Đề cương ôn tập văn 7 học kì I

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Hắc Băng My

Đề 1 : Cảm xúc về khu vườn nhà em

Đề 2 : Cảm nghĩ về một người thân

Đề 3 : Em yêu cây phượn ( cây dừa )

Đề 4 : Cảm nghĩ về đem trăng trung thu

Đề 5 : Cảm nghĩ về mùa xuân

Đề 6 : Cảm nghĩ về bài ca dao : “ Công cha như núi … ghi lòng con ơi “

Đề 7 : Cảm nghĩ về bài ca dao “đứng bên ni đồng … nắng hồng ban mai “

Đề 8 : Cảm nghĩ về bài thơ Nguyên Tiêu hoặc Cảnh Khuya ( Hồ Chí Minh )

Đề 9 : Cảm nghĩ về tình bà cháu trong bài thơ “ Tiếng Gà Trưa” (Xuân Quỳnh)

Đề 10 : Cảm nghĩ về bài ca dao “Qua Đèo Ngang” ( Bà huyện Thanh Quan)

Đề 11 : Cảm nghĩ của em về người mẹ qua hai văn bản “ Cổng trường mở ra” của Lý Lan và “Mẹ Tôi” của Ét-môn-đô Đơ A-mi-xi

Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:23

1

Khu vườn – nơi những loài hoa nở rộ và thi nhau đua sắc nhưng đối với tôi, khu vườn không chỉ có thế, nó ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc gắn liền với tuổi thơ tôi.

Ngày bé, thứ mà trẻ con thích nhất là những món đồ chơi đủ màu sắc, kích cỡ nhưng thứ mà tôi thích thú nhất lại là khu vườn, một khu vườn nhỏ bé nhưng chứa bao nhiêu kỷ niệm về người mà tôi yêu quý nhất, bà nội tôi.

Ai chả muốn có một khu vườn trong nhà, có những bông hoa rực rỡ, tôi cũng vây từ ngày bé tôi luôn ước mong có một thu vườn nhỏ. Tôi yêu những loài hoa, tôi yêu cái cảm giác xung quanh mình là cây cỏ, là hương thơm. Khi bà nội tôi ở quê lên bà đã đem cho tôi nhiều cây hoa và đặt ở trước khoảng sân trước nhà. Từ khi ấy, tôi có một khu vườn như ước mơ.

Thât hạnh phúc khi nhà mình có một khu vườn. Sáng sáng, mỗi khi thức dậy, tôi đều đứng ra cửa hít thở không khí trong lành và mùi thơm thoang thoảng từ những đóa hoa. Khung cảnh như một bức tranh thật đẹp, có màu sắc, có hương thơm và có cả âm thanh từ những tiếng chim hót ríu rít. Từ ngày bà nội lên, tôi rất vui vì bà đã đem lại cho tôi điều mà tôi mong từ lâu. Tôi yêu quý khu vườn không chỉ vì nó là ước mong của tôi mà đó cũng là món quà, là tấm lòng của bà cho tôi. Tôi chăm sóc từng cành cây, từng bông hoa thật chu đáo, hàng ngày tôi và bà đều tưới nước, bắt sâu, bà còn tỉa nhiều cây thành hình con đại bàng, con nai.. Vì thế mà khu vườn càng thêm rực rỡ. Dưới ánh nắng vàng, khu vườn làm cả nhà tôi như sáng lên cùng cây cỏ.

YOU MAY LIKE by Mgid Chỉ cần sử dụng trước khi ngủ và mùi hôi miệng vĩnh viễn biến mất Cách giảm mỡ quanh vùng bụng trong 8 ngày! Chuyên gia dự đo 1 Bitcoin đơn lẻ sẽ có giá 500,00$ trước 2030 getrichjournal.com Bí quyết dứt điểm hôi miệng chỉ với 2 phút mỗi ngày. Đọc ngay!

Cứ rảnh rỗi, bà lại kể cho tôi nghe về nguồn gốc của từng loại cây. Từ khi có khu vườn, tôi như thêm vui vẻ, nó như người bạn thân thiết của tôi, như chiếc cầu vô hình nối tình cảm của tôi bà càng thêm sâu đậm. Nhiều khi nằm một mình trong khu vườn nhỏ vuông vắn, tôi lại cảm thấy thỏa mái kỳ lạ, có chuyện gì vui hay buồn, tôi đều như có một người bạn ở bên cùng chia sẻ, cùng nói chuyện với tôi làm tôi bớt căng thẳng hay buồn bực. Bây giờ bà đã về nhưng thỉnh thoảng bà vẫn gửi cho tôi những cây hoa đẹp và dặn dò tôi chăm sóc chúng cẩn thận. Nhìn khu vườn, tôi lại nhớ đến bà, nó như thay bà nói chuyện, tâm tình cùng tôi. Giờ đây, từng chiếc lá, từng cánh hoa đều thật sự gắn bó với tôi, cứ như thế, nó như đã là một phần cuộc sống của tôi.

Một khu vườn nhỏ bé nhưng ý nghĩa của nó iại thật sâu sắc. Những cành cây, bông hoa tưởng như một vật vô tri vô giác nhưng lại là một con người khích lệ tinh thần tôi mỗi khi gặp khó khăn. Mỗi bông hoa nở như một nụ cười trìu mến của bà với tôi làm trái tim tôi thêm một lần xao xuyến.

Làm sao không yêu cho được một khu vườn như thế, một kỷ niệm thơ ấu còn mãi trong tôi.



Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:23

2

Trong đời sống tinh thần đa dạng và phong phú của con người thì tình cha con là tình cảm máu thịt thiêng liêng, sâu đậm nhất. Công lao to lớn của người cha được nhắc đến rất nhiều trong ca dao, dân ca: Công cha như núi Thái Sơn,.., Con có cha như nhà có nóc, Phụ tử tình thâm…

Người cha đóng vai trò trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa đáng tin cậy cho vợ con. Mọi việc lớn như làm nhà, tậu ruộng, tậu trâu, dựng vợ gả chồng cho con cái… thường là do người cha quyết định. Trách nhiệm của người cha rất nặng nề. Con cái ngoan hay hư, chủ yếu là tùy thuộc vào sự bảo ban dạy dỗ của người cha. Bên cạnh người mẹ dịu dàng là người cha nghiêm khắc. Dẫu cách thức biểu hiện tình thương yêu có khác nhau nhưng bậc cha mẹ nào cũng mong muốn nuôi dạy con cái trưởng thành về mọi mặt, đúng như dân gian đã nói: Con hơn cha là nhà có phúc. Trong lúc mẹ hằng ngày chẳng quản vất vả nhọc nhằn, lo lắng cho các con từ bát cơm, tấm áo thì người cha, ngoài những thứ đó ra còn phải nghĩ đến việc dạy dỗ, truyền kinh nghiệm sống mà mình đã đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, để các con học được những bài học thiết thực khi bước vào đời. Thật hạnh phúc cho những đứa con được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ!

