Nhà thơ Đỗ Phủ đã từng viết.
“Khóm cúc nở hoa đã hai lần
Làm tuôn rơi nước mắt ngày trước”
Một dòng cảm xúc u uẩn của một Đỗ Phủ kì tài khi nhớ về quê hương đã không khỏi khiến ta phải xúc động, phải trào dâng một nỗi niềm thương nhớ với “Quê hương”.
Khi ta còn nhỏ, những vần thơ về quê hương đã luôn theo ta qua lời ngâm của bà, của mẹ. Quê hương theo ta khi ta chơi, khi ta cười, khi ta ăn, khi ta ngủ. Quê hương là gì? Xưa nay chưa có ai định nghĩa nổi. Nhưng với một phong cách rất Việt Nam, Đỗ Trung Quân đã khiến những người con xa quê phải bật khóc.
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.
“Quê hương” hai từ “thiêng liêng” nhất của một đời người. Nó là mảnh đất chào đón sự khởi đầu của cuộc đời, một sinh linh. Con người ta không thể có hai quê hương cũng như không thể có hai người mẹ. Mảnh đất quê hương yêu dấu mà nơi ấy cho ta hạt gạo ta ăn, ngụm nước ta uóng, là nơi đã đón nhận những bước chân chập chững đầu đời. Quê hương ấm áp, ngọt ngào như dòng sữa mẹ, nuôi lớn ta từng ngày, từng ngày. Với Đỗ Trung Quân “Quê hương” thân thương là thế. “yêu dấu là thế. Từ “chỉ một” như muốn nhắc nhở chúng ta, quê hương là duy nhất, nếu ai mà không nhớ quê hương, người đó sẽ không thể lớn nổi thành người”. “không lớn nổi không phải là cơ thể không lớn lên, không phải là con người ta cứ bé mãi, mà “không lớn nổi” có nghĩa là không trưởng thành một con người thật sự. Người mà không nhớ về cội nguồn, gốc rễ, ăn cháo đá bát thì người đó không có đạo đức, không xứng đáng là một con người.
Với tất cả chúng ta, quê hương là một thứ gì đó gần gũi đến kỳ lạ. Như khi ta ăn một trái lê, ngửi một bông hoa, vị thơm ngọt của nó gợi nhắc ta về với quê hương; nơi có những cánh đồng trải dài xa mãi, những bãi cỏ xanh thơm mùi thảo mộc, những chiều hoàng hôn bình yên, ta ngồi nhìn gió hát. Dù có đi đâu xa, hơi thở của quê hương vẫn bên ta, để ta luôn có một góc nhỏ bình yên với tâm hồn. Khi ta lớn lên, ta ra đi, bon chen, lặn lội trên đường đời. Bao nhiêu mệt mỏi, bao nhiêu tủi hờn, ấm ức, ta vẫn cố chịu, để rồi khi trở về nhìn thấy rặng tre đầu làng, con đê trước sông và nhận ra mái nhà thân quen của ta đâu đó trong xóm, ta lại bật khóc, tiếng khóc vỡ òa ra vì để trú hết tủi hờn, đau buồn, tiếng khóc vờ vì một niềm hạnh phúc vô bờ bến. Ôi ! Sao mà yêu thương thế!
Về với quê hwong, như về với kí ức, như về với bản chất con người thuần túy, quê hương cho ta sự yên ả, tĩnh lặng, sự bình dị, thanh tịnh. Ta như điên cuồng muốn ôm lấy quê hương mà hôn, mà yêu. Ta như muốn chạm tay vuốt ve tất cả mọi thứ, rồi hét lên rằng “Quê hương ơi! Con đã về”. Ta chỉ muốn nhìn hết, thu hết mọi sự yêu thương ấy để vào trong tim, cho nó cùng sống, cùng chết với ta. Như vậy ta sẽ chẳng còn cô đơn, chẳng con thương nhớ nữa.
