Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân đã dành trọn đời mình để viết nên những trang văn mà ở đó có một nguồn mỹ cảm dạt dào dành cho tất thảy những gì đẹp nhất trên đời. Viết rất hay về những thú chơi đẹp, uống đẹp, nhắm đẹp, Nguyễn Tuân cũng không bỏ quên cái đẹp ngời ngời như ngọc sáng trong nhân cách con người. Có người nói sự nghiệp Nguyễn Tuân sẽ không thể toàn vẹn nếu thiếu đi "Vang bóng một thời", và "Vang bóng một thời" cũng sẽ khiếm khuyết nếu không có sự góp mặt của thiên truyện "Chữ người tử tù". Huấn Cao trong tác phẩm là một nhân cách sáng và đẹp mà Nguyễn Tuân đã sáng tạo nên bằng cả niềm trân trọng và tài năng của mình, gửi vào đó nhân sinh quan về cái đẹp một cách sâu sắc.
Huấn Cao được nhớ đến trước hết là bởi vẻ đẹp của một tài năng siêu việt, toàn diện trên cả văn và võ. Bằng một cách rất tinh tế và rất Nguyễn Tuân, nhà văn đã không để nhân vật của mình xuất hiện trực diện mà qua cuộc trò chuyện của viên quản ngục và thầy thơ lại. Nhưng dẫu là nhìn qua nhãn quan của những kẻ đối nghịch, tài năng của Huấn Cao vẫn không thể bóp méo. Như người xưa nói, "văn kì thanh bất kiến kì hình", Huấn Cao đã bước vào trang văn Nguyễn Tuân như một hình tượng tuyệt mỹ.
Cái tài của ông Huấn là tài nghệ thư pháp. Là một người "viết chữ rất nhanh và rất đẹp", danh tiếng của ông Huấn đã lan ra khắp một vùng tỉnh Sơn, đến tai cả những người như quản ngục và thơ lại, khiến họ cũng phải trầm trồ và dè dặt. Quả thực, tiếng lành đồn xa, tài viết chữ của Huấn Cao vốn đã thành danh bất hư truyền. Thú chơi chữ mà Huấn Cao say mê là một trong những nhã thú thanh cao của cổ nhân, là biểu trưng cho văn hóa cổ truyền dân tộc. Những con chữ tượng hình nói lên nhân cách phẩm giá và chí khí của con người. Chính quản ngục cũng phải cảm khái: "Chữ ông Huấn đẹp lắm, vuông lắm, có được chữ ông treo trong nhà là một vật báu ở đời." Trong một xã hội mà Đông Tây bát nháo, ối a bông phèng, cái cũ thì chưa suy hẳn mà cái mới thì chưa kịp thay thế hết, Nguyễn Tuân là một nhà nho mang tâm thế bất hòa, bất mãn, bất lực với thực tại, xây dựng nhân vật với một tài năng siêu việt về thú chơi cổ truyền như một cách để nhà văn bày tỏ những tiếc nuối về một quá khứ vàng son đã qua nay chỉ còn vang bóng.
Khi Huấn Cao diện kiến trực tiếp với bạn đọc, thì người quân tử ấy còn được biết đến như một trang anh hùng nghĩa liệt với khí phách hiên ngang. Vốn là một người song toàn văn võ, bên cạnh tài thư pháp còn có tài "bẻ khóa và vượt ngục", Huấn Cao là cái tên khiến những người trong ngục tù phải dè chừng. Trong mắt triều thần, ông là một người cầm đầu bọn phản nghịch, nhưng thực chất đó là một anh hùng đứng lên vì chính nghĩa, dám chống lại triều đình vì bảo vệ lẽ phải. Ông là hiện thân của một con người kinh bang tế thế, anh hùng cái thế.
