Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 11
Số lượng câu trả lời 5
Điểm GP 3
Điểm SP 17

Người theo dõi (2)

Girl Cherry
Linnguhoc

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Bác Hồ là một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc có tâm hồn của một thi sĩ rất mực tài hoa. Vì vậy khi bị bắt vào tù, Người mới có điều kiện mở lòng đón nhận những vẻ đẹp của thiên nhiên. Bởi thế mà trong Nhật ký trong tù bên cạnh những bài thơ thể hiện tinh thần "thép" trực tiếp của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh vĩ đại, còn có những bài viết về thiên nhiên rất đặc sắc.

Các nhà thơ cổ điển Trung Quốc cũng như Việt Nam xưa nay vẫn luôn lấy thiên nhiên làm nguồn thi hứng cơ bản của thi ca. Qua những bức tranh phong cảnh, tác giả muốn bộc lộ cảm hứng về đất nước con người, biểu hiện ít nhiều tình cảm chủ quan của người viết. (Một cách tiếp xúc với phong cảnh, một cách nhận thức, một cách nhìn và mối quan hệ giữa tâm hồn con người với cảnh vật). Cho nên đằng sau những bài thơ tả cảnh khách quan, thiên nhiên trong thơ Bác cũng nằm trong quy luật khách quan đó, ta thường bắt gặp một con người. Tuy nhiên đi sâu tìm hiểu, chúng ta thấy thơ Bác vừa có cái chung, vừa có nét riêng đặc sắc. Thiên nhiên trong Nhật ký trong tù rất phong phú, đa dạng, mỗi bài thơ là một bức tranh nên thơ nên hoa, có những cảnh đẹp lộng lẫy thể hiện rõ khát vọng tự do, khát vọng lãng mạn của Bác. Thiên nhiên trong thơ Bác phong phú, đa dạng, đẹp đẽ nên thơ.

Trong số một trăm ba mươi bài thơ của Nhật ký trong tù đã có trên dưới vài chục bài thơ tả cảnh. Ngay ở những bài thơ, Bác không chú tâm tả cảnh, ta vẫn bắt gặp rất nhiều hình ảnh thiên nhiên. Nhìn chung hình ảnh thiên nhiên trong thơ Bác có nội dung phong phú và có sự biểu hiện đa dạng, sinh động, đẹp đẽ và hấp dẫn.

Bác Hồ chiêm ngưỡng thiên nhiên trong mọi thời khắc, có cảnh nắng, cảnh mưa cảnh sớm, cảnh trưa, cảnh chiều, cảnh tối. Có những cảnh mang vẻ đẹp lộng lẫy "Sông núi muôn trùng trải gấm phơi", có những cảnh mang vẻ đẹp bình dị, kín đáo thơ mộng. Đó là cảnh hoàng hôn với những âm thanh quen thuộc và cổ kính đầy gợi cảm:

Chùa xa chuông giục người nhanh bước
Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay.

(Những câu thơ phảng phất giọng thơ Bà Huyện Thanh Quan)

Cảnh thiên nhiên trong bài Mới ra tù, tập leo núi cũng thật đẹp nên thơ, vừa hùng vĩ, vừa êm ả sáng trong. "Núi ấp ôm mây, mây ấp núi". Không thể nào phân tích hết những câu thơ thể hiện cái đẹp tinh tế của thiên nhiên trong Nhật ký trong tù.

Như vậy, nét đặc sắc dễ thấy về hình ảnh thiên nhiên trong thơ Bác là ngay trong chốn đọa đày, tù tội, xiềng xích, đói rét, ốm đau, đâu phải là hoàn cảnh thuận tiện cho cảm hứng thiên nhiên nảy sinh. Ấy vậy mà độc giả chúng ta vẫn được thưởng thức biết bao hình ảnh thiên nhiên nên thơ, nên họa, được Bác viết bằng một cảm hứng say đắm, dạt dào. Bởi lẽ:

