Đề 1) Kể về 1 việc làm tốt mà em đã chứng kiến hoạc trực tiếp tham gia (vụ tai nạn, trẻ em đi lạc, người bị: đuối nước, ngất xỉu, trúng gió,...)
Đề 2) Kể về 1 kỉ niệm đáng nhớ thời học sinh/(thầy cô/mái trường/bạn bè...)
Đề 3) Nêu cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong truyện Làng, anh thanh niên trong truyện Lặng Lẽ Sa Pa
Giúp tớ với , mai thi rồi !! :))
1
Ngày hôm ấy là một ngày oi nồng, nóng bức. Tan học về, trời bắt đầu chuyển giông. Em vội vã rẽ nhanh vào con hẻm nhà mình thì thấy một chị bế em bé độ mười tháng tuổi một tay kéo va li và đang rảo bước.
Đến ngay cạnh người phụ nữ mới thấy chị mệt thế nào: tóc chị bết mồ hôi, một tay bế con còn kẹp thêm một túi xách nhỏ, tay kia chị kéo cái va-li độ hai chục kí. Chị phụ nữ còn trẻ, chị mặc áo sơ-mi màu vàng mơ, khoác một áo khoác nhẹ. Còn em bé mới xinh làm sao, em bé đội một cái mũ vải ren bèo màu hồng. Được mẹ bế trên tay nhưng chắc hai mẹ con đi bộ cũng xa nên bé hơi khó chịu, nó cho tay vào mồm mút và đang muốn khóc quấy. Em vội thưa:
- Chị về đâu hả chị? Chị đưa em kéo va-li giúp cho!
Chị dừng lại nhìn em:
- Sắp mưa rồi, chị sợ cháu mắc mưa. Nhà ba chồng chị ở trong hẻm này nè, cũng gần đây thôi.
Trong đầu em chợt loé lên một ý nghĩ, em buột miệng:
- Ba chồng... hay chị là...
- Chị là con dâu chú tổ trưởng khu phố này đấy, em biết chú ấy không?
Em reo lên:
- Em biết ngay mà. Em ở sát nhà ba chồng chị. Em tên Hưng. Chị bế cháu đi, đưa giỏ để luôn trên va-li, em kéo cho.
Chị phụ nữ cười, thở phào một cái:
- May mà gặp em. Em giúp chị nhé!
Em xốc lại chiếc cặp trên vai, kéo va-li giúp chị. Chị bế cháu bé lúc này trông thong thả hơn. Rảnh tay không xách giỏ, chị vỗ nhè nhẹ vào lưng em bé, nó ngừng mút tay, tròn xoe đôi mắt lay láy nhìn em. Hai chị em rảo bước vì trời bắt đầu mưa nhẹ. Về đến nhà em, cũng sát ngay nhà chú Tuân, em reo to:
- Chú Tuân ơi, tin vui, tin vui!
Chú Tuân mở cánh cổng chấn song, vui mừng kêu lên:
- Sao không điện cho ba di đón?
Chú đưa tay đỡ ngay em bé, nó nhào người sang tay chú ngay. Chị phụ nữ rút khăn tay lau cho em bé, cười vui vẻ:
- Gớm, mút tay bẩn mới ghê chứ! Thưa ba, con đi xe bus xuống trạm đây rồi, sợ ba bận nhiều việc hay trở trời đau chân. Chân ba có bị đau nhiều không ba?
Chú Tuân cảm động nhìn con dâu, bảo: “Ba khỏe”. Em kéo va-li và giỏ vào trong phòng khách nhà chú Tuân xong, vòng tay chào chú và chị. Chú Tuân bắt tay em như người lớn, chú vui vẻ, điệu đàng:
- Cảm ơn “Dũng sĩ Tiền phong” nghen. Thay quần áo rồi sang nhà chú ăn kẹo nha.
Em trả lời: “Vâng ạ!”, chào chú và chị lần nữa, thơm em bé một cái thật kêu rồi về nhà mình.
Em vừa đi vừa hát, lòng tràn ngập niềm vui vì đã làm được một việc tốt. Em còn vui vì một điều nữa: chú Tuân có con dâu và cháu về chơi vui vẻ hơn vì chú sống có một mình, còn em sẽ có em bé để nựng thích ghê. Làm được việc tốt em thấy mình trưởng thành lên rất nhiều.
1
Chẳng bao giờ em làm được một việc tốt đáng kể hay chỉ ít là làm người khác thấy vui, chỉ trừ có một lần khi em còn học lớp 2. Lần đó em đã nhặt được của rơi và trả lại cho người mất.