Khi được đặt vào hoàn cảnh lao tù, hình ảnh Huấn Cao càng nổi bật lên với những vẻ đẹp khí phách hiên ngang lẫm liệt. Điềm nhiên bước vào nhà lao, hành động đầu tiên của Huấn Cao là dỗ gông, không mảy may đếm xỉa đến vương quyền trên đầu: "Huấn Cao khom mình, chúc mũi gông nặng, thúc mạnh vào đầu thang gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái". Đó là hình ảnh của một người anh hùng ngang tàng, một nam tử Hán đại trượng phu "Đỉnh thiên lập địa" không cam chịu cảnh tù đày áp bức, muốn bứt phá gông cùm xiềng xích để thoát khỏi vòng nô lệ.
Những ngày bị giam thân nơi chốn ngục tù, Huấn Cao không một chút khiếp sợ. Người xưa thường nói "Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại" (Một ngày ở trong tù bằng nghìn thu ở ngoài). Thay vì buồn rầu, chán nản "gậm một mối căm hờn trong cũi sắt" thì ông lại thản nhiên nhận rượu thịt như việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Câu nói của Huấn Cao với quản ngục cũng thể hiện một khí phách ngang tàng trước cường quyền bạo lực: "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng bao giờ đặt chân vào đây." Lời tuyên bố dõng dạc đủ để thấy Huấn Cao đã bỏ ngoài hết thảy những sợ hãi và lo âu, không để tâm người mình đang đối đầu là kẻ đang nắm quyền, đang nắm giữ sự sống. Trong con người của kẻ tử tù ấy thể hiện đúng tinh thần "uy vũ bất năng khuất". Uy quyền trên đầu không thể ràng ép, bạo lực chực chờ không thể đánh gục. Dẫu ngày mai là ngày bị giải ra pháp trường và đón nhận lấy cái chết thì khí chất người anh hùng vẫn thế, luôn vững vàng.
Sáng lên hơn cả trong nhân cách người tử tù là một thiên lương trong sáng, vững lành, có sức mạnh cứu rỗi những tâm hồn đang dần bị bôi đen. Đó là nhân cách của bậc đại trí, đại dũng, không bao giờ bị lung chuyển trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục: "Ta nhất sinh không vì vàng bạc hay quyền quý mà ép mình phải viết chữ bao giờ". Một con người ý thức sâu sắc được thiên chức và phẩm giá của nghệ thuật. Một con người không bao giờ thị tài.
Đáng quý hơn, Huấn Cao không chỉ trọng thiên lương của mình mà còn trọng thiên lương của kẻ khác. Điều này được thể hiện trong cách ứng xử chân tình mà ông dành cho quản ngục. Khi chưa hiểu được tấm lòng quản ngục, ông khinh bỉ đến điều, coi thường y như coi thường một kẻ cầm tay đao suốt đời chỉ sống trong nhơ bẩn, sống vì phi nghĩa. Còn khi đã hiểu ra cái "sở nguyện cao đẹp" của y, ông hết sức cảm mến và trân trọng: "Nào ta có biết, người như thầy quản đây lại có sở nguyện cao đẹp như thế. Thiếu chút nữa ta đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ." Cũng chính sự thấu hiểu này đã đưa hai con người từ đối đầu thành tri âm tri kỉ.
Nhưng có lẽ tài năng khí phách và nhân cách cao đẹp của ông Huấn thể hiện rõ nhất, tập trung nhất, hài hòa nhất ở cảnh cho chữ - cảnh mà Nguyễn Tuân gọi là "một cảnh tượng xưa nay chưa từng có".
