Ngày này 71 năm về trước, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông - Nam Á. Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định cuộc đấu tranh cách mạng kiên cường của dân tộc Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo, đã giành được độc lập và khẳng định được vị thế độc lập của dân tộc Việt Nam. Nhân dân ta đã đứng lên làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của mình. Trong công cuộc đổi mới, chúng ta vẫn luôn đoàn kết một lòng vượt mọi khó khăn, thử thách để xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ theo tinh thần Tuyên ngôn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc ta đã vượt qua những thác ghềnh của lịch sử để quyết tâm xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nêu rõ: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhờ sức mạnh đại đoàn kết, nhân dân ta đã đánh bại những kẻ xâm lược tàn bạo và lập nên những chiến thắng lừng lẫy trong lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Nhờ sức mạnh đại đoàn kết mà nhân dân ta đã phát triển kinh tế, xã hội; đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt mang ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc. Chính vì vậy, cần không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là kết quả hợp thành của nhiều nhân tố: Lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đại đoàn kết đã trở thành truyền thống quý báu; ý thức độc lập, tự cường, tự tôn dân tộc; sự năng động, sáng tạo, dũng cảm, kiên cường, sẵn sàng hy sinh của người dân Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử khác nhau của đất nước. Quá trình đấu tranh gian khổ của dân tộc ta ngày càng bồi đắp lòng yêu quê hương, đất nước, tình đoàn kết bền chặt của các tầng lớp nhân dân.
Những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Nội dung, phương thức phát huy sức mạnh đại đoàn kết phải được thường xuyên hoàn thiện, bổ sung phù hợp nhu cầu và hoàn cảnh đất nước từng giai đoạn. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn phải hướng vào mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của tất cả các ngành sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh ứng dụng và sáng tạo khoa học - công nghệ, hội nhập quốc tế thắng lợi. Trên cơ sở các phong trào hành động của thanh niên, nông dân, công nhân, phụ nữ, công chức, viên chức, nhà khoa học, doanh nhân, cần tạo ra sức mạnh nội lực để không ngừng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước giàu mạnh.
Với niềm tin vào sự đổi mới và lãnh đạo sáng suốt của Đảng, vào tương lai tươi sáng của đất nước, các tầng lớp nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, chung lòng cùng Đảng và Nhà nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống.