1.So sánh triều Lê sơ thế kỉ 15 và thế kỉ 16
2.Nguyên nhân và hậu quả của hai lần chia cắt đất nước thế kỉ 16-18
3.Tình hình ngoại thương ở Đàng trong và đàng ngoài thế kỉ 16-18
4.Tình hình văn hóa nước ta thế kỉ 16,18
5.Tình hình văn hóa nước ta cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19
6.Thái độ của nhà Nguyễn đối với Thiên chúa giáo và phương Tây?
Giúp với, mai thi òi
1)
I.Tình hình chính trị
1.Xây dựng và củng cố chính quyền
Từ lúc đem quân ra Đông Đô, Lê Lợi đã chia nước làm 4 đạo. Năm 1428, Thái Tổ chia lại nước làm 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc (tương ứng với Bắc bộ ngày nay) và Hải Tây (từ Thanh Hoá vào đến Thuận Hoá). Dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu.
Đơn vị hành chính cơ sở là xã, gồm 3 loại:xã lớn 100 người trở lên, xã vừa 50 người trở lên và xã nhỏ 10 người trở lên.
Năm 1466, Thánh Tông chia lại cả nước thành 12 đạo thừa tuyên. Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô.
Năm 1469, đổi Thiên Trường thành Sơn Nam, Nam Sách thành Hải Dương, Quốc Oai thành Sơn Tây, Bắc Giang thành Kinh Bắc và phủ Trung Đô thành phủ Phụng Thiên.
Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất ở phía nam Thuận Hoá cho đến đèo Cù Mông, Thánh Tông lập thêm thừa tuyên thứ 13: Quảng Nam.
Năm 1490, bản đồ trong nước được xác định gồm: 13 đạo thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường. Các xã cũng được quy định lại: xã lớn 500 hộ, xã vừa từ 300 hộ trở lên, xã nhỏ từ 100 hộ trở lên. Kinh đô Thăng Long (Đông kinh) gồm 2 huyện: Thọ Xương và Quảng Đức. Ngoài ra còn Tây kinh (hay Lam kinh tức Lam Sơn- Thọ Xuân- Thanh Hoá).
Về mặt chính quyền, Thái Tổ chấn chỉnh lại bộ máy nhà nước theo mô hình thời Trần. Dưới vua có hai chức Tả, hữu tướng quốc, 3 chức Tư, 3 chức Thái, 3 chức Thiếu, Bộc xạ v.v...giúp việc bàn bạc, quyết định những công việc quan trọng của triều đình.
Tiếp đến là hai ban Văn và Võ.
Văn ban do Đại hành khiển đứng đầu, phụ trách chung mọi việc. Sau đó là hai bộ Lại và Lễ do Thượng thư đứng đầu, các cơ quan chuyên trách như Khu mật viện, Hàn lâm viện, Ngũ hình viện, Ngự sử đài, Quốc tử giám, Quốc sử viện, Nội thị sảnh, các quán, cục, ti.
Võ ban thì có các chức Đại Tổng quản, Đại đô đốc, Đô Tổng quản, Tổng quản, Tổng binh, Tư mã v.v...đứng đầu 6 quân Điện tiền, 5 quân Thiết đột v.v...Ở địa phương, đứng đầu các đạo là chức Hành khiển phụ trách mọi việc quân dân, sau đó là các an phủ sứ, tri phủ, tuyên phủ sứ, chuyển vận sứ đứng đầu các trấn, lộ, huyện. Xã có xã quan.
Đất nước dần dần hồi phục và bước đầu phát triển. Xuất phát từ những yêu cầu mới của chính trị, trong những năm 1460-1471, Lê Thánh Tông tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn. Các chức vụ trung gian giữa vua và các cơ quan hành chính như Tướng quốc, Bộc xạ, Tư đồ, Đại hành khiển, Trung thư sảnh v.v...đều bị bãi bỏ.
Vua trực tiếp chỉ đạo 6 bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công (do Thượng thư đứng đầu) là những cơ quan chính phụ trách mọi mặt công tác của triều đình. Giúp việc cụ thể có 6 Tự, Viện Hàn lâm, Viện Quốc sử, Quốc tử giám, Bí thư giám v.v...Bộ phận thành tra quan lại được tăng cường: ngoài Ngự sử đài có 6 khoa chịu trách nhiệm theo dõi các bộ. Về võ, vua cũng là người chỉ huy tối cao; bên dưới có 5 quân đô đốc phủ, các vệ quân bảo vệ kinh thành và Thủ đô.
Lục bộ
Thời Lê Thái Tổ chỉ có 3 bộ: Lại, Lễ, Dân (tức Hộ Bộ). Đến năm 1466, Lê Thánh Tông tổ chức thành sáu bộ:
Lại Bộ: Trông coi việc tuyển bổ, thăng thưởng và thăng quan tước; Lễ Bộ: Trông coi việc đặt và tiến hành các nghi lễ, tiệc yến, học hành thi cử, đúc ấn tín, cắt giữ người coi giữ đình, chùa, miếu mạo; Hộ Bộ: Trông coi công việc ruộng đất, tài chính, hộ khẩu, tô thuế kho tàng, thóc tiền và lương, bổng của quan, binh; Binh Bộ: Trông coi việc binh chính, đặt quan trấn thủ nơi biên cảnh, tổ chức việc giữ gìn các nơi hiểm yếu và ứng phó các việc khẩn cấp; Hình Bộ: Trông coi việc thi hành luật, lệnh, hành pháp, xét lại các việc tù, đày, kiện cáo; Công bộ: Trông coi việc xây dựng, sửa chữa cầu đường, cung điện thành trì và quản đốc thợ thuyền.Mỗi bộ có 1 viên Thượng thư và 2 Tả bộ thị lang và cơ quan thường trực là Vụ tư sảnh đứng đầu. Giám sát Lục bộ là Lục khoa tương ứng, gồm Lại khoa, Lễ khoa, Hộ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa. Đứng đầu các khoa là Đô cấp sự trung và Cấp sự trung. Giúp việc cho Lục bộ là Lục tự.
Ở các đạo thừa tuyên, Thánh Tông đặt ba ti: Đô tổng binh sứ ti (gọi tắt là Đô ti) phụ trách quân đội, Thùa tuyên sứ ti (gọi tắt là Thừa ti) phụ trách các viện dân sự, Hiến sát sứ ti (Hiến ti) phụ trách việc thanh tra quan lại trong đạo của mình.