Nói đến thiên nhiên là nói đến khát vọng tự do, khát vọng lãng mạn. Những bài thơ nói về thiên nhiên của Bác là biểu thị một thái độ muốn vượt lên trên cái hiện thực bị giam cầm tù đày, đau khổ:

Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng
Vui say ai cấm ta đừng
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu

Dẫu trói chân tay đến ngặt nghèo,
Khắp rừng hương ngát với chim kêu;
Tự do thưởng ngoạn, ai ngăn được,
Cỏ quanh đường xa, vợi ít nhiều

Với quan niệm đó, tâm hồn Bác thường hướng đến những hình tượng thiên nhiên đẹp như tiếng chim hót, bông hoa ngát hương và đặc biệt có ý nghĩa là hình tượng vầng trăng và mặt trời.

Trước hết là hình ảnh vầng trăng. Xưa nay, trăng thường tượng trưng cho ước mơ, niềm vui, hạnh phúc thanh bình, cho khát vọng tự do. Vì thế "Thơ Bác đầy tráng” (Hoài Thanh). Ở trong từ "không được tự do thưởng nguyệt", thì Bác đã để cho tâm hồn mình "bay theo vời vợi mảnh trăng thu" (Trung thu).

Sống trong cảnh chân bị cùm, tay bị xích, nhưng Bác vẫn hiện lên trong tư thế của một thi nhân. Bài Ngắm trăng đã diễn tả khá chân thực và cảm động điều đó. Hiện thực nhà tù khô khan; không rượu cũng không hoa vẫn không thể ngăn cản nổi tâm hồn xốn xang dạt dào cảm xúc của Bác khi vầng trăng đẹp xuất hiện.

Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Và thế là bất chấp song sắt nhà tù tàn bạo, Người đã hướng tới vầng trăng trong một niềm cảm thông kỳ lạ.

Người ngắm trăng soi…
Trăng nhòm khe cửa…

Qua hình ảnh thơ, chúng ta không còn thấy nhà tù đâu nữa mà chi thấy nổi bật lên trên trang thơ là hình ảnh một vầng trăng lung linh tỏa sáng và một thi nhân ung dung thư thái với tâm hồn đắm say với trăng. Đằng sau cái phong thái ngắm trăng ung dung ấy là cả một bản lĩnh thép phi thường của Bác Hồ kính yêu. Đó cũng là một sự tự vượt ngục về tinh thần Thật kỳ diệu của người chiến sĩ cộng sản kiên cường".

Thơ của Bác không chỉ là thơ của một thi sĩ tài hoa mà còn là thơ của một chiến sĩ cách mạng nắm vững quy luật vận động của cuộc sống, lịch sử. Vì vậy, cùng với hình ảnh vầng trăng, thơ Bác cũng rất nhiều hình ảnh mặt trời (Mặt trời luôn luôn ửng đỏ trong thơ Bác xua tan bóng tối âm u, đưa lại một bình minh tươi sáng). Bởi mặt trời là nguồn sinh khí trong cảnh tù đày, tăm tối, mặt trời cùng tượng trưng cho tương lai tươi dẹp của cách mạng và cuộc đời chung:

Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc
Đầu non sớm sớm vầng dương mọc
Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng

"Trời hửng" là một bức tranh thiên nhiên sinh động, dưới ánh nắng, đất trời hiện lên như một "bức thảm thêu bằng chữ bạc chữ vàng trên nền gấm đỏ" – Đặng Thai Mai. Đó là thiên nhiên được cảm nhận bởi một trái tim phơi phới lạc quan. Có thể nói chưa bao giờ có nhiều hình ảnh bình minh như trong Nhật ký trong tù, cảnh nào cũng rực rỡ tràn ngập ánh sáng và sức sống, được  tả bằng một ngòi bút khoáng đạt hào hùng và mãnh liệt. Giữa đêm đen của ngục tối Hồ Chí Minh nhận ra ánh sáng bình minh bừng lên phía chân trời:

Trong ngục giờ đây còn tối mịt
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi

Đó là cảnh bình minh của đất trời, nhưng cùng là biểu tượng bình minh của thời đại. Những điều đã trình bày trên cho thấy Bác Hồ thực sự có một tâm hồn nghệ sĩ rất nhạy cảm với cái đẹp của thiên nhiên, và tâm hồn Người đang mở ra với thiên nhiên. Đã thế ngòi bút của Bác lại tài hoa tinh tế nên mới có thể viết nên được những câu thơ vừa giản dị vừa đầy thiên nhiên như vậy.