Đêm đã khuya, chỉ sáng mai thôi là người tử tù phải vào kinh chịu án chém, nhưng ông Huấn vẫn trút hết tài năng sáng tạo vào ngòi bút và viết ra những con chữ vuông tươi tắn nói lên cái "chí khí tung hoành của đời một con người". Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu, mùi mực thơm, màu trắng của tấm lụa bạch như xua tan đi bóng tối ngục thất đầy màng nhện, tổ rệp, phân gián, phân chuột. Ánh sáng đỏ rực của bó đuốc hay ánh sáng thiên lương làm cho hình ảnh tử tù Huấn Cao thêm ngạo nghễ, uy nghi. Cổ đeo gông, chân vướng xiềng, cái chết kề bên, ông Huấn vẫn "dậm tô nét chữ" trong tư thế của người nghệ sĩ chân chính đang làm chủ lao tù. Sự thăng hoa của tài năng và bản lĩnh phi thường của ý chí đã đồng hiện và sáng lên trong cảnh cho chữ ấy.
Huấn Cao còn hiện lên thật đẹp ở khoảnh khắc ấy trong vai trò của người hướng thiện, hướng đạo cho kẻ mê muội. Lời khuyên chân thành dành cho kẻ tri âm đã làm sáng lên vẻ đẹp ấy: "Ở đây lẫn lộn ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa với những nét chữ vuông tươi tắn nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người". Lời khuyên của Huấn Cao đã khẳng định rằng: cái đẹp, cái thiên lương không bao giờ và không khi nào lại có thể chung sống với cái xấu, cái ác: "Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững được và rồi cũng nhen nhuốm mất cả cái đời lương thiện đi". Một lời khuyên thật thiện tâm, thiện ý, làm cho viên quản ngục cảm động: "vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: - Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Cái đẹp của nghệ thuật đã xóa nhòa mọi khoảng cách và ranh giới đưa con người đến với nhau trong vẻ đẹp Chân - Thiện - Mỹ.
Vẫn cái chất Nguyễn Tuân ở đó, uyên bác và tài hoa, trong cả tư tưởng và cách biểu hiện. Nhà văn đã thật thành công khi xây dựng được một tình huống truyện độc đáo. Hai kẻ lúc đầu là đối lập, sau lại thống nhất hài hòa, cùng tỏa sáng hào quang. Nghệ thuật kể chuyện, cấu trúc tình tiết, lời thoại và độc thoại, khắc họa tính cách nhân vật đặc sắc. Nguyễn Tuân đã sử dụng một loạt từ Hán Việt rất đắt (pháp trường, tử tù, tử hình, nhất sinh, bộ tứ bình, bức trung đường, lạc khoản, thiên hạ, thiên lương, lương thiện, v.v...) tạo nên màu sắc lịch sử, cổ kính, bi tráng. Đúng Nguyễn Tuân là bậc thầy về ngôn ngữ, rất lịch lãm uyên bác về lịch sử, về xã hội. Đúng như lời Vũ Ngọc Phan đã nói: "... văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức".
Cảm nhận về Nhân vật Huấn Cao:
a. Vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ:
* Tài gắn liền với danh:
- Huấn Cao viết chữ đẹp nên nổi tiếng khắp một vùng rộng lớn: vùng Tỉnh Sơn.
- Viên quản ngục và thầy thơ lại cũng biết tiếng.
Với bút pháp lí tưởng hóa, Nguyễn Tuân đã khắc họa Huấn Cao, một con người mang phẩm chất siêu việt, người đứng đầu nghệ thuật thư pháp. Tài năng của Huấn Cao được Nguyễn Tuân ca ngợi bằng nhiều cách, khi thì trực tiếp , khi thì gián tiếp. Nhưng trên hết, nét đọc đáo và tài hoa của Huấn Cao còn được thể hiện qua việc in đậm dấu ấn nhân cách của người viết trong từng con chữ: “Những nét chữ vuông tươi tắn nói nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”.
* Cái tài gắn với sự khao khát, nể trọng của người đời:
- Viên quản ngục khao khát có được chữ ông Huấn Cao để treo trong nhà.
- Viên quản ngục biệt nhỡn qua ánh nhìn, qua hành động biệt đãi.
-> Đây không phải một cái tài bình thường mà nó đạt đến độ phi thường và siêu phàm.