Các phủ có tri phủ đứng đầu, các huyện, châu có tri huyện, tri châu, ở xã, chức xã quan được đổi gọi là xã trưởng. Ở miền thượng du, các bản mường vẫn được giao cho tù trưởng, lang đạo cai quản như cũ. Riêng mạn biên giới phía bắc, nhà Lê cử thêm một số tướng giỏi người miền xuôi lên trấn trị và biến thành “phiên thần”, đời đời nối nhau cai quản địa phương. Chủ trương của Lê Thánh Tông là bảo đảm sự thống nhất trong chính quyền từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, “các chức lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, nặng nhẹ cùng gìn giữ nhau, lẽ phải của nước không bị chuyên riêng, việc lớn của nước không đến lung lay, khiến có thói tốt làm hợp đạo, đúng phép” (Hiệu định quan chế).
Theo thống kê, năm 1471, tổng số quan lại là 5370 người, gồm 2755 quan lại ở Trung ương (399 quan văn, 857 quan võ, 446 tòng quan và một số tạp lưu), 2615 quan lại địa phương (926 quan văn, 857 quan võ, 41 tòng quan và một số tạp lưu) số quan này đều trải qua thi cử và đỗ đạt; các quý tộc họ Lê muốn làm quan cũng phải như vậy.
Để tạo điều kiện cho các quan lại làm việc đúng theo mong muốn của mình, Thánh Tông đặt quy chế lương bổng, ruộng lộc, phẩm tước rõ ràng và thống nhất. Theo quy chế năm 1477, ngoài ruộng lộc, các quan đều có lương:
- Quan ở Trung ương:
Chánh nhất phẩm 82 quan/năm
Tòng nhất phẩm:75 quan/năm
Chánh nhị phẩm: 68quan/năm
Tòng nhị phẩm: 62quan/năm
....
Chánh cửu phẩm: 16 quan/ năm
Tòng cửu phẩm: 14 quan/năm
Quan địa phương:
Chánh tứ phẩm: 48 quan/ năm
Tòng tứ phẩm 44 quan/năm
...Bát, cửu phẩm...đều như ở Trung ương.
Nhà Lê, từ thời Thái Tổ, không phân phong con cháu đi trấn trị các nơi, không giao cho họ các chức vụ quan trọng trong triều nếu họ không có tài, học hành kém, không cho họ được phép thành lập điền trang. Chính quyền Lê sơ, như vậy vừa mang tính quan liêu vừa mang tính chuyên chế cao độ.
Bản đồ Hồng Đức năm thứ 2, 1490 do vua Lê Thánh Tông ban bố).
2.Quân đội và quốc phòng
Đến cuối năm 1427, số quân lên đến 35 vạn người. Theo đúng lời hứa, năm 1428, sau khi lên ngôi vua, Thái Tổ cho 25 vạn quân về quê làm ruộng, chỉ giữ lại 10 vạn. năm sau đó, sau một cuộc tổng duyệt quân thuỷ bộ, Thái Tổ cho chia các vệ quân thành 5 phiên, thay nhau ở lại canh giữ và về làm ruộng ở quê nhà. Quân đội được chia thành 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây. Các vệ quân đều đặt các chức Tổng quản, Đô Tổng quản, Đồng Tổng quản đứng đầu. Ngoài ra còn có thêm 6 quân ngự tiền ở kinh đô. Chế độ tuyển chọn quân sĩ được đặt thành quy chế.
Thời Lê Thánh Tông, cùng với cuộc cải cách hành chính, nhà vua tổ chức lại quân đội, chia thành 2 bộ phận:- quân trong bảo vệ triều đình nhà vua và kinh thành gồm 2 vệ Kinh Ngô, Cẩm Y, 4 vệ Hiệu Lực, 4 vệ Thần Vũ, 6 vệ Điện Tiền, 4 vệ Tuần Tượng, 4 vệ Mã Nhàn (về sau gộp vào 2 vệ chính là Cẩm Y và Kim Ngô)
Quân ngoài ở địa phương gồm 5 phủ:
Trung quân lãnh các xứ Thanh Hoá, Nghệ An
Đông quân lãnh cac xứ Hải Dương, An Bang
Nam quân lãnh các xứ Sơn Nam, Thuận Hoá, Quảng Nam
Tây quân lãnh các xứ Kinh Bắc, Lạng Sơn.
Về sau, Thánh Tông cho đặt thêm các vệ quân ở các đô ti xa: Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá, Quảng Nam, An Bang, Tuyên Quang, Hưng Hoá, Thái Nguyên, Lạng Sơn và một vệ Cao Bằng. Đứng đầu các phủ, vệ có các chức đô đốc, đô chỉ huy, đô tổng binh, chỉ huy sứ, đô tri v.v...
Về chủng loại có bộ binh, thuỷ binh, tượng binh, kị binh. Ngoài ra có các đơn vị chuyên sử dụng một loại súng gọi là hoả đồng. Vũ khí đơn giản có đao kiếm, giáo mác, cung tên...
Nhà Lê rất chú ý đến việc rèn luyện quân đội. Hàng năm đều có ngày duyệt tập ở kinh thành hay địa phương. Các phiên túc trực phải thường xuyên luyện tập. Năm 1465, Thánh Tông ban bố 31 điều quân lệnh về thuỷ trận, 32 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận, 42 điều về bộ trận. Năm 1467, Thánh Tông quy định cứ 3 năm tổ chức một kì thi khảo võ nghệ của quân sĩ và định lệ thưởng phạt.
Chế độ tuyển quân được quy định chặt chẽ, thông thường cứ một hộ có 3 đinh thì phải lấy một người làm lính và một người dự bị. Vì vậy, tuy số lượng quân thường trực không nhiều, nhưng khi đi đánh Chămpa hay Bồn Man nhà Lê đã huy động đến 26 hay 30 vạn quân.
Quân lính đều được chia ruộng đất công ở làng mình và thay phiên nhau về quê sản xuất để tự cấp. Đó là chế độ “ngụ binh ư nông” vốn được áp dụng từ thời Lý- Trần.
Vấn đề bảo vệ biên giới, nhất là biên giới phía bắc, luôn luôn được nhà nước quan tâm. Các trấn biên giới đều có quân hùng, tướng giỏi. Ngoài ra, các vua Lê, nhất là Thánh Tông thường chỉ huy một đạo quân thuỷ bộ lớn đi duyệt ở vùng ven biển Đông bắc, Lạng Sơn hay Thuận Hoá. Những lần quân tướng nhà Minh đe doạ lấn cướp vùng biên, Thánh Tông đều sai các đô đốc giỏi cầm quân phối hợp với các tổng binh địa phương sẵn sàng chiến đấu. Ông từng răn đe: “kẻ nào dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì sẽ bị trừng trị nặng”.
3. Luật Pháp
Sau khi lên ngôi vua, Thái Tổ đã lo ngay đến việc đặt luật pháp. Thái Tông và Nhân Tông ban hành thêm một số điều luật về xét sử kiện tụng, sở hữu tài sản.
Năm 1483, Thánh Tông quyết định triệu tập các đại thần biên soạn một bộ luật chính thức của triều đại mình, thường được gọi là “Luật Hồng Đức”.Ở các thế kỉ XVII- XVIII, bộ luật được bổ sung, sửa đổi ít nhiều và được ban hành với tên “Lê triều hình luật”. Bộ luật gồm 722 điều, chia thành 16 chương.
Chương đầu (Danh lệ) của bộ luật quy định rõ các hình phạt được sử dụng (xuy, trượng, đồ, lưu, tử) và những trường hợp miễn giảm (bát nghị), nguy hiểm không được nhân nhượng (thập ác), được chuộc, phải đền bù v.v...
Chương hai nói về những tội vi phạm cung điện nhà vua, vua và thân thích của vua, các công trình nhà nước.
Các chương tiếp theo nói về việc giữ kỉ luật trong quân đội, những tội vi phạm phép nước, quan hệ trên dưới, quan hệ trong gia tộc, trong gia đình, chế độ ruộng đất, chế độ thừa kế tài sản, quan hệ nam nữ, vị trí của dân binh v.v...và cuối cùng là các hình thức xét xử, kiện tụng, trị tội.
Luật Hồng Đức thể hiện rõ nét ý thức giai cấp của nhà Lê trong các mối quan hệ nhưng cũng phản ánh khá rõ nét tính dân tộc. Ở đây nổi lên ý thức bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, của người dân tự do cũng như ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.
Bộ luật Hồng Đức đánh dấu một trình độ phát triển cao của tư tưởng phát lí của dân tộc Đại Việt, khá hoàn chỉnh, do đó được sử dụng suốt trong 4 thế kỉ thời Lê (thế kỉ XV- XVIII).
4. Tình hình đối nội và đối ngoại
Đất nước dần dần ổn định; nền thống nhất được củng cố. Để bảo vệ các vùng đất xa, nhà Lê chủ trương đoàn kết các dân tộc. Trong quá trình chiến đấu trước đây, các dân tộc đã đoàn kết dưới ngọn cờ cứu nước của nghĩa quân Lam Sơn và đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Lên ngôi vua, Thái Tổ phong chức tước cho các tù trưởng có công đối với nước. Những tù trưởng dân tộc ít người có mưu đồ li khai hoặc theo triều Minh, chống lại nhà Lê, các vua Lê rất kiên quyết dùng biện pháp bạo lực để đàn áp, giữ vững sự thống nhất đất nước.
Đối với nhà Minh, sau khi giải phóng Tổ quốc, Lê Thái Tổ lập tức cử sứ bộ sang cầu phong và đặt quan hệ hòa hảo. Từ đó, cứ 3 năm, nhà Lê theo lệ sang cống cho nhà Minh và tiếp đón các sứ bộ nhà Minh sang nước ta. Mặt khác, nhà Lê kiên quyết bảo toàn lãnh thổ Đại Việt và chủ quyền của một nước độc lập. Những hành động xâm lấn, cướp bóc của bọn quan lại nhà Minh ở vùng biên giới đều được nhà Lê chủ động giải quyết. Một số châu, động ở đông nam Quảng Đông đã xin quy phụ nhà Lê và được Thái Tổ phong chức tước, trông coi đất đai như cũ.
Trong những năm 40 của thế kỷ XV, một số nước láng giếng như Lào, Bồn Man, một tiểu quốc ở nam Mianma, Xiêm cũng lần lượt sai sứ sang cống và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Quan hệ của Chămpa tạm yên trong một thời gian. Từ những năm 40, vua Chămpa lại nhiều lần cho quân cướp phá Hóa Châu, gây mối bất hòa. Trước tình hình đó, cuối năm 1470, Lê Thánh Tông quyết định cầm quân đánh vào. Tháng 4 năm 1471, thành Trà Bàn bị chiếm, vua Chăm là Trà Toàn bị bắt. Lê Thánh Tông cho một người Chăm làm vương phần đất Chămpa còn lại ở nam đèo Cù Mông Chămpa từ đây suy dần.
II. Phục hồi và phát triển kinh tế
Chế độ đô hộ của nhà Minh và cuộc chiến tranh giải phóng Tổ quốc đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế nước ta vốn đã suy yếu trong những thập kỉ cuối Trần. Đồng ruộng, làng xóm điêu tàn. Nhân dân phiêu tán. Thủ công, thương nghiệp suy sụp. Đất nước trở lại độc lập, nhà nước và nhân dân với ý thức tự hào dân tộc sâu sắc đang vươn cao, đã hợp sức cùng nhau nhanh chóng khôi phục sản xuất, hàn gắn các vết thương chiến tranh và sau đó đưa nền kinh tế phát triển lên một giai đoạn mới ở nửa sau thế kỉ XV.
1. Tình hình ruộng đất
Đất nước được hoàn toàn giải phóng. Nhà Lê, một mặt cho 25 vạn quân về làm ruộng, chiếm lại ruộng đất cũ của mình và khôi phục sản xuất, mặt khác kêu gọi nhân dân phiêu tán trở về quê cũ, cùng nhau xây dựng lại xóm làng, đồn điền, nghề nghiệp. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, Thái Tổ hạ lệnh cho các làng làm sổ ruộng đất và trên cơ sở đó, nhà nước chủ động phân phối. Ruộng đất được phân phối làm 3 bộ phận chính:
- Ruộng đất thuộc sở hữu nhà nước: Tất cả những ruộng đất tịch thu được của chính quyền đô hộ và bọn nguỵ quan, ruộng đất không chủ đều thuộc sở hữu nhà nước. Với số lượng rất lớn, nhà nước sử dụng nó dưới các hình thức sau:
Loại do nhà nước trực tiếp quản lí, được gọi là ruộng quốc khố hay ruộng công. Loại này được cấp cho các quan địa phương hay trung ương, phát canh cho nông dân hoặc giao cho những người bị tội đồ cày cấy.
