Tập làm văn lớp 7

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Cao Thi Thuy Duong

cảm nghĩ về tiếng trống trường

Trần Thị Hồng Nhung
14 tháng 12 2016 lúc 20:53

Âm thanh gần gũi, thân thương của tiếng trống trường làng vẫn luôn gắn liền với những năm tháng tuổi thơ và còn vang vọng trong suốt cuộc đời của mỗi con người. Những giai điệu trầm bổng ấy vẫn hằng đánh thức hồn người, gợi nhớ những kỷ niệm tuổi học trò, gợi nhớ hình ảnh bạn bè, thầy cô và mái trường xưa…


Quả trống được dùng làm hiệu lệnh và báo giờ trong nhà trường là loại trống khá to và nặng nên thường được đặt trên giá gỗ, ở dưới mái hiên trước cửa phòng họp. Trống nằm hơi nghiêng, mặt hướng lên trên và hướng ra ngoài sân trường. Thân trống được ghép bởi những mảnh gỗ mít rộng chừng bàn tay người lớn và dài gần một mét. Hai mặt trống được bịt bằng da trâu với vô số ghim tre. Vì thân trống phình rộng như thế nên khi đánh, tiếng trống sẽ rất trầm ấm mà lại vang xa, giúp cho cô cậu học trò nào đó mải chơi cùng cánh bướm, cánh chuồn chuồn ở tận cuối vườn trường cũng đều nghe thấy mà chạy về…


Quả trống da trâu nhẵn mòn và trông rất cũ kỹ ấy mà chứa đựng trong mình muôn ngàn âm thanh với nhiều cung bậc, giai điệu khác nhau. Phải chăng trống biết lắng nghe những tâm sự của con người hay trống chính là tiếng vọng tâm hồn của lớp lớp học trò! Tiếng trống ngày tựu trường thì tưng bừng, náo nức như thúc giục, mời gọi bước chân của chúng tôi về từ bốn phương trời. Tiếng trống báo giờ vào lớp thì hồi hộp, chờ trông những điều mới mẻ trong bài học tới.

 

Còn tiếng trống buổi tan trường thì khoan thai pha niềm luyến tiếc cùng hy vọng, hướng tới ngày mai. Và tiếng trống trong buổi học cuối cùng của đời học sinh thì nghe cứ xao xuyến, bâng khuâng mà rưng rưng nước mắt… Đối với chúng tôi, tiếng trống trường giống như một người bạn thân, gắn bó từng ngày từng giờ trong suốt cả quãng đời học sinh trong sáng, tinh nghịch và vô tư. Nhưng tiếng trống trường cũng giống như người thầy chu đáo và ân cần, gần gũi mà rất trang nghiêm…


Tiếng trống trường chuyên cần và nhẫn nại, đều đặn và mực thước như tấm lòng của thầy cô. Ngày lại ngày, sau tiếng trống báo giờ là lớp lại ngân lên lời cô giảng bài, đưa chúng tôi đến những khung trời mới lạ. Những phép toán, bài thơ cứ lần lượt hiện ra trên từng trang sách mở. Năm tháng trôi qua theo từng nhịp trống trường, theo từng bước lớn khôn của những lớp học trò và theo từng hạt bụi phấn mãi còn vương trên mái tóc thầy cô…


Đón lớp trò đến rồi tiễn lớp trò đi, tiếng trống vẫn chuyên cần và gẫn gũi, thân thương như thế, mặc cho bao đổi thay đã diễn ra trên mái trường này. Để rồi, bao thế hệ học trò được lớn khôn rồi tỏa đi tìm những phương trời xa lắc, nhưng luôn biết gìn giữ, nâng niu âm thanh tiếng trống trường cùng hình ảnh thầy cô trong sâu thẳm hồn mình…

chúc bạn học tốt

 

Linh Phương
14 tháng 12 2016 lúc 21:40

Vâng! “Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ/ Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi”. Tôi không lý giải được tại sao mình lại thích những câu thơ đó đến như thế để rồi cứ mỗi lần nghe tiếng trống tựu trường lại nhẩm đọc và thao thiết nhớ về một thời áo trắng dấu yêu.

