Nước ta có vùng biển rộng, bờ biển dài, nơi đổ về của nhiều con sông lớn; đồng thời, là nơi có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, với trữ lượng lớn. Điều đó đã, đang tạo sức hút và sự tham gia sôi động của các ngành kinh tế biển, nhưng kèm theo đó, nguy cơ gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển cũng không ngừng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái và nhiều mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, các tác nhân gây ô nhiễm đó lại qua nhiều “nhiễu động”, biến đổi phức tạp, nên không dễ nhận biết nguồn gốc. Theo các nhà khoa học, tác nhân gây ô nhiễm và suy thoái môi trường biển là do con người và tự nhiên, được phân thành các nhóm: từ lục địa mang đến; các chất thải ở vùng ven và trên biển đổ ra; từ không khí đưa xuống và tác động do biến đổi địa chất từ đáy biển đẩy lên,… trong đó, tác nhân do con người là chủ yếu và nghiêm trọng nhất.
Để thuận tiện trong đánh giá, người ta đã chia các tác động môi trường biển thành hai cấp độ cơ bản: trường diễn và cấp diễn. Tác động trường diễn bao gồm sự xâm nhập của một chất độc hoặc một yếu tố do con người gây ra, thường trong thời gian dài và ở mức độ tương đối thấp, gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường từ từ. Còn tác động cấp diễn, biểu hiện khi hoạt động xả thải với khối lượng lớn, trong thời gian ngắn, có thể gây hiệu ứng đột biến về môi trường. Điển hình cho cấp độ này là hoạt động xả thải trái phép, trên quy mô lớn của công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, đã gây sự cố môi trường biển đặc biệt nghiêm trọng cho 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4-2016.
Ngoài ra, dưới góc độ của công tác quản lý môi trường biển, ô nhiễm có nguồn gốc rất phức tạp, có thể phát sinh từ một nguồn, một địa điểm hoặc đa nguồn, nhiều địa điểm. Ở trường hợp thứ nhất, quản lý và xử lý nguồn phát thải là tương đối đơn giản; đối với trường hợp thứ hai sẽ phức tạp hơn. Vì vậy, bảo vệ môi trường biển được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, lực lượng và toàn dân, trên các nội dung chủ yếu sau:
1. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương, các thành phần kinh tế và toàn dân về quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên biển; chú trọng công tác phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp với xử lý có hiệu quả ô nhiễm, cải thiện môi trường biển, vùng ven biển.
2. Tăng cường thực thi Luật Bảo vệ môi trường, nhất là đối với các hành vi hủy hoại môi trường biển. Tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý tổng hợp, thống nhất đối với biển và hải đảo, đảm bảo sự phát triển đa ngành, đa mục tiêu, đa lợi ích giữa Nhà nước, tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương; hạn chế mâu thuẫn về lợi ích giữa các bên trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên - môi trường biển.
3. Chú trọng việc kiểm soát chặt chẽ môi trường biển, nhất là sử dụng các công cụ pháp lý liên quan trong kiểm soát, đánh giá tiêu chuẩn, tác động môi trường; quan trắc - cảnh báo xác định các “điểm nóng” môi trường hoặc ô nhiễm,… để có biện pháp xử lý kịp thời.
4. Nhà nước sớm xây dựng và ban hành các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, nhất là chi tiết hóa mức độ vi phạm, xử phạt; tăng cường tham vấn với các bên liên quan, tạo chuyển biến tích cực trong quản lý, bảo vệ môi trường biển, đảo của Tổ quốc.