Loại cấp cho các công thần hay quan lại. Ngay sau khi lập xong các sổ ruộng đất làng xã, vua Lê thực hiện việc phong thưởng cho các công thần của sự nghiệp giải phóng đất nước. 221 người được phong tước hầu, tước trí tự và cấp ruộng từ 300- 500 mẫu. Các triều vua tiếp sau, đôi lúc cũng phong thưởng ruộng đất cho các đại thần có công. Đây là loại ruộng công thần. Thời Lê Thánh Tông, chế độ lộc điền được ban hành, theo đó các quan lại từ Tam, Tứ phẩm trở lên cho đến các vương, hầu, bá được cấp một số ruộng tuỳ chức tước. Ruộng lộc chia làm hai loại: Loại cấp vĩnh viễn gọi là ruộng thế nghiệp chủ yếu dành cho các vương hầu, công chúa, loại cấp một đời gọi là ruộng ân tứ (15-130 mẫu cho quan từ 1-4 phẩm). Ruộng lộc chỉ cấp cho quan chức từ 4 phẩm trở lên. Các chức thấp hơn chỉ được hưởng phần ruộng công ở làng theo chế độ quân điền. Sau khi viên quan được cấp chết 3 năm thì nhà nước thu lại.
Loại đồn điền, do nhà nước tổ chức khai hoang thành lập. Nông dân cày đồn điền chủ yếu là người bị tù tội, nông dân lưu tán nghèo đói được mộ. Loại này phát triển từ sau năm 1481, khi Thánh Tông quyết định thành lập 43 sở đồn điền ở địa phương.
Ruộng đất công làng xã:Loại ruộng đất này có nguồn gốc từ xa xưa, được duy trì cho đến thế kỉ XV ở các làng xã nhưng với tỉ lệ khác nhau. Từ thời Thái Tổ, nhà nước đã đặt vấn đề phân chia ruộng đất công làng xã cho dân làng ít hoặc không ruộng đất, quân lính. Để thống nhất việc phân chia ruộng công trong phạm vi cả nước, Thánh Tông ban hành phép quân điền. Theo phép quân điền, cứ 6 năm ruộng công làng xã được chia lại một lần cho các thành viên trong xã bao gồm các quan chức cấp thấp (từ ngũ phẩm trở xuống), chức dịch của làng, quân lính, dân đinh, vợ các quan, phụ nữ goá chồng, trở mồ côi. Bậc cao nhất: 11, 10 phần dành cho quan Tam, Tứ phẩm chưa được cấp ruộng lộc. Ngũ phẩm được 9,5 phần. Lục phẩm được 9 phần, binh sĩ được cấp từ 5-8,5phần...
Hạng lão được 3,5 phần
Mồ côi, tàn phế được 3 phần
Các quan phủ huyện có nhiệm vụ phối hợp với các xã trưởng, già làng đo đạc ruộng đất, tính số người được chia và thực hiện việc phân điền. Phép quân điền vừa giúp cho mọi người dân nông thôn có mảnh đất cày cấy, sinh sống vừa giúp cho nhà nước thu thuế, lấy lao dịch, lấy lính và nuôi lính.
Ruộng đất tư hữu: phát triển từ những thế kỉ trước, đến thế kỉ XV, có điều kiện ngày càng mở rộng. Trong bộ phận này có 3 loại: ruộng của nông dân tư hữu, ruộng của địa chủ và một số ít điền trang. Sự gia tăng của hàng ngũ quan lại góp phần làm cho bộ phận ruộng tư hữu của địa chủ ngày càng phát triển, trong lúc đó các điền trang ngày càng thu hẹp lại. Theo đà phát triển chung, ruộng đất tư hữu của giai cấp địa chủ ngày càng lấn át ruộng đất công. Giai cấp địa chủ cũng nhân đó lũng đoạn quyền hành ở làng xã.
2.Sự phục hồi và phát triển nông nghiệp
Từ sau ngày giải phóng, nhân dân lần lượt trở về quê hương xây dựng lại làng xóm, phục hồi sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ và khuyến khích nông nghiệp. Các quan phủ huyện có nhiệm vụ đốc thúc và khuyến khích nhân dân khai phá hết ruộng đất bỏ hoá, giúp đỡ nhân dân diệt sâu cắn lúa nếu có. Thánh tông đã từng dụ các quan Thừa ti, Hiến ti, phủ huyện: “về các việc dân sự tầm thường như là đại hạn mà không đảo, nước lụt, mà không khơi, việc lợi không làm, việc hại không trừ, có tai dị mà không cầu đảo thì phải xử tội lưu”. Một chủ trương quan trọng của nhà nước được nhân dân hưởng ứng là khai hoang, mở rộng diện tích canh tác. Nhiều làng xóm ở vùng ven biển Sơn Nam, Thanh Hoá, Nghệ An đã ra đời. Để giúp cho công cuộc khai hoang này, Thánh Tông đã cho đắp một hệ thống đê biển mang tên đê Hồng Đức.
Năm 1481, theo đề nghị của các quan lại, Thánh Tông quyết định cho thành lập 43 sở đồn điền với mục đích “khai thác hết sức nông nghiệp, mở rộng nguồn súc tích cho nước”. Các đồn điền này được đặt ở các vùng Bắc (30 sở), Thanh Hoá (5 sở) Nghệ An (4 sở) Thuận Hoá (2 sở) Quảng Nam (2 sở). Các viên chánh, phó đồn điền sứ có nhiệm vụ mộ dân nghèo không ruộng, lưu tán đến đây khai hoang và phân chia ruộng đất cho họ cày cấy.
Nhà Lê rất chăm lo đến thuỷ lợi, đê điều. Các thừa tuyên đều có chức quan hà đê chuyên phối hợp với các quan phủ, huyện trông nom, sửa đắp đê điều. Năm 1498, mỗi xã phải cử một xã trưởng chuyên trách việc đê điều và khuyến nông. Trường hợp đê vỡ, triều đình lập tức cử quan đi khám xét, huy động nhân dân, quân lính, công tượng, học sinh Quốc tử giám đi sửa đắp, cứu hộ.
Việc đào kênh, khơi ngòi được tổ chức ở nhiều nơi vừa có lợi cho chuyển vận, vừa tạo nguồn nước “tưới ruộng cho dân”. Năm 1438, nhà nước cho dân khai thác lại các kênh ở Trường Yên, Thanh Hoá, Nghệ An; năm 1449, khai sông Bình Lỗ (Kim Anh- Vĩnh Phúc), năm 1467 khai thêm một số kênh ở Thanh Hoá, Nghệ An, Thuận Hoá v.v...Nhà nước còn luôn luôn khuyến khích nhân dân đắp bờ giữ nước, khơi thông những chỗ úng thuỷ, phòng hạn hán...xe tát nước được phổ biến.
