Câu 1: Trong"Cảm tưởng đọc Thiên gia thi", Hồ Chí Minh có viết:
"Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong"
a) Hai câu thơ trên nêu lên quan điểm nghệ thuật nào của Hồ Chí Minh?
b) Lấy một ví dụ trong thơ văn Hồ Chí Minh và phân tích ngắn gọn để minh họa cho quan điểm sáng tác đó.
a, Hai câu thơ trên nói lên yêu cầu của thời đại mới đối với thơ và nhà thơ. Thơ hiện đại ngoài chất trữ tình cần có chất thép và nhà thơ cần phải biết xung phong, đứng ở vị trí mũi nhọn cuộc chiến đấu của nhân dân. Điều mà Bác quan niệm là một ý kiến mới mẻ, sâu sắc về nghệ thuật thơ hiện đại: cần coi trọng tính chiến đấu của thơ, cần đề cao vai trò chiến sĩ, tư cách công dân tiến bộ của nhà thơ.
b, Nhà thơ trong quá trình sáng tạo cái đẹp, ngợi ca cái mới, cái tiến bộ nảy sinh trong cuộc đời, họ phải ý thức được rằng, mình là nghệ sĩ của nhân dân, ngòi bút và trang thơ cần thể hiện tư cách công dân. Không phải chỉ: "Nay ở trong thơ nên có chất thép ", mà nhà thơ còn phải đem hồn thơ mình:
"Cao giọng hát những bài ca chính khí,
Của anh hùng đã vì nước quên mình...
Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới
Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch Đằng
Để tâm hồn dào dạt với Chi Lăng
Làm bất tử trận Đống Đa oanh liệt... "
(Sóng Hồng)
"Cảm tưởng đọc Thiên gia thi" cùng với "trăm bài trăm ý đẹp" khác, được Hồ Chí Minh viết trong cảnh tù đày, như là bức minh hoạ cho quan niệm làm thơ của Bác. Thơ "Ngục trung nhật kí" sáng ngời chất thép! Trong những tháng ngày "ác mộng" bị đày đoạ, bị giải lui giải tới khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, Bác đã thể hiện một tâm thế "đại vô uỷ ". Và sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng tạo nên chất thép trong nhiều bài thơ. Mở đầu tập thơ, Bác khẳng định: "Thân thế ở trong lao - Tinh thần ở ngoài lao". Con đường cách mạng đầy gian nan thử thách; người cách mạng lấy thử thách nguy nan để rèn luyện tinh thần bất khuất, hiên ngang:
"Nghĩ mình trong bước gian truân,
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng".
(Tự khuyên mình)