Trong thơ Bác, con người gắn bó hài hòa với thiên nhiên, là tri âm tri kỷ của nhau. Trăng đối với Bác như người bạn đã dành cả đến những cánh hoa hồng kia nữa cũng như thấu hiểu lòng nhà thơ nên đã nhờ làn hương của mình bay vào nhà giam để chia sẻ nỗi niềm với người tù bằng một mối cảm thông sâu sắc đến kỳ lạ (Vãn cảnh).

Có khi thiên nhiên đã trở thành nơi bộc lộ tâm tình của thi nhân: "Vân ủng trùng sơn., như trần” mây núi hòa quyện vào nhau phải chăng còn nói tình cảm thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa bạn bè, đồng chí? Và lòng sống sạch như gương ấy chính là tấm lòng trong trẻo không chút bụi nào làm đục được của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Ái Quốc?

Cổ điển và hiện đại vốn là nét phong cách nổi bật trong thơ trữ tình của Bác. Nét phong cách ấy được thể hiện đầy đủ nhất trong đề tài thiên nhiên.
Màu sắc cổ điển trong thơ thường được biểu hiện ở việc hay tìm cảm hứng về thiên nhiên, nhất là trăng, thường viết về đề tài "đăng sơn ức hữu".

Điểm nhìn trong thơ thường từ chỗ cao, xa, bao quát cả không gian cao rộng, trời mây non nước. Bút pháp cổ điển không tả kỹ chỉ phác họa một vài nét nhằm làm nổi bật lên cái hồn của cảnh. Và nhân vật trữ tình trong thơ thường hiện lên với phong thái ung dung nhàn tản giữa cảnh non nước bao la như một nhà hiền triết xưa (Bài thơ Ngắm trăng, Mới ra tù, tập leo núi Vọng nguyệt, Chiều tối… của Bác là những bài thơ tiêu biểu nhất cho phương diện này).

Thơ Bác rất cổ điển mà cùng rất hiện đại. (Hiện đại vì có nội dung cách mạng, tư thế, cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của người cách mạng trong thời đại mới). Nếu như thiên nhiên trong thơ xưa, con người thường hòa tan hoặc chìm trong cảnh, thì ở thơ Bác, con người là trung tâm, ánh sáng, linh hồn của cảnh. Và cảnh ở đây rất sống động, luôn luôn vận động khỏe khoắn hướng về phía ánh sáng và tương lai, không tĩnh lặng như thơ xưa, vì nó được sức sống con người phả vào, và được nhìn thấy bằng "đôi mắt" lạc quan cách mạng nên rất vui.

Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng
Trời ấm hoa cười chào gió nhẹ.
Cây cao chim hót rộn cành tươi
Người cùng vạn vật đều phơi phới
Hết khổ là vui vốn lẽ đời
Bồi hồi độc bộ tây phong lĩnh

Tìm hiểu những bài thơ viết về thiên nhiên của Bác, chúng ta thấy nhân vật trữ tình không chỉ xuất hiện với tư cách là một thi sĩ mà còn hiện lên với tấm lòng của một nhà nhân đạo luôn yêu-thương, gắn bó, quan tâm đến con người và cuộc sống. Đi qua một vùng được mùa, Bác đã hòa niềm vui với cái vui của nhân dân. Nhưng khi trông thấy nhân dân mất mùa, cánh đồng khô hạn thì Bác đã    buồn nỗi buồn của nhân dân. (Từ Long An đến Đồng Chính). Có thể nói ở nhiều bài thơ, cảm quan thiền nhiên của Bác cũng là cảm quan nhân đạo.

