Bài 8: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước

a. Trên thế giới 

-Chiến tranh lạnh và cục diện đối đầu Đông - Tây tiếp tục diễn ra ngày càng căng thẳng. Quan hệ giữa các nước lớn có nhiều diễn biến phức tạp.

-Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh vì hoà bình, dân chủ phát triển mạnh.

-Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước Đông Âu đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

b. Ở Việt Nam 

- Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, Việt Nam tạm thời bị phân chia thành hai miền: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, tạo điều kiện cho việc thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của cả nước.

- Ở miền Nam, Mĩ thay Pháp, lập chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt VN, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự ở Đông Nam Á.

2. Các giai đoạn phát triển chính của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước (1954 – 1975)

Giai đoạn

Miền Bắc

Miền Nam

1954 - 1960

- 1954 – 1957: Hoàn thành cải cách ruộng đất, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh

- 1958 – 1960: Cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội

- 1954 – 1958: Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hoà bình, giữ gìn và phát triển lực lượng.

- 1959 – 1960: Tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 của Đảng quyết định để nhân dân miền Nam sử dụng bạo lực cách mạng → bùng nổ phong trào Đồng khởi (1959 – 1960)

→Ý nghĩa:  Phong trào Đồng khởi đã giáng đòn nặng nề vào chính sách thực dân mới của Mĩ, làm lung lay chính quyền Ngô Đình Diệm, chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

→ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20/12/1960)

1961 – 1965

- Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm xây dựng bước đầu cơ sở vật chất – kĩ thuật của CNXH, đẩy mạnh chi viện cho miền Nam

+ Miền Bắc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) nhằm bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội, trọng tâm là phát triển công nghiệp, nông nghiệp, tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường kinh tế quốc doanh, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng, an ninh.

+ Hoạt động chi viện cho miền Nam được đẩy mạnh. Một khối lượng lớn vũ khí, đạn dược, thuốc men được đưa vào chiến trường.

* Chiến tranh đặc biệt (1961-1965):

- Nguyên nhân: hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm bị thất bại.

+ Hình thức: chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới → chia cắt lâu dài VN

+ Lực lượng: quân đội Sài Gòn do cố vấn Mĩ chỉ huy

+ Thủ đoạn: dồn dân lập ấp chiến lược → xương sống của chiến tranh đặc biệt

* Chiến đấu chống chiến lược CTĐB:

- Mặt trận quân sự:

+ Chiến thắng Ấp Bắc (1963): mở ra khả năng đánh bại chiến lược CTĐB

+ Chiến thắng Bình Giã (1964): CTĐB bị phá sản về cơ bản.

+ Chiến thắng An Lão, Ba Gia, Đồng Xoài: CTĐB bị phá sản hoàn toàn.

- Phong trào phá Ấp chiến lược diễn ra mạnh mẽ với quyết tâm “Một tấc không đi một li không rời”. Đến giữa năm 1965, ấp chiến lược - xương sống  của chiến lược Chiến tranh đặc biệt bị phá sản về cơ bản.

- Đấu tranh chính trị: phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng phát triển mạnh. Các cuộc đấu tranh của trí thức, học sinh, sinh viên, tín đồ Phật giáo, “Đội quân tóc dài",… đã góp phần đưa đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm.

 

1965 – 1968

- Vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mĩ vừa sản xuất và thực hiện nghĩa vụ hậu phương

+ Ngày 5-8-1964, sau khi dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, Mĩ cho không quân đánh phá một số địa điểm ở miền Bắc. Từ năm 1965, Mĩ chính thức mở rộng chiến tranh ra miền Bắc lần thứ nhất.

+ Miền Bắc tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhân lực, vật lực từ miền Bắc chuyển vào miền Nam trong 4 năm (1965 - 1968) tăng gấp 10 lần so với giai đoạn trước.

 

* Chiến lược Chiến tranh cục bộ (1965-1968)

- Nguyên nhân: sau thất bại của chiến lược Chiến tranh đặc biệt, Mĩ chuyển sang thực hiện chiến lược Chiến tranh cục bộ.

- Lực lượng: chủ yếu quân Mĩ, kết hợp với quân đồng minh Mĩ và quân đội Sài Gòn.

- Thủ đoạn: mở các cuộc hành quân tìm diệt và bình định, đông thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất

* Chiến đấu chống chiến lưọc CTCB

- Mặt trận quân sự:

+ Chiến thắng Núi Thành, Vạn Tường: mở ra khả năng đánh bại CTCB

+ Chiến thắng trong hai mùa khô 1965 – 1966, 1966 – 1967.

+ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968: làm phá sản CTCB, buộc Mĩ tuyên bố chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc và chấp nhận đàm phán với ta tại Pari.

- Chính trị

+ Ở thành thị, phong trào đấu tranh của công nhân, trí thức, học sinh, sinh viên,... đòi Mĩ rút quân về nước, đòi tự do, dân chủ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

+ Vị thế và uy tín của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế.

- Ngoại giao

+ Đấu tranh ngoại giao chính thức được nâng lên thành một mặt trận (1967).

