1.Cho một ví dụ về tấm gương tự trọng.
Vài ngày trước đây, rất nhiều người trong chúng ta đã rưng rưng xúc động và cảm phục ông nông dân Lê Hảo ở Mộ Đức (Quảng Ngãi) đã đem trả 152 triệu đồng tiền huyện bồi thường nhầm với lý do: “Không phải của mình thì trả lại”. Và đây, lại một câu chuyện đẹp nữa về lòng tự trọng của con người.
Trên trang mạng xã hội facebook của mình, nhà văn Nguyễn Đông Thức kể lại, nhóm “Mô tô học bổng” đem sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm đến học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa của anh và nhà văn Đoàn Thạch Biền 3 năm nay đã gặp rất nhiều những câu chuyện cảm động.
Gần đây, khi đến trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, trong 30 sinh viên nghèo mà nhà trường giới thiệu, nhóm từ thiện đã chọn ra 5 bạn để trợ giúp.
Nhà văn viết: “Gọi điện thoại cho 5 cháu sinh viên khó khăn của trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, tất cả đều mừng rỡ khi được thông báo mình sẽ nhận sự hỗ trợ 500.000 đồng/tháng từ những Mạnh Thường Quân là bạn của tôi.
Chỉ duy nhất có một cháu run run xin được từ chối không nhận, vì cháu sắp ra trường (đang cuối năm 3) và do nhà quá khó khăn nên cháu sẽ xin đi làm ngay để phụ giúp gia đình.
Cháu nói vẫn mong sẽ có ngày học lên đại học, nhất định là như vậy, nhưng hẹn một thời gian sau và lúc đó có khó khăn sẽ gõ cửa bác Thức. Còn bây giờ thì phần học bổng dành cho cháu, các bác hãy ưu tiên dành cho các bạn đang tiếp tục học và gia đình quá khó khăn, còn rất nhiều ở Cà Mau.
Đó là cháu Nguyễn Chúc Ly (sinh viên năm 3 Khoa Kế toán, hộ cận nghèo, quê ở Ấp Xóm Lá, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình), có cha phải lên tận Đồng Nai làm thuê, mẹ lên TP Cà Mau làm phụ hồ.
Chúc Ly phải đứng trực bàn ở nhà hàng - mỗi đêm được 50.000 đồng - còn giờ rảnh thì nhận làm gia công nhang muỗi, người gầy gò nhỏ bé nhất, mà lúc tôi phỏng vấn đã khóc khi kể về hoàn cảnh gia đình mình, tôi đã đưa lên hàng đầu trong danh sách nên giúp đỡ.
Tôi hỏi đi hỏi lại, cháu vẫn nói cháu sắp không còn học nữa, và như vậy việc nhận tiền là không đúng mục đích của học bổng, cháu xin được từ chối.
Cúp máy xong, tôi cứ ngồi ngẩn ngơ một lúc lâu. Thêm một bài học cho tôi về nhân cách của một con người, giữa thời đại mà quá người giàu có vẫn còn ham hốt thêm hàng tỷ đồng tiền phi nghĩa”.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã đồng ý để tôi đưa câu chuyện của Chúc Ly đến với đông đảo bạn đọc, có lẽ chẳng có mục đích gì ngoài việc để chúng ta được sẻ chia với nhau cảm xúc ngưỡng mộ một con người đầy lòng tự trọng.
Đó là một câu chuyện quá nghẹn ngào. Số tiền học bổng 500.000 đồng/tháng, với nhiều người trong chúng ta có lẽ quá nhỏ bé, chẳng đáng là bao, nhưng với những sinh viên nghèo như Chúc Ly, đó là một bàn tay chìa ra đúng lúc.
Thế nhưng cô sinh viên nghèo cũng không dám nhận. Vì cô tự xét thấy hoàn cảnh của mình, hết năm thứ 3 của trường cao đẳng, sẽ phải nghỉ học để đi làm giúp gia đình, nhận học bổng ấy là sai mục đích nên xin nhường học bổng cho những bạn khó khăn hơn.
Chúc Ly rất đáng nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người. Vì dù nghèo khó vất vả nhưng em không tham, không nhắm mắt nhận bừa số tiền học bổng và cao đẹp hơn, Chúc Ly xin nhường lại cho những bạn còn khó khăn hơn mình.
Thế mới biết, trên đời này, không có gì bao la rộng lớn hơn tình người, không có gì đẹp đẽ hơn tình người. Cái tình người hào phóng ấy, càng cảm động hơn khi nó không đến từ những người no đủ mà từ những người nghèo khó, đang nhặt nhạnh từng đồng xu.
Tôi vẫn luôn tin rằng, người như Chúc Ly nhất định sẽ thành công trong cuộc đời này dù hôm nay gia cảnh em khốn khó, dù hôm nay em không có đủ tiền để hoàn thành ước mơ được học đại học.
Một người tuy nghèo tiền bạc nhưng giàu có nhân cách và lòng tự trọng như vậy, dù có rơi vào hoàn cảnh nào cũng tỏa sáng rạng rỡ, em là niềm an ủi cho tất cả chúng ta.