Có lẽ, “tiếng trống trường giục giã” của đời thực đã khơi nguồn cảm hứng và làm cho người thơ “bỗng nhớ”, nhớ đến da diết cái thuở chung trường, chung lớp, chung những vui buồn tuổi học trò. Vẫn biết tuổi thơ một đi không trở lại và người thơ đã “có cả cuộc đời rồi”, thế mà Chử Văn Long vẫn mở một lối về cho nỗi nhớ. Hiển hiện trên trang thơ của anh là một nỗi khát thèm được sống lại “thêm một lần”, “thêm một lần nữa” những gì tuổi thơ anh đã trải.

Tôi có cảm giác bài thơ được viết liền mạch trong một xúc cảm dào dạt, tuôn chảy tự nhiên, không câu nệ ngôn từ hay cách cấu tứ. Anh không cố tình tái hiện những gì đã thành kỷ niệm nên hình ảnh thơ chỉ là những ảo ảnh hiện về trong nỗi niềm tiếc nhớ đến khôn nguôi.

Nhớ đến quay quắt “Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi/ Bàn chân nhỏ qua đồng qua ruộng/ Tiếng trống trường giục giã những mùa thi” đã làm dội lên lên trong anh ước muốn được gặp lại bạn bè, được về thăm thầy cũ sau bao năm cách biệt. Dường như anh ý thức được cái điều chỉ “vừa mới đấy” thôi mà giờ đã thành điều không thể nên tiếng thơ ray rức đến quặn lòng. Những khổ thơ liên tiếp nhau đều bắt đầu bằng nghi vấn: “sao chẳng về tụ lại”, “sao chẳng thể thêm lần gặp nữa”, “sao chưa đến tìm nhau bè bạn”, “sao không thể cùng về thăm thầy cũ”... mà như thấm nỗi đau của người trong cuộc. Và đằng sau những câu hỏi tu từ ấy là cả một nỗi niềm:

Vừa mới đấy đã bao năm cách biệt

Bạn bè ơi giờ ở những nơi đâu

Nghe tiếng trống sao chẳng về tụ lại

Trước sân trường ríu rít nắm tay nhau

Thì ra, tiếng trống ấy bao năm rồi vẫn còn giục giã trong anh. Và cứ thế anh khát thèm thêm lần gặp nữa để được “ngồi chung bàn chung ghế như xưa/ Lại hồi hộp ngó bảng đen phấn trắng/ Cho mắt nhìn thắm lại chút ngây thơ”. Người thơ còn muốn gọi về cả những tháng ngày “trọ học thổi cơm chung” để “ngồi lại thêm một lần so đũa/ Nghe tiếng cười trai gái rộn quanh mâm”. Quả là “nỗi nhớ học trò chấp chới suốt đời nhau/ Đẹp như là không đâu vào đâu”(*). Có thể nói, một chút buồn nhớ đã làm cho tiếng thơ thật đến nao lòng. Cũng được viết với mạch cảm xúc ấy song ta có cảm giác như Chử Văn Long đã để người thơ làm chủ tình cảm, nhận ra chân giá trị của “từng hồi trống” vang lên từ “cái trống da trâu thay bọc lại bao lần” mà hơn một lần cảm được ơn sâu người thầy cũ: “Giờ mới biết từng hồi trống ấy/ Làm tóc thầy từng sợi bạc rưng rưng...”

Như một hồi trống dài được nhắc lại bằng đôi ba tiếng rành rõ, bài thơ khép lại bằng đôi câu: “Có cả cuộc đời rồi sẽ nhớ/ Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi”. Phải chăng đó là sự lặp lại cần thiết để khẳng định một điều đã thành qui luật cuộc đời? Và tôi bỗng nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Duy:

Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi

dù chúng ta cứ việc già nua tất

xin thương mến đến tận cùng chân thật

những miền quê gương mặt bạn bè...

