Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Chưa có thông tin , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 11
Số lượng câu trả lời 11
Điểm GP 0
Điểm SP 5

Người theo dõi (0)

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Trời đã thủng buổi, mặt trời chói chang len qua những bóng lá rọi xuống khung cửa nan nhà. Tôi đang lụi cụi nấu ăn dưới bếp, than khói lửa hồng bốc lên dưới cái nắng ban trưa thật khiến người ta dễ bực mình. Ông nhà đang ngồi đọc mấy quyển văn của trò ông ấy, rồi cứ luôn tay phe phẩy cái quạt mo. Cơm nước đã xong đấy, toan dọn mâm lên ăn, thì bỗng nhiên, lão Hạc bước từ cửa vào. Lão hạc là hàng xóm của nhà tôi, nhà lão nghèo lắm, vợ mất, con trai vì không lấy được vợ nên bỏ đi làm ăn, để mình thân già lão ở nhà. Lão với ông nhà tôi thân nhau lắm, tuy tuổi tác chênh lệch, nhưng hai người cứ trò chuyện thì lại rôm rả, như hai người bạn tri kỉ với nhau vậy.

Lão Hạc cứ chệnh choạng , mặt cúi gằm xuống, lưỡng lự trước cửa một lúc rồi bước vào nhà. Ông nhà tôi kêu lên: Cụ đến chơi ạ” Lão Hạc không đáp lại. Lão đi từ từ, chậm rãi vào gian chính. Bực mình thật, đúng lúc người ta ăn cơm thì lại mò đến- Tôi tự nhủ một cách trách móc lão Hạc. Lạ thật! Lão ngồi phịch xuống tấm phản, không nói không rằng, cứ cúi gằm cái mặt xuống. Chồng tôi cũng thấy lạ lắm, nhưng cũng giữ phép lịch sự, rót chén nước chè mời lão. Lão Hạc đưa hai bàn tay run run đỡ lấy chén trà chồng tôi đưa, đưa lên môi nhấp nhẹ rồi lại đặt xuống. Đến giờ lão vẫn chưa mở lời. Rồi cái vẻ yên lặng ấy cứ diễn ra một lúc, chồng tôi nhìn lão một cách kì lạ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Cuối cùng thì, có lẽ là lão đã sẵn sàng để nói chuyện- lão ngẩng khuôn mặt lão lên, khuôn mặt nhăn nheo, rám nắng, dưới khóe mắt vẫn thâm quầng- và mở chuyện:

 

- Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!

- Cụ bán nó rồi?- chồng tôi đáp một cách ngạc nhiên

- Bán rồi! Họ vừa bắt nó xong.

Lão kể với giọng khàn khàn, khiến tôi nghe chữ được chữ không. Lão mỉm cười. Nhưng lão cười lạ lắm, miệng lão cười nhưng mà môi cứ giật giật, cả người lão run lên. Lão cười mà như mếu vậy. Có lẽ tâm trạng lão không vui như lão cố tỏ ra cho chồng tôi thấy- và chồng tôi cũng nhận ra điều đó. Ông hỏi:

- Thế nó cho bắt à!

Vẻ mặt lão thoáng thay đổi, mắt lão nhắm nghiền lại, khuôn miệng cười lúc nãy đã biến mất. Rồi từ hai khóe mắt chảy ra giọt nước mắt, nó chảy dài trên khuôn mặt xương xương của lão. Những nếp nhăn trên khuôn mặt lão co lại, lão khóc mỗi lúc một nhiều, hàng nước mắt cứ tuôn mãi. Tôi ngạc nhiên, từ xưa đến nay lão có bao giờ thế đâu. Mà lão Hạc đã già, có lẽ lên chức ông chức cụ rồi, vậy mà lão lại hu hu khóc chẳng khác gì một đứa con nít. Mặt ông nhà tôi cũng biến dạng theo.

Lão Hạc kể lại chuyện bán chó mà tiếng khóc cứ ngân dài theo từng lời nói, trông đến là tội nghiệp.

- Khốn nạn… Ông giáo ơi! – Lão òa lên- Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm, nó ăn ngon lành, bởi vì tôi cho nó toàn món ngon, bữa cuối cùng của nó mà. Thế rồi, lúc nó đang hoan hỉ, thì bỗng thằng Mục với thằng Xiên nấp ngay sau nó nhảy ra, tóm gọn nó. Cu cậu trông béo tốt thế mà lại nhát, thế nên chẳng bao lâu nó đã bị trói gọn cả bốn cẳng lại rồi. Bấy giờ cu cậu mới biết cu cậu chết. Mà cái giống nó khôn lắm! Nó nhìn tôi in như nó trách tôi. Nhìn ánh mắt nó, chắc nó đang thầm bảo rằng: “ A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão thế mà lão lại đối xử với tôi như thế à? Tôi già từng này tuổi đầu rồi mà lại phải lừa một con chó ông giáo ạ.

Nói đến đây, lão Hạc tự đấm thùm thụp vào ngực mình, bởi vì có lẽ lão sẽ không bao giờ có thể tự tha thứ cho mình được. Lão cứ rên rỉ, trách móc mình mãi, kèm theo là những cái cào xé, lão đang dằn vặt nỗi lòng của mình, đến nỗi mà chồng tôi phải ngăn lão lại thì lão mới dừng. Ông an ủi lão Hạc

 

- Thôi cụ ạ! Nó không hiểu gì đâu! Mà chó nào nuôi mà chẳng để giết thịt! Ta bán nó đi chính là hóa kiếp cho nó đấy.

