Lập dàn ý cho bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Dàn ý của bài văn tự sự

1. Tìm hiểu dàn ý của bài văn tự sự

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.

MÓN QUÀ SINH NHẬT

   Nhân kỉ niệm ngày sinh năm nay của tôi, bạn bè đến chơi vui vẻ quá. Suốt cả buổi sáng, nhà tôi tấp nập kẻ ra, người vào, tiếng cười nói ríu ra ríu rít không ngớt. Hai chiếc bình cắm đầy hoa. Hoa hồng bạch, hoa hồng nhung, hoa cẩm chướng, hoa mặt trời, lại có những bông hoa cỏ nhỏ xíu màu tím nhạt mà tôi rất thích nữa. Các bạn tôi ngồi chật cả nhà, bao nhiêu ghế mượn thêm của nhà cô Ba cũng không đủ, có chỗ hai bạn phải ngồi chung một ghế, chật chội nhưng mà vui. Nhiều bạn còn mang cả quà đến tặng tôi nữa. Tôi nhận được nhiều thứ quá: nào cặp tóc, nào sổ, nào khăn mùi soa,... bao nhiêu thứ bày la liệt trên bàn.

   Vui thì vui thật, xong tôi vẫn bồn chồn không yên. Không hiểu sao cái Trinh, đứa bạn thân nhất của tôi, giờ nãy vẫn chưa đến. Chẳng lẽ nó lại quên ngày vui của tôi? Không, con bé vốn chu đáo lắm kia mà! Bạn bè đã bắt đầu ra về lác đác, tôi cũng bồn chồn. Tôi không trách Trinh nữa mà bắt đầu lo. Hay là... Trinh đã gặp tai nạn gì giữa đường chăng?

   Tôi đang đăm chiêu nghĩ ngợi, chợt cái Thanh reo lên:

   - Kia rồi! Chị Trinh kia rồi!

   Tôi quay phắt ra cửa, nhìn thấy Trinh đang tươi cười đi vào sân. Tôi chạy ào ra, xô đổ cả ghế. Thấy Trinh bình thường, tự nhiên tôi thấy tủi thân và giận Trinh. Tôi trách:

   - Sao bây giờ mới đến? Tưởng quên người ta rồi? Ghét!

   Trinh cười lỏn lẻn, đầu hơi nghiêng nghiêng trông thật hiền lành. Nhìn nét cười ấy không thể nào mà giận cho được. Tôi phát vào lưng Trinh một cái rõ đau, rồi hỏi:

   - Xe đâu không dắt vào, lại để ngoài cổng hả?

   Trinh vẫn cười không ra tiếng, lắc lắc đầu hất lọn tóc nặng ra sau, nói nhỏ như có lỗi:

   - Xe sáng nay anh Toàn đi sớm.

   - Thế đi bộ xuống đây à?

   Trinh không trả lời, chỉ mìm cười gật đầu.

   Tôi giận mình quá, thế mà cứ trách Trinh mãi. Đi bộ thảo nào bây giờ mới đến. Nhà Trinh mãi trên Quảng Bá, xuống đây cũng phải đến năm, sáu cây số, chứ có gần gì.

   Tôi kéo Trinh vào ngồi giữa bạn bè. Trinh mở chiếc lẫy mây nhỏ, thận trọng lấy ra mấy bông hồng vàng. Tất cả đều sửng sốt reo lên. Cái Thanh vội cầm chiếc cốc đi múc nước. Mấy bạn khác cũng xúm lại trầm trồ nhìn ngắm. Trinh lại khẽ nâng lên một cành ổi. Còn nguyên cả lá và lúc lỉu đến năm, sáu quả tròn to, láng bóng. Lại những tiếng xuýt xoa bàn tán. Trinh cười quay sang tôi:

   - Trang còn nhớ chùm ổi này không? Không à? Quả của cây ổi găng góc ao đấy thôi!

   Tôi "à" lên một tiếng, mi mắt bỗng nong nóng và sống mũi cay xộc. Tôi nhớ ra rồi. Lâu lắm, từ mấy tháng trước, lúc ổi đang ra hoa, tôi có lên nhà Trinh chơi. Tinh dẫn tôi vào vườn, đến góc bờ ao, Trinh nói nhỏ, vẻ bí mật:

   - Trang! Trang! Lại đây tớ cho xem cái này, hay lắm!

   Trinh lom khom, luồn qua những cành ổi la đà gần sát mặt đất, rẽ lối cho tôi luồn theo. Đến góc ao, Trinh vít một cành ổi xa nhất, thích thú chỉ cho tôi xem một chùm hoa trắng muốt. Trinh thì thào:

   - Cậu xem có thích không? Cả chùm mọc sát nhau nhé! Cây ổi này là giống ổi găng ngon nhất vườn đấy. Quả to, cùi dày, ăn giòn và thơm chẳng kém gì lê. Tớ phát hiện ra chùm hoa này, tuyệt không? Một, hai, ba,... sáu, bảy, tám... phải hơn chục hoa là ít. Mà lại nở chụm vào một đầu cành mới thích chứ!

   Thấy tôi chăm chú nhìn cành hoa ổi, Trinh nói tiếp:

   - Tớ đang có một "âm mưu" này, Trang ạ. Rất thú vị nhé!

