Bài 1: Suy nghĩ của em về lòng hiếu thảo của thế hệ trẻ ngày nay.
Bài 2: Nhà văn Francis Bacon nói: "Tri thức là sức mạnh". Còn Lê-nin, 1 nhà triết học, nhà chính trị học đã phát triển thành: "Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh". Hãy trình bày suy nghĩ của em về các quan điểm trên.
Bài 1:
Đạo đức, phẩm chất là một phần quan trọng đối với bản thân con người. Trong đó hiếu thảo là một đức tính vô cùng cần thiết đối với chúng ta. Vậy theo các bạn, như thế nào là hiếu thảo?
Trước tiên để biết được ý nghĩa của hiếu thảo thì chúng ta cần phải hiểu thế nào là hiếu thảo? Hiếu thảo là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Nó thể hiện những tình cảm, suy nghĩ của bản thân mỗi người với những ai đã có công ơn to lớn với chúng ta. Hiếu thảo rất cần thiết trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt là đối với những thế hệ trẻ ngày nay – những con người đang dần hòa nhập vào nhịp sống của thế giới hiện đại. Nhân dân ta có truyền thống hiếu thảo từ bao đời nay. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc. Ca dao có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Cha mẹ là người đã có công rất lớn trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Họ sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ ta nên người. Cha mẹ hết lòng yêu thương, chăm sóc những đứa con của họ một cách vô điều kiện, luôn bên cạnh, chia sẽ, quan tâm trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn, gian khổ hay lúc thành công hạnh phúc. Đối với cha mẹ, “con dẫu lớn vẫn là con của mẹ – đi suốt cuộc đời, lòng mẹ vẫn dõi theo con”. Thật vậy, công ơn cha mẹ là vô cùng to lớn như “núi Thái Sơn”, như “dòng nước bao la, mênh mông và vô tận”. Bởi thế, mỗi chúng ta cần phải đền đáp lại những công ơn to lớn ấy từ những việc làm nhỏ nhất như: ra sức học tập, rèn luyện tốt, hiếu thảo, sống sao cho có ích với bản thân, gia đình và xã hội …. Đó chính là lí do vì sao bản thân mỗi người luôn cần có lòng hiếu thảo.
Lòng hiếu thảo của chúng ta không phải chỉ đối với cha mẹ mà còn được thể hiện với mọi người xung quanh: ông bà, thầy cô, những chiến sĩ cách mạng,… Thầy cô cho ta kiến thức, chắp cánh cho những học trò thực hiện ước mơ của mình. Không ồn ào, phô trương, âm thầm và lặng lẽ, thầy cô như những người lái đò cần mẫn đưa qua bến bờ tri thức bao nhiêu là những lớp trẻ thanh niên. Bên cạnh đó, để có được cuộc sống hạnh phúc, hòa bình như ngày hôm nay, chúng ta cũng chẳng thể nào quên “hiếu thảo”, nhớ ơn đến các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì dân tộc Việt Nam. Không bia đá, tượng đài, không một chút hoa mĩ, cầu kì, các anh đã mãi ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng chính những tâm hồn ấy, những tấm gương ấy, những bài học ấy sẽ mãi mãi sống trong lòng người hôm nay, ngày mai và mai sau. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, khi cuộc sống đang dần trở nên văn minh hiện đại, và đầy cả lo toan… thì đôi khi bản thân chúng ta lại quên đi hoặc thậm chí là đánh mất đi cả lòng hiếu thảo của bản thân.. Đó là những hành vi mà chúng ta phải lên án, suy nghĩ và tìm giải pháp. Chúng ta – những thế hệ trẻ cần phải biết tôn trọng, gìn giữ và phát huy những đạo đức tốt đẹp đối với con người, đặc biệt là lòng hiếu thảo, cần nghiêm khắc lên án, cảnh cáo với những hành vi trái ngược với lương tâm, đạo đức của mỗi người. Đó là nhiệm vụ của bản thân chúng ta.