Chỉ tiếc rằng, lòng tự trọng trong xã hội hôm nay dường như đang rơi vào thời kỳ suy thoái, nhất là ở một bộ phận những người có quyền, có tiền.
Nhất định đất nước chúng ta sẽ có tương lai tươi sáng nếu bất kỳ công dân nào, dù đang ở vị trí nào, cao hay thấp đều có được ứng xử giàu lòng tự trọng như Chúc Ly.
Chúng ta đều tin vào điều đó.
2.Cho một ví dụ về tấm gương xây dựng gia đình văn hóa.
Tấm gương gia đình văn hóa tiêu biểu
Nhân cách mỗi cá nhân đều được hình thành và phát triển từ nền tảng văn hóa gia đình. Vì vậy việc xây dựng gia đình văn hóa là cơ sở để xây dựng con người và xã hội văn minh. Dưới đây là những chia sẻ trong việc xây dựng hạnh phúc ở hai gia đình văn hóa tiêu biểu mẫu mực của huyện Lương Tài.Gìn giữ nếp nhà, đậm đà hạnh phúc
Được biết đến là một gia đình văn hóa tiêu biểu mẫu mực nhiều năm của huyện Lương Tài, gia đình Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hải Đường ở thôn Bùi, thị trấn Thứa hiện có 3 thế hệ cùng chung sống. Đại gia đình ông giáo Đường có tất cả 64 thành viên, trong đó 18 người con, 28 người cháu và 16 chắt nội ngoại. Gia đình hiện có 2 thạc sỹ, 34 người trình độ Đại học và 4 người có hai bằng Đại học. Với truyền thống hiếu học, ông giáo Đường đã thành lập một quỹ khuyến học gia đình. Vào dịp nghỉ lễ 1-5 và Tết Nguyên Đán hàng năm, đại gia đình thường sum họp đông đủ để tổ chức phát thưởng cho con cháu có thành tích tốt trong học tập và công tác.
Không chỉ định hướng con cháu chăm ngoan, học giỏi mà còn thường xuyên uốn nắn, nhắc nhở các thành viên trong gia đình về ý thức gìn giữ nền nếp, gia phong, NGƯT Nguyễn Hải Đường chia sẻ: Tôi thấy môi trường gia đình vô cùng quan trọng. Mỗi người có 24 tiếng một ngày thì chỉ 1/3 thời gian là học tập, công tác ngoài xã hội, còn lại 2/3 thời gian là sinh sống tại gia đình. Vì thế, ông bà, bố mẹ phải luôn dành thời gian quan tâm, giáo dục định hướng tư tưởng, lối sống đạo đức và hình thành nhân cách cho con cháu từ tấm bé. Trong những dịp đoàn tụ gia đình, trước toàn thể con cháu nội ngoại, tôi thường có một bài phát biểu nói về truyền thống, nền nếp gia đình và căn dặn mỗi thành viên phải luôn có ý thức tu dưỡng đạo đức, sống lành mạnh, ăn ở hài hòa, cư xử đúng đạo lý, biết tôn trọng người khác. Tôi cho rằng, xây dựng gia đình văn hóa là để gìn giữ nếp nhà, vun đắp hạnh phúc làm nền tảng phát triển nhân cách cháu con.
Với gia đình ông Trần Văn Chính và bà Nguyễn Thị Cúc ở thôn Tam Sơn, xã Tân Lãng thì bí quyết xây dựng gia đình văn hóa, giữ gìn tổ ấm hạnh phúc bền chặt chính là bố mẹ phải thường xuyên quan tâm, kèm cặp và định hướng các con chăm ngoan học giỏi, trở thành người có ích cho xã hội. Ông Chính tâm sự: Những năm trước, nghề chính của vợ chồng tôi là nuôi cá và buôn bán gà. Dù bận rộn làm ăn, phát triển kinh tế song vợ chồng tôi chủ trương dành thời gian để theo sát việc học tập của các con. Cả ba đứa con, đứa nào tôi cũng kèm học đến hết lớp 5. Từ đó hình thành nền nếp, ý thức học tập cho các cháu. Đến nay, hai cháu lớn là Trần Xuân Trưởng và Trần Thị Cải đều tốt nghiệp Học viện Tài Chính, có việc làm ổn định. Con trai út là Trần Anh Tú vừa học xong lớp 10, trường THPT Lương Tài cũng liên tục đạt học sinh giỏi. Tôi nghĩ, mỗi nhà có cách riêng để giữ gìn hạnh phúc nhưng kinh tế chỉ một phần, quan trọng nhất là bố mẹ phải sống mẫu mực, làm gương và luôn sát sao, kèm cặp để hình thành ý thức đạo đức cho các con từ nhỏ. Bản thân mỗi thành viên trong gia đình cũng cần có ý thức vun đắp, bảo vệ tổ ấm của mình khỏi những tác động tiêu cực từ bên ngoài, cần sự thấu hiểu lẫn nhau, biết yêu thương, nhường nhịn và chia sẻ.