Có biết bao người cha chấp nhận thiệt thòi về mình, dành tất cả thuận lợi cho con cái. Em đọc trên báo và xem truyền hình thấy những người cha lam lũ, quần quật làm những việc như: quét rác, đội than, đội trấu, đạp xích lô… không từ nan bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện đế kiếm tiền nuôi đàn con ăn học đến nơi đến chốn. Gần nhà em có một bác người Quảng Ngãi, tuổi hơn năm chục, làm nghề mài dao kéo. Ngày ngày, bác rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe đạp cà tàng với vài hòn đá mài và thùng nước nhỏ. Bác vào thành phố đã hơn ba năm, kể từ khi anh con trai lớn thi đậu đại học Bách khoa. Mỗi lúc kể về những đứa con ngoan, bác cười rất mãn nguyện, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào: – Nhà bác nghèo lắm! Được mấy đứa con, đứa nào cũng ham học và học giỏi. Năm nay, cô con gái thứ hai cũng đậu Đại học Sư phạm. Bác ráng làm kiếm ngày vài chục ngàn, cha con đùm túm nuôi nhau. Mình chẳng có chi cho các con thì cho chúng cái chữ, cái nghề !

Em thấy ở bác có những nét rất giống cha em, một người thợ cơ khí bình thường, quanh năm làm việc với máy móc, dầu mỡ. Đôi bàn tay cha chai sần, thô ráp, mạnh mẽ nhưng ấm áp lạ thường. Có thể nói rằng trong gia đình em, cha làm nhiều nhất và hưởng thụ ít nhất; Cha giống mẹ ở chỗ nhường nhịn hết cho đàn con những miếng ngon miếng lành, còn mình chỉ cơm dưa cơm mắm qua ngày.

Đức tính nổi bật của cha em là cần cù chịu khó, hết lòng vì vợ con. Tuy công việc thường xuyên bận bịu, cha vẫn cố dành thời gian quan tâm săn sóc đến việc học hành của các con. Cha em ít lời, chỉ nói những câu nào đáng nói như nhắc nhở, uốn nắn khuyết điểm hay động viên, khen ngợi khi các con làm được điều tốt, điều hay. Cha dạy chúng em lòng tự trọng và tính tự lập. Có lần cha bảo: – Đã là người thì phải có ý chí, không được ngại khó ngại khổ.

Càng khó càng phải làm bằng được. Em quý nhất cha em ở thái độ tôn trọng mọi người, tôn trọng vợ con. Có việc gì không vừa ý, cha bình tĩnh phân tích chứ không la lối, chửi bới. Bởi thế nên dù tính cha nghiêm khắc mà vẫn dễ gần, từ vợ con đến hàng xóm láng giềng đều nể phục. Cứ nghe những lời cha nói, nhìn những việc cha làm, em học được rất nhiều điều hay, điều tốt. Cha thường bảo con cái lấy bố mẹ làm gương nên cha rất giữ gìn ý tứ.cam nghi ve nguoi cha em

Chúng em yêu kính cha, cố gắng chăm học, chăm làm để cha mẹ vui lòng. Đó cũng là cách đáp đền chữ hiếu cụ thể và thiết thực nhất. Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Trọng cầu đã nói giúp tuổi thơ chúng em những suy nghĩ tốt đẹp về cha mẹ: Cha sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là cành hoa, cho con cài lên ngực. Cha mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con… Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé, ba mẹ là quê hương!

Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:24

4

Theo nhịp tuần hoàn của quy luật thiên nhiên, mùa hè trôi qua, mùa thu lại tới. Trên đầm, sen đã gần tàn, mùi hương chỉ còn phảng phất. Trong vườn, cúc vàng nở rộ, rung rinh trước ngọn gió mát lành, báo hiệu Tết Trung thu sắp đến. Cũng như bao bạn thiếu nhi khác, lòng em xôn xao, rạo rực mỗi khi nghĩ đến cảnh tưng bừng rước đèn, phá cỗ dưới trăng. Ôi! Đáng yêu biết bao cái Tết dành riêng cho tuổi thơ! Dẫu đã có tự ngàn năm nhưng ý nghĩa của nó vẫn nguyên vẹn như buổi ban đầu.

... Mặt trời đã lặn lâu. Màn đêm dịu dàng buông xuống. Bầu trời thăm thẳm, lấp lánh muôn vạn vì sao. Xa xa, phía cuối làng, vầng trăng đang từ từ nhô lên khỏi lũy tre tím mờ trong làn sương mỏng. Tiếng trống ếch khuấy động không khí vốn tĩnh lặng chốn thôn quê. Hôm nay là rằm tháng Tám, cả làng em náo nức chuẩn bị đón Tết Trung thu.

Mẹ bày cho em mâm cỗ đón trăng. Quả bưởi vàng rám nắng, cuống là tươi xanh được đặt ở giữa, xung quanh là những quả hồng đỏ tươi, chín mọng. Nải chuối tiêu lốm đốm trứng cuốc thật xứng với cốmm Vòng nõn nà màu ngọc gói trong lá sen tươi. Chiếc bánh nướng hình mẹ con đàn lợn nằm quây quần bên nhau trông mới ngộ nghĩnh làm sao! Một mùi hương dịu ngọt lan tỏa trong không gian đang rộn ràng tiếng cười tiếng nói trẻ thơ hòa cùng tiếng trống ếch rộn ràng.