Thơ của Bác rất lãng mạn mà cũng rất hiện thực. Và Nhật ký trong tù trước hết là một tập thơ ghi lại những sinh hoạt của người tù trong nhiều cảnh ngộ thật cay đắng trớ trêu. Vì thế thiên nhiên không phải bao giờ cũng đẹp đẽ nên thơ, cũng có khi nó trở thành thiên tai đầy đọa hành hạ con người.

Lúc này hình ảnh thiên nhiên được mô tả hết sức chân thực. Bác ghi lại nhiều đêm lạnh, không ngủ được khiến cho đêm như dài thêm ra; Hoặc phải chuyển lao trong cảnh "Rát mặt đêm thu trận gió hàn" hoặc "Gió sắc tựa gươm mài đá núi – Rét như dùi nhọn chích cành cây" hay "Đi đường mái biết gian lao, Núi cao rồi lại núi cao trập trùng". Và những hình ảnh thiên nhiên khắc nghiệt ấy chính là những thử thách khốc liệt mà con người phải vượt qua và con người đã chiến thắng:

Núi cao lên đến… nước non.

Thiên nhiên trong Nhật ký trong tù rất chân thực, đa dạng nhiều màu sắc. Thiên nhiên ở đây đã được nhân hóa tượng trưng hóa để trở thành phương tiện biểu hiện tình cảm phong phú của con người. Tình cảm thiến nhiên của Bác thấm nhuần cảm quan xã hội, khác hẳn với thơ xưa, chỉ nói đến thiên nhiên thuần túy. Đấy chính là nét đặc sắc của thơ Bác nói chung, thơ thiên nhiên của Bác nói riêng.

 

Câu trả lời:

Việt Nam, đất nước tuy bé nhỏ đầy những gian lao vất vả nhưng rất đỗi anh hùng đã trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước với những mốc son chói lọi trong lịch sử. Một trong những mốc son ấy chính là ba cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên xâm lược của vua tôi nhà Trần. Nhà Trần đã ghi vào pho sử vàng Đại Việt những chiến công Chương Dương, Hàm Tử, Bạch Đằng… bất tử. Khí thế hào hùng, oanh liệt của nhân dân ta và tướng sĩ đời Trần được ghi lại trong những áng văn chương kiệt xuất như: "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn, "Bạch Đằng giang phú" của Trương Hán Siêu, v.v… Đặc biệt và nổi bật hơn hết cả là tác phẩm "Thuật hoài" của Phạm Ngũ Lão. Bài thơ là một khúc tráng ca hào hùng và mang nặng nỗi niềm của tác giả.

 

Phạm Ngũ Lão sinh ra trong thời kì loạn lạc với cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên của đất nước. Tên tuổi của ông gắn liền với câu chuyện về một chàng trai nghèo mãi nghĩ kế giúp vua đánh giặc đến nỗi bi giáo đâm vào đùi. Bên cạnh một nhà quân sự tài giỏi, ông còn là một nhà thơ vĩ đại với hai tác phẩm "Thuật hoài" và "Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương" còn vang vọng mãi với non sông.

 

"Thuật hoài" là bản tuyên ngôn về lý tưởng của kẻ làm trai là chiến đấu để bảo vệ non sông đất nước đồng thời thể hiện khí thế, sức mạnh và khát vọng chiến thắng của một thời đại anh hùng. Bài thơ tiêu biểu cho quy luật văn chương nghệ thuật "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa"

 

Mở đầu bài thơ là hình ảnh tráng lệ với âm hưởng hào hùng:

"Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu"

 

