Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc lâu đời ở đất Đường Lâm nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Đường Lâm xưa kia vốn là vùng đất gò đồi và rừng cây rậm rạp bởi vậy mới có tên gọi là “đường lâm”.
Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời của Phùng Tói Cái, người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ, thời niên hiệu Vũ Đức, dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ.
Cho tới nay ngày sinh và mất của Phùng Hưng đều chưa rõ. Theo những thông tin của dã sử thì Phùng Hưng sinh ngày 25/11/760 và mất ngày 13/8 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 13 tháng 9 năm 802, thọ 41 tuổi.
Tuy nhiên, các sách chính sử như “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục” ghi ông mất năm 791 chỉ một thời gian ngắn sau khi đuổi được giặc Bắc phương.
Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên, Phùng Hạp Khanh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Sau đó, ông trở về quê chăm chú công việc điền viên, trở nên giàu có, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người.
Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được 3 người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải, tự là Tư Hào và em út là Phùng Dĩnh, tự là Danh Đạt.
Chuyện kể rằng thuở Phùng Hưng đang còn trai tráng, bỗng vùng Đường Lâm, Hà Tây quê ông có một con hổ dữ từ rừng về giết người, bắt gia súc, mọi ngưới không làm gì nổi. Phùng Hưng bèn tìm cách trị hổ cứu dân lành, ông làm con bù nhìn bằng rơm, cho mặc quần áo như người thật, đặt ở nơi hổ thường xuất hiện.Đến năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Phùng Hưng nối nghiệp cha trở thành hào trưởng đất Đường Lâm. Cho tới nay dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông dùng mưu kế giết hổ dữ mang lại bình yên cho làng xóm.
Hổ đi qua thấy bù nhìn tưởng người, lao vào cắn xé nhưng chỉ có cọc gỗ độn rơm. Vài lần như thế, hổ không còn chú ý tới bù nhìn rơm nữa. Một hôm trời chập choạng tối, Phùng Hưng cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng thế vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm.
Khi hổ xuất hiện, hơi bùn non át hơi người nên hổ không phân biệt được, cứ rảo bước qua như mọi lần. Phùng Hưng bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt con mãnh thú, sau một hồi người hổ vật nhau, hổ đuối sức, Phùng Hưng giáng một cú thôi sơn đập vỡ sọ nó. Hổ chết, mối họa cho dân được trừ vua đánh hổ Phùng Hưng.
Việt Nam thời thuộc Đường gọi là An Nam đô hộ phủ, khi đó đang nằm dưới ách cai trị hà khắc của bọn quan đô hộ. Các quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét của cải của người dân Việt Nam, bắt người dân Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn.
Năm 767, Cao Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định, tức miền Việt Bắc giúp kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.
Sinh trưởng trong một gia đình đời đời làm hào trưởng đất Đường Lâm. Chứng kiến cảnh quan lại nhà Đường, đứng đầu là đô hộ phủ Cao Chính Bình tàn ngược, áp bức vơ vét của cài cùa nhân dân không cùng, lòng người oán thán, Phùng Hưng quyết định dựng cờ chiêu hiền đãi sĩ, phát động khởi nghĩa.
Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779), chưa rõ đích xác vào năm nào, nhân lòng căm phẫn của người dân, lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình (Hà Nội) nổi loạn, Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ.
Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng phát động nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người dân từ khắp các miền đất Giao châu. Thoạt đầu, anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc.
Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.
Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành. Phần lớn các truyền thuyết đều kể rằng Phùng Hưng nhận thấy lực lượng chưa thật đủ mạnh để đè bẹp quân địch.Được sự trợ giúp của người cùng làng có nhiều mưu lược là Đỗ Anh Hàn, tháng 4 năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng từ chỗ cầm cự đã cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình.
Vì thế, ông đã cùng các tướng tỏa đi xung quanh chiêu mộ thêm binh lính và sắm thêm vũ khí. Còn việc vây thành được giao cho 3 người cháu gái họ Phùng, gọi Phùng Hưng bằng bác.
Cuộc chiến đấu sau đó diễn ra quyết liệt, quân Đường chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước.
Chính sử chép rằng ông cầm quyền cai trị không lâu sau đó đã qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791. Sau khi mất, Phùng Hưng được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.
Về danh hiệu này, vì hiểu nghĩa “Bố Cái” là “Cha Mẹ”, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã có câu viết – để giải thích là: “Con (Phùng Hưng, sau khi cha mẹ mất) tôn xưng (cha) là Bố Cái Đại Vương. Tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái cho nên lấy làm hiệu”.
