Đình làng thường cổ kính, trang nghiêm và là công trình kiến trúc văn hoá mang tính dân tộc. Kiến trúc đình làng vì vậy cũng mang đậm dấu ấn văn hoá độc đáo và tiêu biểu cho điêu khắc truyền thống. Thường được xây dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát, nóc có tượng đôi rồng lượn tranh lấy quả châu, trên các thanh xà ngang là những bức hoành phi câu đối. Điện thờ là nơi thiêng liêng nhất để thờ thần, thành hoàng làng hoặc những người có công đóng góp, xây dựng giúp dân làng vượt qua khó khăn.
“Hôm qua tát nước đầu đình Để quên chiếc áo trên cành hoa sen”
Hình ảnh đình làng hiện lên thân thuộc và gần gũi, gắn bó với cuộc sống đời thường của từng người dân quê. Tuy nhiên, trong câu ca dao trên, đình làng chỉ là cái cớ, chỉ là hư ảo. Đình làng thường được xây dựng và tôn tạo tại vị trí trung tâm nhất của làng. Xung quanh đình thường có những cây cổ thụ bóng râm mát, một hồ sen và một khoảng sân rộng rãi. Cây cổ thụ như biểu tượng thiêng liêng của sức sống vững bền, chở che cho dân làng. Vậy thì cạnh đình làng đâu phải cánh đồng để chàng trai kia đi tát nước. Chắc chắn rồi, chàng trai vác gầu ra đấy không phải để tát nước. Chàng đang ngóng chờ người thương nên phải giả vờ vác gầu đi tát nước. Một tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng nhưng luôn giấu kín ở trong lòng. Đó là sự kín đáo, nhuần nhị trong cách thể hiện tình cảm của những đôi trai gái ngày xưa:
“Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”.
Thực vậy, trong cộng đồng cư dân người Việt có lẽ không có cái gì gắn bó, thân thiết hơn là mái đình làng. Đình làng không chỉ là nơi thờ phụng thành hoàng làng, những người có công với dân làng mà còn là nơi diễn ra những sinh hoạt cộng đồng của người dân. Vào những ngày có công việc quan trọng, đình làng là nơi tụ họp, diễn ra các lễ nghi truyền thống. Mỗi năm lại có các ngày lễ lớn, có lễ hội diễn ra tại đình làng. Vào ngày thường nhật, đình làng là nơi trò chuyện của các cụ già, nơi vui chơi của các cháu nhỏ, thậm chí còn là nơi hẹn hò của các cặp nam thanh nữ tú. Mái đình luôn luôn là nơi bắt đầu của những mối tình thơ mộng:
“Trúc xinh trúc mọc đầu đình, Em xinh em đứng một mình cũng xinh.”
Ngay cả việc miêu tả nhan sắc của một cô gái đẹp, người ta cũng liên tưởng tới hình ảnh cây trúc và mái đình làng quê. Một sự so sánh tưởng chừng phi lý nhưng rất hợp lý, cái hợp lý của thế giới tình yêu, và ngẫu nhiên tác tạo nên một bức tranh đầy thi vị: cây trúc – mái đình – người đẹp. Nghĩa là khi bước vào trong bức tranh ấy, người đẹp càng đẹp càng xinh hơn:
“Trăng thanh nguyệt rạng mái đìnhChén son chưa cạn sao tình đã quên?”
Ca dao tục ngữ diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau của xã hội, bao gồm các đề tài hài hước, châm biếm, gia đình và trữ tình. Nhưng nhất là về trữ tình, đã được các thanh niên nam nữ thời xưa, dùng để tỏ tình, thổ lộ tình yêu thầm kín của mình với người mình yêu. Thông qua ca dao, mái đình cứ ẩn ẩn hiện hiện giống như một ẩn dụ của văn hóa làng:
“Toét mắt là tại hướng đình Cả làng toét mắt, riêng mình em đâu”.
Đình làng thường quay mặt về hướng Nam. Chỉ có những trường hợp đặc biệt vì lý do phong thủy, đình mới quay mặt theo hướng khác. Thông qua cách bố trí mỗi ngôi đình, ta có thể thấy được những quy tắc địa lý – tín ngưỡng của người Việt xưa, thường được gọi là phép phong thuỷ. Người Việt xưa tin rằng, thế đất và hướng đình tốt xấu có thể tác động tới sự thịnh suy, lành dữ của cả làng. Vì thế, khi dựng đình, bao giờ người ta cũng rất chú trọng tới sự hài hoà của hai yếu tố Âm và Dương. Tuy nhiên, ở câu ca dao này còn có ngụ ý chính để nói về cái tốt, nhưng là tốt riêng rẽ thì trở thành xấu và ngược lại, cái xấu, nhưng là xấu tập thể thì trở nên bình thường.
Hình ảnh đình làng trong ca dao, tục ngữ Việt Nam rất đa dạng, là biểu tượng rất đặc trưng trong văn học dân gian về làng quê. Cái nôi đưa ta đi đến những chân trời mới và chào đón ta ngày trở về với quê hương bản quán, đó chính là mái đình làng thân thuộc!
Đình làng là hình ảnh thân thương gắn bó. Nơi ấy chứng kiến mọi sinh hoạt của cộng đồng làng xã với đủ chuyện buồn vui, phong tục, tình cảm. Người đi xa mỗi dịp về thăm quê, lòng ai mà chẳng thấp thỏm mong sớm đến nơi để từ chốn ấy tìm lại những kỷ niệm ấu thơ thủa còn sống trong tình làng nghĩa xóm. Nơi đầu tiên người đi xa về, đưa mắt dõi tìm về có lẽ cũng là mái đình làng. Vẻ đẹp của đình làng gắn với nền văn minh lúa nước, mang tính phác họa, gợi nên những ước vọng của cộng đồng từ đời này qua đời khác, nơi như có dáng đứng của cha, có vòng tay của mẹ, nơi tâm điểm để cho ta lượng đo sức mình khi đi xa và ngược lại nó cũng là nơi hút về những nỗi nhớ, những hoài niệm về quê hương. Người ta còn cho rằng, cổng làng có vị trí quan trọng trong đời sống thực và đời sống tinh thần người dân Việt Nam. Bởi lẽ, dù đô thị hóa đến đâu, nhiều nhà cao tầng hay biệt thự, làng vẫn không thể là phố.
Trong cộng đồng làng xã Việt Nam nói chung, những ngôi đình luôn là niềm tự hào của người dân mỗi khi nghĩ về quê hương. Con cháu trong làng, nhiều người dù có đi làm ăn xa nhưng cứ tới ngày lễ hội, ngày dâng hương Thành Hoàng làng, họ lại cố gắng thu xếp trở về như trở về với cội nguồn của quê cha đất tổ. Bởi mỗi mùa lễ hội làng là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự giao lưu văn hóa giữa nhân dân trong xóm ngoài làng với nhau, là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa làng. Và lễ hội cũng là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể, đó là thờ Thành Hoàng làng trong tâm thức dân gian, tâm thức của mỗi người con đất Việt. Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình mà rất bền chặt, giúp dân làng đoàn kết, giữ gìn nếp sống cộng cảm hòa đồng, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống.