Một hôm Đàm Thị đi tắm một mình ở dòng suối gần nhà, để quần áo ở bụi cây trên bờ, toan bước xuống nước bỗng thấy một con rái cá to lớn hiện lên tiến về phía mình. Đàm Thị sợ hãi ngất đi, đến lúc tỉnh dậy thì thấy mình nằm ở trên cỏ, bên cạnh có con rái cá ủ ấp liếm tay bà. Bàng hoàng đứng lên, bà vội mặc quần áo lại về nhà, dấu chồng việc lạ thường đã xảy ra.
Cách đó ít lâu, Đàm Thị có thai, ngờ rằng con rái cá kia là Thần Nước hiện ra đi lại với bà. Đến ngày, bà sinh được một đứa con trai khỏe mạnh, khôi ngô khác thường. Vài năm sau, ông Trứ chết đi, cũng không hề biết rằng đứa con kia không phải là dòng máu của ông.
Về sau, dân làng đánh bẫy bắt được con rái cá ở suối, giết ăn thịt rồi vứt xương đi. Đàm Thị nhặt xương con rái cá đem về gói lại treo ở bếp.
Đứa con trai lớn lên, tỏ ra sức khỏe, thông minh hơn người, giỏi về bơi lặn, có thể ở lâu dưới nước hàng giờ. Đàm Thị đặt tên con là Đinh Bộ Lĩnh.
Một hôm, có thày địa lý Tàu đến trong vùng tìm đất có long mạch để táng cốt cha đem theo, tới gần bờ suối nhận thấy có một ánh hào quang đỏ chiếu thẳng lên sao Thiên Mã. Thày địa lý không biết lặn mới thuê người xuống đáy nước xem. Đinh Bộ Lĩnh nhận lời lặn xuống dưới chỗ vực sâu nước chảy mạnh, thấy một con ngựa đá đang trừng mắt há miệng nhìn mình, hoảng sợ trở lên nói cho thày Tàu hay. Y liền bảo Đinh Bộ Lĩnh lấy một nắm cỏ đem xuống nhử vào mồm ngựa đá, thì ngựa há miệng ra nuốt lấy.
Khi nghe Bộ Lĩnh lên kể lại rằng ngựa đã đớp lấy cỏ, thày địa lý không dấu được nỗi vui mừng, kêu lên: "Đúng long mạch rồi! Ai táng cốt ông cha vào đấy thì sẽ được phát đế vương". Rồi y trao cho Đinh Bộ Lĩnh một gói xương bọc trong cỏ bảo mang xuống cho vào ngựa đá. Đinh Bộ Lĩnh cầm lấy lặn xuống nước, nhét gói xương dưới một khe đá rồi trở lên bảo đã đưa cho ngựa nuốt rồi. Thày địa lý Tàu tưởng thật mừng rỡ liền thưởng tiền cho Đinh Bộ Lĩnh và hứa hẹn sau này lên làm vua sẽ ban cho nhiều vàng bạc nữa.
Đinh Bộ Lĩnh chạy về nhà thuật lại việc này cùng mẹ rồi hỏi cốt cha ở đâu. Đàm Thị lúc bấy giờ mới nói thật cho con hay rằng Đinh Công Trứ chỉ là cha nuôi, và trao gói xương rái cá cho Đinh Bộ Lĩnh. Lĩnh lấy cỏ bọc mớ xương rồi lặn xuống vực đưa cho ngựa đá nuốt đi.
Từ đó Đinh Bộ Lĩnh sinh ra can đảm khác thường, các trẻ chăn trâu bò đều nể sợ, bầu lên làm tướng. Lĩnh bày trận giả, sai lũ trẻ bẻ hoa lau làm cờ, chặt tre làm khí giới, rồi mấy đứa làm kiệu cho Lĩnh ngồi đi đánh nhau với trẻ làng khác. Một hôm, Lĩnh hội các trẻ ở ngoài đồng, bắt con trâu của chú sai đi chăn bổ làm thịt để mở tiệc khao quân. Ông chú ở nhà nghe tin vác gậy đi tìm, đến nơi chỉ thấy một chiếc đuôi chôn chặt ở đất, hỏi trâu thì Lĩnh nói trâu đã chui mất xuống đất rồi. Người chú tức giận đuổi đánh, Lĩnh chạy đến khúc suối, bí đường nhảy xuống nước, bỗng có con rồng vàng hiện ra cõng Lĩnh qua.
Về sau Đinh Bộ Lĩnh dấy lên ở Hoa Lư, dẹp loạn các sứ quân, đánh đâu thắng đó, tự xưng là Vạn Thắng Vương. Lời tiên đoán của thày địa lý Tàu thực hiện: Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi làm vua, gọi là Tiên Hoàng, niên hiệu Đại Cồ Việt.
Tục truyền rằng thày địa lý Tàu trở sang đến nơi thì đã thấy Đinh Tiên Hoàng dựng xong cơ nghiệp, biết họ Đinh được đất ấy rồi, bèn lập mưu để phản lại, mới xin vào triều, yết kiến:
"Tâu bệ hạ, ngài được ngôi đại địa, cũng bởi phúc mà trời cho, nhưng có ngựa thì phải có gươm mới tung hoành lâu dài được, vậy ngài nên cho để một thanh gươm trên cổ ngựa mới hay".
Rồi dâng lên vua một thanh gươm trần hai lưỡi rất sắc. Đinh Tiên Hoàng tưởng thật mới sai lấy thanh gươm buộc trên cổ ngựa, không ngờ lưỡi gươm theo sức nước cuốn dần dần cắm sâu vào cắt lìa cổ. Ngựa đứt đầu lôi cuốn theo sự sụp đổ của Đinh Tiên Hoàng, chấm dứt triều đại ngắn ngủi của nhà Đinh.