Thảo Phương
15 tháng 12 2016 lúc 12:04

Với mỗi người Việt Nam, tuổi học trò thường được ghi dấu bằng tiếng trống trường. Không biết từ bao giờ, tiếng trống đã trở thành một phần kỉ niệm của biết bao thế hệ học sinh. Khi tiếng trống mùa thu cất lên, một năm học mới sắp đến. Và bắt đầu từ đó, những ngày cắp sách đến lớp của ta gắn liền với tiếng trống ấy.

Tùng...tùng...tùng...tùng... tiếng trống rộn rã vang lên khắp các hành lang, len lỏi vào từng lớp học, làm ấm không gian sân trường, làm xao động tâm hồn của một đứa nhóc với bao dự định và mơ ước như tôi. Và chín năm đầu đời cắp sách đến trường cũng là khoảng thời gian dài tôi được nghe tiếng trống giòn giã ấy. Rồi tới lúc, tôi bước chân vào cấp Ba…

 

Tôi nghĩ mình thật may mắn khi đỗ vào trường Hà Nội-Amsterdam cũng là lúc trường đã hoàn thành xong cơ sở mới khang trang tại đường Hoàng Minh Giám. Còn nhớ, ngày đầu tiên nhập học, khi bước chân vào khuôn viên trường, trong lúc đang mải mê nhìn ngắm tất cả mọi thứ, tôi đã ngây thơ tự hỏi:"Không biết trường rộng như thế này thì đặt trống ở đâu để tất cả các lớp cùng nghe thấy được nhỉ?".

 

Vào những ngày sau đó, tôi nhận ra một điều: ở ngôi trường mới, tôi sẽ không còn được nghe tiếng trống trường quen thuộc, thay vào đó là tiếng chuông ngân vang réo rắt báo hiệu hết giờ. Cảm xúc của tôi khi đó, đầu tiên là thích thú trước thứ tiếng lạ mà tôi chưa từng được nghe qua. Thế nhưng, sau đó là sự hụt hẫng, có lẽ, đó là vì tôi quá luyến tiếc tiếng trống thân thương năm nào. Tôi vẫn còn nhớ như in ngày khai trường hôm ấy, cái khoảnh khắc trái tim tôi đã đập thổn thức thế nào khi lại nghe được âm thanh tiếng trống giòn giã vang lên khắp sân trường, vang xa, vang xa... Tôi cảm giác như tiếng trống trường đã quen thuộc với tôi tới nỗi nó đi sâu vào tiềm thức, trở thành một phần kí ức nơi tâm hồn tôi, gắn với mái trường mến yêu. Vậy nên, khi thiếu nó, tôi thấy như đang mất đi một phần cuộc sống của chính mình.

 

Nhưng rồi thời gian dần trôi đi, tôi cũng bị cuốn theo guồng quay vội vã của cuộc sống, quay cuồng trong môi trường mới, thầy cô mới, bè bạn mới, niềm vui và âu lo mới. Tôi đã dần quen thuộc với tiếng chuông réo rắt đó, thế nhưng tôi không thể nào xóa mờ tiếng trống kỉ niệm trong trái tim tôi. Đôi khi, về thăm lại trường cũ, nhìn thấy chiếc trống bọc da đặt ngay ngắn gần cổng trường, lòng tôi lại thấy xao xuyến, bồi hồi.

 

Đối với trường Hà Nội-Amsterdam, tiếng trống càng có ý nghĩa đặc biệt hơn, vì nó gắn liền với hai thời điểm thiêng liêng nhất của chúng ta: khai trường và bế giảng. Tiếng trống mang ý nghĩa kết thúc một năm học, một cuộc đời học sinh, nó gắn liền với những giọt nước mắt tiếc nuối của các anh chị khối 12 chuẩn bị ra trường, thế nhưng, tiếng trống ấy cũng là báo hiệu của sự khởi đầu mới, của nụ cười trên môi các em học sinh đã vượt qua những cuộc tuyển chọn gay gắt nhất để có thể trở thành học sinh trong trường.

