xưa nay:

"Tay bưng đĩa muối chén gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau"

Trước cảnh chồng bị bắt giam,bị đánh trói thập tử nhất sinh,chị Dậu chạy ngược chạy xuôi đi vay nợ,bòn mót bán gánh khoai,bán con,bán chó. Bán con dù đau đớn nhưng đó là một giải pháp tình thế để cứu chồng qua tai họa trước mắt. Tình thương chồng của chị Dậu gắn liền với tình thương con không thể nào kể xiết. Một củ khoai chị cũng nhịn,nhường lại cho con. Trước khi dẫn cái Tí sang nhà cụ Nghị,lòng chị tan nát,buồn rũ rượi,nghe các con kêu khóc mà chị "thổn thức". Như một linh hồn đau khổ,tội lỗi,chị chùi nước mắt mà tự nói với lòng mình: "Thôi,phải tội với trời,mẹ chịu! Cảnh nhà đã thế,mẹ đành dứt tình với con!". Chị Dậu vừa khóc,vừa van xin đứa con gái ngây thơ bị mẹ bán đi. Mỗi tiếng kêu là một nhát dao cắt lòng. Mỗi tiếng kêu là một giọt lệ. Nghe thật não nùng ai oán. Vì trong tai họa,chị tự biết hành động bán con của người mẹ là "phải tội với trời" nhưng đó là con đường cùng,vì không có tiền nộp sưu thì chồng chị "sẽ chết ở đình,chứ không sống được". Qua đó,ta càng thấy rõ,trong bi kịch gia đình,trái tim đôn hậu và đức hi sinh của chị Dậu,của người vợ,người mẹ đã bừng sáng lên.

Chị Dậu là một người phụ nữ nông dân cứng cỏi,dám đấu tranh chống áp bức,lúc nào chị cũng cố vươn ra để thoát khỏi tai họa. Chị rất nhẫn nhục trong xưng hô với bọn cường hào. Chị tự xưng là "cháu","nhà cháu". Gọi bọn cai lệ là "ông","cháu van ông…". Khi bị tát đánh vào mặt,vào ngực,khi tên cai lệ "giật phắt cái dây thừng" trong tay tên hầu cận lí trưởng chạy đến trói anh Dậu khi anh còn đang ốm thì thái độ của chị Dậu trở nên quyết liệt. Chị "xám mặt","nghiến hai hàm răng" cự lại: "Chồng tôi đau ốm,không được phép hành hạ". Lũ thú dữ lồng lên,chị căm giận thách thức: "Mày trói ngay chồng bà đi,bà cho mày xem!". "Cháu" đã trở thành "bà","ông" đã biến thành "mày". Tay thước,roi song,dây thừng của lũ đầu trâu mặt ngựa trở nên vô nghĩa với chị Dậu. Chị đã dũng cảm đánh ngã nhào tên cai lệ và tên hầu cận lí trưởng. Chị đã dạy cho chúng một bài học đích đáng! Trước sự can ngăn của chồng,chị Dậu vẫn chưa nguôi giận: "Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế,tôi không chịu được…"

Con giun xéo mãi cũng quằn,chị Dậu cũng vậy,bị áp bức dã man,tính mạng bị đe dọa,chị đã vùng lên đánh trả một cách dũng cảm. Chị Dậu,chồng con chị cũng như hàng triệu nông dân là nạn nhân của chế độ thực dân nửa phong kiến. Sưu thuế dã man,ách áp bức của bọn cường hào địa chủ đã tước đoạt quyền sống làm người của họ. Nhân vật chị Dậu là hiện thân cho bao phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ nông dân như đảm đang,đôn hậu,giàu tình thương chồng,thương con,dũng cảm chống áp bức. Bức chân dung chị Dậu đã tô đậm giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo trong tiểu thuyết "Tắt đèn" nói chung và đoạn trích "tức nước vỡ bờ" nói riêng. Ta càng cảm thấy "bản chất của nhân vật chị Dậu rất khỏe,cứ thấy lăn xả vào bóng tối mà phá ra" như Nguyễn Tuân đã nhận xét. Ông đã chỉ ra một quy luật tất yếu trong xã hội: Có áp bức có đấu tranh.

Tóm lại,qua đoạn trích "Tức nước vỡ bờ",ta thấy nổi bật lên hình ảnh người phụ nữ nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám với tình yêu chồng,thương con tha thiết,giàu lòng vị tha và đức hi sinh. Đọc đoạn trích này,ta thấy trào dâng lên sự khâm phục,biết ơn trước những con người như thế. Họ thật sự xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng cho phụ nữ Việt Nam: "Anh hùng,bất khuất,trung hậu,đảm đang".


Các câu hỏi tương tự
Nghiêm Thị Hồng Nhung
Xem chi tiết
Tran Thuy Chi
Xem chi tiết
Nghiêm Thị Hồng Nhung
Xem chi tiết
Phong Lan Vu
Xem chi tiết
ʚĭɞ Thị Quyên ʚĭɞ
Xem chi tiết
Mai Hoàng
Xem chi tiết
nguyễn thị trang
Xem chi tiết
nguyễn thị trang
Xem chi tiết
ngo thi hoa
Xem chi tiết