Thật vậy, lòng hiếu thảo là một đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam. Qua đây, bản thân chúng ta – những chủ nhân tương lai của đất nước cũng sẽ nhìn nhận lại đạo đức của bản thân, của cái nhìn về gia đình, về lòng hiếu thảo và thấm thía rằng: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”.
Bài 2:
Nhà văn Francis Bacon nói: “Tri thức là sức mạnh”. Sau này Lê-nin, một nhà triết học, nhà chính trị vĩ đại đã phát triển thành: “Tri thức là sức mạnh. Ai có tri thức người đó có sức mạnh”.
Thật vậy, tri thức là hệ thống bao gồ những dữ kiện, thông tin, sự mô tả hay kĩ năng, kinh nghiệm có được nhờ trải nghiệm thực tiễn hay thông qua giáo dục. Đôi khi, người ta còn dùng kiến thức để chỉ tri thức. Thế nhưng, Tri thức có hàm nghĩa rộn lớn hơn kiến thức rất nhiều. Trong triết học, ngành nghiên cứu về tri thức gọi là tri thức luận.
Người có tri thức là người đã tích lũy được một lượng tri thức đủ lớn để làm việc và sáng tạo. Trong cuộc sống, người có tri thức à người có hiểu biết sâu rộng về một hoặc nhiều lĩnh vực khoa học, có khả năng sáng tạo, có nhân cách cao cả, lối sống tốt đẹp và đóng góp tích cực vào sự phát triển và tiến bộ của xã hội.
Sức mạnh của tri thức là khả năng làm thay đổi thế giới của tri thức thông qua sự vận dụng tri thức của con người trong các hoạt động nghiên cứu, lao động và sản xuất. Sức mạnh của tri thức còn có thể được hiểu là khả năng sáng tạo ra cái mới, cái tiến bộ, tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Nhờ biết tích lũy tri thức mà con người có thể hiểu được bản chất của thế giới khách quan, vận dụng tri thức từng bước làm chủ tự nhiên và cuộc sống của mình.
Tại sao Lê Nin lại nói có tri thức thì có sức mạnh?
Như chúng ta đã biết, việc tích lũy và kế thừa tri thức theo thời gian vốn là bản chất của xã hội loài người. Kèm theo quá trình này là lượng tri thức ngày càng lớn hơn, đồ sộ hơn. Bởi thế các phương thức lưu trữ và truyền đạt cũng thay đổi theo mỗi thời đại.
Không ai có thể phủ nhận sức mạnh làm thay đổi thế giới của tri thức. Từ thuở sơ khai tri thức được chạm khắc trên vách đá, xương thú, mai rùa. Khi có chữ viết, con người biết lưu giữ tri thức trên vải, trên giấy. Ngày nay, người ta đã mã hóa tri thức và lưu trữ bằng các bản điện tử. Việc lưu trữ điện tử cho phép con người lưu trữ nhanh chóng, chắc chắn và vô hạn. Bởi nó có sức mạnh nên ở bất cứ thời đại nào con người cũng cố gắng tìm kiếm những cách lưu giữ đầy đủ nhất, chắc chắn nhất, bền lâu nhất. Con người bảo vệ tri thức như một “thanh gươm thần”, xem nó như một báu vật thiêng liêng không thể đánh mất.
Xét về sức mạnh cơ bắp, con người kém xa các loài thú ăn thịt. Xét về năng lực các giác quan khác và khả năng tự vệ, con người cũng đứng gần cuối danh sách các loài động vật bậc cao. Nghĩa là, con người hoàn toàn có thể bị chinh phục hoặc dẫn đến diệt vong trong cuộc cạnh tranh công bằng và khốc liệt.