Bước vào thời đại chiến tranh ấy, cái thời mà ngọn lửa như thiêu đốt cả tâm hồn quyết tâm diệt tan kẻ thù xâm lăng bờ cõi, khẳng định lại một lần nữa: "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư"! Và khi đó, xuất hiện tư thế hiên ngang của người anh hùng đất Việt "hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu". Câu thơ đầu tiên đã vẽ nên hình tượng oai phong lẫm liệt của người tráng sĩ với tư thế cầm ngang ngọn giáo sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tư thế ấy mang đậm tính tự hào rằng mình là người con đất Việt và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bờ cõi Việt, bảo vệ nhân dân Việt, bảo vệ non sông gấm vóc ngàn thu này. Hình ảnh lớn lao của người chiến sĩ đã sánh với tầm vóc bao la hùng vĩ của đất trời, lấn át cả khí thế của quân giặc. Đó còn biểu trưng cho lối sống cao đẹp cống hiến hết sức để bảo vệ đất nước một cách kiên trì, nhẫn nại. Dù bao nhiêu năm đi chăng nữa thì lí tưởng bảo vệ, khôi phục non sông vẫn mãi trường tồn.

 

Nếu câu thơ đầu thể hiện vẻ đẹp của con người với tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, kỳ vĩ mang tầm vóc vũ trụ thì câu thơ thứ hai tô đậm hình ảnh "ba quân" tượng trưng cho sức mạnh của quân đội nhà Trần và sức mạnh dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ.

"Tam quân tì hổ khí thôn ngưu"

 

Đội quân "Sát Thát" ra trận vô cùng đông đảo, trùng điệp với sức mạnh phi thường, mạnh như hổ báo quyết đánh tan mọi kẻ thù xâm lược. Khí thế của đội quân ấy ào ào ra trận. Không một thế lực nào, kẻ thù nào có thể ngăn cản nổi. "Khí thôn ngưu" nghĩa là khí thế, tráng chí nuốt sao Ngưu, làm át, làm lu mờ sao Ngưu trên bầu trời xuất phát từ câu "khí thôn Ngưu đẩu" hay đó chính là khí thể hùng mạnh có thể nuốt trôi trâu của tam quân thời Trần. Biện pháp nghệ thuật cường điệu hoá sáng tạo nên một hình tượng thơ mang tầm vóc hoành tráng, có tính sử thi. Hình ảnh ẩn dụ so sánh: "Tam quân tì hổ…" trong thơ Phạm Ngũ Lão rất độc đáo, không chỉ có sức biểu hiện sâu sắc sức mạnh vô địch của đội quân "Sát Thát" bất khả chiến bại mà nó còn khơi nguồn cảm hứng thơ ca; tồn tại như một điển tích, một thi liệu sáng giá trong nền văn học dân tộc:          

Thuyền bè muôn đội,

Tinh kì phấp phới.

Hùng hổ sáu quân,

Giáo gươm sáng chói.

(Phú sông Bạch Đằng – Trương Hán Siêu)

Nếu tư thế của tráng sĩ với hình ảnh cây trường giáo như đo bằng chiều ngang của non sông thì tư thế của ba quân lớn mạnh đo bằng chiều dọc gợi không gian mở ra theo chiều rộng của núi sông và mở theo chiều cao đến tận sao Ngưu thăm thẳm. Con người kì vĩ như át cả không gian bao la, kì vĩ. Hình ảnh tráng sĩ lồng vào trong hình ảnh dân tộc thật đẹp có tính chất sử thi, hoành tráng. Đó chính là sức mạnh, âm vang của thời đại, vẻ đẹp của người trai thời Trần, là sản phẩm của "hào khí Đông A". Nói cách khác, đó là hình ảnh con người vũ trụ, mang tầm vóc lớn lao. Con người ấy vì ai mà xông pha, quyết chiến? Tất cả xuất phát từ trách nhiệm, ý thức dân tộc và nền thái bình. Vì thế con người vũ trụ gắn với con người trách nhiệm, con người ý thức, bổn phận, con người hành động, đó chính là những biểu hiện của con người cộng đồng, con người xả thân vì đất nước.

Nếu ở hai câu đầu giọng điệu sôi nổi hùng tráng thì đến đây âm hưởng thơ bỗng dưng như một nốt trầm lắng lại với lời bộc bạch, tâm sự, bày tỏ nỗi lòng của nhà thơ:

"Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu"

 

Thời xưa, Nho giáo đã nêu lên triết lí kẻ làm trai từ lúc sinh ra đã gánh nợ công danh. Người đàn ông phải hướng đến "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" lấy đó là lí tưởng, là cái đích phải hướng tới. Nói như Nguyễn Công Trứ thì:

"Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông".

