Bước vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam đang trên đà hội nhập nhiều lĩnh vực với sự phát triển của thế giới đương đại. Rất nhiều cơ hội và thử thách được tạo ra dành cho đất nước 90 triệu dân này. Và một điều tất yếu là thanh niên cũng phải góp một phần sức lực để kiến thiết nước nhà. Và để nhắc nhở lớp trẻ không quên nghĩa vụ của mình, trước khi ra đi, nhà thơ Thanh Hải đã viết lên "Một nốt trầm" khiến tất cả mọi người "xao xuyến". Và nốt trầm đó chính là bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ". Lần mở vài trang sách và mất một ít thời gian để cảm thụ, bạn sẽ nhận ra tác phẩm đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ hay xem lại lối sống của mình và một dấu hỏi lớn được đặt ra : "Lí tưởng sống của thanh niên ngày nay là gì ?"
Lí tưởng sống là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới, là lí do, mục đích mà ai cũng mong mỏi đạt được. Người có lí tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện bản thân, giúp ích cho mình, gia đình, xã hội và đất nước. Và lí tưởng sống của thanh niên ngày nay chính là cống hiến hết mình vì tổ quốc, vì tương lai của đất nước hay xa hơn cũng là tiền đề vững chắc cho những chủ nhân của tương lai khác và "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải ra đời đã thể hiện sự cảm nhận đầy tự hào về bước đi lên thanh xuân của đất nước, đồng thời, nó cũng là một tâm nguyện dâng sức xuân cho cuộc sống cách mạng của tác giả.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã vẽ ra một bức tranh thiên nhiên mùa xuân xứ Huế tươi mát, đẹp đã. Bằng một vài nét phác họa bức tranh mùa xuân quê hương đã hiện lên với một khoảng không gian khoáng đạt, cao rộng, êm dịu và đầy chất thơ. Hơn thế, bức tranh mùa xuân còn ghi vào lòng người những âm thanh lảnh lót của " Con chim chiền chiện" khiến cho niềm xúc động bồi hồi, xốn xang chợt bật thành tiếng hỏi: "Hót chi mà vang trời" . Sau những cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên là những cảm nhận thật hơn về sức xuân nảy nở nơi những con người chiến đấu và lao động để bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước. Những" người cầm súng" ,"người ra đồng", ... Họ đã mang cả mùa xuân, sức xuân ra đồng, ra chiến trường và hơn thế nữa, họ đang mang cả "lộc" về cho đất nước. Cả dân tộc đang tràn đầy nhựa sống trước mùa xuân nhiệm màu." Tất cả như hối hả", khẩn trương trong công việc để cống hiến, xây dựng đất nước. Và thêm từ ̀"xôn xao" như diễn đạt một sự thay đổi, một sự chuyển biến trong tâm hồn mỗi con người trước mùa xuân. Tất cả mọi người đang đóng góp những mùa xuân nhỏ bé của mình cho mùa xuân của đất nước. Và khổ thơ bốn, năm là hai khổ thơ bộc lộ rõ nhất chủ đề của bài ,là ước nguyện thiết tha muốn hòa mình cùng mùa xuân đất nước, ước nguyện dâng hiến tài sức cho đời. Và trước tiên, ước nguyện của nhà thơ là ước nguyện muốn hòa mình cùng thiên nhiên đất nước:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
Ở khổ thơ này đã có sự lặp lại cấu trúc ngữ pháp, bắt gặp những hình ảnh "cành hoa", "con chim" những tín hiệu mùa xuân. Trong muôn ngàn điều ước, tác giả chỉ ước làm một tiếng chim trong muôn ngàn tiếng hót để gọi xuân về, một bông hoa trong muôn triệu đóa hoa để tô điểm cho mùa xuân. Những ước muốn giản dị để thành những vật nhỏ bé, nhưng chính những vật nhỏ bé này "Tích tiểu thành đại" để tạo nên mùa xuân, tạo nên sắc xuân. Không những vậy, tác giả còn muốn là một nốt trầm nhưng là "nốt trầm xao xuyến" trong bản hòa ca êm ái. Chỉ là một nốt trầm kín đáo, khiêm nhường, chứ không phải một nốt thanh thánh thót, nổi trội, tác giả muốn là một nốt trầm có ích cho đời . Những ước muốn tưởng như giản dị ấy lại có một ý nghĩa lớn lao. Là phải đóng góp những gì tươi đẹp nhất cho cuộc đời hay đất nước, dù đó là sự cống hiến khiêm nhường, giản dị. Điêu đó không chỉ là ước muốn của riêng tác giả mà có thể là của tất cả mọi người, của tất cả chúng ta. Hà cớ phải trong mong những thứ xa vời, trong khi điều lớn lao thực sự bắt nguồn từ những điều nhỏ bé nhất. Sau mong ước hòa nhập, tác giả đã đi đến khát vọng cống hiến bền bỉ của mình:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc."