Trăng đang lên cao, tròn vành vạnh như một chiếc đĩa bạc, nổi bật trên nền trời đêm. ÁNh trăng ngời ngời tỏa sáng, soi rõ từng cảnh vật trên mặt đất. Dòng sông uốn khúc quanh làng như dải lụa bạc lấp lánh trăng. Đồng lúa càng trở nên mênh mông dưới ánh trăng rằm.

Trên đường làng, từng đàn trẻ tung tăng nối đuôi nhau rước đèn. Hàng trăm ngọn nến lung linh. Đèn hình ông sao, hình con thỏ, con gà, con bướm, con chim, hình máy bay, trông thật vui mắt. Em thích nhất cái đèn ông sao của bạn Mai học cùng lớp được làm bằng giấy bóng kính đỏ, trong suốt, xung quanh ngôi sao là vòng tròn viền tua giấy ngũ sắc. Khi thắp nến lên, đèn tỏa ánh sáng lung linh. Biết em thích, thỉnh thoảng bạn Mai lại đổi đèn cho em cầm một lúc. Tiếng hát xen lẫn tiếng trống ếch, trống cơm náo nức:

Thùng thình, thùng thình trống rộn ràng ngoài đình,

Có con sư tử đang múa quanh vòng quanh.

Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng,

Dưới ánh trăng vàng đàn em hát vang vang...

Tại sân đình, chúng em được dự liên hoan văn nghệ và phá cỗ Trung thu; được nghe kể về sự tích tại sao chú Cuội lại phải mãi mãi ngồi dưới gốc đa trên cung Quảng.

Cuộc vui đã tàn, tiếng bước chân rậm rịch tỏa về khắp ngả. Chỉ một lát sau, làng em lại chìm trong vẻ êm đềm, tĩnh lặng quen thuộc của đêm quê. Trên cao, trăng vẫn rời rợi sáng. Những hàng cau, cây roưm, mái nhà... in bóng đen sẫm trên mặt đất. Tiếng bầy vạc ăn đêm gọi nhau văng vẳng, xa vời.

Đêm nay, trăng sáng quá! Khung cảnh làng em vốn đã đẹp, trong đêm trăng rằm lại càng thêm đẹp, giống như một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, gợi cảm giác về một cuộc sống no đủ, thanh bình. Có một cái gì đó thật mơ hồ len nhẹ vào hồn làm cho em xúc động mỗi khi nghĩ đến hai tiếng quê hương!

Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:25

5

Trong thơ văn ngàn đời, cảnh sắc thiên nhiên luôn là đề tài. Tuy cũ nhưng không bao giờ nhàm chán – đối với các thi nhân. Và ắt hẳn, mùa xuân cũng là một ví dụ điển hình như thế. Mùa xuân mang vẻ đẹp rất đỗi dịu dàng, khiến nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng phải thốt lên:

“Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.”

Bài văn biểu cảm về mùa xuân của tôi

Biểu cảm về mùa xuân của tôi

Mùa xuân là mùa bắt đầu của đất trời. Không còn cảnh giá buốt lạnh lẽo như mùa đông. Cũng không có những tia nắng chói chang nóng bức như mùa hè. Mùa xuân là một sự kết hợp hoàn hảo và hài hòa giữa các yếu tố: chút gió dìu dịu còn sót lại, chút nắng nhè nhẹ khẽ chiếu qua cành lá. Mùa xuân đến với một không khí trong lành và dễ chịu như thế!



Xuân chính là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc. Từng lộc non sau mùa đông buốt giá như được bừng tỉnh, khẽ mở mắt mà ngắm nhìn vạn vật xung quanh cũng dang dần thay đổi. Lộc non đã hé – những búp non cứ xanh mơn mởn như một cô gái xuân thì đang e ấp diễm lệ. Nào chỉ thay lá, cây cối còn được điểm tô bởi muôn vàn nụ hoa tươi thắm. Nào là hoa cúc, hoa lan, hoa lay ơn,…cứ đua nhau khoe sắc trước sắc xuân. Xuân ở miền Bắc đặc trưng bởi hoa đào hồng thắm, riêng miền Nam lại dịu dàng với sắc mai vàng tươi. Nhìn ngọn cây ngọn cỏ như tươi vui hơn trong cơn mưa phùn đầu năm, thấy thấp thoáng những nụ mai đang dần hé là đã biết, mùa xuân đang dần đến rồi!

Xuân về, chim muông khắp nơi cũng bay về tận hưởng thời khắc đẹp nhất của đất trời. Chim én bay liệng thành từng hàng báo hiệu mùa xuân đã đến. Chim sẻ, chim ri,…cứ hót líu lo tạo thành một khúc hợp xướng vô cùng rộn rã. Giữa những thay đổi của thiên nhiên vạn vật, con người như được tiếp thêm sinh khí để hòa vào niềm vui chung của đất trời. Người người nhộn nhịp sắm sửa, trang hoàng lại nhà cửa. Rồi cả gia đình cùng vây quần lại làm những món ăn truyền thống, cùng hồi hộp đón thời khác chuyển mình kì diệu giữa hai năm…Người lớn bận rộn, trẻ con háo hức,…nhưng tựu trung lại, ai ai cũng đều yêu quý mùa xuân. Bởi mùa xuân, cũng chính là mùa đoàn tụ!

Ai yêu cái đẹp không từng rung động trước mùa vẻ đẹp của xuân. Ai đi xa nhà không từng hồi hộp mỗi khi tết đến xuân về. Chỉ cần ngồi bên mâm cơm ngày đầu năm mới, những ưu tư, phiền muộn, những lo lắng, tủi hờn như cũng tiêu tan, nhường chỗ cho nhưng niềm vui hoan hỉ bên người thân, bè bạn. Không khí tươi vui của đất trời như đang lan truyền sang tâm khảm của con người, mang cho họ những cảm xúc thân tình, hạnh phúc.

Tôi rất yêu thích mùa xuân bởi những vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa mà nó mang lại. Còn bạn, bạn cũng yêu thích mùa xuân như tôi chứ?

Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:26

6

“Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”



Câu ca dao thật là quen thuộc đến độ ai cũng có thể đọc thuộc lòng, nhưng có mấy ai cảm nhận thật sự ý nghĩa của nó, có làm tròn được “Đạo con”. Tất cả chúng ta có ai là không do cha sanh mẹ dưỡng, có ai có mặt trên cõi đời nầy mà không nhờ ơn cha mẹ. Tình cha nghĩa mẹ như Thái sơn cao ngất, như nguồn nước trong lành tắm mát đời con. Con ra đời trong sự lo lắng của cha, trong nỗi đau đớn nhọc nhằn của mẹ. Thế nhưng lòng mẹ cha vẫn ngập tràn niềm vui sướng khi con thơ mở mắt chào đời, con là niềm hạnh phúc của mẹ, con là niềm tự hào của cha. Mở mắt đi con cửa đời đang rộng mở, đừng sợ con yêu hãy can đảm lên nào, đón con vào đời đã có mẹ cha. Vất vả ngược xuôi, mẹ cha vật lộn với đời cho con manh áo, miếng cơm, cái chữ, vì nụ cười trẻ thơ đâu quản gian lao, dù cho phải làm chuyện tội tình phải vương vào nghiệp báo. Thế nhưng thuở nhỏ chưa biết phân biệt phải trái, cho đến khi khôn lớn thành tài, trong chúng con có ai thật lòng nhớ ơn cha mẹ, đền đáp nghĩa sanh thành. Chúng con đã quen được cha đùm bọc, mẹ chăm sóc nên cứ nghĩ rằng đó là bổn phận, là trách nhiệm mà quên đi nghĩa sâu dày. Chúng con ích kỷ mãi lo vun vén cho mình, lo xây dựng tương lai mà quên đi cha mẹ già, đang tựa của chờ trông một vòng tay con trẻ yêu thương chăm sóc, một lời an ủi chân thành tha thiết. Để rồi khi thất chí, thua kém người đời chúng con lại oán cha giận mẹ. Than ôi! tội bất hiếu thật tày đình biết kể sao cho xiết. Có khi cha mẹ già yếu, được ở kề bên chúng con lại cho là gánh nặng mà khinh khi bạc đãi chẳng chăm sóc đỡ nâng. Sao chẳng nhớ lại lúc ấu thơ, ăn chẳng được, nói cũng không huống chi là đi đứng thì ai là người dưỡng dục, chở che. Để rồi khi cha mẹ mất đi lại khóc than kể lể thì có nghĩa gì đâu. Trên bàn thờ nhan khói lạnh lùng chỉ là tấm ảnh vô hồn, mẹ cha còn đâu nữa

Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:27

7

Bài ca dao này có hai cái đẹp: cái đẹp của cánh đồng và cái đẹp của cô gái thăm đồng. Cả hai cái đẹp đều được miêu tả rất hay. Cái hay ở đây là cái hay riêng của bài ca dao này, không thấy có ở bất kì một bài ca dao nào khác.

Phân tích bài ca dao này, nhiều người thường chia ra hai phần: phần trên (hai câu đầu) là hình ảnh cánh đồng; phần dưới (hai câu cuối) là hình ảnh cô gái thăm đồng. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Bởi vì, ngay từ hai câu đầu, hình ảnh cô gái thăm đồng đã xuất hiện hết sức rõ nét và sống động. Cụm từ "mênh mông bát ngát" được đặt ở vị trí cuối cùng. Trước đó, trước khi nói đến sự-mênh mông bát ngát của cánh đồng, cô gái đã tự miêu tả và giới thiệu rất cụ thể về chỗ đứng cũng như cách quan sát cánh đồng của mình. Hình ảnh cô gái thăm đồng hiện lên với tất cả dáng điệu của một con người năng nổ, tích cực. Đứng "bên ni" rồi lại đứng "bên tê" để ngắm nhìn, quan sát cánh đồng từ nhiều phía, dường như cô muốn thâu tóm, nắm bắt, cảm nhận cho thật rõ tất cả cái mênh mông bát ngát của đồng lúa quê hương.

Ảnh nghệ thuật

Cả hai câu đầu đều không có chủ ngữ, khiến cho người nghe, người đọc rất dễ đồng cảm với cô gái, tưởng chừng như đang cùng cô gái đi thăm đồng, đang cùng cô "đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng..." và ngược lại. Nhờ vậy mà cái cảm giác về sự mênh mông, bát ngát của cánh đồng cũng lan truyền sang ta một cách tự nhiên và ta cảm thấy như chính mình đã trực tiếp cảm nhận, rút ra và nói lên điều đó.

Nếu như ở hai câu đầu, cô gái phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng lúa quê hương để chiêm ngưỡng sự "bát ngát mênh mông" của nó, thì ở hai câu cuối, cô gái lại tập trung ngắm nhìn, quan sát và đặc tả riêng một "chẽn lúa đòng đòng" và liên hệ so sánh với bản thân mình một cách rất hồn nhiên:

Em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ giữa ngọn nắng hồng buổi mai.

Từ "em" ở đầu câu trên có người ghi là "thân em". Trong ca dao truyền thông, nhất là trong ca dao tình yêu, những từ "em" và "thân em" được dùng khá phổ biến. Nói chung đó là những từ có nghĩa khác nhau, nhưng riêng trong bộ phận ca dao than thân, hai từ đó lại được dùng và được coi là đồng nghĩa. Ví dụ:

Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới ,vào đìa mắc câu.
Em như con hạc đầu đình
Muốn bay chẳng cất nổi mình mà bay.

Ở bài ca dao này, dùng từ "em" thích hợp hơn cụm từ "thân em". Vì đây không phải là ca dao than thân. Hơn nữa, hai câu đầu của bài ca dao này đã được làm theo thể thơ tự do (mỗi câu kéo dài trên mười tiếng), nếu câu thứ ba dùng từ "em" thì hai câu cuối sẽ trở về với thể thơ lục bát chính thức, nghiêm chỉnh, như thế hiệu quả thẩm mĩ sẽ cao hơn.

Cánh đồng

Hình ảnh "chẽn lúa đòng đòng" tượng trưng cho cô gái đang tuổi dậy thì căng đầy sức sống. Hình ảnh "ngọn nắng" thật độc đáo. Có người cho rằng đã có "ngọn nắng" thì cũng phải có "gốc nắng"và "gốc nắng" chính là mặt trời vậy.

Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:34

8Cảm nghĩ về bài “Cảnh Khuya” của Hồ Chí Minh
Trăng là nguồn cảm hứng bất tận của biết bao nhiêu thi nhân từ xưa cho đến nay, ánh trăng ko chỉ mang lại vẻ đẹp cho thiên nhiên đất nước mà hơn thế có những lúc ánh còn trở thành người bạn trhi kỉ. để mỗi có thể chia sẻ buồn vui, có lúc trăng như dòng suôí mát làm tan đi những ưu phiền, mệt mỏi sau những giờ phút căng thẳng. bác Hồ của chúng ta sau những giờ phút vất vả cũng tìm đến trăng để tạm quên đi những vất vả. Biết bao nhiêu công việc bề bộn. Thế nhưng khi đọc bài thơ Cảnh Khuya của Bác, ta vẫn thấy hiên lên một bức tranh thiên nhiên đẹp.Bài thơ cho em hiuể rõ hơn về bác, đó là một con người ko chỉ có tình yêu đối với nhân loại mà còn có một tình yêu sâu đậm với thiên nhiên. Bài thơ hiện lên như một bức tranh:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bong lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Hai câu thơ đầu:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bong lồng hoa.

Đọc hai câu thơ này ta cảm nhận được một không gian tĩnh lặng, đó là vào một đêm khuya trong khu rừng của chiến khu Việt Bắc, nơi đang diễn ra một cuộc kháng chiến vô cùng ác liệt của quân và dân ta trong 9 năm chống quân Pháp xâm lược. Giữa bề bộn công việc ấy,Bác Hồ của chúng ta vẫn dành một khoảng thời gian để tìm đến với thiên nhiên hiện lên như một bức tranh phong cảnh thật đẹp. Ta có thể thấy tất cả như đang chìm đắm say sưa trong khung cảnh thiên nhiên của đất trời. Cảnh vật như ngừng lặng, chỉ nghe đâu đây tiếng suối chảy rì rầm và nghe văng vẳng như tiếng hát cất lên nhẹ nhàng trong trẻo, lan toả, ngân vang khắp núi rừng. Đặc biệt là âm thanh càng trở nên nhẹ nhàng, ngân vang khi nó được cất lên dưới ánh trăng vàng. Ánh trăng sang chiếu vào lá và hoa tạo nên vẻ đẹp lấp lánh. Hoa lá nghiêng bong trên mặt đất tạo nên những bức tranh lấp loá, lúc ẩn lúc hiện. Hoa lá cỏ cây và ánh trăng lồng quyện vào nhau, trăng đan vào cậy cổ thụ, trăng tràn vào hoa. Hình ảnh trăng lồng hoa này khiến ta gợi nhớ đến câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc:

Hoa giãi nguyệt,nguyệt in một tấm,
Nguỵêt lồng hoa, hoa thắm từng bong
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng Thế nhưng bức tranh của thơ xưa đọc lên ta thấy đượm buồn và ko thể hiện đc rõ nét vẻ đẹp thơ mộng, trong trẻo của thiên nhiên. Và có một sự khác biệt nữa là bức tranh của Bác Hồ có sức sống hơn hơn khi giữa khung cảnh đó ta còn nghe tiếng suối chảy như tiếng hát xa vọng lại. Tiếng hát khiến cho không gian của đêm khuya vắng lặng như chợt tỉnh, ở đây Bác Hồ đã sử dụng nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, lấy tiếng suối để gợi tả sự yên tĩnh, vắng lặng của đêm khuya ở chiến khu Việt Bắc.

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Đọc câu thơ ta nghe văng vẳng như âm vang của tiếng suối chảy ở Côn Sơn mà sáu chăm năm về trước Nguyễn Traĩ đã từng nghe thấy:

Côn sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai Chỉ có 2 câu thơ ngắn gọn nhưng khi đọc lên chúng ta như thấy hiện ra 1 bức tranh tuyệt đẹp. Ở đó có dòng suối chảy, hơn thế còn có cả tiếng suối chảy róc rách. Và tất cả như đang ẩn hiện dưới bong’ cây loang loáng ánh trăng. Ánh trăng trong veo, vàng dịu toả khắp cánh rừng tạo nên 1 khung cảnh đẹp, lung linh huyền bí. Bài thơ gồm 4 câu thơ vậy mà Bác đã dành 1 nửa để miêu tả thiên nhiên, nên mới đọc qua ta tưởng Bác đang thả tất cả tâm hồn của mình với thiên nhiên và ta có cảm giác như vẻ đẹp thiên nhiên khiến tâm hồn Bác thật sự thanh thản, tạo quên đi những khó khăn vất vả của cuộc kháng chiến đang diễn ra gay go, quyết liệt. Nhưng chúng ta thấy nếu ở 2 câu thơ đầu Bác chỉ miêu tả về thiên nhiên thỳ đến 2 câu thơ cuối ta chợt nhận thấy đó là 1 tâm hồn đang trằn trọc “chưa ngủ” vì 1 lẽ rất cao cả “lo nỗi nước nhà”:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
Hai câu thơ cuối gíup ta thấy rõ hơn con người của Bác. Một con người yêu thiên nhiên tha thiết nhưng cũng chính vì yêu thiên nhiên mà luôn lo cho sự nghiệp của đất nước.Đây chính là nỗi lòng, là tâm tình của thi nhân, của vị lãnh tụ.Đồng thời ta cũng có thể thấy Bác Hhồ của chúng ta dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian để chiêm nghưỡng thiên nhiên. Có lẽ thiên nhiên chính là người bạn giúp Bác khuây khoả, bớt đi sự vất vả mà hàng giò hàng phút Bác phải chăng chở suy tư. Từ đây ta nhân thấy Bác là một người luôn biết hài hoà giữa công việc với tình yêu thiên nhiên.Và càng yêu thiên nhiên thì trách nhiệm đối với công việc càng cao bởi ta có thể nhận thấy đằng sau hình ảnh người ung dung ngắm trăng đó là một nõi khao khát về một đất nứơc thanh bình, để ngày ngày con người đc sống tự do, hạnh phúc. Dương như trong Bác luôn xoáy sâu câu hỏi: Biết đến bao giờ đất nứơc mới đc tự do để con người thoả sức ngắm trăng?Đọc đến đây ta càng hiểu rõ hơn con người của Bác đó là một người luôn canh cánh trong lòng nỗi lo vì dân vì nước.Vì đất nước Bác có thể hi sinh tất cả.Đối với trẻ thơ Bác HỒ cũng luôn dành tình yêu thương nhất:
Trung Thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đông.
Sự hi sinh của Bác đã đc đền đáp, đất nước chúng ta đẫ thanh bình,tự do, hạnh phúc.Chúng ta có thể thả sức ngắm trăng và dưới ánh trăng lung linh huyền ảo ấy ta vẫn như thấy đâu đây hình ảnh Bác ung dung,thanh thản,mỉm cười dưới ánh trăng.

Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:35

9

Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ nổi tiếng với những tác phẩm thơ nhẹ nhàng, tình cảm và mang những cảm xúc của người phụ nữ vào những tác phẩm thơ của mình. Nhắc tới bà, chúng ta không thể không nhắc tới những bài thơ mang những tình cảm sâu lắng của những người phụ nữ trong tình yêu và tình thân của con người. Những tác phẩm của bà cũng giống như tiếng nói của toàn thể những người phụ nữ của thời kì đó- một thời kì vất vả với biết bao nhiêu khó khăn đặt lên đôi vai gầy của những người bà, người mẹ, người chị. Và trong số ấy, tác phẩm em yêu thích nhất chính là bài thơ “ Tiếng gà trưa”. Bài thơ đã thể hiện một cách thật nhẹ nhàng và sâu lắng về tình cảm bà cháu của một cô thanh niên đi du kích đã nhớ tới người bà của mình khi đang trên đường đi hành quân.

Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ
Cục cục tác cục ta



Mở đầu bài thơ là hoàn cảnh của nhà thơ khi sáng tác “ tiếng gà trưa”. Với những sự gợi nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu thắm thiết. Nhớ nhà, đó là tâm trang rất chung của những người lính trẻ vừa mới bước qua được ngưỡng cửa của tuổi học trò mà đã phải buông cây bút cùng những trang sách để bắt đầu một cuộc sống cầm súng lên bảo vệ quê hương đất nước. Nỗi nhớ nhà ấy không hề xa vời mà được thể hiện một cách vô cùng cụ thể, giản dị. Đó chính là tiếng gà gáy trưa khi người lính trẻ đang dừng chân bên xóm nhỏ đã làm dậy lên cả một miền thương nhớ, làm xao xuyến tấm lòng của những người con người cháu đang mong ngóng được trở về với quê hương.

Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ

Điệp từ “ nghe” được nhắc lại liên tiếp tới ba lần như thể hiện nỗi nhớ nhà tha thiết,nồng cháy. Và để rồi, quê nhà đã” được hiện lên một cách rõ nét qua tâm tưởng và những kỉ niệm tuổi thơ của người nữ chiến sĩ. “tiếng tiếng gà trưa” làm cho cô gái nhớ ngay tới “ ổ rơm hồng những trứng”với những chú gà mái mơ, mái vàng bên những ổ trứng hồng đẹp đẽ. Nghệ thuật phối sắc của nhà thơ Xuân Quỳnh như kết nối rất nhiều với những gam màu sắc tươi sáng và nhẹ nhàng, êm dịu như màu vàng của những cô gà mái, màu trắng của ánh nắng hay những màu hồng của trứng và những màu vàng tươi mát của những chú gà con mới nở..

Những cô gà mái mơ, gà mái vàng cũng chính là những kỉ niệm đã đánh thức những kí ức về người bà thân yêu của tác giả: đó chính là những kỉ niệm về những lần người cháu tò mò xem trộm những quả trứng gà và bị bà mắng yêu” gà đẻ mà mày nhìn\ Rồi sau này lang mặt”. bà nhìn từng quả trứng để đó chắt chịu tất cả chỉ để dành cho người cháu của mình, từng quả trứng hồng là từng nỗi lo của người bà để chắt chịu cuối năm đem bán trứng lấy tiền mua những bộ quần áo mới cho người cháu của mình với biết bao nhiêu niềm mong mỏi.

Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới

Đó là bộ quần áo giản dị, đơn giản cũng không phải là bộ quần áo đẹp nhất nhưng đó lại là bộ quần áo mang đầy những tình cảm của người bà dành cho người cháu của mình với biết bao nhiêu tình thương yêu và lo lắng, săn sóc cho cháu từng chút một. chính điều đó đã tạo nên những hạnh phúc cho người cháu trong những năm tháng của tuổi thơ nghèo khó. Tất cả những kỉ niệm ấy đã được nhà thơ miêu tả một cách nhẹ nhàng và cũng đầy tài tình biết bao.

Ôi cái quần chéo co
ống rộng dài quét đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt

Chỉ những câu thơ đơn giản ấy nhưng lại như đi sâu vào trong tâm tư của người đọc một cách tự nhiên nhất mà không phải ai cũng có thể làm được.

Tiếng gà trưa
Mang bao niềm hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng

Những hình ảnh của tuổi thơ như lần lượt hiện về, những điều đó đã làm cho người cháu càng cảm thấy yêu quê hương đất nước của mình hơn. Và nhờ có đó chúng ta mới có thể hiểu được, bảo vệ quê hương đất nước cũng chính là bảo vệ những tình cảm và những hình ảnh đẹp của quê hương mình, của những người thân yêu của mình.. Điều đó như càng giúp chúng ta cố gắng chiến đấu, tiến lên về phía trước.

Nhờ có những câu thơ nhẹ nhàng mà mang nặng những tình cảm bà cháu mà bài thơ đã trở thành một trong nhưng bài thơ hay nhất về tình bà cháu trong thời kì kháng chiến cứu nước. Những hình ảnh của người bà như còn đọng lại mãi trong lòng của những người đọc không chỉ hôm nay mà còn mai sau.

Nguyễn Hải Đăng
16 tháng 12 2017 lúc 21:36

10

“Qua đèo Ngang” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Bà Huyện Thanh Quan . Bài thơ được viết khi bà trên đường vào Phú Xuân, đi qua đèo Ngang- một địa danh nổi tiếng ở nước ta với phong cảnh hữu tình. Bằng giọng thơ man mác, hồn thơ tinh tế và lối thơ điêu luyện, “Qua đèo Ngang” không chỉ là bức tranh thiên niên đầy màu sắc mà còn bộc lộ tâm trạng cô đơn của tác giả, có chút gì đó nuối tiếc về thời phong kiến huy hoàng đã dần tàn lụi.