Ngoài ra, nhà nước còn quy định mọi công trình xây dựng cần điều động dân phu đều phải tiến hành ngoài thời vụ cày cấy, gặp mùa, “hễ công việc gì có hại cho nghề nông thì không được khinh động sức dân”. Pháp luật nhà Lê bảo vệ chặt chẽ sức kéo trong nông nghiệp. Tội ăn trộm trâu bò bị trừng phạt nặng. Năm 1489, Thánh Tông ra lệnh cấm giết trâu bò ban đêm.
Trong những năm khó khăn, hạn hán, lụt lội, nhà vua thường lập đàn cầu đảo, tự trách mình hoặc ra chiếu khuyến nông, động viên nhân dân khắc phục khó khăn đảm bảo sản xuất.
Chính sách trọng nông của nhà Lê sơ thực sự đạt kết quả tốt. Theo ghi chép của sử cũ, trong 38 năm thống trị của Lê Thánh Tông, chỉ có 4 lần hạn hán, 1 lần vỡ đê, một năm đói kém...Tất nhiên đây cũng là công sức của nhân dân. Nhiều năm sau, nhớ lại thời này nhân dân đã ca ngợi:
Đời vua Thái Tổ, Thái Tông
Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn.
3.Tình hình công thương nghiệp
Hoà bình lập lại, nhu cầu phục hồi và phát triển nông nghiệp, xóm làng, xây dựng lại kinh thành, trấn lị đã thúc đẩy sự phục hồi và phát triển nhanh chóng của các nghề thủ công. Các ngành, nghề truyền thống như kéo tơ, dệt lụa, đan lát, rèn sắt, dệt chiếu, làm nón, đúc đồng ngày càng phát triển ở các làng.
Những làng thủ công chuyên nghiệp lại nổi lên như Bát Tràng, Nghĩa Đô, Huê Cầu, Hương Canh, Mao Điền, Bất Bế v.v..
Thăng Long là nơi tập trung nhiều ngành nghề thủ công của cả nước, bấy giờ được chia thành 36 phường. Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết: Phường Tàng kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài mâm, võng, gấm trừu, dù lọng, phường Yên Thái làm giấy; phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa; phường Hà Tân nung đá vôi; phường Hàng Đào nhuộm điều, phường Tả Nhất làm quạt... phường Đường Nhân bán áo diệp y..
.Góp phần vào sự phát triển của thủ công nghiệp, các công xưởng của nhà nước với tên gọi chung là cục Bách tác. Cục này chuyên đúc tiền, chế tạo vũ khí, đóng thuyền, làm các đồ dùng cho vua quan như mũ, áo, giày, hốt. Nhà vua cũng có một khu dệt vải lụa do các cung nữ phụ trách. Thợ thủ công nhà nước (công trượng) ban đầu là những người có tay nghề giỏi được tuyển chọn, về sau là thợ "am hiểu" được tuyển theo chế độ lao dịch.
Trên cơ sở của sự phát triển nông nghiệp và thủ công nghiệp, việc lưu thông buôn bán cũng hồi phục và ngày càng mở rộng. Các chợ địa phương mọc lên ở các làng, liên làng vừa có tính chất riêng vừa có tính chất chung cho nhân dân toàn vùng. Chợ họp theo phiên và lần lượt từ chợ này sang chợ khác, rải đều trong tuần. Hàng hóa chủ yếu là nông phẩm hoặc các sản phẩm thủ công địa phương. Năm 1477, nhà nước định lệ lập chợ mới: các huyện, châu, xã ở các xứ trong nước, nhân dân ngày một nhiều, nơi nào muốn chia mở chợ mới đề tiện mua bán thì quan phủ, huyện, châu khám xét quả thực tiện lợi cho dân thì làm bản tâu lên, cho theo tiện lợi mà họp chợ...".
Để tiện cho việc buôn bán, trao đổi, nhà Lê bỏ tiền giấy thời Hồ, đúc tiền đồng mới và quy định rõ: 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng. Các đơn vị đo lường cũng được thống nhất.
Thăng Long vẫn là nơi tập trung buôn bán lớn nhất của cả nước. Dân các nơi về đây tụ tập làm ăn ngày càng đông đến nỗi chức quan cai quản phủ Phụng Thiên sợ, lệnh đuổi hết họ về nguyên quán. Năm 1481, tả trung doãn Quách Đình Bảo phải dâng sớ tâu xin vua bỏ lệnh đó "chỉ những kẻ tạp cư vô loại thì nên đuổi về, còn người nguyên có hàng chợ phố xá... hãy cho được trú ngụ để buôn bán, sinh nhai" vì "kinh sư là nơi căn bản của bốn phương, tiền của, trao đổi tất phải cho lưu thông đủ dùng”. Thánh Tông đã đồng ý.
Về ngoại thương, thuyền bè các nước láng giềng vẫn thường xuyên qua lại trao đổi, Vân Đồn, Vạn Ninh (thuộc Quảng Ninh), Càn Hải, Hội Thống (thuộc Nghệ An) một số địa điểm ở Lạng Sơn, Tuyên Quang... vẫn là những khu chợ trao đổi hàng. Các sản phẩm sành, sứ, vải lụa, lâm sản quý vẫn là những thứ hàng mà thương nhân nước ngoài ham thích.
Tuy nhiên, để giữ vững an ninh, nhà nước đặt các trạm kiểm soát ở cảng khẩu. Các chức giang hải tuần kiểm tra xét nghiệm ngặt những người nước ngoài đến buôn bán và trừng phạt nặng những ai tự ý, không có giấy phép mà vượt qua biên ải vào nội địa nước ta buôn bán trao đổi.
Nhìn chung, nền kinh tế công thương nghiệp nước ta thời Lê sơ phát triển thêm một bước đáng kể so với trước. Quan hệ hàng hóa - tiền tệ cũng như đồng tiền đã tác động vào xã hội, vào hệ thống quan lại, từng bước gây nên sự đổi thay trong chế độ chính trị và sự ổn định của đất nước.
III.Văn hoá- Xã hội
1. Tình hình xã hội
Những sự kiện lớn về chính trị, kinh tế của thế kỉ XV đã làm thay đổi ít nhiều cấu tạo giai cấp trong xã hội.
Hai giai cấp chính: địa chủ phong kiến và nông dân, ngày càng xác lập.