Nghe xong câu này của chồng tôi, lão Hạc ngẩng mặt lên trời, lão vẫn khóc, nhưng lão vừa khóc vừa cười, giọng cười chua chát và cay đắng. Lão nhắm nghiền mắt lại cố ngăn cho dòng nước mắt không tuôn nữa, rồi bảo rằng lão mong là con chó sẽ thành kiếp người, như lão chẳng hạn. Tôi để ý thấy chồng tôi cũng đau buồn theo lão, nước mắt đã rơi, nhưng ông không muốn lão Hạc càng thêm buồn nên cố nén lại, và nghiến răng để không òa khóc theo lão. Ông nắm lấy đôi vai gầy gộc của lão Hạc an ủi lão. Cái cảnh tượng thật não nề.

Câu trả lời:

Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi
Có hay bao mùa lá rơi
Thầy vẫn đến như muôn ngàn tia nắng
Sáng soi bước em trong cuộc đời

Những ca từ trong trẻo của bài hát ấy lại khiến ta nhớ về một thời kỷ niệm, sống trong ánh hồng của tuổi thơ. Có bao giờ các bạn tự nghĩ rằng sẽ có một người làm thay đổi cuộc sống bạn? Có bao giờ các bạn tự tìm về những kỷ niệm về một thời cắp sách đến trường nơi đầy ắp niềm tin, niềm yêu của thầy cô và những người bạn – Thầy cô đã chắp cánh cho chúng em bay cao, bay xa đến một tương lai tốt đẹp với những mơ ước. “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng.” Câu nói ấy luôn là hành trang cho chúng ta từ những bài học đạo đức đầu tiên, như một lời nhắn nhủ chúng ta luôn phải luôn nhớ về công ơn thầy cô.

Riêng tôi, tôi sẽ luôn nhớ mãi về người cô đã để lại trong tôi một niềm mến thương vô hạn. Có thể nói tôi đã từng là một cô học trò “cá biệt” của lớp 6A4 và là người luôn làm cô buồn lòng. Có phải vì thế mà cô Thảo - cô chủ nhiệm đáng kính của tôi luôn nhờ tôi làm hết việc này đến việc khác như kiêm luôn cả chức lớp trưởng. Với một cô học trò được coi là quậy như tôi thì cảm thấy đó là một niềm tự hào lớn lao trong tâm hồn bé nhỏ. Có một lần mẹ tôi đến lớp và nói với cô sao con bé học dở như thế mà cô lại cho nó làm lớp trưởng. Cả lớp cười phá lên chế nhạo tôi. Lúc ấy cảm giác của tôi thật là khó tả, vừa buồn, vừa tức, vừa cảm thấy mình vô dụng, và “tâm hồn trẻ thơ ấy” như vỡ tan ra từng mảnh. Nhưng không, chính cô Thảo đã đứng ra bảo vệ tôi. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói ấy: “Con là lớp trưởng của cô đấy !”. Vui thật, nhưng cũng buồn thật. Vui vì chính cô là thiên thần may mắn đã giúp “con bé siêu quậy ngày nào” nhưng buồn vì tại sao tôi nghịch phá cô như thế, làm buồn lòng như thế mà cô vẫn đứng ra bảo vệ cho mình? Tôi cảm thấy mình thật có lỗi. Một dấu chấm hỏi to tướng đặt ra trong đầu! Chính cô đã làm thay đổi con người tôi. Từ đó tôi luôn quyết tâm học thật tốt làm người con ngoan trò giỏi và kết quả đã minh chứng cho điều đó. Năm tháng cũng dần trôi đi. Một cô bé ngày nào nay đã được mặc một chiếc áo dài trắng tinh bước vào cổng trường cấp ba. Một người bạn mới, một thầy giáo mới, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được hình ảnh những thầy cô đã làm người đưa đò dạy dỗ, dìu dắt để tôi có được thành quả như ngày hôm nay. Và tôi đã rút ra được một chân lý của cuộc sống: “Trong rừng già, mình hét lên thế nào thì nó sẽ vang lên thế ấy,...”.

Bây giờ đã trưởng thành, tôi lại càng thấm thía thêm những lời khuyên răn, dạy bảo của thầy cô một cách sâu sắc, cất giữ nó trong một chiếc rương vô hình. Đó chính là hành trang cho tôi mang theo đến suốt cuộc đời. Thầy cô – những người đưa đò đã chở những học sinh chúng em đến những bến bờ tương lai tươi sáng bằng sự dìu dắt tận tâm, giàu nhiệt huyết “Dưới ánh mặt trời không một nghề nào cao quý hơn nghề nhà giáo”. Truyền thống tôn sư trọng đạo luôn là một truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Chúng ta cần giữ gìn và phát huy nó. Mỗi người cô, người thầy đều cho chúng ta những lời dạy thật chân thành và quý báu. Chúng ta hãy tiếp thu và giữ gìn để truyền đạt lại cho những thế hệ mai sau.

 

“Nếu như người kĩ sư vui mừng khi nhìn thấy cây cầu mình vừa xây, người nông dân mỉm cười khi cả đồng lúa trổ bông thì người giáo viên vui sướng và hạnh phúc khi nhìn thấy những học sinh của mình trưởng thành”.

Tôi tâm sự nhỏ: Thầy cô ơi, ước chi sống mãi cùng chúng em, ước sao người luôn có đủ nghị lực, lòng kiên nhẫn và tình yêu thương bao la để dìu dắt những thế hệ tương lai của đất nước, những đứa con còn non trẻ như chúng em, đến được bến bờ của hi vọng, mong người hãy thổi vào chúng em lòng nhiệt thành của sức sống tuổi trẻ, lòng kiên nghị để vững bước trên con đường đầy chông gai sau này. Dù thời gian năm tháng trôi qua thật nhanh đến thế nào đi nữa nhưng những bài học sâu sắc, nguồn kiến thức mà thầy cô mang đến cho chúng em luôn tồn tại mãi mãi.