Bài thơ “Qua đèo Ngang” được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Mở đầu là hai câu đề:

Bước đến đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Chỉ với câu thơ đầu tiên tác giả đã khái quát lên toàn bộ về hoàn cảnh, không gian, thời gian khi viết bài thơ. Cách mở đầu rất tự nhiên, không hề gượng ép, tưởng như tác giả chỉ thuận chân “bước đến” rồi tức cảnh sinh tình trước khung cảnh đèo Ngang trong buổi chiều hoàng hôn “bóng xế tà”. Hình ảnh “bóng xế tà” lấy ý từ thành ngữ “chiều ta bóng xế” gợi cho ta một nét gì đó buồn man mác, mênh mang, có chút nuối tiếc về một ngày đang sắp qua. Trong khung cảnh hoàng hôn đẹp mà buồn ấy, tác giả chú ý đến một vài hình ảnh độc đáo của đèo Ngang “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Với việc nhân quá các loại cảnh vật qua động từ “chen” cùng với phép liệt kê hoàng loạt cho ta thấy nét sống động trong bức tranh khung cảnh này. Cỏ cây cùng với đá núi, lá và hoa đua nhau vươn lên đầy sức sống. Những hình ảnh nhỏ bé nhưng sức sống thật mãnh liệt. Trong ánh chiều ta lụi tàn mà còn bắt gặp được những hình ảnh này để lại cho ta thật nhiều suy nghĩ.

Cảm nghĩ về bài thơ “Qua đèo Ngang”
Cảm nghĩ về bài thơ “Qua đèo Ngang”

Hai câu thực là khi tác giả đang ở trên đèo cao, phóng mắt nhìn về xung quanh, xa hơn những đá núi, cây cỏ để tìm đến bóng dáng con người:


!-->
Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

Hình ảnh con người đã hiện ra nhưng dường như chỉ làm bức tranh thêm hiu hắt. Tác giả sử dụng biện pháp đảo ngữ cũng với từ láy gợi tả để thể hiện lên điều này. Con người ở đây chỉ có “tiều vài chú” kết hợp với từ láy “lom khom” dưới núi. Cảnh vật thì “lác đác” “chợ mấy nhà”. Tất cả quá nhỏ bé so với cảnh thiên nhiên hùng vĩ của đèo Ngang. Dường như không khí vắng vẻ, hiu quạnh bao trùm lên toàn cảnh vật.

Hai câu luận là nỗi buồn được khắc họa rõ nét qua những âm thanh thê lương:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

Tiếng kêu thiết tha hay chính là tiếng lòng tác giả. “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” là câu thơ từ điển tích xưa về vua thục mất nước hóa thành con cuốc chỉ biết kêu “cuốc cuốc”. Tiếng cuốc kêu khắc khoải càng làm bóng chiều thêm tĩnh lặng. Còn tiếng “gia gia” là tiếng kêu tha thiết gợi nỗi “thương nhà”. Ở đây cảm xúc của nhà thơ được bộc lộ rõ rệt. Nghệ thuật chơi chữ đồng âm độc đáo kết hợp nhân hóa cùng chuyển đổi cảm giác gây ấn tượng mạnh đã cho ta thấy được tấm lòng yêu nước thương nhà của Bà Huyện Thanh Quan.

Hai câu kết, khép lại những cảm xúc cũng như khung cảnh thiên nhiên của bài thơ :

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Cảnh vật đèo Ngang thật hùng vĩ khiến tác giả dừng chân không muốn rời. Cái bao la của đất trời, núi non, sông nước như níu chân người thi sĩ. Nhưng đứng trước không gian bao la hùng vĩ ấy, tác giả chợt nhận ra nỗi cô đơn trong lòng mình dần dâng lên “một mảnh tình riêng ta với ta”. Khung cảnh thiên nhiên càng rộng lớn thì nỗi cô đơn của người lữ khác cũng càng đầy. Một mảnh tình riêng, một nỗi lòng sâu kín, những tâm sự đau đáu trong lòng mà không biết chia sẻ nhắn nhủ với ai. Âm hưởng nhịp điệu câu thơ như một tiếng thở dài nuối tiếc.

“Qua đèo Ngang” là lời nhắn gửi tâm sự của nỗi lòng tác giả đên người đọc. Bài thơ không chỉ là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ đượm nét buồn mà còn là những tiếc nuối, một tấm lòng yêu nước thương dân. Phải thật giàu cảm xúc, thật yêu thiên nhiên cùng con người, Bà Huyện Thanh Quan mới có thể để lại những vần thơ tuyệt tác như vậy.

Nguyễn Thị Thu Hà
29 tháng 11 2020 lúc 21:21

Đề 2:

''Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.''

Bố mẹ là người đã sinh ra ta và nuôi chúng ta khôn lớn, trưởng thành. Bố mẹ là những người thân quan trọng nhất đối với mỗi người. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng dành những tình cảm đặc biệt cho đấng sinh thành, thế nhưng không dễ gì diễn tả những cảm xúc đó thành lời. Và tôi cũng chả ngoại lệ. Tình cảm giành cho mẹ có thể rõ ràng hoen nhưng đói với bố, tôi cũng giành những tình cảm hệt như thế. Người ta hay nói rằng:'tấm lòng người cha như là một tuyệt tác của tạo hóa', và tôi tin đều đó có thật. Tình yêu thương và tấm lòng mà bố dành cho tôi thực sự thiêng liêng và cao quý. Tôi luôn biết ơn cuộc đời đã ưu ái cho tôi một người bố đang kính, tuyệt vời như thế.

