Trong vốn từ tiếng Việt, chiếm đại bộ phận là những từ song tiết – tức những từ gồm hai âm tiết hay hai tiếng – chúng được cấu tạo bằng hai phương thức chủ yếu: phương thức tạo ra từ ghép và phương thức láy tạo ra từ láy.
Như các em đã biết, trong từ ghép song tiết mỗi tiếng đều có nghĩa riêng, chúng phối hợp nghĩa với nhau và nhìn chung, giữa hai tiếng không có hiện tượng lặp âm hoàn toàn hay lặp âm bộ phận theo quy tắc hòa phối ngữ âm để tạo sắc thái nghĩa, như ở từ láy, ví dụ:
- Mặt trời, tên lửa, đường sắt, xe đạp, áo dài… là những từ ghép chính - phụ, gồm hai thành tố (từ tố), một từ tố giữ vai trò trò chính (thường đứng trước), đứng sau là từ tố phụ bổ sung ý nghĩa cho từ tố chính.
- Quần áo, sách vở, xinh đẹp, tổ quốc, giang san, học tập... là những từ ghép đẳng lập (hay từ ghép song song), hai từ tố trong mỗi từ cùng có vai trò ngang nhau,chúng phối hợp với nhau để tạo ra nghĩa tổng hợp, khái quát.
Muốn nhận diện một từ ghép song tiết và một từ láy đôi, các em cần chú ý phân biệt:
+ Trong từ ghép song tiết cả hai tiếng đều có nghĩa (gọi là tiếng gốc, tiếng cơ sở), tiếng kia là láy lại để tạo sắc thái nghĩa (Ví dụ: dễ dãi, đẹp đẽ, lạnh lùng, lưa thưa, nhúc nhích... (tiếng gốc in đậm).
+ Từ ghép được cấu tạo theo phương thức phối hợp nghĩa, khác từ láy được cấu tạo theo phương thức hòa phối ngữ âm.
Nói chung từ ghép chính phụ không bị nhập nhằng, lẫn lộn với từ láy, còn từ ghép đẳng lập rất dễ bị nhận nhầm là từ láy khi chúng có hình thức ngữ âm ngẫu nhiên giống từ láy. Để nhận thức rõ hơn, chúng ta cùng xem xét ba trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Một từ ghép song song, trong nội bộ từ, mỗi tiếng có nghĩa riêng, nhưng do chúng ngẫu nhiên mang dạng láy (như lặp phụ âm đầu hoặc lặp khuôn vần) nên nhiều học sinh lầm tưởng đó là một từ láy. Ví dụ, những từ dưới đây đều là từ ghép song song (đẳng lập), nghĩa của từng từ tố còn khá rõ: buôn bán, che chắn, chèo chống, dọn dẹp, đánh đấm, đầy đủ, đi đứng, mặt mũi, mặt mày, mềm mỏng, mệt mỏi, môi má, mồm mép, nghe ngóng, nhỏ nhẹ, non nước, rã rời, rụng rời, rổ rá, rơm rạ, sâu sắc, tóc tai, tên tuổi, than thở, tóm tắt, tôm tép, trai trẻ, tươi tốt, tướng tá...
Trường hợp 2: Một số từ ghép Hán - Việt có vỏ ngữ âm tình cờ giống từ láy Việt như: bài bản, ban bố, bảo bối, căn cơ, hào hùng, châm chước... (lặp phụ âm đầu) vàbình minh, linh tính, cần mẫn, hoàn toàn, lãng đãng, tham lam... (lặp khuôn vần). Do không hiểu nghĩa của từng tiếng (từ tố) nên nhiều em nghĩ những từ kể trên là từ láy đôi tiếng Việt. Muốn không bị nhầm lẫn, các em nên chịu khó tra cứu, tìm hiểu nghĩa từng yếu tố gốc Hán trong các từ ghép Hán - Việt. Chẳng hạn, nếu các em hiểu ban là ban hành (thể rút gọn), bố là công bố, căn là gốc rễ, cơ là nền móng, cần là siêng năng, mẫn là mau lẹ, hoan là vui, hỉ là mừng... thì các em dễ dàng khẳng định ban bố, căn cơ, cần mẫn, hoan hỉ là những từ ghép Hán - Việt chứ không ngộ nhận là từ láy Việt.