Giai cấp địa chủ phong kiến được chia thành hai tầng lớp chính: quý tộc, quan chức trung cao cấp và địa chủ thường. Bộ phận quý tộc dòng họ vua, tuy được ban cấp nhiều ruộng đất thế nghiệp vẫn không cấu thành một lực lượng có điền trang và thế lực chính trị ở địa phương. Một số lớn công thần khai quốc được ban họ vua (quốc tính) song không hình thành một lớp quý tộc. Sang thời Thánh Tông, họ dần dần trở lại với họ gốc của mình. Các quan lại trung, cao cấp do được ban nhiều ruộng lộc mà trở thành địa chủ, song không cách biệt với các địa chủ thường hoặc nhân dân và phần lớn xuất thân khoa cử. Trong lúc đó, tầng lớp địa chủ thường hầu như rải ra ở các làng, xã, dần dần trở thành những người chủ về mọi mặt.
Giai cấp nông dân chiếm tuyệt đại đa số cư dân, sống chủ yếu ở các làng xã, bao gồm nông dân tư hữu, tá điền và một ít nông nô. Phần lớn nông dân được chia ruộng công, cày cấy sinh sống, làm nghĩa vụ cho nhà nước và ít nhiều được học hành.
Bấy giờ ruộng thượng đẳng nộp thuế cho nhà nước 60 thăng thóc và 6 tiền/mẫu.
Ruộng trung đẳng nộp thuế cho nhà nước 40 thăng thóc và 4 tiền/mẫu. Ruộng hạ đẳng nộp thuế cho nhà nước 20 thăng thóc và 3 tiền/mẫu (1 thăng = l,2 - l,4 kg)
Thuế nhân đinh: 8 tiền - 1 quan 2 tiền/năm.
Được sự cho phép của nhà nước, những nông dân nghèo, không ruộng đất có thể họp nhau đi khai hoang xây dựng làng xóm, đồng ruộng mới.
Đất đai khai phá được, họ chia nhau làm ruộng tư (bấy giờ nhà nước chưa
đánh thuế ruộng tư), dành một phần làm ruộng công nộp thuế.
Tầng lớp thợ thủ công và thương nhân ngày càng đông hơn nhưng chưa trở thành một lực lượng lớn mạnh. Họ bị xem là những kẻ “bỏ gốc”, theo “ngọn”, ngoại trừ dân các làng thủ công chuyên nghiệp hoặc dân phường ở Thăng Long. Trong Thập giới cô hồn quốc ngữ văn của Lê Thánh Tông có câu nói về thương nhân:
Lừa đảo lọ xem nào có khác
Người ta lại bán được người ta.
Nô tì vẫn còn là một tầng lớp đáng kể trong xã hội. Số đông trong họ là người Hoa hoặc các dân tộc ít người. Pháp luật nhà Lê hạn chế nghiêm ngặt việc bán mình làm nô hoặc bức dân đinh tự do làm nô tì.
Điều 168 của ''Lê triều hình luật” quy định: vương công, thế gia tự tiện thích chữ vào dân đinh làm gia nô (sung công, thu danh tịch cũng vậy) một người thì xử biếm 3 tư, nếu là quan nhất, phị phẩm trở lên thì phạt tiền 100 quan, cứ 3 người tăng 1 bậc, tội chỉ đến biếm 5 tư, phạt tiền 500 quan".
Cuộc đấu tranh của nô tì (bỏ trốn) và các lệnh cấm bắt, mua bán người thiểu số làm nô đã giảm dần số lượng nô tì và cuối cùng xóa bỏ nó.
Nhờ sự nỗ lực của nhân dân và nhà nước, nền kinh tế nhanh chóng được phục hồi rồi phát triển. Dân số ngày càng tăng, nhà nước đã cho phép các
làng có trên 500 hộ có thể tách ra, thành lập thêm làng mới. Tất nhiên, gió bão, hạn hán, mất mùa đói kém là những tai họa tự nhiên không tránh khỏi nhưng theo ghì chép của sử cũ, số lượng không nhiều. Cuộc sống của nhân dân nói chung ổn định, thanh bình. Nền độc lập và thống nhất của nước Đại Việt được củng cố và có thể nói, bấy giờ Đại Việt là nước cường thịnh nhất của cả khu vực nam Trung Quốc.
2. Tình hình văn hóa
a. Giáo dục, khoa cử
Ngay từ năm 1428, lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi đã hạ lệnh dựng Quốc tử giám ở kinh đô, mở trường ở các lộ, ban chiếu cầu hiền". Giáo dục mở rộng cho con em mọi tầng lớp nhân dân. Các giáo quan được chọn lựa cẩn thận. Năm 1435, dưới triều Thái Tông, các giáo quan ở kinh đô và cả lộ được tập hợp về kinh để khảo hạch, ai yếu kém thì bị sa thải.
Tiến thêm một bước, năm 1467, Thánh Tông đặt chức bác sĩ dạy 5 kinh, mỗi người nghiên cứu một kinh để giảng dạy. Hàng năm, nhà nước cho in và ban cho các trường ở phủ các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Đăng khoa lục, Ngọc đường văn phạm, Văn kiến thông khảo, Văn tuyển.v.v... Thánh Tông cũng cho xây dựng lại Văn miếu, mở rộng Thái học viện, mở thêm Tú Lâm cục và Sùng văn quán để bồi dưỡng con em quý tộc, quan lại cao cấp... Nội dung học tập được quy định đầy đủ, các học quan được tuyển cho cẩn thận.
Năm 1429, Thái Tổ mở khoa thi minh kinh ở kinh đô, cho phép mọi người có học đều được tham dự, Thái Tông cho các quan bàn định thể lệ thi cử, đự kiến đến năm l438 mở khoa thi hương ở địa phương, năm sau đó mở khoa thi Hội ở kinh đô. Từ đó cứ 3 năm mở một kỳ thi, ai đỗ kì thi Hội đều được phong là Tiến sĩ xuất thân. Lại định rõ nội dung của 4 kì thi. Tuy nhiên phải đến năm 1442, nhà nước mới mở được khoa thi Hội đầu tiên, lấy 33 ngươi đỗ (trong đó có Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Như Đỗ đỗ Bảng nhãn, Lương Như Hộc đỗ Thám hoa). Bên cạnh các kì thi Đại khoa này, nhà Lê cũng mở các khoa thi Lại viên với các môn toán và viết chữ.
Năm 1462, Thánh Tông đặt lệ “bảo kết thi Hương”quy định rõ thủ tục giấy tờ của những người ứng thí. Sau đó, cứ 3 năm, nhà nước mở 1 kì thi.