Chiều hôm ấy, em trực nhật nên phải ở lại lớp một lúc để đổ rác. Lúc em đang đi trên sân trường thì bỗng em giẫm phải một vật gì cưng cứng. Em cúi xuống nhặt lên thì thấy: Ồ! hoá ra là một cuốn tiểu thuyết khổ 18x7cm của nhà sách Trí Tuệ cuốn đầu giáo sư Powel của tác giả A.R Belger. Cuốn sách này được bọc ngoài bằng nilon trong nên có lẽ người mất mới mua về chưa đọc. Em cũng chưa đọc nó nhưng đã biết ít nhiều về nó qua lời nói của bố mẹ. Hình như nó là một cuốn tiểu thuyết rất hay. Em lật xem bìa sau của cuốn sách thì thấy một đoạn văn ngắn kể lại tóm tắt nội dung cuốn sách. Nó càng làm em chắc chắn về suy nghĩ của mình. Trong đầu em hiện lên ý nghĩ lấy luôn cuốn sách này. Thế là, em ngó xung quanh xem có ai không. Thôi chết! Còn bác bảo vệ. Em chờ bác bảo vệ để ý đi chỗ khác rồi nhanh tay đút luôn cuốn sách vào cặp tung tăng chạy ra khỏi cổng trường. Trên đường, em không thôi nghĩ về nhưng tình tiết hấp dẫn, li kì của cuốn sách. Ôi! thú vị biết bao! Nhưng cái đầu em không chỉ nghĩ đến một chuyện nó lái sang một chuyện khác. Chuyện về người bị mất. Vì có cái đầu ham nghĩ nên em không biết phải phân xử ra sao, mang về đọc và giữ của riêng hay trả lại cho người bị mất đây! Hai phương án cứ đánh nhau, xáo trộn trong đầu em. Vừa lúc đó, em về đến nhà. Em chào bố mẹ rồi đặt mình lên chiếc giường ở phòng riêng. Em lại tiếp tục suy nghĩ. Mà phải rồi! Mẹ là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, mình nên hỏi mẹ xem sao! Em nghĩ, thế là em chạy xuống tầng 1, đưa cuốn sách cho mẹ và kể đầu đuôi câu chuyện cho mẹ nghe. Nghe xong, mẹ cười và bảo:
– Bây giờ, con hãy đặt mình vào tình huống như người mất mà xem. Chắc chắn con sẽ rất buồn và lo lắng vì bố mẹ sẽ mắng khi làm mất cuốn sách khá đắt: 25.000đ cơ mà! Đấy, con hãy tự nghĩ và quyết định đi. – Quả thật nếu em là người mất thì cũng sẽ có những cảm giác như mẹ nói. Mà nếu các bạn biết thì lòng tin của các bạn đối với em sẽ chẳng ra gì nữa! Em quyết định sẽ trả lại. Sáng hôm sau, em mang cuốn sách đưa cho cô Tổng phụ trách. Vừa lúc đó, có một chị lớp Năm hớt hơ hớt hải chạy đến. Khi cô Tổng phụ trách đưa chị cuốn sách và giới thiệu em với chị thì chị ấy cảm ơn em rối rít.
Lúc em về lớp, các bạn xô đến quanh em và khen em. Khi đó em thực sự là rất vui. Bây giờ em mới biết giá trị của những việc làm tốt. Nó vô hình nhưng nó lại có thể mang niềm vui cho tất cả mọi người.
2
I – Tìm hiểu đề:
- Thể loại: Tự sự (kết hợp sử dụng yếu tố nghị luận + miêu tả nội tâm).
- Nội dung: Kể lại một kỉ niệm (câu chuyện) đáng nhớ nhất giữa mình và thầy (cô) giáo cũ.
- Hình thức: Bố cục rõ ràng, đủ ba phần mở bài, thân bài,kết bài.
- Yêu cầu:
+ Kể lại một kỉ niệm đáng nhớ nên nó phải sâu sắc, có ảnh hưởng to lớn đến suy nghĩ, tình cảm hay nhận thức của người viết.
+ Người viết bài cũng chính là người kể chuyện – xưng “tôi”.
+ Cần trả lời được các câu hỏi sau:
- Đó là kỉ niệm gì?
- Xảy ra vào thời điểm nào?
- Diễn biến của câu chuyện như thế nào?
- Điều đáng nhớ nhất trong câu chuyện ấy là gì?
* Chú ý:
- Bài viết cần tự nhiên, chân thành.
- Các yếu tố miêu tả nội tâm và nghị luận là việc tái hiện những tình cảm, cảm xúc của mình khi kể lại câu chuyện và những suy nghĩ chân thực, sâu sắc về tình cảm thầy trò.
- Khi kể, cũng cần kết hợp với các yếu tố miêu tả (hình dáng, trang phục, giọng nói…), yếu tố biểu cảm để bài văn sinh động hơn.
II – Dàn ý:
1. Mở bài:
- Không khí tưng bừng đón chào ngày 20 - 11 ở trong trường lớp, ngoài xã hội.
- Bản thân mình: nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.
2. Thân bài:
- Giới thiệu về kỉ niệm (câu chuyện):
+ Đó là kỉ niệm gì,buồn hay vui,xảy ra trong hoàn cảnh nào,thời gian nào?...
- Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm):
+ Kỉ niệm đó liên quan đến thầy(cô) giáo nào?
+ Đó là người thầy(cô) như thế nào?
+ Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).
+ Tình cảm,thái độ của học sinh đối với thầy cô.
- Diễn biến của câu chuyện:
+ Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?...
+ Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.
- Câu chuyện kết thúc như thế nào? Suy nghĩ sau câu chuyện:Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn,trong suy nghĩ: tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).
3.Kết bài:
Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.
2
Ơn thầy!
Thời gian chính là liều thuốc tốt nhất để cho ta quên đi những điều không vui trong cuộc sống. Những quá khứ đau thương rồi sẽ bị gió cuốn đi, đi xa mãi như những cánh bồ công anh phất phơ giữa dòng đời xô đẩy. Nhưng cũng có những điều theo ta đến suốt cuộc đời, như những giọt nước nhỏ nhoi nhưng bồi đắp trong ta bao tình cảm khó phai. Ngày 20-11 đã đến gần, những kỉ niệm về thầy cô bỗng dưng ùa về trong tôi khiến tôi bồi hồi khó tả...
Tôi còn nhớ như in cái buổi sáng hôm ấy, một buổi sáng tong lành và mát mẻ. Hai tay chống cằm tôi phóng tầm mắt ra ngoài ô cửa sổ nơi dãy hành lang. Những tia nắng nhảy nhót trên những tán phượng, len lỏi qua từng kẽ lá chiếu xuống mặt sân. Không biết giờ này mẹ đang làm gì nhỉ? Có phải mẹ đang dũng bữa sáng, hay mẹ vẫn còn đang say giấc? Suy nghĩ mông lung,chợt tiếng gọi của cô làm tôi bừng tỉnh:
-Huyền! mang vở bài tập lên cho cô!
Đứa bạn ngồi bên nhéo tôi một cái đến phát điếng;
-Huyền cô gọi kìa!
Tôi ngoảnh lại, vội vã cầm quyển vở với hàng chữ nguệch ngoạclên bàn cô giáo.
Cô Thích-cô giáo chủ nhiệm lớp 2 của tôi. Có lẽ cô là người lớn tuổi nhất trong các giáo viên ở trường. Hình như lúc áy cô ngoài 50,51 gì đó. Tôi không còn nhớ rõ. Chỉ nhớ mái tốc cô bấy giờ đã điểm vài sọi bạc, đôi mắt mờ mờ nhưng ấm áp tình thương. Cô đưa cặp kính xuống, chau mày vẻ khó chịu. Cô gọi tôi đứng dậy, nghiêm khác nói:
-Huyền, con là một học sinh khá giỏi của lớp, tại sao dạo này kết quả học tập của con lại đi xuống như thế? Bài tập con làm sai hết. Cô yêu cầu con về làm lại. Con phải cố gắng hơn, nếu không cô sẽ báo cho gia đình con. Con ngồi xuống đi!
Tôi im lặng, ngồi xuống, ái ngại trước bao ánh nhìn vẻ giễu cợt của đám bạn. Buổi học hôm đó cuối cùng ũng kết thúc. Tôi ra về trong nỗi buồn nặng nề. Tôi sải bước trên con đường đày sỏi đá, hai bên đường cay xòe bống mát. Tiếng chim ríu rít trên ngọn cây, tưởng như vui nhưng không sao tôi vui lên được. Lại một ngày nữa, một ngày nữa trôi qua, mội ngày trôi qua sao dài như hàng thé kỉ. Kết quả học tập của tôi ngày càng sa sút, sa sút đến nỗi khiến cô giáo phải bàng hoàng. Buổi học hôm đó, cô đã liên lạc với bố tôi bàn về chuyện này.
Tôi ngồi đó, bên ngoài căn phòng hội đồng, lòng tôi như muốn nghẹn thở.''Ánh nắng hôm nay sao mà oi ả thé?''-tôi tự hỏi.Tôi biết, tôi biết lý do tại sao tôi trở nên như vậy. Cô giáo cũng biết, qua lời kể của bố tôi:
-Cô giáo ạ!mẹ cháu bị ốm đã hơn một tuần nay. Tôi phải thường xuyên ra bệnh viện chăm sóc cho cô ấy vì không có ai chăm nom giúp. Khi mẹ cháu ở nhà thường hay dạy cháu học. Nay chỉ còn ông bà nội ở nhà nên không dạy bảo cháu được.
Nghe đến đay hình như tôi thấy cô giáo nghẹn ngào. Cô hiểu ra tất cả, điều đó khiến tôi vui. Cô rất thương người, yêu thương đám học trò nhỏ trong lớp. Cô là người từng trải nên hiểu được tâm lí trẻ thơ như tôi. Cuối buổi hôm ấy, cô gọi tôi, nhẹ nhàng:
-Cô hiểu được hoàn cảnh của con. Từ nay cô sẽ thay mẹ con đến dạy con học bài vào buổi tối cho đến khi mẹ khỏi bệnh. Con có đồng ý không?
