Phần I: ĐỌC - HIỂU (6 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
SỰ TÍCH HOA CÚC TRẮNG
Ngày xưa, có một gia đình nghèo gồm hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, cuộc sống của họ bình yên trong một ngôi nhà nhỏ. Người mẹ hàng ngày tần tảo làm lụng nuôi con. Người con thì cũng hiếu thảo, biết vâng lời mẹ và chăm chỉ học hành. Một ngày kia, người mẹ bỗng lâm bệnh nặng, mặc dù người con rất thương mẹ, chạy chữa biết bao thầy lang giỏi trong vùng cũng không chữa khỏi cho mẹ. Em buồn lắm, ngày ngày đều cầu phúc cho mẹ. Thương mẹ, người con quyết tâm đi tìm thầy nơi khác về chữa bệnh. Người con đi mãi, qua bao nhiêu làng mạc, núi sông, ăn đói mặc rách vẫn không nản lòng.
Đến một hôm, khi đi ngang qua một ngôi chùa, em xin nhà sư trụ trì được vào thắp hương cầu phúc cho mẹ. Lời cầu xin của em khiến trời nghe cũng phải nhỏ lệ, đất nghe cũng cúi mình. Lời cầu xin đó đến tai Đức Phật từ bi, Người cảm thương tấm lòng hiếu thảo đó của em nên đã tự mình hóa thân thành một nhà sư. Nhà sư đi ngang qua chùa và tặng em một bông hoa trắng rồi nói:
- Bông hoa này là biểu tượng của sự sống, là bông hoa chứa đựng niềm hi vọng, là ước mơ của loài người, là thần dược để chữa bệnh cho mẹ con, con hãy mang nó về chăm sóc. Nhưng phải nhớ rằng, cứ mỗi năm sẽ có một cánh hoa rụng đi và bông hoa có bao nhiêu cánh thì mẹ con chỉ sống được bấy nhiêu năm. Nói rồi nhà sư biến mất.
Em nhận bông hoa, cảm tạ Đức Phật, lòng em rất đỗi vui mừng. Nhưng khi đếm những cánh hoa, lòng em bỗng buồn trở lại khi biết rằng bông hoa chỉ có năm cánh, nghĩa là mẹ em chỉ sống được thêm với em có năm năm nữa. Thương mẹ quá, em nghĩ ra một cách, em liền liều xé nhỏ những cánh hoa ra thành nhiều cánh nhỏ, nhiều đến khi không còn đếm được bông hoa có bao nhiêu cánh nữa. Nhờ đó mà mẹ em đã khỏi bệnh và sống rất lâu bên người con hiếu thảo của mình. Bông hoa trắng với vô số cánh nhỏ đó đã trở thành biểu tượng của sự sống, là ước mơ trường tồn, là sự hiếu thảo của người con đối với mẹ, là khát vọng chữa lành mọi bệnh tật cho mẹ của người con. Ngày nay, bông hoa đó được người đời gọi là hoa cúc trắng.
(Phỏng theo Truyện cổ tích Nhật Bản - Sách Ngựa Gióng)
Câu 1. Truyện Sự tích hoa cúc trắng thuộc thể loại nào?
A. Truyện cổ tích
B. Truyện đồng thoại
C. Truyền thuyết
D. Thần thoại
Câu 2. Câu chuyện trên được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ ba
C. Ngôi thứ hai
D. Cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba
Câu 3. Trong câu chuyện, em bé cứu sống được mẹ là nhờ tìm được thầy lang giỏi, theo em đúng hay sai?
A. Đúng
B. Sai
Câu 4. Theo nhà sư, bông hoa cúc trắng biểu tượng cho điều gì?
A. Biểu tượng cho sự sống và lòng hiếu thảo
B. Biểu tượng cho sự sống và lòng kiên trì
C. Biểu tượng cho sự sống và tình yêu thương
D. Biểu tượng cho sự sống và ước mơ cao đẹp
Câu 5. Vì sao em bé lại xé nhỏ các cánh hoa?
A. Vì em vốn là đứa trẻ hiếu động
B. Vì em nghĩ bông hoa nhiều cánh sẽ đẹp hơn
C. Vì em bé muốn mẹ sống lâu bên mình
D. Vì em thích bông hoa nhiều cánh
Câu 6. Trong câu văn “Người mẹ hàng ngày tần tảo làm lụng nuôi con”, từ láy tần tảo có ý nghĩa là:
A. làm lụng chăm chỉ công việc nhà trong hoàn cảnh khó khăn
B. làm lụng chăm chỉ công việc đồng áng trong hoàn cảnh khó khăn
C. làm lụng chăm chỉ việc nhà và đồng áng trong hoàn cảnh khó khăn
D. làm lụng vất vả, lo toan việc nhà trong hoàn cảnh khó khăn
Câu 7. “Ngày xưa, có một gia đình nghèo gồm hai mẹ con sống nương tựa vào nhau, cuộc sống của họ bình yên trong một ngôi nhà nhỏ”. Từ in đậm trong câu văn thuộc loại trạng ngữ nào?
A. Trạng ngữ chỉ mục đích
B. Trạng ngữ chỉ nơi chốn
C. Trạng ngữ chỉ nguyên nhân
D. Trạng ngữ chỉ thời gian
Câu 8. Chủ đề nào sau đây đúng với truyện Sự tích hoa cúc trắng?
A. Ca ngợi ý nghĩa các loài hoa
B. Ca ngợi tình mẫu tử
C. Ca ngợi tình cảm gia đình
D. Ca ngợi tình cha con
Câu 9. Thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua văn bản trên là gì?
Câu 10. Qua câu chuyện, em thấy mình cần phải có trách nhiệm gì với cha mẹ?
Xem thêm tại: https://loigiaihay.com/de-thi-giua-ki-1-van-6-ket-noi-tri-thuc-moi-de-so-5-a121398.html