Lời kí trên bia tiến sĩ ghi: "Việc chính thi lớn của đế vương không gì
cần bằng nhân tài” Lời dụ của vua Hiến Tông có đoạn: "Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, nguyên khí mạnh thì thì trị đạo mới thịnh. Khoa mục là đường thẳng của quan trường, đường thằng mở thì chân nho mới có”.
Nhà Lê cũng khuyến khích việc học tập thi cử bằng cách đặt lệ xướng danh, treo bảng , ban mũ, áo, phẩm tước, dựng bia tiến sĩ và lệ vinh quy bái tổ. Những biện pháp nói trên đã góp phần quan trọng phát triển giáo dục trong nước. Theo sử cũ, khoa thi Hội năm 1463 có l.400 thí sinh, năm 1514, số ứng thí lên đến 5700 người.
Tính riêng trong 38 năm dưới triều vua Lê Thánh Tông, nhà nước đã mở 12 khoa thi Hội, lấy đỗ 501 tiến sĩ, trong đó có 9 trạng nguyên.
Có thể xem thời Lê sơ, đặc biệt là triều vua Lê Thánh Tông là thời phát triển cực thịnh của giáo đục thi cử phong kiến.
Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: "khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức (1470 - 1497). Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp... Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém".
Nội dung giáo dục chủ yếu là Nho giáo qua các sách Tứ thư, Ngũ kinh, Bác sử, Thơ phú... nhưng qua các kì thi Văn sách hay thi Đình, người học trình bày được năng lực chính trị và sự hiểu biết thực tiễn của mình. Từ giáo dục, khoa cử đã xuất hiện nhiều nhà nho, nhà chính trị, ngoại giao, nhà sử học nổi tiếng làm rạng danh đất nước một thời.
b. Tôn giáo, tín ngưỡng
Cuối thời Trần, Nho giáo đã lấn át Phật giáo. Ở thời Lê sơ, Nho giáo chlểm địa vị độc tôn. Sự phát triển của giáo dục góp phần quan trọng vào việc phổ cập Nho giáo. Thêm vào đó, nhà nước thường xuyên ban hành các điều lệnh về lễ giáo trong nhân dân (như về hôn nhân, quan hệ vợ chồng, tang lễ,..) buộc các quan chức địa phương phải giảng giải và theo dõi việc thực hiện. Giáo lí nhà nho cũng được đưa vào các huấn điều (24 huấn điều của Lê Thánh Tông) và các xã trưởng có nhiệm vụ hàng năm đọc và giảng cho xã dân. Nhiều quy định khắt khe của Nho giáo cũng được đưa vào luật Hồng Đức.
Tuy nhiên, nhân dân không dễ dàng chấp nhận các giáo điều phong kiến Nho giáo Năm 1485, Thánh Tông vẫn dụ các quan: "Trẫm từ khi lên ngôi đến giờ phàm những phép dạy dân nên phong tục tốt... không cái gì là không nói ra trong lời huấn dụ... thế mà... tục dân vẫn chưa được tốt" Trong hàng ngũ quan lại, nho sĩ, những truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc vẫn chi phối cuộc sống tinh thần của nhiều người, điển hình là Nguyễn Trãi.
Trước đây, bọn phong kiến nhà Minh trong thời gian đô hộ nước ta đã lợi dụng Phật giáo và Đạo giáo để mê hoặc nhân dân. Chúng truyền bá các hình thức mê tín, tà thuật, phù phép, đào tạo hàng loạt thuật sĩ, đạo sĩ tà nhân chuyên sống bằng nghề ma chay, bói toán. Các chùa chiền mất dần ý nghĩa trang nghiêm, ruộng đất nhà chùa cũng tản mát, hoang hoá.
Lên ngôi hoàng đế, Lê Lợi đặt lệ thi tăng nhân, buộc các nhà sư phải trên 50 tuổi, thông hiểu kinh phật và qua một kì khảo hạch mới được nhà nước công nhận, ngoài ra đều phải hoàn tục.
Lê Thánh Tông, hạn chế Phật giáo và Đạo giáo chặt chẽ hơn. Năm 1461, nhà nước cấm quan lại, nhân dân không được xây thêm chùa quán mới, tự tiện đúc chuông, tô tượng. Hoạt động của bọn thầy cúng, thầy bói, đạo sĩ bị ngăn cấm. Các nhà sư uống rượu, ăn thịt đều bị bắt hoàn tục, phạm tội dâm ô thì bị lưu đầy. Năm 1471, Thánh Tông đặt ti Tăng lục và Đạo lục chuyên trách Phật giáo và Đạo giáo. Một số chùa quán được tu bổ.
Năm 1449, nhà Lê bắt đầu lập đền thờ Đô đại thành hoàng ở kinh sư cùng đền thờ thần gió, mây, mưa, sấm để hàng năm cúng tế. Năm đó, Nhân Tông cũng cho tổ chức ngày hội chiến thắng ban yến cho các quan, làm khúc nhạc "Bình Ngô phá trận" vừa tấu vừa múa "công thần có người cảm xúc đến phát khóc". Ngày hội được tiếp tục trong nhiều năm sau.
Điện Lam Sơn được xây dựng và hàng năm, các vua Lê ngự về cúng tế tổ tiên. Lam Kinh cũng là nơi dựng lăng của các vua thời Lê sơ. Trong nhân dân tục thờ cúng các anh hùng có công với nước được phổ cập. Những người có công trong khởi nghĩa Lam Sơn đều được nhân dân thờ phụng. Tục thờ tổ tiên phổ biến khắp nơi: Các dòng họ có công với làng, với nước đều xây đền thờ, ghi chép gia phả, cúng tế hàng năm.
c. Văn học, sử học
Văn học chữ Hán tiếp tục chiếm ưu thế, xuất hiện hàng loạt tập văn thơ nổi tiếng. Tập "quan trung từ mệnh” gồm trên 50 bức thư do Nguyễn Trãi
thay lời Lê Lợi viết gửi bọn quan tướng nhà Minh với nội dung đấu tranh ngoại giao quan trọng. Bản "Đại cáo bình Ngô" là một áng anh hùng ca tổng kết một cách tài tình cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đồng thời toát lên niềm tự hào dân tộc cao quý, chủ nghĩa yêu nước sáng ngời với tinh thần nhân nghĩa "lấy chí nhân thay cường bạo, đem đại nghĩa thắng hung tàn" của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Bên cạnh đó là hàng loạt thơ văn như ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Lam sơn thực lục của Nguyễn Trãi, Phú Xương Giang của Lý Tử Tấn, Phú Lam Sơn của Vu Mộng Nguyên v.v... Quỳnh uyển cửu ca của hội Tao Đàn (Tao Đàn nhị thập bát tú do Lê Thánh Tông thành lập và làm nguyên soái), Hồng đức quốc âm thi tập, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn, Xuân vân thi tập của Lê Thánh Tông, Trư liêu tập của Nguyễn Trực, Lã đường di tập của Thái Thuận, Cứu đài tập của Nguyễn Húc v.v... Một thể loại mới được nhiều người biên soạn là các sưu tập thơ văn như Quần hiền phú tập của Hoàng Sần Phu, Thi gia tinh tuyển của Dương Đức Nhan và Lương Như Hộc, Trích diễn thi tập của Hoàng Đức Lương, Quốc triều chương biểu của Trần Văn Mô v.v...