-Vâng ạ!Con cảm ơn cô!
Và rồi từ ngày hôm ấy, đêm nào cô cũng giành một khỏng thời gian đến dạy tôi học bài. Vì nhà cô cũng ở cùng làng nên tiện cho việc đi lại. Những hôm trời mưa tầm tã, cô không ngại khó đạp chiếc xe đạp cũ vào nhà tôi. Người cô lạnh cóng, đôi bàn tay cô run run ướt sũng. Khẽ cầm đôi bàn tay, tôi đưa nhẹ lên má,với một suynghĩ trẻ con rằng sẽ làm cô cảm thấy đỡ rét. Rồi cả những hôm trời mất điện, hai cô trò cùng nhau bên ánh đèn dầu lập lòe trong gió. Cô dạy tôi cách làm toán, dạy tôi đọc bài nhuần nhuỹen, bắt tay tôi nắn nót từng con chữ. Cái cảm giác ấy thật thân quen, ngỡ như bàn tay của mẹ. Lúc ở nhà mẹ cũng hay làm như vậy. Tôi nhớ đến mẹ, nhớ mẹ nhièu lắm!
Một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, bố dẫn tôi vào bệnh viện thăm mẹ. Lòng tôi như ấm hẳn lên khi tháy mẹ đang dần khỏi bệnh. Tôi kể cho mẹ nghe về cô, mẹ vui lắm. Nhưng tôi cũng phải về khi trời đã về chièu.
Những ngày sau đó, tôi hăng hái học tập hẳn lên,thành tích mà tôi đạt được ngày càng tốt. Cô giáo quyết định cho tôi đi dự cuộc thi học sinh giỏi của trường. Điều đó làm tôi vui sướng. Tôi tự nhủ phải hoàn thành tốt để làm món qua tặng cô và mẹ. Trước ngày đi thi, cô tặng cho tôi một cây bút, cây bút hồng hà mà đối với tôi nó thật ý nghĩa. Đó là niềm ao ước của tôi khi nhìn thấy đứa bạn ngồi bên được mẹ mua cho hồi đầu năm học. Kèm theo là lời nhắn:'' Con phải cố gắng lên nhé!Nhớ tập trung,làm hết khả năng của mình,con nhớ chưa?''. Đó không chỉ là lời nhắn bình thường mà nó còn là nguồn động viên lớn lao đối với tôi, là niềm tin cho tôi chiến thắng. Ngày thi ấy, tôi đa làm rất tốt. Thật bất ngờ, không lâu sau đó chiếc bằng khen được trao đến tay tôi với niềm vui bao trùm lên tất cả. Tiếng gió khua lao xao ngoại thềm vắng, giao động ká cành. Niềm vui như được nhân đôi khi lúc dó là lúc mẹ tôi xuất viện, trở về bên tôi. Tôi ôm trầm lấy cô và mẹ, khóc thút thít như đứa con nít (vì lúc đó tôi thấy mình đã lớn). Qua đôi mắt của họ, tôi nhận thấy được niềm vui, sự hãnh diện tự hào. Mẹ hãnh diện vì đứa con ngoan, còn cô tự hào vì những thành quả mà tôi đạt được không phụ long mong mỏi của mình. Tôi thầm cảm ơn ông trời đã cho tôi được sống, ban cho tôi hai người mẹ đáng kính như vậy.
''Thời gian trôi qua nhanh lắm,nếu ta không biết nắm bát và tận dụng mà cứ để nó lướt qua thỳ thật lãng phí.Muốn làm bất cứ việc gì phải kiên trì nhẫn nại cố gáng hết mình thì mới có thể đạt được kết quả cao.''. Đó là những điều tôi học được từ cô. Cho đến bay giờ, tôi đã là một cô bé 15 tuổi, biết suy nghĩ hơn về cuộc sống. Chính vì vậy tôi mới càng hiểu sâu sắc hơn những điều cô gửi gắm. Lời dạy của cô, kỉ niệm về cô, nó luông chiếm một vị trí quan trong trong trái tim tôi, khó mà quên được. Thầy cô-âm thầm, lặng lẽ như vậy đó, vậy nên, mọi người hãy quý trọng mọi thứ, dù chỉ là những điều đơn giản nhất, hãy nâng niu từng khoảnh khắc trong đời.
tham khảo
3
Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên
Đây là một đề văn mở, tùy vào cảm nhận của mỗi người về nhân vật, song cần bám sát vào văn bản và phương pháp cảm nhận một nhân vật trong tác phẩm tự sự. Sau đây là một gợi ý:
Mở bài: Nêu cảm nhận chung về tác phẩm và nhân vật
-Lặng lẽ Sa Pa là một truyện ngắn nhẹ nhàng, trong trẻo, giàu chất thơ và xây dựng được hình tượng nhân vật đẹp. Truyện được viết năm 1970, sau chuyến đi thực tế ở Lào Cai của nhà văn Nguyễn Thành Long, có thể coi dây là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của ông.