 

Và bây giờ, thời khắc tựu trường lại đến. Một năm học nữa sắp bắt đầu. Ngày mùng 5 tháng 9 năm nay, tôi lại có cơ hội được nghe tiếng trống trường thân quen ngày ấy. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với những em học sinh khóa 1316 rằng, các em còn gắn bó với ngôi trường này 3 năm nữa, trong 3 năm đó, sẽ không còn nhiều cơ hội để các em có thể lắng nghe tiếng trống trường. Vậy nên, mong các em hãy thật trân trọng những khoảnh khắc của ngày tựu trường. Vì một ngày nào đó, khi các em đã ra trường, học tập tại một miền đất lạ, hay ở một môi trường mới, các em sẽ thấy nhớ da diết tiếng trống tuổi thơ.

 

Em chúc các anh chị lớp 12 sẽ có buổi khai giảng cuối cùng dưới mái trường Hà Nội-Amsterdam yêu dấu thật tuyệt vời! Và mong các anh chị dù sau này có đi đâu, cũng đừng bao giờ quên đi tiếng trống trường kỉ niệm, tiếng trống thiêng liêng mà chúng ta đã nghe trong buổi khai trường đầu thu. Nhịp trống ấy sẽ còn vang xa hơn trong tiếng ve ngân đầu hạ, sẽ níu giữ bước chân từ giã tuổi học trò, sẽ thúc giục lớp trẻ tài hoa đến với các giảng đường đại học.

 

Giờ đây, đối với trường mình, tiếng trống chỉ còn là nghi thức thực hiện trong ngày khai giảng. Sâu thẳm trong lòng, tôi mơ hồ sợ, một ngày nào đó trong tương lai, dần dần biết đâu, người ta sẽ bỏ đi cái nghi thức được coi là rườm rà ấy, rồi mang một nét văn hóa Tây phương hiện đại nào đó thế chỗ vào. Thế nhưng, tôi tin, không chỉ đối với tôi, mà với rất nhiều học sinh trường Ams, mãi mãi vẫn sẽ dành một góc trong trái tim mình để nhớ về tiếng trống tuổi thơ ngày đó. Có lẽ không ai trong chúng ta có thể quên được những âm thanh dung dị mà hùng tráng thường vang lên khắp không gian lộng lẫy cờ hoa của buổi khai trường đầu thu ấy. Bởi nó đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ, trở thành một mảnh hồn ta thuở nhịp bước tới trường...

Lại một mùa thu nữa đã về.Tiếng trống đầu tiên của năm học mới sắp điểm. Bạn ơi, hãy lắng nghe!

Minh Thư
15 tháng 12 2016 lúc 12:54

Có những hồi ức đã qua ta không bao giờ muốn nhớ, cũng có những hồi ức khi nhớ lại làm lòng ta lâng lâng giữa hạnh phúc và bồi hồi…

Cũng khá lâu rồi, từ ngày tôi bước chân vào giảng đường đại học, tôi không còn được nghe tiếng trống trường của buổi ra chơi, tiếng trống trường tan học, tiếng trống trường của ngày khai giảng. Hôm nay tình cờ đứng trước cổng trường, tôi nghe được tiếng trống tan học. Từng kỉ niệm chợt ào về trong tôi, một cảm giác nao nao, bồi hồi khó có thể diễn tả bằng lời.

Tôi vẫn còn nhớ như in tiếng trống trường của ngày hôm ấy. Tiếng trống kết thúc một thời học sinh, kết thúc 12 năm đèn sách để bắt đầu một chặng đường mới. Có thể nói trong cuộc đời của mỗi người thì thời học sinh là thời gian đẹp nhất, là thời gian có nhiều kỉ niệm đáng nhớ nhất. Đó là những kỉ niệm về mái trường,về lớp học, về bạn bè, về thầy cô, hay một góc quán ăn vỉa hè, một góc sân trường.
 

Ngày hôm ấy là ngày cuối cùng của năm 12, cũng là ngày cuối cùng tôi và chúng bạn được bên nhau ngồi học dưới một gia đình lớp học. Có thể nói lớp học là gia đình thứ hai của chúng tôi, ba năm học cấp ba chúng tôi cùng nhau gắn bó, cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau vượt qua những căng thẳng và áp lực thi cử, cùng nhau lớn lên… Đặc biệt là năm lớp 12, thời gian chúng tôi ở lớp còn nhiều hơn cả ở nhà, thời gian chúng tôi gặp nhau còn nhiều hơn gặp người thân. Vì vậy chúng tôi chính xác là một gia đình dưới mái nhà lớp học và xã hội mái trường.