Khổ thơ như là một lời nhắn nhủ , một lẽ sống. Sống là để cống hiến. " Mùa Xuân nho nhỏ" còn là quan điểm đúng đắn về mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể, giữa mỗi con người với cuộc đời chung của đất nước. Thanh Hải đã chọn cho mình một cách cống hiến không phô trương, không ồn ào, cống hiến một cách âm thầm, lặng lẽ trong mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi. Khổ thơ như là sự tổng kết, chiêm nghiệm từ tuổi 20 căng tràn nhựa sống đến khi phải nằm trên giường bệnh của nhà thơ. Là lời cho riêng mình, đoạn thơ bỏ trống cách xưng hô nhưng điều đó lại mở rộng tới mọi người, lay động mọi người với chung một ý nghĩ. Và liệu ông có nhận ra, chính những nốt trầm của ông khiến cho ta phải thẹn, chính những nốt trầm của ông khiến cho âm vực thanh cao kia phải ngả nón cúi mình?
Nhưng hiện nay, phần lớn thanh niên không biết thẹn. Họ sống hờ hững với những gì diễn ra xưng quanh, cứ ôm cái suy nghĩ: " Ta luôn có cơ hội thứ hai, chẳng phải cuộc sống ban cho ta thứ gọi là ngày mai hay sao?" Và mục tiêu của họ của họ là phải thật thành công trong cuộc sống, khẳng định vị thế của mình trong xã hội, kiếm " một ít" tiền để thỏa mãn nhu cầu sống của riêng mình. Nhưng nếu chỉ vì như vậy, liệu có đáng để quan tâm đến hay không? Điều đáng để bàn luận là họ - những bậc thượng lưu, không cống hiến cho đời lại miệt thị những người đang cố gắng góp một ít sức lực của mình cho đất nước. Họ sử dụng tiền và quyền của mình khiến xã hội ngày nay biến động không ngừng. Hệ lụy, lý tưởng sống của lớp trẻ trở nên thực dụng hơn bao giờ hết, khiến lớp trẻ chạy theo những giá trị vật chất, chuộng lối sống tiêu thụ, buông thả hơn. Cũng không thể trách lớp trẻ không có tính tự chủ, tất cả đều có nguyên do của nó. Một khi những mức chuẩn giá trị biến đổi, một khi người trẻ có khả năng lựa chọn, họ dễ dàng thay đổi hơn. Một điều đáng tiếc nữa khi có quá nhiều " lối đi", họ quên đi " tấm bản đồ" và kết quả đã được lường trước, nhân cách của họ bị tha hóa dần theo thời gian. Nhưng tìm một" tấm bản đồ" tốt không phải là vô vọng. Chúng ta vẫn có thể nhìn thấy những ngôi sao sáng ở trên màn trời đêm kia. Đó là Ngô Bảo Châu, đó là Đỗ Nhật Nam, là những tấm huy chương vàng trong những kỳ thi Olympic quốc tế hay các kỳ thi Rôbôcon, ... Vẫn có những nhà kinh tế trẻ tuổi không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn làm giàu cho xã hội... Tuy không mấy âm thầm và lặng lẽ, nhưng họ cũng đã có những lý tưởng sống tốt đẹp cho chính họ và cả đất nước của chúng ta. Thực ra mà nói, trên đời này đâu phải cứ thông minh, tài giỏi là thành công đâu? Vấn đề là phải có lý tưởng và theo đuổi nó đến cùng.
Tất cả chúng ta đều giống như những chùm pháo hoa. Chúng ta tiến về phía trước, chúng ta tỏa sáng và luôn luôn vượt qua rào cản của bản thân và tiến xa hơn, xa hơn nữa, cho dù thời điểm đó tới, khi pháo vụt tắt. Nhưng chí ít, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục sáng trong lòng người khác. Hãy cứ cố gắng nỗ lực dù ước mơ thường hay phản bội ta. Và khi ta thất bại, ta còn có quyền đổ lỗi cho số phận.