=> Tài năng và nhân cách của Huấn Cao được người đời lưu truyền như một huyền thoại, vang vọng cả đến chốn tù ngục – nơi vốn người ta chỉ thấy sự tồn tại của cái xấu, cái ác. Nét chữ của Huấn Cao đẹp đến nỗi làm người ta có thể đặt cao hơn sinh mạng và danh dự. Nét đẹp ấy có ý nghĩa to lớn với cuộc đời, tồn tại vì con người.
b. Vẻ đẹp của thiên lương:
Nguyễn Tuân miêu tả Huấn Cao như người nghĩa sĩ có phẩm chất vô úy và một con người mang vẻ đẹp thiên lương trong sáng. Huấn Cao với tài năng viết chữ đẹp thiên bẩm nhưng ông không phải là người dễ dàng cho chữ.
- “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”: “Khoảnh”: có phần kiêu ngạo về tài năng viết chữ của mình, có ý thức về giá trị của tài năng ấy, tôn trọng tài năng, sử dụng nó như một món quà mà thượng đế trao cho mình nên chỉ trao nó cho những tấm lòng trong thiên hạ.
- “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ” -> khí chất, quan điểm của Huấn Cao.
- “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ” -> tấm lòng của Huấn Cao với những con người yêu cái đẹp, trọng cái tài.
c.Vẻ đẹp của khí phách:
Hình tượng Huấn Cao gây ấn tượng mạnh với người đọc bởi ông không chỉ là con người mang phẩm chất tài hoa, tâm hồn trong sáng, thiên lương mà còn là con người mang nét đẹp của khí phách với tính cách ngang tàng, ngạo nghễ.
* Tinh thần nghĩa hiệp:
- Là người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, dám cầm đầu một cuộc đại phản chống lại triều đình mà ông căm ghét.
* Tư thế đàng hoàng, hiên ngang, bất khuất:
- Hành động Huấn Cao cùng các bạn tù giỗ gông. Huấn Cao ở vị trí đầu thang gông – ngay trong tình thế bi đát vẫn đứng ở vị trí chủ soái.
- Trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, Huấn Cao không hề để tâm, coi thường, vẫn lạnh lùng chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng…
* Bản lĩnh cứng cỏi, không sợ quyền uy và không sợ cái chết:
- Cách Huấn Cao đón nhận sự biệt đãi của viên quản ngục.
- Khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.
- Vào thời điểm nhận tin dữ (ngày mai vào kinh chịu án chém), Huấn Cao bình tĩnh, mỉm cười.
Huấn Cao đứng đầu một cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình. Ông luôn có lí tưởng, sống cao cả, dám hi sinh hạnh phúc riêng vì sự nghiệp lớn. Hình ảnh của Huấn Cao khiến ta nghĩ đến người anh hùng Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
“Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”
=> Huấn Cao là một nhân vật đặc biệt trong suốt đời văn Nguyễn Tuân. Trong suốt hành trình đi tìm cái đẹp, nhà văn đã bắt gặp một Huấn Cao – người nghệ sĩ tài hoa chân chính, một anh hùng đội trời đạp đất hiếm thấy trong thiên hạ. Huấn Cao là một tử tù đặc biệt không chỉ đối với riêng viên quản ngục mà với tất cả mọi người bởi ở con người ấy hội tụ tất cả những vẻ đẹp cao quý, tài năng, khí phách, thiên lương. Đó là vẻ đẹp uy nghi, rực rỡ hiếm có trong thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân, là một “ngôi sao chính vị” trong truyện ngắn này.