Truyện với những nhân vật không tên mà tiêu biểu là anh thanh niên trẻ cán bộ khí tượng trên đỉnh Yên Sơn. Nhà văn muốn giới thiệu với bạn đọc một điển hình trong công cuộc lao động xây dựng đất nước ở miền Bắc trên vùng cao khuất nẻo này.
Thân bài: Cần đạt được các nội dung sau:
Nhân vật anh thanh niên
Trước khi xuất hiện nhân vật chính, nhà văn đã giới thiệu cho người đọc một vùng đất đầy ấn tượng. Phong cảnh Sa Pa núi cao với thác đổ trắng xóa, đường núi quanh co, cây cối chen nhau hiện dần mỗi lúc một hấp dẫn. Nhân vật được khắc họa rõ nét dần dần, cảnh thơ mộng, con người mộng mơ, tất cả từ bác lái xe đến ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ… dường như trên chuyến xe ấy, mọi người đang đi tìm một điều giản dị nhưng thật quý giá, thiêng liêng. Vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa đã làm nền cho vẻ đẹp của con người Sa Pa – những con người làm công việc nghiên cứu khoa học trong lặng lẽ mà rất khẩn trương vì lợi ích của đất nước, vì cuộc sống của con người, trong đó có anh thanh niên cán bộ khí tượng kiêm vật lí địa cầu.
Vẻ đẹp của anh được thể hiện trong hoàn cảnh sống và làm việc
Anh là “người cô độc nhất thế gian”, một mình làm việc trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm suốt tháng bốn bề mây phủ cây phong, lạnh rét. Anh cô độc đến thèm người và luôn nhớ người, bởi anh sinh ra có gia đình, cha mẹ, quê hương, làm sao không thèm, không nhớ? Nỗi nhớ khiến anh phải chặt cây chắn đường để được gặp người. Anh đã làm quen được với bác lái xe từ đó. Lần này qua bác lái xe, anh lại được làm quen với ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, niềm vui ấy càng tiếp thêm cho anh tình yêu cuộc sống hơn bao giờ hết.
Công việc mỗi ngày của anh là: “Đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất” nhằm dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất và chiến đấu. Công việc đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao.
+ Hàng ngày, anh phải báo ốp về nhà vào các giờ 01 giờ sáng, 04 giờ, 11 giờ t rưa. 19 giờ tối. Gian khổ nhất là lúc 01 giờ sáng rét, mưa, tuyết rơi, đang nằm trong chăn ấm phải chui ra khi nghe tiếng chuông đồng hồ báo Ốp, chỉ muốn thò tay ra tắt ngay đi nhưng công việc chính xác đến không thể, đòi hỏi ý chí, tinh thẩn cao. Anh vùng dậy, xách đèn đi, gió, bão tuyết ào ào xô tới tấn công như chặt từng khúc, như muốn quét đi, bứt phá lung tung tất cả… xong việc, trở về không làm sao ngủ lại được.
+ Công việc thật gian khổ, vất vả nhưng anh vẫn yêu nó, làm việc hết mình và chính xác. Có lần anh đã phát hiện ra một đám mây khô nên không quân ta đã tiêu diệt được nhiều phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng. Anh thấy mình thật hạnh phúc. Chính lòng say mê công việc mà anh đã vượt qua nỗi cô đơn. buồn chán của bản thân. Anh tâm sự với ông họa sĩ về công việc của mình, có lẽ đây là những suy nghĩ chân thành và sâu sắc nhất của anh: “Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới, thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này, cháu không nghĩ như vậy nữa. Và khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi, công việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”… Đọc những lời tâm sự này, ta càng thấy đó là suy nghĩ và lối sống cao đẹp của anh, ta càng thấy mến yêu, quý trọng những con người như thế, biết làm chủ bản thân, ý thức sâu sắc được mục đích làm việc. Anh quả là con người mới, tiêu biểu cho lớp thanh niên: “Đâu cần thanh niên có – Đâu khó có thanh niên”, “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” (Hồ Chí Minh).
Vẻ đẹp trong nếp sống, cách ứng xử
Anh thanh niên là người sống có nề nếp, nhân cách. Một mình trên núi cao, anh có thể sống tự do, thoải mái. Nhưng không, thật bất ngờ khi mọi người đến thăm lại thấy ngôi nhà của anh thật ngăn nấp, gọn gàng. Anh tự biết làm cho cuộc sống của mình vui vẻ, đầm ấm, thơ mộng, ý nghĩa và anh yêu sống nhường nào!
