Bài 9: Thổ nhưỡng Việt Nam

Nội dung lý thuyết

I. Tính chất nhiệt đới gió mùa của lớp phủ thổ nhưỡng

- Lớp phủ thổ nhưỡng của Việt Nam phản ánh tính chất nhiệt đới gió mùa.

- Quá trình fe-ra-lit là quá trình hình thành đất đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, tạo ra những đất fe-ra-lit điển hình.

- Nhiệt độ cao và độ ẩm lớn ở Việt Nam thúc đẩy quá trình xói mòn - rửa trôi, tạo ra đất phù sa ở các đồng bằng và ven sông suối.

- Quá trình xói mòn - rửa trôi đã làm cho đất bị thoái hoá nhanh, tầng đất mỏng, mất khả năng canh tác tại các khu vực đồi núi, chuyển tiếp giữa gò đồi và đồng bằng.

- Quá trình rửa trôi và hoạt động canh tác không hợp lí của con người đã làm cho đất bị bạc màu ở các vùng đồng bằng.

- Ở các vùng trũng do nước bị ứ đọng, hình thành loại đất glây, rất khó cho việc sản xuất.

II. Các nhóm đất chính

Nước ta có ba nhóm đất chính là: nhóm đất fe-ra-lit, nhóm đất phù sa và nhóm đất mùn núi cao. Mỗi nhóm đất được chia thành các loại đất khác nhau.

1. Nhóm đất fe-ra-lit

- Đặc điểm: Đất fe-ra-lit chứa nhiều ô-xit sắt và ô-xit nhôm, có màu đỏ vàng, chua, nghèo mùn và thoáng khí. Mỗi loại đất fe-ra-lit có đặc điểm khác nhau, phụ thuộc vào thành phần đá mẹ. Đất fe-ra-lit hình thành trên đá ba-dan và đất fe-ra-lit hình thành trên đá vôi có tầng đất dày, giàu mùn, ít chua và có độ phì cao.

- Phân bố: Nhóm đất fe-ra-lit chiếm khoảng 65% diện tích tự nhiên của cả nước, phân bố chủ yếu trên địa hình đồi núi thấp. Đất fe-ra-lit hình thành trên đá ba-dan phân bố tập trung ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ; đất fe-ra-lit hình thành trên đá vôi phân bố chủ yếu ở Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ.

- Giá trị sử dụng: Đất fe-ra-lit thích hợp cho trồng cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả. Ngoài ra, còn được sử dụng để trồng cây lương thực và hoa. Đất fe-ra-lit cũng được sử dụng để trồng rừng lấy gỗ và các loại cây dược liệu.

- Mô hình nông-lâm kết hợp được phát triển trên các loại đất fe-ra-lit ở vùng đồi núi thấp, với sự đan xen của các loại cây nông nghiệp và rừng.

Nhóm đất fe-ra-lit

2. Nhóm đất phù sa

- Đặc điểm: Nhóm đất phù sa được hình thành ở nơi địa hình thấp, trũng do quá trình bồi tụ các vật liệu mịn từ sông, biển. Đất phù sa có đặc tính tơi xốp, ít chua, giàu dinh dưỡng, nhưng các loại đất phù sa khác nhau có đặc điểm riêng.

- Phân bố: Nhóm đất phù sa chiếm khoảng 24% diện tích đất tự nhiên của cả nước, phân bố chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và các đồng bằng duyên hải miền Trung, nhưng cụ thể phân bố khác nhau tùy vào địa điểm.

- Giá trị sử dụng: Mỗi loại đất phù sa có giá trị sử dụng khác nhau trong nông nghiệp. 

+ Ở đồng bằng sông Hồng: Đất phù sa được sử dụng để trồng cây lương thực và cây ăn quả có giá trị kinh tế. Phần diện tích đất phù sa bị nhiễm phèn, nhiễm mặn ven biển được cải tạo để trồng cói và phát triển rừng ngập mặn.

+ Ở các đồng bằng ven biển miền Trung: Đất cát biển được sử dụng để trồng cây công nghiệp hàng năm. Đã sử dụng hiệu quả hơn bằng việc lựa chọn giống cây trồng và các biện pháp canh tác phù hợp.

+ Ở đồng bằng sông Cửu Long: Đất phèn đã được cải tạo để trồng lúa và các loại cây ăn quả chịu phèn tốt. Đất mặn đã được cải tạo để trồng cây ngắn ngày và các loại cây ăn quả, trong đó có giống lúa đặc sản.

- Trong thuỷ sản: Ở các vùng cửa sông, ven biển, đất mặn thuận lợi để phát triển mô hình rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thuỷ sản. Những mô hình này vừa bảo vệ môi trường sinh thái, vừa đem lại giá trị kinh tế cao.

Nhóm đất phù sa

3. Nhóm đất mùn núi cao

- Đặc điểm: Nhóm đất mùn núi cao được hình thành trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm lớn quanh năm, quá trình phong hoá và phân giải các chất hữu cơ chậm, dẫn đến sự giàu mùn và có màu đen, nâu đen.

- Phân bố: Nhóm đất này chiếm 11% diện tích tự nhiên của Việt Nam và phân bố chủ yếu ở vùng núi có độ cao từ 1 600 – 1 700 m trở lên.

bản đồ phân bố các loại đất

III. Tính cấp thiết của vấn đề chống thoái hoá đất

- Việt Nam có khoảng 3/4 diện tích là dồi núi, quá trình thoái hoá đất xảy ra nhanh do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, biến đổi khí hậu, sử dụng đất chưa hợp lý, phá rừng.

- Quá trình thoái hoá đất xảy ra trên nhiều vùng: xói mòn, rửa trôi ở vùng đồi núi; kết von — đá ong ở vùng gò đồi; nghèo kiệt dinh dưỡng, sa mạc hoá, cát lấn ở vùng ven biển; ngập úng, mặn hoá, phèn hoá ở các vùng đồng bằng trũng thấp, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long; ô nhiễm đất do canh tác nông nghiệp và các hoạt động sản xuất.

- Việt Nam có trên 9 triệu ha đất bị thoái hoá, ảnh hưởng đến sản xuất các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và sử dụng tài nguyên đất.

- Để chống thoái hoá đất, cần thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường đất, bao gồm: bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng, canh tác bền vững trên đất dốc, sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng các công trình thuỷ lợi để cung cấp nước ngọt.