Câu 1: Tìm hiểu tính mạch lạc trong văn bản viết về phong cảnh làng mạc ngày mùa của nhà văn Tô Hoài (in ở trang 33-34, SGK)
Câu 2: Hùng khoe với Tuấn rằng mình đã xem trước và có thể đọc thuộc lòng bài thơ Bạn đến nhà chơi của Nguyễn Khuyến trong SGK: Đã bấy lâu nay, bác tới nhà, Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa. Cải chửa ra cây, cà mới nụ, Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Ao sâu nước cả, khôn chài cá, Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà. Đầu trò tiếp khách, trầu không có, Bác đến chơi đây, ta với ta. Tuấn cười bảo: Chỉ xét về mặt mạch lạc trong văn bản thôi thì cũng có thể chắc chắn rằng Hùng đã đọc sai. Dứt khoát nhà thơ phải nói không có cá thịt trước, rồi mới nói không có rau dưa sau; do đó hai câu "Cải chửa ra cây...mướp đương hoa" không thể nào đặt trước hai câu "Ao sâu nước cả...khó đuổi gà" như Hùng đọc được.
Em thấy ý kiến của Tuấn có lý hay vô lý? Vì sao?
1)
a) Đọc kĩ văn bản để nhận ra ý tứ chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ đoạn văn (sắc vàng trù phú, đầm ấm của làng quê vào lúc chớm đông, giữa ngày mùa).
b) Cách dẫn dắt ý tứ ấy theo một “dòng chảy” hợp lí : đầu tiên, giới thiệu bao quát về màu vàng trong thời gian và trong không gian ; tiếp đó, tả lại những sắc độ khác nhau trong từng sự vật, hiện tượng cụ thể trong thời gian và không gian đó ; cuôì cùng là nhận xét, cảm xúc chung. Nhờ có cái dòng chảy hợp lí, thông suốt ấy mà đoạn văn trở nên mạch lạc.
2)Dễ thấy rằng, trong bài thơ, sự thiếu thốn về vật chất được kể theo một trình tự tăng dần : Chợ ở xa, người có thể đi chợ lại vắng. Nhìn quanh trong nhà thì đã không có cá thịt, lại không có rau dưa, đến miếng trầu đãi khách cũng không có nốt. Nếu đã nói không có rau ăn rồi lại còn phân trần là mình cũng chẳng có thịt cá đâu thì thật vô lí và cũng … vô duyên. Một thi hào như Nguyễn Khuyến chắc chắn không thể để mình rơi vào tình trạng đó. (Đấy là chưa kể rằng, như sau này các em sẽ học, cách đọc của Hùng còn làm cho bài thơ trở nên sai luật.)