Như vậy, bên cạnh thơ văn chữ Hán ít nhiều nối tiếp tinh thần dânn tộc của thời Lý - Trần, văn học chữ Nôm đã giữ một vị trí quan trọng, không chỉ các nho sĩ, quan lại sáng tác thơ Nôm mà nhà vua cũng xem chữ Nôm là một phương tiện quan trọng thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình.
Tinh thần dân tộc đó cũng biểu hiện cả trong việc sưu tập thơ văn xưa, một mong muốn khẳng định "Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang".
Về sử học, từ sớm nhà sử học Phan Phu Tiên đã soạn Đại Việt sứ kí tục biên gồm l0 quyển, nối tiếp Đại Việt sử kí của Lê Văn Hưu, mở đầu với sự thành lập nhà Trần và kết thúc với việc quân Minh rút về nước (1427). Hiện nay bộ sử này đã mất.
Trên cơ sở các bộ sử cũ, tham khảo thêm Bắc sử, dã sử, các bản truyện, chí cùng những điều đã được nghe truyền, tra xét, so sánh", năm 1479 sử quan Ngô Sĩ Liên soạn Đaok Việt sử kí toàn thư gồm 15 tập, chia thành 2 phần: Ngoại kỉ chép từ họ Hồng Bàng đến 12 sứ quân (5 tập), Bản kỉ chép từ nhà Đinh đến Lê Lợi lên ngôi hoàng đế (10 quyển). Cùng với hai bộ sử chính thống này, có bộ Lam Sơn thực lục" của Nguyễn Trãi ghi lại toàn bộ quá trình chiến đấu giải phóng Tổ quốc của nghĩa quân Lam Sơn, Việt giám thông khảo của Vũ Quỳnh, Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung, Đại Việt lịch đại sứ kí'' và tập thơ Việt giám vịnh sứ của Đặng Minh Khiêm.
Ngoài các công trình văn học, sử học còn có nhiều công trình khoa học khác rất có giá trị như: Thiên nam dư hạ tập (100 quyển) ghi lại toàn bộ chế độ, luật lệ, văn thư, điển lễ của nhà Lê (nay chỉ còn 4-5 quyển), Hoàng triều quan chế, Dư địa chí, một tập sách địa lí lịch sử do Nguyễn Trãi soạn, An nam hình thang đồ của ĐàmVăn Lễ viết về địa lí Đại Việt, Hồng Đức bản đồ. Về y học có Bản thảo thực vật toản yếu của Phan Phu Tiên nghiên cứu về thuốc nam và cách phòng bệnh, Bảo anh lương phương của Nguyễn Trực, dạy cách giữ gìn sức khỏe cho trẻ em.
Về toán học có Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh và Lập thành toán pháp của Vũ Hựu.
Một công trình lịch sử nghệ thuật sân khấu đáng quý là Hí phường phả lục của Lương Thế Vinh cũng được lưu truyền.
d. Nghệ thuật
Cuối lê sơ, âm nhạc tương đối phát triển. Năm 1437, triều đình cử Nguyễn Trãi và Lương Đăng chế định nhã nhạc (dùng trong các nghi lễ của nhà nước). Nhưng do bất đồng ý kiến, Nguyễn Trãi xin từ. Lương Đăng dựa theo nhạc xưa và nhạc nước ngoài, chia nhã nhạc thành 8 loại (nhạc tế, nhạc lễ, nhạc yến tiệc, nhạc trong cung...) với các nhạc cụ như: trống, khánh, chuông, đàn, sinh, tiêu, quản, thược.v.v... Thời Thánh Tông, Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh được giao việc nghiên cứu nhạc nước ngoài để chế định lại lễ nhạc trong triều gồm 2 bộ Đồng văn, chuyên về luyện tập nhạc khí và bộ Nhã nhạc chuyên về ca hát. Âm nhạc dân gian bị đưa ra ngoài triều, gọi là tục nhạc, do ti Giáo phường trông coi. Bấy giờ nổi lên bản nhạc “Bình Ngô phá trận”, được tấu và múa vào những ngày hội mừng chiến thắng.
Trong nhân dân, các điệu múa thời xưa vẫn tiếp tục phát triển, Bên cạnh đó, nghệ thuật tuồng, chèo ngày càng phổ biến, thường được tổ chức vào các ngày hội, lễ, vui đầu năm v.v... Tuy nhiên, giai cấp thống trị xem thường nghề hát xướng, cho họ thuộc loại xướng ca vô loài", khuyên răn mọi người "không nên tập nghề hát xướng, hại đến phong tục" - Âm nhạc, ca múa không có điều kiện đúc kết, phát triển.
Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở thời Lê sơ không phát triển. Các công trình Phật giáo như chùa chiền, chuông tượng bị tàn phá nhiều ở những năm cuối Trần và đô hộ Minh, không có điều kiện phục hồi do sự hạn chế của nhà nước. Các vua Lê không chủ trương xây dựng thêm nhiều công trình mới. Kinh thành được xây dựng lại đàng hoàng hơn, Văn miếu được mở rộng. Cung điện nhà vua và dinh thự các cơ quan được sửa chữa, xây dựng thêm. nhưng dấu vết hiện nay không còn. Tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đương thời là những di tích của điện Lam Kinh: Hiện nay chỉ còn lại một vài bức tường, nền cột, bậc thềm và một số con vật bằng đá. Cung điện được xây đựng trên một khu đất hình chữ nhật dài 314m, rộng 254m, có tường thành bao bọc dày 1m. Trong các bia đá nổi lên bia Vĩnh Lăng (về Lê Lợi) cao 2m79, rộng 1m92 dựng tàn lưng một con rùa đá dài 3m46, rộng 1/m94. Hình rồng chạy 2 bên bia theo môtip hoa văn rồng giun.