Tập làm văn lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
cao ngọc hương trà

Đề bài: Giải thích câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách"

Giúp mk vs, mk đang cần gấp khocroi

Trần Thị Bích Trâm
26 tháng 4 2017 lúc 20:33

Trên thế giới ngày nay, ta có được một cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Mọi thứ đều hiện đại. Từ những chiếc máy bay đang bay trên bầu trời trong xanh cho đến những đồ dùng nhỏ nhất của chúng ta cũng rất tiên tiến. Chúng đều do con người tạo ra. Nhưng chúng không phải do chỉ một người, một cá nhân nào đó tạo nên mà do sự đoàn kết của nhiều người tạo nên. Tất cả thứ đó đã nói lên hai từ thật ý nghĩa: đoàn kết. Việt Nam chúng ta cũng có một lòng đoàn kết rất bền vững, và còn hơn như vậy, chúng ta còn biết đùm bọc lẫn nhau. Những người có hoàn cảnh sống tốt thì giúp đỡ những người nghèo yếu. Người Việt Nam chúng ta hình như đã hiểu được và đang cố gắng làm theo câu tục ngữ đã có từ ngàn xưa của ông cha ta: Lá lành đùm lá rách.
Trước hết, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách". Đọc lướt qua, ta có thể hiểu rằng lá lành ở đây có nghĩa là một chiếc lá trên cây, còn xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống. Còn lá rách ở đây có nghĩa là một chiếc lá đã vàng úa, bị rách nát, đang sống những ngày tháng cuối cùng trên cây trước khi bị rụng. Như vậy cả câu có nghĩa rằng những chiếc lá xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống kia sẽ che chở và bảo vệ những chiếc lá già nua, vàng úa. Nhưng ý nghĩa đích thực của câu tục ngữ không dừng lại ở đó. Lá lành có nghĩa là những người đang có cuộc sống sung túc, hạnh phúc. Còn lá rách có nghĩa là những người nghèo, những người khuyết tật đang sống những ngày tháng cực khổ. Như vậy, cả câu có một ý nghĩa thật sâu xa: Những người đang có một cuộc sống thật hạnh phúc đầy đủ phải biết che chở, đùm bọc, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Vậy vì sao phải giúp đỡ những người khó khăn? Vì sao phải "Lá lành đùm lá rách"?
Trong cuộc sống, mỗi người có một hoàn cảnh sống, điều kiện sống riêng. Thế nhưng xét cho cùng, mỗi người đều có một mối quan hệ gần gũi, ràng buộc. Bạn bè cùng lứa tuổi thì cùng học chung một mái trường, một lớp hõc. Hàng xóm láng giềng thì đi cùng chung một đường đi, lối lại. Dân tộc Kinh, Mường, Tày... đều sinh ra từ một bọc trứng của mẹ Âu Cơ. VÌ vậy, không ai có thề sống riêng lẻ, tách biệt với mọi người. Tình thương yêu chia sẻ ngọt bùi sẽ giúp con người được gắn bó với nhau hơn. Đồng thời chúng ta cũng phải biết giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, khó khăn nữa. Từ đó, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, không còn cảnh người nghèo, người khuyết tật phài đi ăn xin...
Vậy ta phải giúp đỡ họ như thế nào ?
Ta có thể giúp đỡ họ bằng nhiều cách, nhiều hướng khác nhau. Nếu là những em học sinh còn nhỏ, chúng ta có thể đóng góp những quyển sách, quyển vở trong những phong trào của trường. Nếu chúng ta gặp một người nghèo giơ bàn tay để xin tiền, ta có thể đưa cho họ một chút ít tiền, dù dù số tiền đó rất ít ỏi nhưng họ có thể sẽ rất vui. Ta có thể giúp họ qua những tổ chức từ thiện... Nhưng ta không bao giờ nên ghét bỏ họ. Có thể họ nghèo nhưng họ có thể có một lòng nhân ái, bao dung rất tuyệt vời. Tuy việc làm của chúng ta rất nhỏ nhưng ngày qua ngày, số tiền sẽ lớn hơn, và sẻ giúp được họ trong cuộc sống chật vật này.
Câu tục ngữ "Lá lành đùm lá rách" thực sự là một lời khuyên hữu ích cho mỗi người chúng ta. Chúng có được một cuỗc sống như ngày hôm nay, thì phải nghĩ đến những người nghèo khó hơn mình. Từ đó mà cùng nhau giúp đỡ họ. Là học sinh, chúng ta cũng phải biết giúp đỡ họ bằng cách đóng góp những quyển sách quyển vở. Hãy giúp đỡ những người nghèo khó vì một đất nước Việt Nam tươi đẹp, văn minh

Diệp Tử Đằng
4 tháng 5 2017 lúc 19:18

Thực tế lịch sử đã cho thấy trong bốn ngàn năm sống còn trên dải đất bên bờ biển Đông đầy sóng gió này,dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng gánh chịu biết bao là thiên tai,dịch họa vô cùng ác liệt.Phép lạ nào đã giúp tổ tiên chúng ta vượt qua được mọi khó khăn,điêu đứng ấy để đứng vững cùng bè bạn năm châu ? Phải chăng là ở sức mạnh của tinh thần đoàn kết,tương trợ lẫn nhau ? Phải chăng là nhờ nhân dân ta đã thực hiện đúng như câu tục ngữ mà từ bao đời nay cha ông ta đã truyền đời : “Lá lành đùm lá rách” ?
Nội dung chứa đựng trong câu ấy có thể xem như một bài học về đạo lí làm người,đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước.