Nếu mẹ thương con bằng những cử chỉ ân cần, dịu dàng quá đỗi ấm áp bao nhiêu, thì bố lại dành những tình thương đó trong những bài học triết lí về đạo đức sống, đạo lí làm người và cách đối nhân sử thế. Lúc bé tí tẹo, con đã không thể nhận ra sự quan tâm đó, con hay khóc nhè bởi tính nghiêm khắc quá đỗi cứng nhắc của bố, thậm chí con đã từng tuyên bố rằng con không yêu bố tí nào. Nhưng dần dần từng ngày con lớn lên, con bắt đầu biết suy nghĩ hơn, và con cảm nhận được tình thương của bố qua từng hành động hằng ngày. Ngay từ bé tôi đã tin rằng sẽ có một vị anh hùng hay một vị thần nào đó đến truyền sức mạnh hoặc đưa tôi đến những vùng đất mới. Cái giá của sự trưởng thành là sự đổ vỡ về những hình tượng cao to, lực lưỡng, có sức mạnh phi thường là không có thật, nhưng vẫn luôn có một chiến binh vẫn giữ trọn niềm tin đấy trong tôi, đó là người anh hùng mang tên Bố.

Bởi lẽ, bố có một bờ vai vững chắc, gánh vác và là trụ cột chính của gia đình. Năm nay bố bước sang tuổi 34. Bố có dáng người khá cao lớn, da bố ngăm đen vì do bố phải làm việc vất vả, gánh vác trách nhiệm gia đình. Tôi rất thích đứng sau để nhìn bóng lưng của bố, tôi có cảm giác nó như một bức tường cao lớn, vững chãi có thể bảo vệ, che chắn cho tôi qua những giông tố cuộc đời. Tôi đặc biệt yêu đôi mắt của bố, đôi mắt hơi nâu và luôn sáng lên những ánh nhìn trìu mến với chúng tôi. Đôi chan mày bố đậm, dài, kéo tận đến đui mắt. Trên cái khuôn mặt phúc hậu ấy, nổi bật nhất vẫn là vầng trán cao, rộng và sáng sủa. Nhìn cứ như trán Bác Hồ vậy!

Nhà tôi có hai chị em còn đang còn đi học, mẹ tôi bị đâu chân khớp nên cũng chẳng làm được việc nặng nhiều, thế là, bao nhiêu áp lực về tài chính cơm áo gạo tiền đè nén lên đôi vai của bố. Bố có thể làm từ công nhân xây dựng , sửa điện, tháo lắp nhôm kính đến xe ôm,...Bất kể công việc nào kiếm được tiền để chăm lo cho gia đình, bố tôi đều làm tất. Nhìn nét mặt hằn in ngững sực cực nhọc, vất vả theo năm tháng, tôi thương bố vô cùng. Tôi hay xoa bóp chân, bả vai cho bố đỡ mệt mỏi. Những lúc ấy bố nở nụ cười nhẹ nhàng, khen ngọi nhưng không quên dặn dò:''Con gái rượu của bố ngoan quá, sau này cố gắng học hành thành đạt để đỡ khổ như bố nha con.''Những khoảnh khắc bình dị, yên bình như thế, tôi càng cảm nhạn được rõ tình thương bố chắt chiu dành dụm vun vén cho gia đình,

Khách vãng lai đã xóa
Trương Quang Minh
22 tháng 11 2021 lúc 8:47

“Những chiếc giỏ xe, chở đầy hoa phượng. em chở mùa hè của tôi đi đâu…”. Mỗi lần nghe những giai điệu du dương và quen thuộc ấy, lòng tôi thấy nao nao buồn. Những lời ca gợi cho tôi nhớ về một loài hoa cây tôi yêu quý - cây phượng.

 

Hương phượng thơm thoang thoảng chứ không ngạt ngào như hoa sữa. Vì thế thưởng thức hương hoa phượng bao giờ cũng tìm ra được những cảm giác thư thái, an lành. Phượng bắt đầu thắp lửa lúc đầu hè. Bởi thế mà cũng giống mọi người, tôi yêu hoa phượng bởi nó khắc ghi những dấu mốc quan trọng của đời tôi. Phượng nở là dấu ấn của mùa thi. Ở đó, tôi dù thành công hay thất bại nhưng tôi đã có những bài học và tôi vì thế đã trưởng thành. Phượng nở rộ cũng là lúc phải chia tay. Ôi! Chỉ cần nghỉ vậy thôi tôi tôi cũng đã cảm thấy nao lòng. Năm nào cũng vậy, tuy đã thành lệ nhưng không làm sao quên được cảm giác hồi hồi xao xuyến ấy.

Cứ đến đầu tháng năm, khi hoa phượng đang lúc đỏ tươi và bước vào kì thi đẹp nhất thì cũng là lúc tụi học trò chúng tôi lục đục cho những ngày hè sôi động. Tuy những ngày hè vui vẻ đang chực đón chờ, nhưng chúng tôi vẫn thấy buồn lắm lắm. bạn bè cả năm học vui vẻ với nhau vậy mà bây giờ phải tạm xa mấy tháng. Chúng tôi buồn thậm chí có bạn còn phát khóc khi phải trải qua những lần như thế. Hoa phượng đẹp và tất nhiên nó sẽ mãi là biểu tượng cho tuổi học trò. Hoa phượng rất giống lũ học trò nhỏ chúng tôi bởi nó cũng ngây thơ và cũng sống hết mình một cách thủy chung bằng tấm lòng son đỏ. Dưới mái trường cấp một thân yêu, không phải ai hết mà chính là hàng phượng đã chứng kiến lũ học trò chúng tôi lần lượt trưởng thành.

Giờ đây khi đã chia xa, tôi nhớ đến nao lòng hàng phượng, nhớ những bông hoa đỏ khắc ghi bao kỉ niệm học trò nhất là những kỉ niệm của năm học lớp 5. Ở ngôi trường mới của chúng tôi, hàng phượng mới trồng chưa kịp trổ hoa. Hoa phượng không biết tự lúc nào đã trở thành một phần máu thịt của tôi. Nó là tình yêu của tôi, là nỗi nhớ mà tôi đã dành trọn cho một thời học trò đầy cảm xúc.


Các câu hỏi tương tự
Thanh Trà
Xem chi tiết
Thanh Trà
Xem chi tiết
Ngô Trần Đăng Khoa
Xem chi tiết
Vũ Thị Hạnh Nga
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Giang
Xem chi tiết
Thanh Xuân
Xem chi tiết
Nhiên Nguyễn
Xem chi tiết
lê phúc hưng
Xem chi tiết
Nguyễn Thị Giang
Xem chi tiết