Thế nhưng, tự nhiên luôn có sự lựa chọn công bằng và loài nào biết thích nghi, biến đổi, biết tạo động lực để vươn lên sẽ thắng thế trong cuộc chạy đua đến vị trí làm chủ trái đất. Nhờ có tri thức và bằng sức mạnh của tri thức con người đã tự tách mình ra khỏi thế giới động vật hoang dã, trở thành loài người văn minh, làm chủ toàn bộ cuộc sống. Đó là một bước tiến vĩ đại trong lịch sử phát triển muôn loài trên trái đất.
Bí quyết sống còn và không thể nào khác của loài người đó là biết tạo ra tri thức, tích lũy và vận dụng tri thức để tạo ra sức mạnh chinh phục của mình. Từ khi điều đó sảy ra trên trái đất, con người ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đông đảo hơn. Họ từng bước tiến sâu vào các khu rừng rậm, những đảo hoang, trên sa mạc, trên đại dương,…Từng bước xác lập lãnh địa và khẳng định vai trò làm chủ của mình. Thắng lợi trong công cuộc chinh phục tự nhiên là thắng lợi vĩ đại nhất của con người. Từ đó đến nay, con người không ngừng củng cố vai trò này.
Tri thức còn đem đến cho con người sức mạnh duy trì, gìn giữ ổn định và phát triển các giá trị đời sống một cách bền vững dài lâu. Trải qua thời gian, bằng tri thức con người đã xây dựng một xã hội loài người văn minh, tiến bộ tột bậc. Dường như, tham vọng khuất phục hoàn toàn hoàn cảnh sống là tham vọng bất tận của con người. Từ tiện nghi đến tiện nghi hơn nữa. Từ làm chủ đến bá chủ toàn cầu. Và thực tế đã chứng minh, ngày nay, con người đã có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên trái đất. Tất cả những thành tựu đó đều nhờ vào sức mạnh vô hạn của tri thức mà có. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào khi nghĩ đến Issac Newton, Darwin, Lincoln, Shakespeare, Nobel, Einstein, Bill Gates, Hồ Chí Minh,…và biết bao tên tuổi khác. Họ thực sự là những người anh hùng vĩ đại, là người lính tiên phong trong trận chiến đấu loại bỏ cái lạc hậu, bất công, đói nghèo, mãi mãi xứng đáng để chúng ta ngưỡng mộ và tôn kính.
Sức mạnh tri thức làm con người có thể đảo lộn các trật tự tưởng như nghìn năm bất dịch, làm được bao điều phi thường trong trong cuộc sống. Thuở xa xưa, với chiếc thuyền nhỏ, con người đã dũng cảm vượt đại dương tìm vùng đất mới. Con người cũng muốn bay được như loài chim và chiếc máy bay đầu tiên đã ra đời. Với những tiến bộ khoa học, con người ngày càng đi sâu vào thế giới vi mô để tìm ra những nguồn sức mạnh vô biên ẩn tàng trong đó. Và khát vọng làm chủ hoàn toàn không gian, thời gian chưa bao giờ yên nghỉ trong khát vọng tìm kiếm và chinh phục của con người.
Với tri thức, con người cũng đủ sức mơ mộng trong thế giới tinh thần của mình. Thi ca, âm nhạc, hội họa, kiến trúc,… là những sản phẩm tuyệt vời của tri thức mà chỉ loài người mới sở hữu và thưởng thức. Vốn tri thức mềm mại ấy đã nâng cao tam hồn con người, nhân đạo hóa con người để con người sống hiền hòa hơn, biết yêu chuộng cái đẹp, căm ghét cái xấu và hơn thế nữa cho ta năng lực tư duy và khát khao được tìm tòi, khám phá làm tăng thêm bản chất xã hội và làm phong phú thêm cá tính của mỗi ocn người.
Tri thức giúp chúng ta hoàn thiện mình, dũng cảm và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động xã hội. Liệu có hành trang nào dành cho con người cần thiết hơn khi tri thức khi họ dấn thân vào cuộc sống này?
Vậy muốn có được sức mạnh của tri thức ta phải làm gì?
