a. Tài nguyên thiên nhiên vùng biển.
Vùng biển Việt Nam giàu tài nguyên khoáng sản và hải sản.
- Tài nguyên khoáng sản:
+ Khoáng sản có trữ lượng lớn và giá trị nhất là dầu khí. Dầu khí tập trung các bể trầm tích: Nam Côn Sơn , Cửu Long, Thổ Chu – Mã Lai và sông Hồng.
+ Các bãi cát ven biển có trữ lượng lớn titan là nguồn nguyên liệu quý cho ngành công nghiệp.
+ Vùng ven biển nước ta còn thuận lợi cho nghề làm muối, nhất là vùng biển Nam Trung Bộ.
- Tài nguyên hải sản:
+ Trong Biển Đông có tới trên 2.000 loài cá, trên 100 loài tôm, khoảng vài chục loài mực, hàng nghìn loài sinh vật phù du và sinh vật đáy khác.
+ Ven các đảo, nhất là tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nguồn tài nguyên quý giá là các rạn san hô cùng đông đảo các loài sinh vật khác.
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên và những điều kiện tự nhiên thuận lợi, Biển Đông thật sự đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nước ta hiện nay.
b. Thiên tai.
- Bão:
+ Mỗi năm trung bình có 3 – 4 cơn bão trực tiếp đổ vào nước ta.
+ Gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhất là cư dân sống ở vùng ven biển nước ta.
- Sạt lở bờ biển : Hiện tượng sạt lở bờ biển đã và đang đe dọa nhiều đoạn bờ biển nước ta, nhất là dải bờ biển Trung Bộ.
- Ở vùng ven biển miền Trung còn chịu tác hại của hiện tượng cát bay, cát chảy lấn chiếm ruộng vườn, làng mạc và làm hoang mạc hóa đất đai.
Sử dụng hợp lý nguồn lợi thiên nhiên biển, phòng chống ô nhiễm môi trường biển, thực hiện những biện pháp phòng tránh thiên tai là những vấn đề hệ trọng trong chiến lược khai thác tổng hợp, phát triển kinh tế biển của nước ta.