- Đàm phán chính thức giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đại diện Chính phủ Mĩ diễn ra tại Pa-ri (1968).

 

1969 – 1973

- Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, thực hiện nghĩa vụ hậu phương → trận ĐBP trên không, buộc Mĩ kí HĐ Pa-ri.

+ Trước nguy cơ chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh bị phá sản, từ tháng 4-1972 đến tháng 12-1972, Mĩ tiếp tục gây chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc lần thứ hai.

+ Từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, Mĩ tiến hành cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố ở miền Bắc, nhằm giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc Việt Nam phải kí hiệp định có lợi cho Mĩ.

 + Qua 12 ngày đêm chiến đấu, quân dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52. Thắng lợi này được coi như trận “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mĩ phải tuyên bố ngừng hẳn các hoạt động chống phá miền Bắc và kí Hiệp định Pa-ri (1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

 

* Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh (1969-1973):

- Nguyên nhân: sau khi chiến lược Chiến tranh cục bộ bị phá sản, Mĩ chuyển sang thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh.

- Lực lượng: chủ yếu là quân đội Sài Gòn, có sự phối hợp về hoả lực, không quân, hải quân, hậu cần của Mĩ và do cố vấn Mĩ chỉ huy.

- Thủ đoạn: Mĩ từng bước rút quân về nước nhưng vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn, đồng thời hỗ trợ quân đội Sài Gòn mở các cuộc hành quân sang Cam-pu-chia (1970), tăng cường chiến tranh ở Lào (1971); hoà hoãn, thoả hiệp với Liên Xô và Trung Quốc (1972) → gây khó khăn cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

* Chiến đấu chống chiến lược VN hoá chiến tranh:

- Mặt trận quân sự:

+ Đánh bại cuộc hành quân xâm lược Cam-pu-chia (1970).

+ Đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Đường 9 – Nam Lào (1971).

+ Chiến dịch Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng thắng lợi (1972).

+ Cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 đã chọc thủng 3 phòng tuyến mạnh nhất của quân đội Sài Gòn ở Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, buộc Mĩ phải tuyên bố "Mĩ hoá" trở lại chiến tranh (tức thừa nhận sự thất bại của chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh).

- Chính trị:

+ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam VN ra đời (6/1969).

+ Hội nghị cấp cao ba nước Đông Dương biểu thị quyết tâm đoàn kết chiến đấu chống Mĩ (4/1970)

- Ngoại giao:

+ Hiệp định Pari được kí kết (1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở VN.

1973 - 1975

Khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hậu phương

- Đấu tranh chống bình định – lấn chiếm, tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

          Từ tháng 3-1973, chính quyền Sài Gòn tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, mở các cuộc hành quân “bình định – lấn chiếm” vùng giải phóng. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (7-1973), từ cuối năm 1973, quân dân miền Nam tiến hành các cuộc đấu tranh chống “bình định - lấn chiếm”, đồng thời chủ động mở một số cuộc tiến công để mở rộng vùng giải phóng.

            Cuối năm 1974, đầu năm 1975, quân dân miền Nam mở đợt hoạt động quân sự ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, giành thắng lợi quan trọng ở Đường 14 - Phước Long (6-1-1975).

            Chiến thắng Đường 14 – Phước Long thể hiện sự lớn mạnh và khả năng thắng lợi của Quân Giải phóng, đồng thời cho thấy sự suy yếu, bất lực của quân đội Sài Gòn và khả năng can thiệp trở lại của Mĩ là rất hạn chế. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bổ sung, hoàn chỉnh kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 và 1976, đồng thời chỉ rõ: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

            Từ tháng 3-1975, quân dân miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trải qua ba chiến dịch lớn: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Hồ Chí Minh.

Chiến dịch

Tây Nguyên

(4-3 đến 24-3-1975)

Quân Giải phóng giành thắng lợi trong trận then chốt Buôn Ma Thuột, khiến hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển rồi sụp đổ. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước từ tiến công chiến lược sang tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

Chiến dịch Huế – Đà Nẵng

(21-3 đến 29-3-1975)

mở ra khả năng giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975.

Chiến dịch

Hồ Chí Minh

(26-4 đến 30-4-1975)

 

Quân Giải phóng tấn công, giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Trưa ngày 30–4-1975, tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn là Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

 

   Sau khi giải phóng Sài Gòn, lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại ở miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy. Đến ngày 2-5-1975, toàn bộ miền Nam cùng các đảo và quần đảo hoàn toàn được giải phóng.

 

CÁC CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH CỦA MĨ (1961 – 1973)

1. Giống nhau:

- Cả 3 chiến lược đều là loại hình chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mĩ nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ.

- Chiến lược chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh đều sử dụng quân Sài Gòn là chủ yếu dưới sự chỉ huy của cố vấn Mĩ.

- Chiến lược chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh đều có mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc.