Đối với học sinh mà nói, tiếng trống trường là một người bạn vô cùng gắn bó, chúng tôi chờ mong tiếng trống như là chờ một người bạn. Tiếng trống vang lên là lúc chúng tôi kết thúc những giờ học căng não, bắt đầu được vui chơi, được chụm năm, chụm bảy tám chuyện trên trời, dưới đất hay được tan học la cà những quán ăn vặt. Không những vậy tiếng trống còn là cứu tinh của chúng tôi, mỗi khi giáo viên bảo là kiểm tra cuối giờ thì cứ như y rằng chúng tôi cầu mong tiếng trống cất lên để thoát kiếp nạn phải làm kiểm tra.

Vậy mà ngày hôm ấy, chúng tôi lại thấy sợ tiếng trống. Chúng tôi học trong một trạng thái hồi hợp và lo lắng, chúng tôi sợ một khi ba hồi trống trường ấy cất lên là lúc chúng tôi phải nói lời chia xa. Bao nhiêu nước mắt chúng tôi cố kìm nén trong cả buổi học rồi cũng vỡ òa khi ba hồi trống cất lên kết thúc năm học. Buổi học cuối ngày hôm ấy, thầy cô không còn nét cương nghị của ngày thường, chúng tôi cũng ngồi học chăm chỉ. Kết thúc buổi học ấy, chúng tôi vẫn còn lâng lâng trong giọng hát của thầy chủ nhiệm và cô giáo dạy văn. Thầy không nghiêm khắc như thường ngày, chúng tôi chưa bao giờ nghe thầy hát và cũng không ngờ thầy lại hát tặng chúng tôi bài hát “Diễm xưa”. Còn cô giáo dạy văn thì tặng chúng tôi bài “Nỗi buồn hoa phượng”, mặc dù cô không thuộc lời nhưng tiếng hát dang dở cũng như những tiếng nấc nghẹn ngào trong lòng mỗi đứa chúng tôi. Ngày hôm ấy, mắt đứa nào cũng ương ước, có đứa khóc òa, có đứa thì nước mắt rưng rưng, có đứa thì kìm nén nhưng mắt cũng chứa ánh nước.

Kết thúc ngày hôm ấy chúng tôi mỗi đứa một con đường, mỗi đứa một hướng đi. Không cùng nhau sống chung mái nhà nhưng chúng tôi vẫn là một gia đình. Mỗi lần họp lớp là mỗi lần chúng tôi ôn lại kỉ niệm xưa, rồi mắt đứa nào cũng ánh nước. Tụi con trai chỉ giả vờ cười trêu chúng tôi mít ướt, nhưng thật ra là đang che dấu cảm xúc.

Nếu thời sinh viên là thời ý nghĩa của cuộc đời thì thời học sinh là thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Thời học sinh chúng tôi sống hết mình với thế giới của tình bạn, của ước mơ, là bước đệm để chúng tôi vào đời. Tôi tin rằng dù thời gian có vùi lấp tất cả, bụi thời gian có thể che mờ tất cả nhưng những kí ức của ngày xưa vẫn còn mãi lưu giữ trong tâm hồn mỗi chúng tôi như một hồi ức tươi đẹp có nụ cười, có nước mắt, nhất là những kỉ niệm của buổi học cuối cùng, của ba hồi trống cuối đưa chúng tôi bước vào đời.

Bạn tham khảo nhé! Chúc bạn học tốt!


Các câu hỏi tương tự
Nguyễn Thanh Hằng
Xem chi tiết
ThiênÝ Trần
Xem chi tiết
Nguyễn Thu Ngà
Xem chi tiết
Harry Huan
Xem chi tiết
Thuyên Luyên
Xem chi tiết
Vũ Mạnh Dũng
Xem chi tiết
Cao Trần Yến Nhi
Xem chi tiết
Cực Gấu Bắc
Xem chi tiết
Nguyễn Trần Khánh Linh
Xem chi tiết