 

Thời Trần, cái chí làm trai ấy là "Phá cường địch, báo hoàng ân" của vị anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản, là câu nói quả quyết của Thái sư Trần Thủ Độ: "Đầu thần còn chưa rơi xuống xin bệ hạ đừng lo" hay đó là vị Quốc Công tiết chế với "Hịch tướng sĩ" mang đậm hào khí anh hùng: "…dẫu cho thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng". Ấy chính là khát vọng được gánh vác vận mệnh đất nước, dân tộc, lập chiến công hiển hách, là lý tưởng lập công danh sự nghiệp của nam nhi thời loạn lạc. "Công danh" mà Phạm Ngũ Lão nói đến trong bài thơ là thứ công danh được làm nên bằng máu và tài thao lược, bằng tinh thần quả cảm và chiến công. Đó không phải là thứ "công danh" tầm thường, đậm màu sắc anh hùng cá nhân. Nợ công danh như một gánh nặng mà kẻ làm trai nguyện trả, nguyện đền bằng xương máu và lòng dũng cảm.

 

Đặt trong thời đại của Phạm Ngũ Lão, chí làm trai này đã cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì sự nghiệp lớn lao "cùng trời đất muôn đời bất hủ". Phạm Ngũ Lão cũng từ cái chí, cái nợ nam nhi, nam tử đó mà cùng dân tộc chiến đấu chống xâm lược bền bĩ, ròng rã bao năm. Đặc biệt ở đây cũng từ cái chí, cái nợ đó mà nảy sinh trong tâm trạng một nỗi thẹn. Phạm Ngũ Lão "thẹn" chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu Gia Cát Lượng đời Hán để trừ giặc, cứu nước. Thẹn bởi vì so với cha ông mình chưa có gì đáng nói. Gia Cát Lượng là quân sư của Lưu Bị, mưu trí tuyệt vời, song điểm làm cho Gia Cát Lượng nổi tiếng là lòng tuyệt đối trung thành với chủ. Vì thế "luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu" thực chất là một lời thề suốt đời tận tuỵ với chủ tướng Trần Hưng Đạo. Xưa nay, những người có nhân cách vẫn thường mang trong mình nỗi thẹn. Nguyễn Khuyến trong bài thơ "Thu vịnh" từng bày tỏ nỗi thẹn khi nghĩ tới Đào Tiềm – một danh sĩ cao khiết đời Tấn. Với Phạm Ngũ Lão, tuy là một nhà thao lựơc kiệt xuất, có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Mông-Nguyên lần hai, ba nhưng ông vẫn tự thấy hổ thẹn. Ông thẹn vì chưa khội phục được giang sơn, vì kém cỏi chưa được như Vũ hầu, chưa báo được Hoàng ân. Nỗi thẹn ấy không làm cho con người trở nên nhỏ bé mà trái lại nâng cao phẩm giá con người. Đó là cái thẹn của một con người có lý tưởng, hoài bão vừa lớn lao, vừa khiêm nhường. Nỗi thẹn của một con người luôn dành trọn cái tâm cho đất nước, cho cộng đồng. Ẩn sau cái thẹn cao cả, khiêm tốn và ấy là cả một nỗi niềm khao khát được cống hiến hơn nữa cho Tổ quốc, cho dân tộc. Ông nguyện học tập binh thư, rèn luyện cung tên chiến mã, sẵn sàng chiến đấu "Khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ có thể bêu được đầu Hốt Tất Liệt ở cửa Khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai,…" để Tổ quốc Đại Việt được trường tồn bền vững: "Non sông nghìn thuở vững âu vàng".