Mọi sự vật nơi đây đều có một linh hồn riêng biệt. Linh hồn ấy mãi mãi chẳng đổi thay. Mọi linh hồn ấy đều sẵn sàng dang tay chào đón ta trở về. Cái đụn rơm này, cái cây đa già này, cả cái mùi ẩm mốc của đất quê này… Tất cả, tất cả đều vây lấy ta, trò chuyện với ta, hơn hết chúng đã giúp ta chữa lành mọi vết thương lòng.
Với ta, quê hương luôn gắn với vòng tay của bà, của mẹ, là nụ hôn, là giọt nước mắt. Quê hương thơm mùi canh cà chua, tròn như quả cà, xanh như màu rau muống luộc. Đâu phải vì chưa từng ăn những thứ đó, mà sao giờ đây, nó lại ngon đến thế!. Quê hương sôi nổi và mộc mạc trong những câu chuyện vui rôm rả của làng xóm láng giếng mỗi buổi tối trăng sáng, là nụ cười ngây thơ đến mê hồn của lũ trẻ con. Ta muốn yêu, yêu hết tất cả mọi thứ của mảnh đất này.
Quê hương là một cái gì đó như giàng buộc, như một thứ kỳ diệu khiến ngày ta phải ra đi, tiến một bước nhưng muốn lùi hai bước. Phải ra bến xe nhưng lại chạy ra sông ngồi ngẩn ngơ một lúc, ngắm nhìn dòng suối bạc lấp lánh đến chói mắt khi mặt trời chiếu xuống. Quê hương ơi là quê hương!
Lại một lần nữa – ta khóc – ngày ta phải ra đi – đến giờ, ta còn quyến luyến. Kì lạ sao ta đi chậm như thế, cứ hay ngoảnh lại như thế, cây đa đầu làng đã xã mờ lắm rồi mà ta vẫn ngờ nó chỉ mới kia thôi. Trong lòng bỗng thấy bâng khuâng, xao xuyến lạ! Ta ngạc nhiên vì thấy sao lá vẫn xanh, nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật.
Thật thế, quê hương như máu thịt ta, kể từ khi lọt lòng, ta đã trao cho nó nửa linh hồn của mình vì vậy đi đâu cũng nhớ, cũng thương.
“ Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng”
Quê hương luôn hiện ra trong làn nước mắt nhớ nhung trong các đêm.
“Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương”.
Quê hương vẫn mãi mãi yêu thương như thế!, Như thế!!
‘Mẹ. Mẹ ơi. Mẹ ơi. Mẹ đâu rồi? Sao nhà yên vắng thế nhỉ? Hay mẹ đang ở ngoài ruộng… Ôi. Mẹ đứng ở đây nhìn con nãy giờ sao không trả lời con? Con nhớ mẹ quá…”. Tôi choàng tay qua cổ và ôm mẹ thật chặt.
"Mai, nhanh lên! Qua trường dọn giúp chị ít đồ, ngày mai chị lên xe về quê ăn Tết rồi. Phòng nhiều đồ quá, chị dọn một mình không xuể". Câu nói của chị Vân khiến nụ cười trên môi tôi khép lại. Gần một tháng nay, tôi vẫn thường như thế. Những lúc ngồi một mình vu vơ, tôi tưởng tượng cảnh trở về bên mẹ sau gần năm tháng tự mình kiếm sống nơi đất khách quê người.
"Dạ chị về trước, em qua ngay". Tôi gấp vội cuốn tiểu thuyết “Quyên” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Đây là cuốn tiểu thuyết mang đề tài tha hương, dù đọc đã nhiều lần, nhưng tôi vẫn thích. Chưa đầy nửa năm bước vào đời mà tôi thấy mình chín chắn hẳn đi. Xa gia đình suốt bốn năm đại học, nhưng sao nỗi nhớ quê chưa bao giờ đau đáu như lúc này? Trái tim tôi nhói đau mỗi lần nghĩ tới “Xuân này, con… không về”.
