Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc ta trong thế kỉ XX. Ngoài thơ tiếng Việt, Người còn để lại nhiều thơ chữ Hán, tiêu biểu nhất là lập "Nhật kí trong tù" - một tập thơ "trăm bài trăm ý đẹp". Bên cạnh những bài thơ chứa chan tình còn có những bài thơ sáng ngời chất thép. Nói về chất thép trong thơ Hồ Chí Minh, nhà văn Hoài Thanh có viết: "Khi Bác nói trong thơ có thép, ta cũng cần tìm hiểu thế nào là thép ở trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép, mới có tinh thần thép". Đó là một nhận xét tinh tế, thú vị.
"Nhật kí trong tù" có một số bài khẳng định dũng khí của người chiến sĩ: "Đề từ", "Bốn tháng rồi", "Nghe tiếng giã gạo"...
"Thân thể ở trong lao
Tinh thần ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao".
(Đề từ)
Không cao đàm khoát luận. Là trang nhật kí, viết để đối thoại với mình, vần như mang tính "hướng nội", lòng tự nhủ lòng, tự an ủi động viên mình trong những tháng ngày "ác mộng’". "Tinh thần ở ngoài lao" "kiên trì và nhẫn nại", "không chịu lùi...", "không nao núng...", là chất thép, là ý chí kiên cường, là tinh thần bất khuất của người chiến sĩ vĩ đại.
"Nhật kí trong tù" có rất nhiều bài thơ trữ tình không nói đến cách mạng, đến tinh thần chiến đấu, có nghĩa là không hề "nói chuyện thép" và "lên giọng thép", ấy thế nhưng "chất thép" lại ẩn chứa sau từng vần thơ, từng hình ảnh, từng câu chữ, hay đằng sau những nụ cười hóm hỉnh, hài hước hoặc mỉa mai.
Trong tù, chân tay bị cùm trói, muỗi rệp, đói rét, "ghẻ lở mọc đầy thân", mà tù nhân vẫn thưởng thức vẻ đẹp của ánh trăng lọt qua cửa ngục, vẫn làm thơ, và "Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu". Đó là chất thép. Nhìn xiềng xích và dây trói quấn đầy mình lại ví: "Rồng cuốn vòng quanh chân với tay - Trông như quan võ quấn tua vai". Mỗi bước chân đi, tiếng xích sắt kêu loảng xoảng, bất chợt nảy ra so sánh thú vị: "Mỗi bước leng keng tiếng ngọc rung". Cái nhìn ấy, nụ cười hóm hỉnh ấy được hiện ra trong cảnh địa ngục trần gian thì chính đó là chất thép của một con người mà "uy vũ bất năng khuất". Có nhiều bài thơ ghi lại cảnh chuyển lao. Có hành trình "Năm mươi ba cây số một ngày - Áo mũ đầm mưa rách hết giày". Có cảnh bị giải đi "Hôm nay xiềng sắt thay dây trói". Có chặng đường khổ ải: "Gió sắc tựa gươm mài đá núi - Rét như dùi nhọn chích cành cây”. Đó là những gian khổ mà Bác đã nếm trải trên con đường lưu đày. Đó cũng là chất thép. Một nội lực ghê gớm, một bản lĩnh phi thường, một tinh thần bất khuất lạc quan mới có thể làm nên chất thép ấy.
Chất thép trong "Nhật kí trong tù" có khi thể hiện trong cách nhìn của Bác đối với thiên nhiên, có lúc là niềm khoái cảm mà người tù cảm nhận được trong khoảnh khắc "tự do". Một tâm hồn chan hòa với thiên nhiên, luôn luôn làm chủ hoàn cảnh. Phong thái của người tù là cốt cách của một tao nhân mặc khách ung dung, tự tại