   Tôi gặng hỏi mãi, Trinh cũng không chịu nói. Trinh bảo chưa muốn nói bây giờ vì muốn dành cho tôi một sự bất ngờ. Và bây giờ thì chùm ổi đã chín vàng trên hai bàn tay tôi. Nâng chùm ổi trên tay, giọng tôi run run:

   - Cái "âm mưu" Trinh nói dạo ấy là chuyện này đây phải không?

   Trinh vẫn lặng lẽ mỉm cười, chỉ gật đầu không nói.

   Cảm ơn Trinh quá. Muốn quà sinh nhật Trinh mang đến cho mình mới quý giá làm sao! Nó không phải là món quà mua vội vàng trên vỉa hè, trong cửa hiệu, chỉ cốt bỏ tiền ra mua là được, mà nó là cả một tấm lòng trân trọng của Trinh; Trinh đã ấp ủ, nâng niu, hằng nghĩ đến suốt bao ngày nay. Trinh đã săn sóc chùm ổi ấy, để mắt đến nó, từ khi nó chỉ mới là những chiếc nụ nhỏ xíu, rồi nở hoa, rồi kết quả. Trinh đã mong ngày, mong đêm, tìm nọi cách giữ chùm quả ấy lại nguyên vẹn để hôm nay có được chùm quả vàng tươi thơm mát này...

(Theo Trần Hoài Dương, Những ngôi sao trong mưa)

Yêu cầu:

a) Bài văn trên có thể chia làm ba phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Hãy chỉ ra ba phần đó và nêu nội dung khái quát của mỗi phần.

b) Lần lượt tìm và chỉ ra các yếu tố sau:

- Bài văn kể về việc gì? Ai là người kể chuyện (ở ngôi thứ mấy)?

- Câu chuyện xảy ra ở đâu? Vào lúc nào? Trong hoàn cảnh nào?

- Chuyện xảy ra với ai? Có những nhân vật nào? Ai là nhân vật chính? Tính cách của mỗi nhân vật ra sao?

- Câu chuyện diễn ra như thế nào? 

- Các yếu tố miêu tả, biểu cảm được kết hợp và thể hiện ở những chỗ nào trong truyện? Nêu tác dụng của những yếu tố miêu tả và biểu cảm này.

c) Những nội dung nêu ở ý (b) được tác giả kể theo trình tự nào? 

Trả lời:

a) Bài văn trên có thể chia làm ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài.

- Mở bài: Từ đầu đến "bao nhiêu thứ bày la liệt trên bàn”. Kể và tả lại quang cảnh chung của buổi sinh nhật.

- Thân bài: Từ “Vui thì vui thật” đến “Trinh vẫn lặng lẽ cười, chỉ gật đầu không nói”: Kể về món quà sinh nhật độc đáo của người bạn.

- Kết bài: Từ “Cảm ơn Trinh quá” đến “đến hôm nay có được chùm quả Làng tươi thơm mát này...”: Cảm nghĩ của người bạn về món quà sinh nhật.

b) - Bài văn kể về ngày sinh nhật của Trang, về món quà độc đáo của Trinh. Người kể là Trang ở ngôi thứ nhất.

   - Câu chuyện xảy ra ở nhà Trang vào buổi sinh nhật, khi mọi người đều đến mừng sinh nhật Trang, chỉ có thiếu Trinh là người bạn thân.

   - Chuyện xảy ra với các nhân vật: Trang, Thanh, anh Toàn, Trinh, các bạn Trang, Trinh là nhân vật chính.

   - Câu chuyện diễn ra: bắt đầu từ buổi sinh nhật, từ chuyện Trinh mãi chưa tới khiến Trang trách móc và lo lắng. Đỉnh điểm của câu chuyện ở việc Trinh đến mang theo món quà độc đáo, và Trang nhận ra “âm mưu” mà Trinh từng nói. Sự bất ngờ nằm ở kỉ niệm đẹp của Trang và Trinh trong vườn ổi.

   - Yếu tố miêu tả và biểu cảm kết hợp khi tả người ra vào tấp nập, tả chiếc bình hoa, cành ổi, chùm quả, trong câu trách của Trang, cảm giác Trang khi nhớ lại kỉ niệm.

c)  Những nội dung của ý (b) được tác giả kể theo trình tự thời gian của buổi sinh nhật và sự hồi tưởng đưa trở ngược quá khứ.

@248683@

2. Dàn ý của một bài văn tự sự

a) Mở bài

Thường giới thiệu sự vật, nhân vật và tình huống xảy ra câu chuyện. (Cũng có khi nêu kết quả của sự việc, số phận của nhân vật trước).

b) Thân bài

Kể lại diễn biến câu chuyện theo một trình tự nhất định. (Trả lời các câu hỏi: Câu chuyện đã diễn ra ở đâu? Khi nào? Với ai? Như thế nào?...)

Trong khi kể, người viết thường kết hợp miêu tả sự việc, con người và thể hiện tình cảm, thái độ của mình trước sự việc và con người được miêu tả.

c) Kết bài

Thường nêu kết cục và cảm nghĩ của người trong cuộc (người kể chuyện hay một nhân vật nào đó).

@248845@

II. Ghi nhớ

Dàn ý của bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm chủ yếu vẫn là dàn ý của bài văn tự sự có bố cục là ba phần. (Mở bài, Thân bài và Kết bài). Tuy vậy, trong từng phần, cần đưa vào các nội dung miêu tả và biểu cảm để dàn ý được hoàn chỉnh hơn. 

@248940@