+ Anh trồng hoa: “Hoa dơn, hoa thược dược vàng, tím, đỏ, hồng phấn, tổ ong,…”, vườn hoa khoe sắc rực rỡ hàng ngày như động viên, tiếp sức, làm cho tâm hồn anh tươi mát, mộng mơ, thêm yêu cuộc sống.
+ Anh đọc sách, trò chuyện, giao tiếp với sách, lấy sách làm bạn tri âm tri kỉ
+ Anh nuôi gà vừa có thêm thực phẩm hàng ngày vừa tạo không khí gia đình vui tươi, đầm ấm.
+ Thế giới riêng của anh: “Một ngôi nhà ba gian sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”, một cuộc đời riêng “thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”, và ở ngoài sân: đàn gà, vườn hoa,… đẹp, giản dị mà tao nhã biết bao! Có lẽ chính lối sống đẹp đẽ khiến anh quên đi hoàn cảnh cô độc, công việc nhàm chán, khắc nghiệi để thấy yêu nghề, yêu cuộc sống hơn.
Anh là người khiêm tốn, thành thực . Khi ông họa sĩ muốn vẽ chân dung của anh, anh từ chối bởi thấy công việc và những đóng góp của mình còn nhỏ bé, chưa thấm vào đâu so với những người mà anh rất cảm phục như “ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa”, “người đồng chí nghiên cứu khoa học” cùng cơ quan đang nghiên cứu lập bản đồ sét, với tất cả niềm say mê, hào hứng… Anh nhiệt thành giới thiệu để ông họa sĩ vẽ chân dung của họ – những con người làm việc hết mình, thầm lặng, những cống hiến đáng trân trọng và khâm phục.
Anh là người có tấm lòng rộng mở, chân thành, gần gũi, thân thiết với tất cả mọi ngưòi.
+ Với bác lái xe dường như đã trở thành người bạn thân tình, anh chu đáo nhớ cả việc vợ bác mới ốm dậy, gửi củ tam thất về làm quà cho bác.
+ Với những người bạn mới như ông họa sĩ, cô gái trẻ, anh vui mừng đến luống cuống, hấp tấp khi biết họ sẽ lên thăm nơi ở và làm việc của mình. Anh bộc lộ tình cảm thật hồn nhiên, chân thành đến cảm động: tặng bó hoa tươi, đẹp rực rỡ cho cô gái trẻ, đếm từng phút vì thời gian gặp gỡ quý hiếm vô cùng, anh giới thiệu qua công việc của mình năm phút, còn hai mươi phút mời mọi người uống trà, trò chuyện. Anh thèm và khao khát được nghe chuyện dưới xuôi, anh tiếc: “Trời ơi, chỉ còn có năm phút”. Với anh không chỉ thèm người mà còn đói cả thông tin. Thời gian trôi đi thật nhanh, giờ phút chia tay đã đến, anh không dám tiễn hai người, xúc động “quay mặt đi” và ấn vào tay ông họa sĩ làn trứng gà làm quà cho mọi người ăn trên đường.
=> Chỉ bằng vài nét phác họa nhẹ nhàng, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh anh thanh niên – bức chân dung với những vẻ đẹp về tinh thần, tình cảm, lối sống, những suy nghĩ về lí tưởng, công việc của anh. Thật đáng tiếc! Chính tác giả cũng đã nhận xét truyện ngắn này là “một bức chân dung” – chân dung được hiện lên ở một số nét đẹp, nhưng chưa được xây dựng thành một tính cách hoàn chỉnh và hầu như chưa có cá tính,
Kết bài: Mở rộng vấn để và liên hệ
Quá khứ – chiến tranh và những đói nghèo của đất nước đã lùi xa. Chúng ta – thế hệ trẻ của thế kỉ XXI đang tiến công vào khoa học và hội nhập quốc tế, tiếp tục phải đốì mặt với bao khó khăn mới, chúng ta không có quyền lãng quên quá khứ của đất nước, của dân tộc nhất là những thế hệ cha anh đã cống hiến, hi sinh để có ngày nay. Những bài học về phẩm chất, về lí tưởng sống như anh thanh niên và những con người lao động vô danh trong Lặng lẽ Sa Pa vẫn mãi là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau noi theo. Hãy cố gắng học tập, rèn luyện để sống có ích cho bản thân và xã hội, được mọi người yêu mến, quý trọng.
3 ông hai
Kim Lân (1920-2007) là cây bút chuyên văn về truyện ngắn, vốn gắn bó và am hiểu sâu sắc cuộc sống của nông thôn nên hầu như các tác phẩm của ông chủ yếu viết về cảnh sinh hoạt của làng quê Việt Nam và cảnh ngộ của người nông dân. “Làng” là một truyện ngắn đặc sắc nhất của nhà văn được viết vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, truyện thể hiện một cách chân thực, cảm động và sâu sắc tình yêu làng thống nhất với tình yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân qua hình tượng nhân vật ông Hai – nhân vật chính.