 

Thuật hoài là một bài thơ Đường luật ngắn gọn nhưng hàm súc với thủ pháp gợi, thiên về ấn tượng, khái quát kết hợp với bút pháp hoành tráng mang âm hưởng sử thi đã khắc họa vẻ đẹp của người anh hùng hiên ngang, hùng dũng với sức mạnh lý tưởng lớn lao cao cả, tâm hồn sáng ngời nhận cách cùng khí thế hào hùng, quyết chiến quyết thắng của "hào khí Đông A"-hào khí thời Trần. Ngày nay, việc "cứu nước phò nguy" đâu phải là không cần thiết nữa vì vậy, mỗi thanh niên chúng ta cần học tập thật tốt, rèn luyện nhân cách đạo đức, xác định cho mình lí tưởng sống đúng đắn và quan trọng hơn là phải biết ước mơ và hành động vì sự nghiệp đất nước, đưa Việt Nam sánh ngang tầm với các cường quốc khắp năm châu.

 

Câu trả lời:

Như thường lệ, hàng ngày vào lúc sáu giờ ba mươi, em xách cặp đi bộ đến trường, hòa vào dòng người tấp nập trên đường phố.

Con đường này vốn khá rộng, thế mà vào giờ này hình như còn quá hẹp không đủ chứa hai luồng xe ngược chiều nhau. Những chiếc ôtô bóp còi inh ỏi, lăn bánh chầm chậm. Thỉnh thoảng một chiếc xe con chừng sốt ruột kéo một hồi còi thật dài muốn vượt lên trước nhưng không tài nào lách lên được phải chịu nối vào dòng xe để tiếp tục lăn bánh. Một chiếc xe màu đỏ cao lớn, đồ sộ, hai bên thành xe nổi bật dòng chữ lớn “Xe đưa rước công nhân” chậm chạp đi theo. Trên xe, qua cửa sổ, các cô công nhân áo xanh, đầu tóc gọn gàng, nét mặt vui vẻ nhìn ngắm phố phường. Tiếp sau đó là một chiếc xe màu xanh đã cũ, từ cửa xe ló ra một khuôn mặt căng thẳng với hai bàn tay gõ liên hồi vào thành xe như những nghệ sĩ đánh trống bất đắc dĩ, miệng hét to: “Dô! Dô!”. Đó là chuyến xe buýt từ thành phố ra ngoại thành.

Xe máy nhanh nhẹn lách đi giữa dòng xe đạp. Trên một chiếc xe, khuôn mặt một em nhỏ ngồi trong lòng mẹ đang cố vươn người khỏi cái lưng to lớn của ông để đưa mắt vẻ thích thú ngắm cành đường phố. Chắc bố mẹ đưa bé đi nhà trẻ trước khi đến công sở. Những em học trò lớp Một, lớp Hai cặp sách đeo sau lưng ngồi ôm chặt lấy lưng bố hoặc mẹ, chân đung đưa có vẻ khoái chí. Những anh chị học sinh lớn tuổi đạp xe trông thật tự tin, vừa đi vừa trò chuyện với bạn bên cạnh.

Kìa! Hai chiếc xe đạp vướng tay lái vào nhau làm cả hai anh học sinh cùng loạng quạng suýt ngã. Một cặp mắt quắc lên nhưng rồi dịu lại ngay khi người kia nhẹ nhàng xin lỗi. Hai bên lề đường là dòng người đi bộ, phần lớn là học sinh đi học. Chúng em đi qua những ngôi nhà mở rộng cửa, những quầy hàng điện tử phô ra những máy mới sáng loáng, bên trong là tiếng nhạc ồn ào. Ở cửa hàng giày dép, những đôi giày mới bóng lộn, nhiều kiểu dáng, màu sắc trưng bày trong tủ kiếng trông thật đẹp mắt. Đầu hẻm, khói nghi ngút bốc lên từ một hàng phở bình dân. Quanh mấy cái bàn nhỏ, khách hàng áo quần giản dị, nét mặt hiền lành, cắm cúi ăn vội cho kịp giờ đi làm.

Một ngày lao động sôi nổi ở thành phố em bắt đầu như vậy đấy. Không khí tấp nập ở đường phố làm em có cảm giác con đường đến trường như ngắn lại.