Đã 4 năm liền từ khi tôi lên thành phố làm việc , tôi chưa về quê thăm ngoại lần nào . Hôm nay , vì giỗ ông ngoại , cũng như đang trong thời gian nghỉ phép , tôi cùng mẹ về quê .
Quê ngoại tôi ở rất xa nơi tôi làm việc . Đi xe khách cũng khoảng 2 ngày mới đến . Ngồi trên xe mà lòng hồi hộp , nôn nao . Tôi cứ liên tưởng tới cảnh tôi chạy vào sân nhà , ôm chầm lấy ngoại giống lúc tôi còn nhỏ , được ngoại xoa đầu , rồi bao nhiêu điều khác , làm tôi xúc động . Chuyến xe cứ chạy , lần này con đường về quê cũng giống vậy , nhưng sao tôi thấy nó dài thêm . Chắc tại đã 4 năm chưa về nên tôi cứ háo hức . Cuối cùng , tôi cũng về được tới quê . Chà , bây giờ quê hương đã thay đổi khá nhiều . Đường được làm bằng bê tông sạch sẽ , trải dài từ làng này đến làng kia . Tôi chợt nhớ , ngày trước khi tôi còn đi học , đạp xe lọc cọc đi trên con đường đất , những hôm trời mưa thì phải dắt bộ vì sợ trơn bị ngã sẽ muộn giờ . Vậy mà bây giờ , các em học sinh áo trắng được đi trên con đường bê tông này , chẳng sợ bị té ngã , chúng cứ thoải mái vui đùa đạp xe bên nhau , tiếng cười giòn tan .
Tôi cùng mẹ đi bộ về nhà ngoại . Vừa đi tôi vừa hình dung hình ảnh ngoại trong đầu . Ngoại già rồi , tóc cũng bạc đi theo thời gian , lưng còng theo tuổi già , đôi mắt mờ hơn 1 chút . Chỉ có lòng thương con yêu cháu là vẫn còn như ngày nào trong ngoại .
Về tới sân , tôi gọi ngoại thật lớn : " Ngoại ơi , con về rồi ngoại ơi " . Ngoại lòm còm bước ra từ trong bếp , chậm rãi lại đưa bàn tay lên khuôn mặt tôi , đôi mắt nhìn thẳng vào đứa cháu trai nay đã lớn , ngoại không ngừng miệng : " Cháu bà đây hả ? Cháu lớn quá , thanh niên thật rồi . " Tôi nắm lấy bàn tay bà , áp vào má . Đôi bàn tay ấy đã nuôi tôi khi còn nhỏ , bón cho tôi ăn cơm khi mẹ không ở nhà . Đôi bàn tay tôi yêu quý ấy .
Sau 1 lúc ngồi nghỉ ngơi lại sức , tôi cùng ngoại ra vườn . Tôi muốn xem cây na ngày tôi còn bé tẹo bây giờ như thế nào . Ngày trước lúc tôi còn bé , ngoại cũng còn khoẻ lắm , ngoại hay bứt những quả na vào cho tôi ăn . Ngoại tôi mát tay , trồng cây nào cây nấy sai trĩu quả . Lại đang mùa na chín , tôi lại mang những quả na ấy vào cho ngoại ăn . Ngoại cứ luôn miệng : " Cháu ăn đi , ngoại để dành cho cháu mà " . Tôi thật sự rất xúc động . Có gì ngon cũng dành cho cháu , ngoại chẳng ăn . Rồi hai bà cháu đi khắp vườn , nào cây bưởi ngày trước bà hay gội đầu , nào cây xoài tôi hay đi bán trên chợ với ngoại , cả rau mồng tơi đến tận bây giờ nó vẫn ở đó .
Tôi cùng ngoại thăm các chú , bác . Ai nấy đều bảo : " Cháu được ngoại chăm sóc , bây giờ thành tài cũng phải " . Ngoại tôi cười . Nụ cười để lộ hàm răng đen bóng , những vết chân chim ở mắt , ngoại già thật rồi .
Tôi ở quê được 2 tuần . Hết nghỉ phép là tôi phải về . Ngày tôi đi , ngoại khóc hết nước mắt . Mặc cho tôi có an ủi như thế nào , ngoại vẫn không ngừng rơi lệ . Một lúc sau ngoại mới không còn khóc . Ngoại dặn dò tôi : " Con lên xe nhớ ngủ cho đủ giấc , ăn cơm đầy đủ . Ngoại có bỏ cho con mấy quả na đó , nếu đói con lấy ra ăn . Lên đó làm việc cho tốt , ngày nào ngoại lên với con " Tôi ôm lấy bà , hôn lên má ngoại , hứa rằng tôi sẽ về .
Tôi đi rồi , ngoại vẫn còn đứng ngoài ngõ , ánh mắt buồn buồn nhìn về phía tôi .