=> Huấn Cao được Nguyễn Tuân xây dựng bằng bút pháp và cảm hứng lãng mạn, mang vẻ đẹp lí tưởng hóa: vừa là một nghệ sĩ tài hoa, vừa là một anh hùng hào kiệt. Nhân vật được đặt trong tư thế đối lập với hoàn cảnh và vị thế để tỏa sáng như một ngôi sao giữa bầu trời đêm. Và tình huống đặc biệt: cuộc gặp gỡ giữa tử tù và quản ngục, để bộc lộ nhân cách.
d. Sự tỏa sáng của ba vẻ đẹp trong cảnh cho chữ:
* Vẻ đẹp tài hoa:
- Tài năng của Huấn Cao không còn là những lời đồn đại nữa, nó đã hiện thành hình: “những nét chữ vuông tươi tắn…”
* Vẻ đẹp khí phách:
- Trái với sự lo lắng của viên quản ngục và thầy thơ lại, Huấn Cao rất thản nhiên đón nhận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, lặng người ái ngại cho viên quản ngục.
- Không để tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ tập trung vào những nét chữ mà mình đang tạo ra.
* Vẻ đẹp thiên lương:
- Hiểu ra tấm lòng của quản ngục.
- Quan niệm: không được phụ lòng người -> trong những giây phút cuối đời đã viết chữ dành tặng viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.
- Đỡ viên quan coi ngục đứng thẳng dậy, đưa ra những lời khuyên chí tình.
e. Tổng hợp đánh giá về nhân vật:
* Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
- Mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn:
+ Là con người tài hoa tài tử, khác thường.
+ Dùng thủ pháp cường điệu, phóng đại và thủ pháp đối lập.
- Ngôn ngữ giàu chất tạo hình, dùng nhiều từ Hán Việt mang màu sắc cổ kính, gợi về cái đẹp của một thời vang bóng.
* Nội dung tư tưởng mà nhân vật truyền tải:
- Quan điểm thẩm mĩ tiến bộ: luôn cho rằng cái đẹp phải gắn liền với cái thiện.
- Thông điệp: cái đẹp sẽ chiến thắng cái xấu xa, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác, ánh sáng sẽ chiến thắng bóng tối.
- Thông qua việc ca ngợi Huấn Cao tác giả tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc, tôn vinh một trang anh hùng dũng liệt -> Ca ngợi Huấn Cao là biểu hiện kín đáo của lòng yêu nước.
Nguyễn Tuân nổi tiếng là một nhà văn tài hoa, giàu cá tính. Ông đã niệm và theo đuổi suốt đời quan niệm "...mà thầy rằng yêu đẹp có nghĩa là quyết tâm bảo vệ đến cùng những gì mình đã nhận là đẹp". Và trong rât nhiều cái đẹp mà ông cảm khái, theo đuổi ấy ta thấy có cái đẹp ngời sáng giữa cảnh lao tù tăm tối, cái đẹp của lụa trắng tinh bay những nét mực, cái đẹp từ sâu thẳm lòng người. Cái đẹp toát ra từ người tử tù Huấn Cao và Chữ người tử tù.
Trong tác phẩm, Huấn Cao là một con người tự ưọng, sống hiên ngang bất khuất, không có sức mạnh quyền thế, bạc vàng có thể khuất phục ông. Những con người chọc trời khuấy nước, đếm trên đầu ngón tay, người ta cũng chẳng còn biết nữa... Một con người khẳng khái như vậy còn sợ gì cường quyền hay tham gì tiền bạc?
Là người chọc trời khuấy nước, riêng một giang sơn không chịu được triều đình phong kiến ngày càng suy thoái, mục rỗng, Huấn Cao chống lại triều đình ấy. Bị gọi là giặc nhưng là vì nghĩa lớn, vì lí tưởng lớn nên điều đó có hề gì. Đến khi bị bắt giam, sắp lên đoạn đầu đài vẫn coi thường: Đến cái chết cũng chẳng sợ nữa.... Huân Cao có những suy nghĩ, hành vi thật phóng khoáng ông vẫn thản nhiên nhận rượu thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong hứng bình sinh, dù đang bị cầm tù.
