Phương pháp thuyết minh

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu các phương pháp thuyết minh

1. Quan sát, học tập, tích lũy tri thức để làm bài văn thuyết minh

* Ví dụ:

Câu hỏi: 

a) Đọc lại các bản thuyết minh vừa học và cho biết các văn bản ấy đã sử dụng tri thức gì?

b) Làm thế nào để có các tri thức ấy? Vai trò của quan sát, học tập, tích lũy ở đây như thế nào?

c) Bằng tưởng tượng, suy luận có thể có tri thức để làm bài văn thuyết minh không?

Trả lời:

a) - Cây dừa Bình Định sử dụng loại tri thức khoa học địa lí.

- Tại sao lá cây có màu xanh lục? sử dụng loại tri thức khoa học thực vật. Huế sử dụng loại tri thức khoa học văn hóa.

- Con giun đất sử dụng loại tri thức khoa học sinh vật.

b) Để có được những tri thức đó chúng ta phải quan sát, học tập, tích lũy kiến thức.

   + Quan sát không đơn thuần là nhìn mà chọn những đặc điểm tiêu biểu của sự vật (đặc điểm có tính ý nghĩa về nội dung và hình thức). Biết cách phân tích đặc điểm của sự vật đó.

   + Vai trò của quan sát, học tập, tích lũy là để làm cơ sở, tiền đề cho việc làm bài văn thuyết minh. Có kiến thức thực tế thì bài viết mới trở nên thuyết phục, hấp dẫn.

c) Bằng tưởng tượng, suy luận không thể có tri thức để làm bài văn thuyết minh.

2. Phương pháp thuyết minh

Để nêu nổi bật đặc điểm, bản chất của sự vật, hiện tượng, người ta thường sử dụng các phương pháp thuyết minh sau

a) Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích

* Ví dụ:

- Huế là một trong những trung tâm văn hóa, nghệ thuật lớn của Việt Nam.

(Huế)

- Nông Văn Vân là tù trưởng dân tộc Tày, giữ chức tri châu Bảo Lạc (Cao Bằng).

(Khởi nghĩa Nông Văn Vân)

Câu hỏi:

Trong đoạn văn trên ta thường gặp từ gì? Sau từ ấy người ta cung cấp một kiến thức như thế nào? Hãy nêu vai trò và đặc điểm của loại câu văn định nghĩa, giải thích trong văn bản thuyết minh.

Trả lời:

Trong các câu văn trên, ta thường gặp từ là. Sau từ ấy, người ta cung cấp một kiến thức quy sự vật được định nghĩa vào loại của nó và chỉ ra đặc điếm, công dụng riêng cúa nó.

b) Phương pháp liệt kê

Đọc các câu, đoạn văn sau và cho biết phương pháp liệt kê có tác dụng như thế nào đối với việc trình bày tính chất của sự vật.

- Cây dừa cống hiến tất cả của cải của mình cho con người: thân cây làm máng, lá làm tranh, cọng lá chẻ nhỏ làm vách, gốc dừa già làm chõ đồ xôi, nước để uống, để kho cá, kho thịt, làm nước mắm,... 

(Cây dừa Bình Định)

- Theo các nhà khoa học, bao bì ni lông lẫn vào đất vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loài thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn ở các vùng đồi núi. Bao bì ni lông bị vứt xuống cống làm tắc các đường dẫn nước thải, làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị về mùa mưa. Sự tắc nghẽn hệ thống cống rãnh làm cho muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh. Bao bì ni lông trôi ra biển làm chết các sinh vật khi chúng nuốt phải.

(Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000)

Trả lời:

Trong các câu văn trên, phương pháp liệt kê nhằm trình bày tính chất của sự vật một cách cụ thể, dễ nắm bắt và có sức thuyết phục.

c) Phương pháp nêu ví dụ

* Ví dụ:

❔ Chỉ ra ví dụ trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của nó đối với việc trình bày cách xử phạt những người hút thuốc lá ở nơi công cộng.