Tuy nhiên, trong công trình Việt giám thông khảo tổng luận, sử thần Lê Tung lại gọi Phùng Hưng nguyên văn là “Phùng Bố Cái”. Cấu trúc của cụm từ này cho thấy ở đây, nghĩa của “Bố” chính là vua (Bua – Bố) và “Cái” là lớn.
Vì thế, trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi là: “Dân chúng tôn (Phùng) Hưng làm Bố Cái Đại Vương” (chứ không phải là: con Phùng Hưng tôn xưng cha). Và việc Phùng Hưng được dân chúng suy tôn là “Vua Lớn” còn thấy rõ trong câu sử bút sau đây:
“Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế”. Sau khi Phùng Hưng mất, con trai ông là Phùng An lên nối ngôi. An nối nghiệp được 2 năm thì đất nước lại rơi vào tay giặc.
Nền tự chủ vừa mới xây dựng, chỉ tồn tại vẻn vẹn trên dưới 9 năm. Sau khi đặt nền cai trị, bọn quan quân nhà Đường liên tục truy sát những người trong gia tộc họ Phùng. Theo các dòng sông lớn dòng họ Phùng toả về các vùng núi, trung du, các vùng hạ lưu các con sông lớn nhỏ để lập nghiệp.
Nhưng phần lớn vẫn là ở các vùng như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ mà tập trung lớn nhất phải kể đến như dòng họ Phùng Quang ở Vĩnh Phúc, dòng họ Phùng Xuân thuộc hữu ngạn sông Bùi Chương Mỹ – Hà Tây, dòng họ Phùng Văn ở Ba Vì, Phùng Huy ở Thanh Hoá.
Trong “Việt điện u linh tập”, Lý Tế Xuyên đã chép chuyện về chuyện này như sau: “Hai năm sau đó, vua Đường Đức Tông sai Triệu Xương sang làm đô hộ nước ta. Triệu Xương tới nới, trước hết, cho sứ giả mang lễ vật đến dụ dỗ Phùng An. Phùng An xin hàng phục. Từ đó, họ Phùng tản mác mỗi người một nơi”.
Sử liệu và truyền thuyết dân gian cho đến nay vẫn lưu truyền những câu chuyện về sự linh thiêng của vị Bố Cái Đại Vương. Trong “Việt Điện U Linh” viết rằng: “Sau khi mất, Bố Cái Đại Vương rất hiển linh.
Dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa.
Bấy giờ, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía Tây của phủ đô hộ.
Đền thờ Vương rất linh thiêng, mọi việc cầu mưa, cầu tạnh đều được linh ứng. Ai gặp việc khó khăn như bị kẻ xấu lấy trộm hoặc giả là muốn cầu tài, đến lễ thần đều được như ý. Bởi vậy, người đến lễ rất đông, khói hương chẳng lúc nào dứt.
Khi Ngô Tiên Chủ dựng nước, bọn giặc Nam Hán sang cướp nước ta. Ngô Tiên Chủ ngày đêm lo nghĩ tìm cách chống đánh. Thế rồi một đêm, Ngô Tiên Chủ nằm mơ, thấy có một cụ già áo mũ chỉnh tề, đến nói rõ họ tên của mình và bảo rằng:
Tôi đã trù tính, sắp sẵn các đội thần binh để giúp sức Nhà vua, xin Nhà vua hãy gấp tiến binh, đừng lo nghĩ gì cả. Đến khi Ngô Tiên Chủ ra đánh giặc ở sông Bạch Đằng, nghe trên không có tiếng binh mã ầm ầm, và quả nhiên trận ấy được đại thắng.
Ngô Tiên Chủ lấy làm lạ, liền sai sửa sang ngôi đền, khiến cho đền rộng rãi và lịch sự hơn xưa. Xong, Ngô Tiên Chủ đem các thứ lễ vật cùng cờ quạt chiêng trống đến để tế lễ. Sau, các triều quen dần thành lệ. Thời Trần, vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), Nhà vua sắc phong là Phù Hựu Đại Vương.
Năm Trùng Hưng thứ tư lại gia phong thêm hai chữ Chương Tín. Năm Hưng Long thứ 20, Vua (Trần Anh Tông) gia phong thêm hai chữ Sùng Nghĩa nữa. Đến nay, sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như xưa”.
Lăng mộ Phùng Hưng ngày nay nằm ở đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm, đình Quảng Bá, Tây Hồ, đình Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội, lăng Đại Áng, Phương Trung, Hoạch An hay phủ Thanh Oai, Hà Nội…
Riêng ở đất Đường Lâm, sau khi Phùng Hưng mất còn xuất hiện thêm một vị vua nữa là Ngô Quyền, người đánh bại cuộc xâm lược của Nam Hán, chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc (938). Do vậy Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi “Đất hai vua”.