Quê nội em ở rất xa thành phố nên chẳng mấy khi em được về thăm. Năm nay dù dã mười hai tuổi nhưng em cũng mới chỉ được về thăm ông bà nội có một lần. Lần ấy lâu lắm rồi, từ khi em còn nhỏ lắm nên hầu như em chẳng nhớ điều gì nữa. Thế nhưng tuần vừa qua, cảm ơn những ngày nghỉ của bố, em đã được về quê nội.
Bố báo tin mừng trước ba ngày. Ba ngày là khoảng thời gian quá lâu để hâm nóng niềm vui và chờ đợi. Thế rồi cuối cùng em cũng chờ được đến lúc lên tàu. Chuyến tàu hôm ấy đông đúc và ồn ã lắm. Dường như em có cảm giác ai cũng về quê thì phải. Con tàu lăn bánh rời khỏi sân ga trong một niềm vui mừng bâng khuâng khó tả. Tàu chạy gần cả một ngày nhưng em không muốn ngủ. Cảnh vật bên đường mới thích làm sao. Hết làng mạc lại đến cánh đồng, rồi đồi bãi bát ngát mênh mông. Hai bên đường lúc thì rợp một màu xanh, lúc lại nhộn nhịp vô cùng khi tàu đi qua phố chợ. Em đang miên man suy nghĩ thì tàu đến sân ga.
Nhà nội cách sân ga chưa đầy nửa cây số nên bố quyết định cả nhà đi bộ. Bước trên con đường mà dưới chân sỏi và đá cứ kêu lạo xạo, em thấy có một cái gì đó lạ vô cùng. Một cảm giác em chưa từng được trải qua. Loáng cái đã đến cổng nhà bà nội. Chiếc cổng bằng tre cũ kỹ, che một phần giàn mướp sai trĩu quả bên trong. Thấy cả nhà đã về tới cổng, bà nội vui mừng ra đón. Không hiểu sao lúc ấy tự nhiên em vứt ngay túi đồ xuống đất sà vào lòng bà nội mà nức nở. Buổi tối hôm ấy qua đi trong một giấc ngủ ngon làn cùng bà nội.
Sáng hôm sau bà gọi em dậy sớm và hình như em cũng không muốn ngủ lười như ở trên thành phố. Bây giờ em mới kịp quan sát kỹ ngôi nhà của ông bà nội. Ngôi nhà ba gian lâu ngày bị gió sương làm chuyển sang màu nâu bạc. Nhưng bên trong vẫn toát lên vẻ ấm cúng, thiêng liêng và gần gũi vô cùng. Trong bữa cơm buổi sáng, em cố khớp những hình ảnh đã hình dung với hình ảnh thực của ông bà nội. Ông bà trẻ hơn so với suy nghĩ của em. Dù đã ngoài bảy mươi nhưng ông vẫn khỏe mạnh và quắc thước. Bà nội tóc có bạc hơn nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm.
Bữa cơm vừa xong là lúc em bắt đầu được thưởng thức những cảm giác thú vị của đồng quê. Trong khi ông bà miệng bỏm bẻm nhai trầu cùng bố mẹ em và các chú bàn công chuyện thì em được các anh chị họ rủ ra đồng chơi. Hôm nay em là nhân vật trung tâm nên anh chị nào cũng giành phần để chăm chút cho cậu em từ thành phố mới về. Ôi! Những ngày ở quê, các anh chị đã cho em biết thêm bao điều thú vị. Và có lẽ vui mừng hơn cả là những trò chơi của tụi nhỏ ở nông thôn. Lần đầu tiên em biết thế nào là một con diều sáo. Và lại còn được anh hai cho cầm dây mới thích chứ. Rồi còn biết thêm trò chơi chọi dế, đánh cỏ gà, đá bóng bằng trái bưởi phơi khô...lại còn cả những buổi được đi chăn trâu thật là ngộ nghĩnh. chỉ vài ngày mà em quen thêm bao nhiêu người bạn mới. Điều lạ là ai cũng dễ gần, cũng dễ chơi và nhanh thân thiết lắm chẳng như trên thành phố.
Những ngày ở quê vội vã qua đi trong sự nuối tiếc của em vì hầu hết những cuộc chơi còn đang dang dở. Ngày trở về thành phố ông bà còn cho rất nhiều quà. Bà ôm em vào lòng khóc nhưng không rơi nước mắt. Bà nói: Cháu bà ngoan! Về thành phố nhớ chăm chỉ học hành, lần sau trở lại chắc cháu bà lớn lắm. Em không nức nở như lúc mới về mà chỉ dửng dưng. Ở trong lòng bà em cảm thấy quê nội ấm áp, thiêng liêng, cao quý mà gần gũi xiết bao.