   Ngày nay, đi các nước phát triển, đâu đâu cũng nổi lên chiến dịch chống thuốc lá. Người ta cấm hút thuốc ở tất cả những nơi công cộng, phạt nặng những người vi phạm (ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đô la, tái phạm phạt 500 đô la)

(Ôn dịch, thuốc lá)

Trả lời:

Trong đoạn trên, ví dụ là ở Bỉ, từ năm 1987, vi phạm lần thứ nhất phạt 40 đôla, tái phạm phạt 500 dôla. Ví dụ này có tác dụng làm cho người đọc dễ liên hệ thực tế nên cảm nhận vấn đề sâu sắc hơn làm cho những điều có giá trị thuyết phục hơn.

d) Phương pháp dùng số liệu (con số)

* Ví dụ:

❔ Đoạn văn sau cung cấp những số liệu nào? Nếu không có số liệu, có thể làm sáng tỏ được vai trò của cỏ trong thành phố không?

   Các nhà khoa học đã cho biết trong không khí, dưỡng khí chỉ chiếm 20% thể tích, thán khí chiếm 3%. Nếu không bổ sung thì trong vòng 500 năm con người và động vật sẽ dùng hết số dưỡng khí ấy, đồng thời số thán khí sẽ không ngừng gia tăng. Vậy vi sao đến nay dưỡng khí vẫn còn? Đó là nhờ thực vật. Thực vật khi quang hợp sẽ hút thán khí và nhả ra dưỡng khí. Một héc-ta cỏ một ngày có khả năng hấp thụ 90 kg thán khí và nhả ra 600 kg dưỡng khí. Vì thế trông cây xanh và thảm cỏ trong thành phố có ý nghĩa cực kì to lớn. 

(Nói về cỏ)

Trả lời:

- Đoạn văn sau cung cấp những số liệu:

+ Dưỡng khí chiếm 20% thể tích.

+ Thán khí chiếm 3%.

+ 500 năm.

+ 1 hécta cỏ hấp thụ mỗi ngày 900kg thán khí và nhả ra 600kg dưỡng khí.

- Nếu không có số liệu làm cơ sở thực tế thì vấn đề trình bày sẽ trừu tượng, khó nắm bắt và ít sức thuyết phục.

e) Phương pháp so sánh

* Ví dụ:

❔ Đọc câu văn sau và cho biết tác dụng của phương pháp so sánh.

   Biển Thái Bình Dương chiếm một diện tích lớn gần bằng ba đại dương khác cộng lại và lớn gấp 14 lần diện tích biển Bắc Băng Dương là đại dươn bé nhất.

Trả lời:

Tác dụng của phương pháp so sánh: đối chiếu, so sánh để làm nổi bật, cụ thể hóa đối tượng cần thuyết minh đó là Biển Thái Bình Dương.

g) Phương pháp phân loại, phân tích

   Đối với những loại sự vật đa dạng, người ta chia ra từng loại để trình bày. Đối với sự vật có nhiều bộ phận cấu tạo, có nhiều mặt, người ta chia ra từng bộ phận, từng mặt để thuyết minh.

Ví dụ: Bài Huế trình bày các đặc điểm của thành phố Huế là một thành phố đẹp: Đẹp của thiên nhiên Việt Nam, đẹp của thơ, đẹp của những con người sáng tạo, anh dũng.

@250326@

II. Ghi nhớ

1. Muốn có tri thức để làm tốt bài văn thuyết minh, người viết phải quan sát, tìm hiểu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nhất là phải nắm bắt được bản chất, đặc trưng của chúng, để tránh sa vào trình bày các biểu hiện không tiêu biểu, không quan trọng.

2. Để bài thuyết minh có sức thuyết phục, dễ hiểu, sáng rõ, người ta có thể sử dụng phối hợp nhiều phương pháp thuyết minh như: nêu định nghĩa, giải thích, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân tích, phân loại,...

@250038@@250160@