Tình yêu làng yêu nước là một bản chất có tính truyền thống của nhân vật ông Hai. Đây là tình cảm nổi bật xuyên suốt toàn truyện. Làng của ông Hai là làng chợ Dầu, vì kháng chiến ông cùng gia đình dời làng di tản cư lên vùng Cao Thượng- Nhã Yên, nay thuộc Tân Yên- Bắc Giang. Ở nơi đây ông khoe về làng ” Làng toàn lát đá xanh, chòi phát thanh cao quả ngọn tre, nhà ngói mọc san sát…. có nghĩa ông tự hào làng ông giàu có về vật chất, bởi điều này vô cùng quant rọng với đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân lúc bấy giờ. Nhưng sau cách mạng, đi theo kháng chiến ông Hai đã có những chuyển biến mới về tình cảm, được cách mạng giải phóng nên ông tự hào về phong trào cách mạng quê hương, về việc xây dựng làng kháng chiến của quê ông, Phải xa làng ông nhớ quá cái không khí: ” đào đường, đắp ụ, xẻ hào khuân đá, rồi ông lo ” cái chòi gác ở đầu làng đã dựng xong chưa, những đường hầm bí mật đã xong chưa?…, những lúc như này ông đã không kìm nổi cảm xúc nhớ làng:
“Cha ôi! ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá”, đó là tình yêu làng quê tự nhiên hồn hậu mà tha thiết của ông Hai, không chỉ vậy ông dồn hết tình yêu làng, kháng chiến vào việc theo dõi tin tức, khi nghe được những tin như: ” Một em nhỏ bơi ra hồ Hoàn Kiếm cắm lá quốc kỳ, một anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng một quả lựu đạn, thế là ông bình luận: ” cứ chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tý, cả súng ống cũng vậy hôm nnay dặm khẩu ngày mai dặm khẩu tích tiểu thành đại làm gì mà thằng Tây không bước sớm” Nghe những tin như vậy ông vui vô cùng, vui sướng ông như đang được trực tiếp tham gia kháng chiến” ruột gan ông lão cứ múa cả lên vui quá“, đó là tình yêu nước sâu sắc ở nhân vật ông Hai, một con người đã gắn bó tình cảm của mình với vận mệnh của toàn dân tộc.
Điều đáng quý hơn đó là tình yêu làng gắn bó tha thiết với tình yêu nước của ông Hai được bộc lộ sâu sắc hơn, khi nhà văn đã đặt nhân vật trong tình huống đầy thử thách và khó khăn – khi ông Hai nghe tin làng chợ Dầu của mình theo giặc, tin ông nghe từ những người đàn bà tản cư dưới xuôi mới lên, cái tin dữ ấy đã làm nảy sinh ở nhân vật ông Hai, một diễn biến tâm lý vô cùng phức tạp.
Khi mới nghe tin ông Hai bàng hoàng sửng sốt ” cổ nghẹn ắng, da mặt tê dân dân. Ông lão nặng người đi tưởng đến không thở được” vì quá bất ngờ nên ông chưa tin bằng câu hỏi lại kỹ càng ” liệu có thật không hả bác? hay chỉ lại là…” .Những lời kể quá rạnh rọt của những người phụ nữ kia: ” Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi cơ ông ạ” khiến ông không thể không tin, ông xấu hổ lảng chuyện ra về: ” Hà nắng gớm về nào”, đau đớn ông cúi gầm mặt xuống mà đi.
Về đến nhà tâm trí ông Hai luôn bị các tin giữ xâm chiến, nó trở thành lỗi ám ảnh day dứt trong lòng ông, ông luôn mặc cảm mình là kẻ phản bội. Chán nản ông nằm vật ra giường nhìn các con, tủi thân nước mắt ông cứ dàn ra: ” Chúng nó cũng là trẻ con của làng việt gian đấy ư? chúng nó cũng bị người ta dẻ dúng hắt hủi đấy ư? khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu?”. Càng đau đớn dằn vặt và thương con bấy nhiêu ông càng căm giận những người làng chợ Dầu phản bội bấy nhiêu, ông lão nắm chặt hai bàn tay rồi rít lên ” chúng bay ăn miếng cơm hay ăn miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này? suốt mấy ngày sau đó – ba bốn ngày ông không dám ra khỏi nhà vì đi đâu cũng sợ người ta nhắc đến ” cái chuyện ấy”, ông nghe ngóng binh tình bên ngoài ” Một đám đông túm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa ông cũng chột dạ”. Ông như người có tật giật mình, không khí lặng lề bao trùm cả nhà, trẻ con không đứa nào dám đòi quà, khi vợ ông Hai vừa cất giọng ” này thầy nó ạ! tôi thấy người ta đồn…” đã bị ông cắt ngang bằng giọng gắt lên ” biết rồi”. Đây là tâm lý giận cá chém thớt.
