Lí Bạch là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường Trung Quốc. Với những đóng góp của ông cho nền văn học nước này, ông đã được mệnh danh là “ Thi Tiên”. Cũng không hề là ngẫu nhiên mà mọi người ưu ái đặt cho ông danh hiệu này. Trong mỗi câu thơ ông viết không chỉ sâu sắc về mặt nội dung và còn rất chân thực, dạt dào về mặt cảm xúc. Trong số các tác phẩm của ông, bài thơ “Tĩnh dạ tư” là một trong những bài thơ thể hiện xuất sắc cảm xúc chân thật của nhà thơ, cụ thể ở đây là nỗi nhớ thương da diết của nhà thơ hướng về quê hương của mình.
Lí Bạch rời xa quê hương từ năm hai mươi lăm tuổi, trên các chặng đường tha phương, chưa một lần Lí Bạch thôi nhớ thương về quê nhà. Những vần thơ ông viết về quê hương cũng da diết như chính tình cảm sâu nặng của ông dành cho quê nhà. Trong một lần ngắm trăng đêm, Lí Bạch đã cạnh lòng nhớ thương về quê nhà, và ông đã sáng tác bài thơ “ Tĩnh dạ tư” trong hoàn cảnh đó.
“Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương”
( Dịch: Đầu giường trăng sáng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương)
Chủ đề “ Vọng nguyệt hoài hương” là một đề tài khá quen thuộc trong văn học. Ở đây, nhà thơ Lí Bạch cũng nhìn ngắm ánh trăng để gửi gắm nỗi nhớ về quê nhà.
Chữ “ sàng” ( đầu giường) gợi cho người đọc liên tưởng rằng nhà thơ đang nằm trên giường, hình ảnh một con người đang trằn trọc trong đêm khuya, vừa ngắm trăng vừa mang mỗi suy tư, sầu muộn. Ánh trăng sáng rọi đầu giường, bao phủ không gian, càng làm cho con người trong đêm thanh tịnh thêm cô đơn, lẻ loi.
“Nghi” ở đây là một câu cảm thán thể hiện sự hoài nghi, nghi ngờ. Ánh trăng sáng chiếu rọi đầu giường, nơi nhà thơ nằm, cũng soi rọi xuống mặt đất làm cho mặt đất trở nên mờ ảo như có sương mù bao phủ “ Nghi thị địa thượng sương”.
Ta có thể thấy hai câu thơ đầu, nhà thơ Lí Bạch đã gợi ra được cái không gian, bối cảnh tịch mịch của đêm trăng để làm cái nguyên cớ, cái bối cảnh để nhà thơ dãy bày cảm xúc thương nhớ dành cho quê hương của mình:
“ Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”
(Dịch: Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương)
Đến đây, cảm xúc của nhà thơ thực sự đã được dãi bày một cách trọn vẹn.Nếu trong hai câu thơ đầu, nhà thơ tả cảnh song chỉ thấp thoáng những nguồn cảm xúc thì đến hai câu thơ này, đối tượng của sự nhớ tương đã được xác định, được biểu lộ một cách trọn vẹn.
“ Cử đầu”- “ Đê đầu” ( Ngẩng đầu – cúi đầu) là hai từ chỉ hành động mang sắc thái đối ngược song chúng cùng nhau diễn ra để chỉ sự thống nhất trong cảm xúc, trong nỗi nhớ của nhà thơ.
“ Cử đầu vọng minh nguyệt” hành động ngẩng đầu để thụ hưởng ánh trăng sáng trong đêm đã gợi nhắc một cách mãnh liệt về nỗi nhớ nhà, nối nhớ quê hương của nhà thơ. Câu thơ cũng thể hiện rõ nhất “ xúc cảnh sinh tình”, ngắm trăng nhớ quê của bài thơ.
Ngẩng đầu là để ngắm nhìn ánh trăng sáng, nhà thơ đã cảm nhận được sự thân thuộc, gắn bó để từ đó khơi dậy được nguồn cảm xúc mãnh liệt nơi sâu thẳm trong tâm hồn, đó là nỗi nhớ về quê hương:
“ Đê đầu tư cố hương”
Nếu hành động ngẩng đầu được coi là chất xúc tác gợi nhắc mạnh mẽ về nỗi nhớ quê thì “ đê đầu” ( cúi đầu) lại gợi liên tưởng về sự suy tư, trăn trở của chính nhà thơ Lí Bạch. Nhà thơ cúi đầu để hồi tưởng về quê hương nhưng cũng có thể là cách nhà thơ cố kìm nén dòng cảm xúc trào dâng của mình.Ánh trăng sáng rọi cũng đã chiếu sáng đến phần tình cảm thiêng liêng, sâu thẳm nhất trong tâm hồn nhà thơ. Nếu tiếp tục ngắm nhìn, nỗi nhớ cứ thế vỡ òa mà hoàn cảnh hiện tại, nhà thơ đang ở nơi đất khách không thể trở về thì chỉ còn một cách là cố kìm nén cảm xúc như thác lũ đang trào ra ấy.Ta cũng có thể thấy, nhà thơ có một tình cảm vô cùng mãnh liệt, dạt dào với quê hương của mình. Bởi chỉ có sự thân thương, gắn bó thì sự tác động của ngoại cảnh ( ánh trăng) mới có thể khơi ra được nguồn cảm xúc mãnh liệt như vậy.
Như vậy, trong không gian thanh tịnh của buổi đêm, khi ánh trăng sáng rọi đầu giường thì những cảm xúc thương yêu về quê hương trong nhà thơ Lí Bạch đã được bộc lộ trọn vẹn. Cái làm nên thành công của bài thơ không chỉ ở ngôn từ tinh tế, cách cảm nhận và biểu hiện ý thơ một cách xuất sắc mà còn bở Lí Bạch lồng vào những vần thơ của mình cảm xúc dạt dào nhất, chân thực nhất của mình.