Đọc câu tục ngữ ấy lên,chúng ta hình dung được ngay một hiện tượng rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân ta.Đó là dùng lá cây-lá chuối chẳng hạn-để gói hàng.Nếu lá bị rách, người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.
Đó là nghĩa đen, nghĩa thực của câu tục ngữ.Thế nhưng về mặt nghĩa bóng thì sao ? Hình ảnh “lá lành”,”lá rách” ở đây tượng trưng cho con người trong những hoàn cảnh riêng khác nhau.”Lá lành” chỉ con người lúc yên ổn,thuận lợi,cuộc sống xuôi chèo mát mái.Trái lại “lá rách” chỉ con người lúc khó khăn,sa cơ lỡ vận.Bằng lối nói tượng trưng,dùng hình ảnh cụ thể và giản dị ấy,câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ,giúp đỡ,thông cảm,xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quấn,gieo neo.
Với nội dung vừa nói,câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp,đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội.Thật vậy,đoàn kết tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.Ngoài câu tục ngữ trên,người xưa còn truyền đời các câu :
“Chị ngã em nâng”.
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
“Bầu ơi ! thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

Các câu trên đều khuyên nhủ ta hễ là đồng bào thì nên đoàn kết,hợp tác,chặt chẽ với nhau trong tinh thần tương thân tương ái,không nên thờ ơ,ngoảnh mặt,quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác mà trái lại phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ,đùm bọc,chở che người khó khăn,thất thế.Những người giàu có nên thương yêu giúp đỡ cho những người nghèo khổ nhất là trong những khi họ gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội,cháy nhà,bệnh tật…

Những người có địa vị cao,trách nhiệm lớn nên tạo điều kiện,giúp đỡ quần chúng được sống một đời no ấm hạnh phúc.Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy :
“Thấy ai đói rách thì thương
Rét thường cho mặc,đói thường cho ăn”.

Trong đời sống xã hội,hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công,khi thất bại.Có cái tính thương người như thể thương thân ấy,thì cuộc sống xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ,xung đột,xây dựng được tình đoàn kết,tương thân,tương ái.Điều đó đủ cho thấy lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng,thân ái.Cũng phải thấy rằng thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu,một thái độ ích kỉ,vô lương tâm.

Trong đời sống còn nhiều khó khăn của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay,hơn lúc nào hết,lòng nhân ái,tình cảm thương yêu,đùm bọc lẫn nhau ấy phải được nâng lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người chúng ta.

Câu tục ngữ được truyền tiếp bao đời nay đủ khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta.Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn,tinh thần tương thân tương ái đậm đà nên trải qua bao đời Bắc thuộc,Pháp thuộc,và Mĩ thuộc,nhân dân ta vẫn bảo vệ được nền độc lập,bảo vệ được sự sống còn vững mạnh cho đến ngày nay.
Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận định,đánh giá đúng tinh thần của câu tục ngữ này.Lá lành đùm lá rách nghĩa là người khỏe mạnh,bình yên phải giúp đỡ người yếu đuối,khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng phải không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn trịch thượng kiểu bố thí mà nhất thiết phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo mà chúng ta vừa phân tích ở trên. Cả người được giúp đỡ cũng vậy,không nên ỷ lại,hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động, biếng lười. Họ phải vươn lên xứng đáng để làm nên mối quan hệ bình đẳng thân ái với người khác.

Tóm lại, tình yêu thương đùm bọc nhau là một truyền thống đẹp đẽ về đạo lí làm người đã được dân tộc ta giữ vững và phát triển qua nhiều thế hệ, trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước,nhất là trong khó khăn, hoạn nạn,dịch họa,thiên tai.

Ngày nay, truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa.Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái,tương thân,tương trợ nhau trong sinh hoạt,học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội.Tuy nhiên,hơn ai hết,thanh niên chúng ta cần chống tư tưởng ỷ lại, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.


Các câu hỏi tương tự
Ice Tea
Xem chi tiết
Đặng Trang
Xem chi tiết
Đỗ thị như quỳnh
Xem chi tiết
Linh Oracles
Xem chi tiết
mini seri
Xem chi tiết
Nguyễn Hoàng Tuyết Linh
Xem chi tiết
Toản Trần
Xem chi tiết
LiLy Nguyễn ( LoVeLy ArM...
Xem chi tiết
Hoàng KIDO
Xem chi tiết