Văn bản ngữ văn 11

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Phan Quỳnh Như

cảm nhận của em trong bài chiều tối

Nguyễn Thị Yến Như
8 tháng 7 2020 lúc 22:32

Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại đáng kính của cả dân tộc, ngôi sao Khuê soi sáng con đường cách mạng Việt Nam đi đến thành công thắng lợi. Không những thế, Người còn là danh nhân văn hóa với sự nghiệp văn học đồ sộ, thành công trên nhiều thể loại khác nhau. Nổi tiếng và tiêu biểu nhất phải kể đến tập “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong tù) hoàn thành từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943. Giữa chốn gông cùm xiềng xích những áng thơ vẫn cất lên ngời ngời tư tưởng cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng. Trong đó “Mộ” (Chiều tối) chính là bài thơ mang giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo.

Mở đầu bài thơ là một bức tranh thiên nhiên yên bình, êm ả:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)

Bằng ngòi bút đặc tả của mình, Hồ Chí Minh đã tạo ra khung cảnh có sự chuyển động của cánh chim và chòm mây vào cái độ chiều tà dần buông. “Quyện điểu” nghĩa là “chim mỏi”, “tầm” nghĩa là “tìm”. Vào thời khắc mặt trời xuống núi, ngày dần tàn, mọi sự vật đều cần một nơi chốn nghỉ ngơi. Cánh chim sau một ngày mải miết rong ruổi kiếm ăn cũng không phải ngoại lệ. Đến loài vật cũng biết mệt mỏi để tìm chốn ngủ thì hẳn con người cũng đã kiệt quệ sức lực khi phải di chuyển cả một chặng đường tù đày dài liên tục. Nhưng điểm khác biệt ở chỗ, chim cố gắng bay về với tổ ấm của nó, còn người tù chính trị mà chính là tác giả ở đây chỉ có thể đi từ nhà lao này đến nhà lao khác. Nếu chim có động lực thúc đẩy cất đôi cánh bay đi thì mỗi bước chân di chuyển của người tù ở đây gần như là vô nghĩa.

Con người chẳng thể tự do như cánh chim, ngước lên bầu trời mà bỗng thấy cô đơn, trống trải như “Cô vân mạn mạn độ thiên không” – “Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”. Trên bầu trời chiều cao và rộng ấy, có lẻ loi một áng mây chiều.

Từ xưa đến nay, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, có lẽ trong lòng người thi nhân lúc bấy giờ có cái sầu, có cái bi nhưng tuyệt nhiên lại không thấy cất một lời nào ai oán than vãn. Tất cả chỉ có sự thả hồn tận hưởng khung cảnh như người nghệ sĩ ngắm nhìn bức tranh tuyệt mĩ tạo hóa đã dệt nên vào cuối ngày. Nó cho thấy một tình yêu thiên nhiên đến rạo rực. Chắc hẳn nhìn cánh “chim mỏi về rừng”, nhìn “chòm ấy trôi nhẹ”, trong tâm tưởng của Hồ Chí Minh ít nhiều cũng khao khát sự tự do, muốn được trở về với quê hương, đất nước.

Có mấy ai giữa cảnh lao từ vẫn có phong thái ung dung, tinh lần lạc quan thả hồn chắp nên những vần thơ tuyệt vời như vậy. Hai câu thơ tuy ngắn nhưng lại và sự kết hợp tổng hòa, nhuần nhuyễn giữa nét cổ điển và hiện đại. Ở đây, Hồ Chí Minh đã sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng, không có một chữ nào nhắc đến “chiều” nhưng người đọc vẫn có thể hình dung một cách rõ nét về không gian chiều tà cũng như nỗi lòng mà tác giả muốn gửi gắm.

Cánh chim hay mây vốn không phải đề tài xa lạ trong những tác phẩm thi cổ xưa. Tuy nhiên khi đưa vào thơ Hồ Chí Minh vẫn tràn đầy sức sống, một cánh chim nhỏ chao liệng đủ để làm chủ cả một không gian bao la rộng lớn.

Hai câu sau, hình ảnh con người xuất hiện bình dị và tràn đầy sức sống

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng

(Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng)

Bức tranh thiên nhiên dần khép lại, nhường chỗ cho bức tranh sinh hoạt của con người nơi sơn cước. Không gian chiều tà giờ đây đã bị bóng tối đã lấp đầy phủ kín không gian.

Trên đoạn đường bị giải đi, Hồ Chí Minh bắt gặp hình ảnh “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc”, không phải là giai nhân yểu điệu, mà là cô thôn nữ đang hăng say uyển chuyển với công việc của mình. Một vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khoắn và tràn đầy sức sống trong lao động thường ngày. Hiếm có nhà thơ nào lại tinh tế để khám phá ra được sức hấp dẫn trong những điều bình dị nhất như vậy. Nguyên tác, Hồ Chí Minh dùng từ “sơn thôn thiếu nữ” thể hiện sự tôn trọng, ngưỡng mộ vẻ đẹp của cô gái. Nhưng rất tiếc ở bản dịch đã bị chuyển thành “Cô em xóm núi”, ít nhiều bị mất đi tính hình tượng mà tác giả cố ý xây dựng. Cấu trúc điệp liên hoàn được sử dụng trong câu 3 và 4: “ma bao túc” – “bao túc ma hoàn” tạo ra sự nhịp nhàng, uyển chuyển khéo léo. Đặc biệt cái hồn cả cả bài thơ đọng lại trong nhãn tự “hồng”. Hình ảnh “lô dĩ hồng” bừng lên thứ ánh sáng để xua tan đi bóng tối và sự mệt mỏi, sưởi ấm không gian vẫn đang hiu quạnh vắng vẻ ở hai câu thơ đầu tiên. Một chữ “hồng” ấy thôi cũng đủ để thổi bùng lên bao nhiêu ý chí, khát vọng và quyết tâm của người thi nhân – người chiến sĩ cách mạng trong cảnh cầm lao.

Hai câu thơ cuối của bài thơ “Chiều tối” đã tô điểm bức tranh trở nên hoàn hảo, có cảnh, có người. Con người hiện lên không nhỏ bé, cô lập mà thật kỳ vĩ, làm chủ cả không gian, thời gian, lấp đầy khoảng trống thiên nhiên đem đến. Ý thơ còn bộc lộ được sức sống mãnh liệt cũng như tinh thần sắt đá của tác giả Hồ Chí Minh.

“Mộ” (Chiều tối) tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh. Giữa gông cùm và xiềng xích, tâm hồn người thi nhân vẫn cất lên tiếng lòng tha thiết với cảnh vật, con người hữu tình. Bút pháp ước lệ tượng trưng, lấy động tả tĩnh, lấy mây điểm trăng cùng sự kết hợp cổ điển xen lẫn hiện đại đã tạo nên một bài thơ xuất sắc cả về nội dung và giá trị nghệ thuật.


Các câu hỏi tương tự
With Love
Xem chi tiết
Minhh Minhh
Xem chi tiết
Hải Títt
Xem chi tiết
Lí Vật
Xem chi tiết
Thúy Oanh
Xem chi tiết
Nguyễn Thu Thủy
Xem chi tiết
hưng phùng văn
Xem chi tiết
Ha My
Xem chi tiết
Phạm Hà Duy
Xem chi tiết