2. Khác nhau:

 

Chiến tranh đặc biệt

1961 - 1965

Chiến tranh cục bộ

1965 - 1968

Việt Nam hoá chiến tranh 1969 - 1973

TT Mĩ

Kennedy và Johnson

Johnson

Nixon

Âm mưu

- Tiến hành chủ yếu bằng quân Sài Gòn, dưới sự chỉ huy của cố vấn Mĩ, vũ khí, phương tiện chiến tranh Mĩ

 - Âm mưu cơ bản là “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”

 

- Tiến hành bằng lực lượng chủ yếu là quân viễn chinh Mĩ, phối hợp với quân đồng minh và quân Sài Gòn. nhằm “tìm diệt” và “bình định” vào vùng căn cứ kháng chiến

- Tiến hành bằng quân đội Sài Gòn là chủ yếu, có sự phối hợp của hỏa lực và không quân Mĩ, vẫn do Mĩ chỉ huy bằng hệ thống cố vấn. Thực chất là quay trở lại âm mưu “Dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam” để giảm xương máu người Mĩ trên chiến trường.

Thủ đoạn

- Đề ra kế hoạch Staley – Taylor: bình định miền Nam trong 18 tháng.

- Dồn dân lập “Ấp chiến lược”, sử dụng chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”.

- Hành quân càn quét tiêu diệt  cách mạng, phá hoại miền Bắc, phong tỏa biên giới, vùng biển, ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

- Với ưu thế về quân sự, Mĩ mở cuộc hành quân “tìm, diệt” vào Vạn Tường và 2 cuộc phản công 2 mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 nhằm “tìm diệt” và “bình định” vào căn cứ kháng chiến.

- Quân Sài Gòn được sử dụng như lực lượng xung kích, mở rộng xâm lược Campuchia và Lào, thực hiện âm mưu “Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”.

- Thỏa hiệp với Trung Quốc, hòa hoãn với Liên Xô, hạn chế sự giúp đỡ của càc nước nầy đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta

Phạm vi

miền Nam

cả hai miền Nam Bắc.

Tiến hành ở hai miền Nam Bắc, mở rộng xâm lược Campuchia và Lào, âm mưu “Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương”.

Quốc sách

Ấp chiến lược

Tìm diệt

Bình định

Miền Nam chiến đấu

- 02/01/1963, ta thắng lớn ở Ấp Bắc (Mĩ Tho) → phong trào “thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” => chứng minh ta có khả năng đánh bại Chiến tranh đặc biệt của Mĩ.

- Đông – Xuân 1964 – 1965, ta thắng lớn ở trận Bình Giã (12/1964), đánh bại chiến lược “trực thăng vận” và “thiết xa vận”. Sau đó, ta tiếp tục giành thắng lợi ở An Lão, Ba Gia, Đồng Xoài.., làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ.

- Trận Vạn Tường (08/1965): được coi là “Ấp Bắc” đối với Mĩ, mở đầu cao trào “tìm Mĩ đánh, lùng ngụy diệt” trên khắp miền Nam.

- Cuộc tấn công 2 mùa khô: 1965 – 1966 và  1966 - 1967

- Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

 

- Ta chiến đấu trên chiến trường và trên bàn đàm phán chống lại cuộc chiến tranh toàn diện trên toàn Đông Dương.

- 6/6/1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập,

- 04/1970: Hội nghị cấp cao 3 nước Đông Dương quyết tâm đoàn kết chống Mĩ.

- Cuộc Tiến công chiến lược 1972

 

Chiến thắng quyết định

Trận Bình Giã (12/1964).

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Cuộc Tiến công chiến lược 1972

Ý nghĩa

Là thất bại có tính chiến lược của Mĩ, buộc Mĩ phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (tức thừa nhận sự thất bại của chiến tranh đặc biệt).

- Làm lung lay ý chí xâm lược của Mĩ.

- Buộc Mĩ phải tuyên bố “phi Mĩ hoá” chiến tranh và chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đến bàn đàm phán với ta tại Paris.

- Giáng đòn mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa” chiến tranh.

- Buộc Mĩ phải tuyên bố “Mĩ hóa” trở lại cuộc chiến tranh (tức thừa nhận sự thất bại của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh).

 3. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI, Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ (1954 - 1975)

a. Nguyên nhân thắng lợi

Nguyên nhân

chủ quan

 

Sự lãnh đạo với đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Truyền thống yêu nước, đoàn kết, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm của nhân dân Việt Nam ở cả hai miền Nam, Bắc.

Vai trò to lớn của hậu phương miền Bắc, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đầu ở hai miền.

Nguyên nhân khách quan

 

Tinh thần đoàn kết, sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau của ba nước Đông Dương.

Sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các lực lượng tiến bộ, hoà bình, dân chủ và các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô.

Phong trào nhân dân Mĩ và nhân dân tiến bộ trên thế giới phản đối cuộc chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam.

b. Ý nghĩa lịch sử

- Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước thắng lợi đã kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mĩ, 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

 - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước cũng đã chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân – đế quốc ở Việt Nam, trên cơ sở đó hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.

- Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đã mở ra kỉ nguyên mới của Việt Nam: kỉ nguyên đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến tình hình nước Mĩ và thế giới, đồng thời là nguồn cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh vì hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội của nhân dân trên thế giới nửa sau thế kỉ XX.