Tham khảo:
Không gian trong “Lửa thiêng” là sự hoá thân của Thiên đường, của sự hoà đồng nguyên thuỷ cổ xưa. Đó là không gian mang tính vĩnh viễn và là đối tượng để con người chiêm nghiệm và chiêm ngưỡng. Tâm trạng nhớ, buồn, sầu, không gian tràn ngập Lửa thiêng là không gian trung đại, truyền thống. Không gian trần thế nghiêng về không gian tự nhiên, không gian nông thôn với cảnh sông hồ, đường làng, vườn tược…
Tràng giang là bài thơ về không gian, chứa đầy không gian. Nhà thơ tả cái mênh mông không gian bằng những vật thể nhỏ như một cành củi khô, một cái cồn nhỏ lơ thơ, những đám bèo trên sông… bởi lẽ chúng chuyên chở cảm giác cô đơn, rợn ngợp của con người. “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” được gợi ý từ hai câu kết trong bản dịch thơ Thôi Hiệu của Tản Đà, và vẫn thường được ca ngợi là hay hơn Tản Đà ở sự không khói?! Nỗi nhớ quê hương thường trực trong lòng đến nỗi không cần sự gợi nhắc. Nhưng đây là câu kết của bài thơ nói về không gian nên nhớ nhà ở đây chính là nhớ không gian. Dĩ nhiên, không gian tượng trưng: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.
Đó là không gian mở, giữa con người và không gian luôn có sự tương giao.
Nhớ không gian, giao tiếp không gian và khát vọng không gian chiếm lĩnh như một đối tượng thẩm mĩ. Khi đó con người trở thành không gian và không gian trở thành con người, không còn chủ thể, khách thể phân biệt. Trạng thái con người siêu cá thể trung đại đạt được với tư cách tiểu vũ trụ hoặc trạng thái hoà đồng nguyên thủy cổ xưa. Thời gian và không gian trong Lủa thiêng hoà nhau chặt chẽ. Lửa thiêng là khát vọng không nguôi của con người trong sự chiếm lĩnh không gian. Con người — một thực thể hữu hạn trong không gian, thời gian lại có khát vọng bất tử. Chiếm lĩnh không gian, trở nên trường tồn như không gian có nghĩa là con người khắc phục được thời gian đổ trở thành bất tử. Ước mơ rồ dại trở thành nhân bản là bi kịch lớn nhất, sâu sắc nhất của nhân loại. Khí quyển của Lửa thiêng là âm điệu buồn.
Không gian nghệ thuật của Lửa thiêng hội tụ những yếu tố trái ngược nhau, hoà hợp nhau. Đó là những yếu tố trung đại và hiện đại, phương Đông và phương Tây, lối nói ví von của ca dao tục ngữ và thơ Đường và chủ nghĩa tượng trưng trong thơ Pháp. Cội nguồn sâu xa là cái “tôi” cá thể cô đơn, bất lực nên vẫn liếc mắt về cái ta truyền thống của làng xã như nhìn về quá khứ tốt đẹp. Các yếu tố này đối lập và thống nhất với nhau trong từng thành phần và cấp độ của tác phẩm. Để đạt sự cân đối hài hoà, giàu tính bác học, ít chất dân dã, Huy Cận xếp các câu thơ của mình thành từng khối chữ (khổ thơ) bốn câu hoặc hai câu. Ông thích dùng từ Hán Việt để có màu sắc trang trọng phù hợp với không khí thi phẩm hoặc cách dùng từ độc đáo, rắn chắc.