Để tiếp cận và đi tới chiếm lĩnh tri thức trong xã hội, đầu tiên là con người phải biết tự giác học tập. Học tập phải diễn ra đều đặn, lâu dài và xuyên suốt cuộc đời người. Học tập ở mọi nơi, mọi lúc và mọi thứ cần thiết. Một triết gia Hi Lạp cổ đại đã nói như sau: “ Mỗi người tôi gặp đều có những điểm hay hơn tôi, đáng cho tôi học tập”. Thực tế cũng chứng minh, những người đạt đến đỉnh cao của vinh quang đều có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và nhu cầu cầu thị lớn.
Học tập kĩ lưỡng và thực hành tỉ mỉ là bí quyết thành công của các nhà khoa học. Mỗi lượng tri thức đều phải được kiểm chứng qua trải nghiệm thực tế mới có thể được khẳng định.
Tuy vậy, biết sàng lọc tri thức, lựa chọn cái phù hợp và xác định mức độ tiếp cận, tiếp nhận đúng đắn, hiệu quả là việc làm rất cần thiết. Bởi tri thức là vô hạn còn đời người thì ngắn ngủi, nếu quá tham lam hoặc mù quáng trong tham vọng con người sẽ lạc lối trong mê cung tri thức ấy, mãi mãi không thể tìm thấy mục tiêu cho cuộc đời mình.
Sức mạnh của tri thức phải được vận dụng vào những việc hữu ích, tạo ra lợi ích, thúc đẩy xã hội tiến bộ, tiến tới bảo vệ, gìn giữ và phát triển xã hội loài người. Sức mạnh của tri thức phải dùng để bảo vệ chân lí, bảo vệ cuộc sống chung trên trái đất. Sức mạnh của tri thức không phục vụ cho những tham vọng giết chóc, tàn phá, hủy hoại các giá trị. Thế nhưng, không phải lúc nào điều đó cũng được khẳng định. Lịch sử đã phơi bày biết bao nhiêu thảm họa do tri thức gây ra. Nhiều kẻ đã lợi dụng sức mạnh ấy chống lại sự tiến bộ của loài người, hủy hoại, tàn sát loài người để bảo vệ cái lợi ích cá nhân ích kỉ của chúng. Những cuộc đại chiến trên khắp thế giới đã để lại cho loài người biết bao đau thương, mất mát. Hai quả bom nguyên tử đã nổ ở Nhật Bản thầm nhắc nhỏ con người trách nhiệm, tình thương lẫn nhau đồng thời cảnh báo rằng đừng để sức mạnh của tri thức – cái vốn do chúng ta tạo ra – hủy hoại sự sống của chính mình.
Những kẻ không chịu hiểu câu nói trên, cố tình lẩn tránh, coi việc tích lũy tri thức là thừa, vô dụng thì tất yếu sẽ nhận được hậu quả không mong muốn. Còn có những người mới học được chút ít tri thức đã tự coi là đủ, không chịu cố gắng hoặc chỉ chăm chăm học trong sách vở mà không chịu tìm tòi từ cuộc sống thì sớm muộn tri thức cũng rơi rớt, trở thành “ ếch ngồi đáy giếng”, không thể là sức mạnh.
“Tri thức là sức mạnh” là một lời khẳng định mạnh mẽ và cũng là chân lý vĩnh hằng ngày càng được kiểm chứng một cách chắc chắn theo thời gian.
Kiên trì học tập, không ngừng học tập là cách tốt nhất để chúng ta có được tri thức và gìn giữ chúng qua thời gian. Không có tri thức thì không có thành công. Tri thức là cái khiến chúng ta nhận ra mình đang hiện hữu. Tri thức trong đầu và đạo đức trong tim, thời gian cống hiến để nghiên cứu và lao động thay vì hình thức và lạc thú, đó là cách để trở nên hữu dụng, và nhờ vậy, có được hạnh phúc.