Trời những ngày giáp Tết thật lạnh, nhưng chẳng thấm gì so với cái lạnh cắt da cắt thịt ở quê. Tôi nhớ chị gái mình sau khi về quê ăn Tết, vào lại Sài Gòn đã phải nằm viện một tuần vì bị tê chân, do sự thay đổi đột ngột của thời tiết. Cái rét đáng sợ thế mà trở thành đặc sản, thành hương vị rất riêng, rất ngọt ngào trong trái tim tôi.
Tôi bước chậm trên con đường đất đỏ quen thuộc từ nhà qua trường. Màu đỏ của đất, của chiếc khăn ấm tôi đang quàng hay của chính trái tim tôi? Một cảm giác xao xuyến, nao nao khi nghĩ tới quê nhà. Mỗi bước chân, tôi suy ngẫm những điều mà trong gần nửa năm qua cuộc sống vội vã khiến tôi chưa kịp nhận ra. Tôi một mình rời xa quê hương, lên chốn Tây Nguyên núi rừng, không người thân, không bạn bè. Tôi nhớ những đêm dài khóc sướt mướt lúc mới đến; nhớ những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của đám học sinh người Kinh cũng như người Bana, Giarai.
Tôi nhớ cả buổi chiều ngày thứ nhất đi dạy, học sinh chạy ra tận cổng trường ôm chặt, dẫn cô vào lớp; nhớ những món quà bé nhỏ mà ý nghĩa trong các ngày lễ; là bức thư em lớp trưởng viết xin lỗi cô vì không được điểm 10… Ôi hạnh phúc là đâu? Chẳng phải là sự cộng hưởng từ những điều giản dị, tưởng chừng nhỏ nhoi ấy sao? Vậy mà vẫn thiếu…
Tiếng cười nói vui vẻ ở ngôi nhà ven đường khơi lại trong tôi những kỷ niệm trong miền ký ức. Năm nào cũng thế, ngày 27 Tết, tôi cùng bố đi cắt lá chuối để đùm bánh tét. Lá phải xanh, to bản, không bị rách mới đùm được. Rồi bố hơ lá chuối trên ngọn lửa cho héo mềm. Công việc của tôi là lau lá và ngồi xem bố gói bánh, đợi lúc nào sắp xong, được hưởng lộc dành riêng là hai cái bánh chưng nho nhỏ. Tối đó, cả gia đình quây quần bên bếp lửa cháy hừng hực và nồi bánh chưng sùng sục sôi, vừa sưởi ấm, vừa kể đủ thứ chuyện. Hai anh em tôi đi học xa nhà nên thao thao bất tuyệt tới gần nửa đêm. Nhưng người canh nồi bánh trọn đêm chỉ có bố. Đó là những giây phút hạnh phúc nhất của gia đình tôi trong một năm.
Ngày Tết thật thiêng liêng, nên những người xa quê, trong mọi hoàn cảnh vẫn cố gắng thu xếp về sum họp bên gia đình. Mọi người về quê để tìm sự bình yên và hơi thở ấm áp của mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Tôi là một trong những số ít không may mắn phải ăn Tết nơi quê người. Khóe mắt bỗng cay, cổ họng nghẹn ứ lại. Hai hàng dã quỳ ven đường chỉ còn trơ lá. Khu vườn cà phê lặng yên chia nỗi niềm. Con đường đất đỏ xuyên thẳng vào trái tim đang nhói đau của tôi. Trước mắt tôi là hai em nhỏ trong làng, một chị, một em tay trong tay bước đi. Tôi nhớ thuở học mẫu giáo, mẹ luôn nắm tay tôi bước trên con đường thân thuộc từ nhà qua trường. Chợt lòng tôi ấm hơn như vừa được an ủi.
“Mẹ ơi, tên con là Mai, con xin gửi một nhánh mai lòng về quê. Nhà mình nhiều hoa đào rồi, nhánh mai này chính là con. Mẹ đừng buồn khi Tết này con không về nhé, Tết đầu tiên gia đình vắng con”. Câu thơ vọng về lúc trái tim tôi thổn thức: "Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người".