Câu 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Áo tơi lá Tôi nhớ chiếc áo tơi lá ngày xưa của mẹ tôi.
Đó là chiếc áo được làm bằng lá cọ. Lá cọ non khâu chồng chồng lớp lớp lên nhau dày hàng đốt tay, đuôi lá tua tủa như bộ lông chim khổng lồ. Khoác áo lên người, giống hệt một con chim lớn. Chiều mưa sa trắng đồng, trên bờ cỏ, một con cò lửa lông nâu vàng đứng rụt cổ tránh mưa. Và mẹ tôi cũng đứng đó, áo tơi lá trên ngưòi. Ngày mưa khoác áo tơi lá ra đồng đã đành. Nhưng ngày gió Lào nắng gắt, cũng khoác áo tơi lá. Áo như tấm lá chắn ngọn gió Lào bỏng rẫy luồn vào da thịt, che cái nắng gắt gao trên tấm lưng mẹ tôi cúi lom khom cấy hái.
Chiếc áo tơi lá treo đầu hiên nhà nông, thân thiết bao đời. Nắng mưa dầu dãi, lá mòn trơ, rạn rách, trông thương lắm, như biểu tượng đời nhà nông. Nếu tôi biết vẽ, tôi sẽ vẽ hình ảnh mẹ tôi mặc áo tơi lá mòn cũ đứng bên con cò lửa giữa chiều mưa sa.
Cho đến nay, chiếc áo tơi lá đã đi vào dĩ vãng. Nhưng với tôi, dù bây giờ có bao nhiêu chiếc áo đẹp, thỉ mãi mãi hình ảnh chiếc áo tơi lá, cứ nhìn thấy là lòng xao động. Áo tơi lá như có tâm hồn vậy.
(Theo Nguyễn Phan Hách)
a) Chiếc áo tơi lá có ý nghĩa như thế nào đối với nhà nông?
b) Vì sao hình ảnh người mẹ mặc áo tơi lá gợi liên tưởng tới hình ảnh con cò lửa giữa chiều mưa sa?