Đặc biệt tình yêu nước và yêu làng của ông Hai lại tiếp tục đặt vào tình huống căng thẳng thử thách hơn khi nghe mụ chủ nhà bảo là có tin đuổi những người làng chợ Dầu ra khỏi nơi tản cư, lúc đó ông rơi vào tâm trạng bế tắc tuyệt vọng và lo lắng cho tương lai ” biết đem nhau đi đâu bây giờ”, biết đâu người ta chứa bố con ông mà đi bây giờ? thật là tuyệt đường sinh sống”. Trong lúc bế tắc tuyệt vọng ấy, ở ông Hai đã diễn ra một cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt, ông chớm nghĩ ” hay là quay về làng”, nhưng lập tức ông lão phản đối ngay:” Về làm gì cái làng ấy nữa, chúng nó theo Tây hết cả rồi, về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ” nếu như trước đây tình yêu làng hòa quyện thống nhất với nhau thì bây giờ ông Hai buộc phải lựa chọn yêu làng hay yêu nước. Đây là điều không hề đơn giản, bởi với ông làng chợ Dầu đã trở thành một phần máu thịt không dễ gì từ bỏ cách mạng lại là cứu cánh giúp gia đình ông thoát khỏi cuộc đời nô lệ, qua những ngày đấu tranh tư tưởng dằn vặt đau đớn cuối cùng ông Hai quyết định ” Làng thì yêu thật nhưng làng theo tây mất rồi thì phải thù” nói cứng như vậy nhưng trong lòng ông đau như cắt.
Tình cảm với kháng chiến với cụ Hồ được bộc lộ cảm động nhất khhi ông Hai trút lỗi lòng tâm sự với đứa con út ngây thơ, thực chất như một lời thanh minh với cụ Hồ, với anh em đồng chí và tự như mình vào những lúc khó khăn như thế này. Qua những câu hỏi của bố đứa con ông ông bí tí mà đã biết giơ tay thề: ” Ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm” nữa là ông bố của nó. Lúc này ông mong: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông, cụ Hồ trên cổ xét soi cho bố con ông” Đến đây ta thấy được tình yêu nước sâu lặng đối với làng chợ Dầu mang tính truyền thống chứ không phải là làng theo giặc,. Bằng tấm lòng trung thành tuyệt đối với cách mạng, với cụ Hồ đã được ông Hai bộc lộ rất mộc mạc chân thành, tình cảm đó gần gữi sâu nặng vô cùng thiêng liêng: ” có bao giờ giám đơn sai, chết thì chết, có bao giờ giám đơn sai, đặt tình yêu nước yêu kháng chiến lên trên tình yêu làng ở nhân vật ông Hai là tác giả Kim Lân đã thể hiện được nét chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Với tấm lòng, tình cảm cao đẹp ấy, ông Hai đã được đền bù xứng đáng khi cái tin đồn kia được cải chính, gáng nặng tâm lý được trút bỏ. Lúc này ông sống trong tột cùng vui sướng, ông như nắng hạn gặp mưa, ông tiếp tục tự hào về làng Dầu: ” ông sắn quần lên bẹn, múa tay lên mà khoe” đặc biệt cái cách ông khoe ” Tây nó đốt nhà tôi rồi” là biểu hiện cụ thể của ý chí: thà hi sinh tất cả chứ không chịu mất nước không chịu làm nô lệ” của một người nông dân lao động bình thường, thật đáng khâm phục biết bao.
Nhân vật ông hai để lại một dấu ấn không phai mờ là nhờ nghệ thuật miêu tả tâm lý tính cách và ngôn ngữ nhân vật của người nông dân dưới ngòi bút chân thực sinh động của Kim Lân, ông đã đặt nhân vật ông Hai vào tình huống thử thách bên trong( nghe tin xấu về làng) để nhân vật bộc lộ chiều sâu tâm trạng của mình, đặc biệt nghệ thuật miêu tả rất cụ thể gợi cảm qua các diễn biến nội tâm bằng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại, và độc thoại nội tâm, ngôn ngữ của ông Hai vừa có nét chung của người nông dân ” dặm khẩu”. ” bỏ mẹ”, ” cơ chừng” ” giữ chịt nấy” lại mang đậm tính cách nhân vật đây chính là thành công của Kim Lân.
Như vậy với tình huống truyện đơn giản tự nhiên mà hợp lý, xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ cử chỉ, hành động để thể hiện nội tâm, nhân vật ông Hai trong truyện ngắn” làng” của Kim Lân đã làm cho người đọc thấm thía về tình yêu làng yêu nước mộc mạc chân thành mà vô cùng sâu nặng cao quý, trong những người nông dân bình thường, sự mở rộng và thống nhất tình yêu quê hương trong tình yêu đất nước là nét mới của nhận thức, tình cảm của quần chúng cách mạng mà văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp chú trọng và làm nổi bật. Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là một trong những thành công đáng quý này, và qua truyện ngắn người đọc chúng ta được củng cố thêm tình yêu quê hương đất nước.