Trường hợp 3: Lớp từ thứ ba là lớp từ song tiết, từ xa xưa vốn là những từ ghép vì trong mỗi từ cả hai tiếng đều có nghĩa. Nhưng cho đến nay ta chỉ xác định được ngữ nghĩa của tiếng gốc, tiếng còn lại đã bị mờ nghĩa, thậm chí bị mất hẳn nghĩa. Do vậy, giới nghiên cứu đã xếp lớp từ này vào loại từ láy đôi (Ví dụ: ăn năn, bưng bít, buồn bực, chung chạ...).
Thế nhưng thời gian gần đây các nhà ngôn ngữ lần theo dấu vết, khảo sát các phương ngữ và tra cứu các từ điển, sách cổ, đã phát hiện và khôi phục được nội dung nghĩa của khoảng một trăm yếu tố trước đây bị coi là "mất nghĩa" trong các từ song tiết tiếng Việt. Sau đây là một số ví dụ về những yếu tố đã được khôi phục nghĩa:
* Ăn năn: năn là loại cỏ đắng. Ngày xưa người phạm tội bị buộc phải ăn cỏ năn để cải hối (cách nói ẩn dụ chỉ sự sám hối).
* Bưng bít: bưng là che đậy, bịt kín, ngăn chặn với bên ngoài.
* Buồn bực: bực là tang, áo bực là áo tang. Nghĩa chung: buồn khổ như có tang.
* Chung chạ: chạ là lộn bậy, quấy phá. Chung chạ là chung đụng tạp, nghĩa xấu.
* Hỏi han: han cũng là hỏi (Trước xe lơi lả han chào. Kiều).
* Non nớt: nớt là đẻ thiếu tháng. Nghĩa chung: quá bấy, yếu ớt, nói khái quát.
* Mới mẻ: mẻ cũng là mới (Gốc Pakô, Catu).
* Rực rỡ: rỡ là có hoa sặc sỡ. Rắn rỡ: rắn hoa.
* Sân sướng: sướng là sân đất dưới gầm nhà sàn.
* Trồng trọt: trọt là trồng tỉa (hạt). Trồng trọt: Gieo trống, nói khái quát.
* Vai vế: vế là bắp đùi, phương ngữ Nam. Vai vế: thứ bậc trên dưới trong gia đình, họ hàng ...
Trước kết quả phục hồi ngữ nghĩa của những từ tố trước đây bị coi là "mờ nghĩa, mất nghĩa" (trong lớp từ láy đôi đang xét), giới nghiên cứu hiện đưa ra ba hướng giải quyết khác nhau:
1. Chuyển số từ láy đôi đã khôi phục đầy đủ ý nghia của hai từ tố sang lớp từ ghép đẳng lập (có hình thức láy).
2. Coi những từ láy đôi đã xác định được ý nghĩa của cả hai từ tố là những đơn vị trung gian, nằm giữa từ ghép đẳng lập và từ láy.
3. Cho rằng, việc lật xới dấu vết cũ, tìm hiểu những yếu tố cổ, yếu tố vay mượn trong tiếng Việt sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn những nét đặc sắc và độc đáo của tiếng nói dân tộc. Nhưng, trong thực trạng nghiên cứu từ láy đã tương đối ổn định, không nên và không cần thay đổi cách nhìn về số từ láy đang xét, để tránh những xáo trộn. Nói cách khác, không cần chuyển số từ láy đôi (đã tìm lại được nghĩa những từ tố trước bị coi là tiếng láy) sang từ ghép đẳng lập.