Dưới con mắt Huấn Cao, bọn cầm quyền chỉ là một lũ tiểu nhân thị oai, nên ông luôn tỏ ra khinh bỉ chúng, dù ở giữa cảnh tàn nhẫn, lừa lọc giữa một đống cặn bã. Sau khi viên quản ngục khép nép hỏi ông có cần gì nữa không, ông trả lời như tát vào đối phương: Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ cần một điều, là ngươi đừng đặt chân vào đây". Đó là cái khí phách, cái tư thế hiên ngang lồng lộng dù khi đang giữa cái nền xám xịt của ngục tù.
Là con người chọc trời khuấy nước, hiên ngang bất khuất, không sợ bất cứ cái gì nhưng Huấn Cao lại trọng cái bản chất tốt đẹp của con người. Trong phần người sâu thẳm mà đôi khi vì hoàn cảnh, người ta phái giấu kín, việc ông cho chữ và lời khuyên bảo cuối cùng đối với viên quản ngục thể hiện cái tâm của Huân Cao. Lời ấy là tiếng lòng, là tâm huyết của ông: "Tôi bảo thực đấy, thầy quản nên tìm về nhà quê mà ở đã... ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi".
Ông yêu cái đẹp và cảm thông với người biết yêu cái đẹp. Huấn Cao hiểu được tấm lòng quản ngục thì sẵn sàng cho chữ, bởi ông cảm là cảm cái bản chất thiên lương.
Huấn Cao là người tài hoa rất mực, bên cạnh cầm kì, thi, họa, ông còn có tài viết đẹp, chữ của ông nức cả một vùng, chữ ông đẹp lắm, vuông lắm. Cái tài hoa ấy chỉ dành riêng cho người tri kỉ: Ồng biết cái tài của mình và không vì nó mà ai ông cũng sẵn sàng cho: "Đời ra cũng mới viết có bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn của ta thôi". Và lần cho chữ cuối cùng của đời ông là một ngoại lệ, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã xảy ra bởi vì cảm với tấm lòng, cho chữ có thể nói là một đoạn rất hay thể hiện tài năng của Nguyễn Tuân miêu tả, dựng cảnh và thể hiện tài năng của nhân vật Huấn Cao.
Cái cao đẹp đối lập với dơ bẩn. Chơi chữ đẹp, viết chữ đẹp là một nét đẹp cao, trang trọng thường diễn ra trong cảnh thanh khiết của thiên nhiên và người. Song ở đây là cả một sự đối lập. Tuy nhiên, đối lập mà không có gì mâu thuẫn cả. Lấn át tất cả cái dơ dáy hôi hám của tù ngục, ánh sáng của đuốc, mùi thơm của mực, màu trắng của lụa, đã tỏa sáng lung linh. Tất cả thể hiện nghĩa sâu sắc: cái đẹp có thể sản sinh từ nơi tội ác ngự trị, giữa mảnh đất chết bởi một người cũng sắp chết (một tử tù). Lời khuyên của Huấn Cao cho cái đẹp không thể còng sống với cái ác được.
Nhân vật Huấn Cao như nhiều nhân vật chính diện khác trong Vang bóng một thời nhất thiết là con người tài hoa. Ở Huân Cao, bên cạnh tài hoa, có vẻ khí phách của một người có trách nhiệm đối với thời cuộc. Đó là nét độc của Huân Cao so với nhân vật khác trong Vang bóng một thời.
Ngôn ngữ văn xuôi điêu luyện, nghệ thuật miêu tả tinh nhạy của Nguyễn Tuân đã toát lên không khí một thời đã qua. Nhân vật Huân Cao, con người khí phách tài hoa có trách nhiệm cao đốì với đất nước. Nó cũng là sự giải bày nỗi khát khao theo đuổi một lí tưởng cao cả của người thanh niên Nguyễn Tuân khi bước chân vào đời. (Trương Chính).